Chương 38: Đánh đêm

Đại Đế Châu Á

Chương 38: Đánh đêm

Chương 38: Đánh đêm

Trừ một ngàn năm trăm binh lính cho cuộc bao vây tập kích lần này, Ưng Lịch còn mang theo bảy trăm con trâu cùng hai trăm giàn nỏ bắn lựu đạn. Loại nỏ này có thân nỏ dài một mét sáu và cánh cung dài đến mét tám, dây nỏ làm bằng gân bò được gia cố đặc biệt, thân nỏ và cánh cung có thể tháo ra lắp lại để tiện cho việc di chuyển. Cấu tạo của nó giống như loại nỏ cũ mà đám lính cứu hộ sử dụng hồi năm ngoái nhưng phần thân không dùng để bắn tên mà để phóng những quả lựu đạn đặc chế, ngoài ra phần cánh cung còn được gia cố thêm bằng thép và lò xo để tăng lực bắn. Loại lựu đạn này có thời gian cháy chậm đến mười hai giây, nhồi ba trăm năm mươi gam thuốc nổ với lớp vỏ phân mảnh làm bằng gang nặng khoảng tám trăm năm mươi gam. Loại nỏ này có thể bắn lựu đạn ra khoảng cách đến sáu trăm mét với tốc độ bắn sáu đến tám phát một phút. So với pháo, nó bắn nhanh gấp đôi nhưng thua kém xa về độ chính xác, sức công phá và tầm bắn. Tuy nhiên, nó cũng có một vài ưu điểm vượt trội như sau:
- Chỉ cần một tổ hai đến ba người để vận hành một giàn nỏ này trong khi pháo 75 ly cần kíp chiến đấu đến bốn người.
- Toàn bộ hệ thống nỏ chỉ nặng khoảng hai mươi kg, đủ cho một binh sĩ tháo ra mang vác dễ dàng. Với số lượng xe đạp cực lớn, việc vận chuyển đạn dược cũng rất đơn giản.
- Giá thành chế tạo hàng loạt loại nỏ này cũng khá thấp. Trừ hệ thống cò nỏ ra, cấu tạo các bộ phận khác cực kỳ đơn giản, các xưởng mộc bình thường cũng dễ làm được.
- Âm thanh bắn đạn rất nhỏ, nếu chiến đấu trong đêm tối thì kẻ địch khó lòng mà phát hiện được phương hướng tấn công.
- Thuốc nổ lựu đạn chỉ nhồi loại NaClO3 có giá thành sản xuất cực rẻ, so với thuốc nhồi và thuốc phóng đạn pháo phải dùng diêm tiêu(KNO3) nhập khẩu hoặc chiết xuất từ phân súc vật có giá đắt hơn nhiều.
Trong những điều kiện trên, điều cuối cùng có lẽ là quan trọng nhất, natri clorat chỉ cần điện phân nước muối nóng là có, trộn thêm bột than, bột gỗ uy lực cũng chẳng kém thuốc nổ đen, có chăng chỉ cần trộn thêm một ít chất chống ẩm là được. Nhờ vào những ưu điểm đó Ưng Lịch đã cho sản xuất hàng loạt loại nỏ này. Mỗi đại đội sẽ có một tổ yểm trợ hỏa lực với sáu hoặc bảy giàn nỏ bắn lựu đạn với cơ số 40 đạn một nỏ. Hỗ trợ cho mỗi chiếc nỏ là một chiếc xe đạp thồ phòng trường hợp bắn hết đạn sẽ có xe chở đạn tiếp tế lên.
Địa hình mục tiêu cần triệt hạ của trận chiến này nằm trong một thung lũng, giữa hai quả đồi, cách sông Đăk Bla năm trăm mét. Đám lính Pháp đóng trại ngay trên đường đi vào ngôi làng, xung quanh là rừng rậm um tùm. Địa thế chỗ này bằng phẳng, dài nhưng hơi hẹp. Sau khi nhìn trên sa bàn do lính trinh sát dựng lại cùng tham khảo ý kiến Ông Ích Khiêm cùng các sĩ quan chỉ huy, Ưng Lịch quyết định sử dụng kế trâu lửa(Hỏa ngưu trận). Trong lịch sử, nó đã nhiều lần được dùng bởi các danh tướng từ Trung Hoa đến Đại Việt. Điển hình của chiến thuật Hỏa ngưu trận ở nước Việt đã được sử sách ghi nhận là trận Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây của quân chúa Trịnh ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Trong một trận đánh không cân sức, nghĩa quân của Quận He(Nguyễn Hữu Cầu) đã bị quân Trịnh bao vây bốn phía, gần như không còn đường thoát. Quân Trịnh tin chắc sẽ bắt được Nguyễn Hữu Cầu nên đã bắc loa dụ hàng nghĩa quân. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Hữu Cầu đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng để thực hiện Hỏa ngưu trận. Ông cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng và hai bên sườn từng con trâu. Sau đó, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt. Đàn "trâu lửa" điên cuồng vì nóng lao thẳng vào nơi tợp hợp của quân Trịnh, húc và dẫm đạp dữ dội làm đội quân này rối loạn. Nhân đó, Nguyễn Hữu Cầu tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ… Sau này hàng năm dân Hải Phòng vẫn tổ chức chọi trâu để tưởng nhớ đến người anh hùng và trận chiến kì lạ này.
Theo kế hoạch của Ưng Lịch, một trăm xạ thủ bắn tỉa sẽ nấp trên hai vách núi, bắn hạ bất cứ kẻ nào không phải quân ta. Để tránh nhầm lẫn, lực lượng đột kích sẽ là lính cận vệ đi trước, lính đặc công theo sau, tất cả đều đội mũ vải tai bèo. Đặc công sẽ bí mật đặt thuốc nổ đánh sập cổng làng cùng một đoạn tường gỗ xung quanh, sau đó hai trăm giàn nỏ thực hiện pháo kích vào đó và chỗ đám lính Pháp đóng trại. Sau ba loạt pháo kích, bảy trăm con trâu được lấy từ đoàn dân phu sẽ xông thẳng vào, càn nát địa hình và che chở cho bộ đội xung phong. Nếu lực lượng đặc công và cận vệ chưa dứt điểm được quân địch trong buổi tối thì đợi đến khi mặt trời mọc, các đại đội bộ binh của trung đoàn bốn sẽ trực tiếp tham chiến và quét sạch những thứ còn lại.
Sau bữa ăn tối, một ngàn năm trăm con người ai cũng bận rộn cả. Các đơn vị đột kích cùng hỏa lực thì đi ngủ sớm, đợi đến canh ba thì thức dậy để chuẩn bị tấn công kẻ địch. Đám trinh sát cùng bắn tỉa thì bí mật leo lên sườn núi tìm chỗ núp, đám đặc công thì lặng lẽ đặt bom vào những địa điểm cần phá hủy. Một nghìn lính bộ binh trung đoàn bốn thì lo chuẩn bị cho những con trâu như buộc đuốc, dắt trâu… Khi mọi việc đã chuẩn bị đâu vào đó rồi Ưng Lịch lúc này cũng tranh thủ ngủ một giấc, nói cho cùng cái cơ thể bốn tuổi này khó lòng mà chống lại cơn buồn ngủ được. Trước lúc thiếp đi hắn còn dặn Erika cùng Cao Thắng đến canh ba thì gọi mình dậy. Ông Ích Khiêm thì xin gia nhập vào đơn vị đột kích tuyến đầu, lão quyết dùng máu đám người Pháp để rửa mối nhục thua trận mấy hôm trước đó. Trái ngược với cảnh tất bật ngoài khu rừng thì trong ngôi làng kia, đám lính Pháp, lũ linh mục cùng giáo dân vẫn ngủ ngon lành, không ai biết tử thần đang chuẩn bị ập xuống đầu chúng.
Canh ba đã điểm, Ưng Lịch nhỏm dậy ngay lập tức sau tiếng đánh thức từ vệ sĩ của mình. Binh sĩ xung quanh cũng lần lượt thức giấc để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Họ lau chùi súng ống đạn dược, lần lượt đi vào vị trí mai phục. Mỗi người được cấp một chén rượu để uống cho nóng người. Tổ đặt bom cũng đã hoàn thành việc cài thuốc nổ ở cổng làng. Chiếc cổng bị cài tới năm mươi cân thuốc nổ loại mạnh, các đoạn tường thì cứ một mét chịu năm cân. Kíp nổ dùng loại kíp điện nối với một bình ắc quy loại tự chế giống thời hiện đại. Dây điện làm bằng sợi đồng được bọc trong vải, kéo dài tám trăm mét đến tận chỗ Ưng Lịch đang đứng.
Đám bắn tỉa lúc này cũng đã được lính trinh sát đánh thức dậy tại chỗ nấp của từng người. Họ kiểm tra, lau chùi khẩu súng đặc chế của mình giống như chăm một đứa con ruột vậy. Những khẩu súng này có cỡ đạn đến mười lăm ly, dùng loại đạn chóp nhọn kiểu spitzer bullet. Hình dáng viên đạn và đầu đạn được copy lại từ đạn súng bắn tỉa hiện đại, thuốc đạn cũng là loại thuốc không khói chế từ nitrocellulose và dinitro toluene. Chi phí chế tạo một khẩu súng bắn tỉa này đắt gấp năm lần một khẩu STV 01, đạn dùng cho nó thậm chí còn có giá gấp tám lần. Hai thứ kia được hắn nhờ đám người Nhật đặt mua nguyên liệu chế tạo sau đó điều chế lại để tạo ra loại thuốc súng không khói đầu tiên của người Việt. Chi phí làm ra một cân thuốc súng không khói đắt gấp cả chục lần loại thuốc nổ đen thông thường nên lúc này vẫn chỉ dành riêng cho đạn của súng bắn tỉa.
Bù lại việc đó, độ chính xác, tầm bắn, uy lực của khẩu súng này có thể nói là tốt nhất thế giới hiện tại. Một viên đạn mười lăm ly có thể đục một cái lỗ to tướng xuyên qua người nếu bắn vào thân, nếu chân tay bị trúng đạn thì còn đứt rời ra nữa. Một xạ thủ giỏi có thể dùng nó để hạ mục tiêu ở khoảng cách đến một ngàn năm trăm mét. Với cự li chỉ dưới một cây số từ triền núi nhìn xuống ngôi làng, bất cứ kẻ địch nào cũng khó lòng thoát khỏi những gã "thợ săn" khủng khiếp này của Ưng Lịch.
Sau khi kiểm tra lau chùi súng ống xong, cả đám bắt đầu nín thở chờ đợi hiệu lệnh tiến công. Hơn bốn trăm người thuộc lực lượng đặc nhiệm đều được Ưng Lịch thông báo trước toàn bộ kế hoạch của trận đánh lần này để tránh tình trạng quân mình bắn nhầm quân ta. Trong lịch sử, có nhiều trận đánh trong đêm đã xảy ra tình trạng đó.(Vụ bắn nhầm nổi tiếng gần đây nhất là trận Chancellorsville trong nội chiến Mỹ khi quân đoàn của Stonewall Jackson tiến hành cuộc hành quân bọc sườn đánh tan quân đoàn XI của miền Bắc. Trong lúc đang tiến hành trinh sát phía trước trận tuyến, do trời tối Jackson đã bị thương bởi hỏa lực của chính quân mình. Ông ta đã chết tám ngày sau đó)
Sau nửa canh giờ, toàn bộ một ngàn năm trăm binh sĩ đã sẵn sàng xung trận. Mọi người chỉ chờ đợi hiệu lệnh nổ cổng từ Ưng Lịch để đàn trâu xông vào. Ưng Lịch gật đầu với người lính giữ kíp nổ, hắn đặt tay lên chiếc cần gạt được anh chàng kia mang tới. Mọi người xung quanh nín thở khi hai bàn tay bé nhỏ kia từ từ đóng chiếc cần gạt xuống. Một tiếng nổ khủng khiếp vang lên, cái cổng làng cùng bức tường quanh nó làm bằng gỗ cổ thụ hai người ôm bây giờ vỡ vụn ra. Người trong làng cùng đám lính Pháp choàng tỉnh bởi âm thanh kinh khủng kia.
Trong khu rừng, từ khoảng cách bốn trăm mét, bỗng có hàng loạt vật thể đen ngòm bay ra, rơi xuống trại lính Pháp. Ba giây sau khi chúng chạm đất, liên tục có những tiếng nổ lớn phát ra. Hàng chục gã người Tây đen, Tây trắng bị tan xác ngay khi vừa choàng dậy. Thấy thảm cảnh đấy, mấy tên chỉ huy hét to: " Pháo kích, pháo kích! Nấp mau". Đám lính này cũng rất tinh nhuệ, sau vài chục giây đầu nao núng, chúng bèn nấp dưới đống ba lô mang theo hoặc cả dưới xác đồng đội mình đã chết trận nữa. Có mấy tên nhanh chân lao về phía cổng làng nhưng chưa chạy nổi vài bước đã bị lính bắn tỉa hạ gục. Những viên đạn nhọn bắn ra với tốc độ tới hơn 800 mét một giây đục một lỗ to đến ba ngón tay xuyên qua người hoặc găm nát đầu chúng như một quả dưa hấu bị đập vỡ.
Lúc này trong làng, một số ngôi nhà đã bị bắt lửa, đám giáo dân loạn hết lên lao ra ngoài chữa cháy; một số kẻ cầm súng đi theo tay linh mục Sáu Lèo ra ngoài cổng làng xem có chuyện gì. Khi bọn chúng còn đang ngơ ngác thì có nhiều tiếng súng chát chúa vang lên, những tên mang vũ khí đều bị bắn gục. Trước khi hành động, Ưng Lịch đã dặn đám lính bắn tỉa hạ hết những kẻ cầm vũ khí mà không phải quân ta. Đám lính Pháp là ưu tiên số một, những kẻ cầm súng số hai, sau đó là những tên cầm dao kiếm. Lão Sáu Lèo may mắn không mang vũ khí nên được đám lính bắn tỉa bỏ sót. Lão nhanh chân núp tạm vào một căn nhà dân, mặt tái mét vì sợ hãi.
Sau ba lượt bắn lựu đạn, Ưng Lịch ra lệnh cho đội hỏa lực tạm ngừng bắn. Năm trăm trong số bảy trăm con trâu được thả ra, sừng và đuôi mỗi con được gắn một cây đuốc. Bị lửa đốt mông, chúng lồng lên lao về phía trước với tốc độ lên đến bốn mươi cây số một giờ. Đám lính Pháp trong trại còn sống nghe thấy im ắng tiếng nổ bắt đầu xách súng chạy ra ngoài xem xét tình hình thì nhìn được hàng trăm con trâu đen trùi trũi, mang đuốc trên sừng phi nước đại về phía mình. Chúng vội vàng hét to: "Trâu điên! Chạy mau". Mặc kệ làn đạn từ đám bắn tỉa đang xả xuống ồ ạt, năm chục tên còn sống chạy hết tốc lực về phía cổng làng, lúc này đã thành một đống gỗ vụn. Dù chúng chạy như với tốc độ có lẽ đạt đến kỷ lục đời mình nhưng loài hai chân sao có thể đọ với giống bốn chân. Thấy đám kia chạy, lũ trâu càng điên cuồng đuổi theo. Bốn mươi tên trong đó không ngã xuống dưới làn đạn bắn tỉa thì bị trâu húc lòi ruột hoặc giẫm nát người. Chỉ có khoảng mười tên chạy được đến trong làng.
Đàn trâu lửa sau khi san bằng chỗ cắm trại của lính Pháp cũng chưa hề dừng lại, chúng tiếp tục điên cuồng lao vào ngôi làng. Chiếc cổng lớn có tác dụng ngăn chặn dã thú đã bị nổ tan xác, chỉ còn một ít gỗ vụn vương vãi cản trở bước tiến của lũ trâu điên kia. Mấy vụn gỗ đó cũng nhanh chóng bị dẫm nát, đàn trâu tràn vào làng điên cuồng lồng lên khắp nơi. Ngọn lửa từ đuốc trên đầu chúng dần dần bén vào những ngôi nhà, hợp thế với những đám cháy nhỏ do lựu đạn phóng vào lúc trước tạo lên một vụ hỏa hoạn lớn. Đám dân làng lúc này không dám núp trong nhà nữa mà ùa ra giẫm đạp lên nhau để chạy trốn trâu điên. Chúng dẫm đạp cả lên nhau để mong thoát khỏi cái địa ngục khủng khiếp này. Nhìn vào ánh lửa bốc lên tận trời, Ưng Lịch ra lệnh cho đội đột kích tiến vào thu dọn chiến trường. Ông Ích Khiêm cùng một trăm lính cận vệ bắt đầu xách súng xung phong.