Chương 34: Cao thủ
Năm giờ sau, Hùng- đại đội trưởng đại đội trinh sát đến trước mặt Ưng Lịch báo cáo:
- Thưa tổng tư lệnh, đã tìm thấy hang ổ bọn cướp!
- Các anh có bị chúng phát hiện không?
- Thưa không ạ! Chúng ta đánh luôn chứ?
- Cứ bình tĩnh đã. Trong ổ cướp này có bao nhiêu người?
Lúc này, Hùng bắt đầu tỏ vẻ ngần ngại. Hồng Cai thấy vậy liền hỏi hắn:
- Có chuyện gì mà phải ngập ngừng thế?
Gã đại đội trưởng hít sâu một hơi rồi bắt đầu nói:
- Thưa Vương gia, thưa tổng tư lệnh, trong trại có khoảng năm trăm người. Một phần tư số đó là đàn ông trưởng thành, phụ nữ có hai trăm người, còn lại là người già và trẻ nhỏ! Hình như trong đó đang có bệnh dịch.
- Có biết là bệnh gì không?
- Thưa, do không xâm nhập sâu lên chưa rõ loại bệnh ạ.
- Thôi, bảo đại đội đặc công vào vị trí đi, đến canh tư thì công trại cho ta. Lấy bắt sống làm chủ, những tên nào cầm vũ khí cho phép các anh bắn gục. – Ưng Lịch ra lệnh.
- Rõ thưa tổng tư lệnh.
Hơn một trăm lính đặc công bắt đầu theo hướng dẫn của lính trinh sát đến nơi ém quân. Mỗi người lính bỏ gói cơm nắm cùng con cá khô vừa nướng lại ra ăn bữa tối. Ăn xong họ mở ống tre ra uống một ngụm nước rồi bắt đầu nằm xuống đánh một giấc lấy sức chuẩn bị cho trận công trại vào lúc tờ mờ sáng. Mấy người lính trinh sát cũng làm tương tự như vậy, họ là tuyến hai yểm trợ cho mũi đặc công đánh trại. Ưng Lịch đi theo bọn họ để quan sát cùng sẵn sàng chi viện nếu cần thiết.
Gần hết canh ba, khi mọi người trong trại đang say giấc nồng, mấy tên thổ phỉ trên chòi canh díp cả mắt lại, chúng không biết tử thần đang tới gần mình. Trong màn đêm đen như mực, sáu người lính đặc công trườn sát mặt đất kéo theo hai thân tre, mỗi cái dài đến sáu mét. Họ từ từ tiếp cận hai cái chòi canh từng chút một, không phát ra âm thanh nào. Khi còn cách chòi canh một mét người đi trước đập tay ba phát làm hiệu vào thân cây tre, hai người đi sau liền phát lực giúp anh ta bám đầu cây tre để dùng chân chạy thẳng lên nóc chòi canh. Hai tên canh gác thấy động, định hét lên báo nguy cho đồng bọn thì đã bị lưỡi dao găm thọc lủng cổ họng. Quá trình hành động diễn ra chưa đến ba giây đồng hồ. Những người lính đặc công khác leo qua thân tre, bí mật đột nhập vào trong trại. Mấy tên canh cổng trại bị họ cắt cổ trong ngay lập tức. Cánh cổng trại bị mở ra báo động cho đám người bên trong, chúng bắt đầu hò hét tập hợp nhau để chống lại kẻ đến xâm lấn. Đợi quân địch tụm lại tới gần ội đặc công liền ném lựu đạn và bắn súng xối xả. Tiếng nổ ầm ầm cùng những mảnh văng sát thương khủng khiếp khiến lũ cướp kêu cha gọi mẹ. Những người lính đặc công nã súng liên hồi, một trăm khẩu SNV02 bắn ra ba trăm viên đạn trong hai giây tạo ra màn đạn khủng khiếp làm tan rã tinh thần lũ giặc cỏ. Một vài tên võ nghệ cao cường cố gắng chống cự lại liền bị bắn thành tổ ong. Thắng, đại đội trưởng đại đội đặc công hét lớn: " Đầu hàng không giết! Giơ hai tay lên!". Một trăm người lính cũng hô lớn theo vậy nhưng không quên nã đạn rào rào. Một lão già râu dài trong lũ thổ phỉ vội hét lớn: " Đừng bắn nữa, bọn ta đầu hàng". Lúc này đám đặc công mới dừng bắn, nhưng nòng súng vẫn lăm lăm chĩa vào quân địch. Một lát sau, Ưng Lịch bước vào, lão già thủ lĩnh bị dẫn đến trước mặt hắn. Nhìn thấy lão ta râu tóc bạc trắng hết rồi mà vẫn làm tướng cướp hắn không nhịn được tò mò hỏi:
- Lão là ai? Năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Xin các ngài, tội lỗi do già này hết. Các ngài muốn chém muốn giết thì tùy! Phụ nữ và con nít trong trại vô tội, xin các ngài tha cho.
- Quân đội của Nguyễn Phúc Ưng Lịch ta không bao giờ ra tay với những người vô tội. Lão cứ trả lời câu hỏi của ta đi.
- Bẩm ngài lão tên Vũ Văn Nghĩa, năm nay được bảy mươi tuổi.
- Sao mà từng này tuổi rồi mà lão còn đi làm ăn cướp thế?
- Bẩm ngài, trong trại đều là những người cùng khổ, không chịu nổi sưu cao thuế nặng phải bỏ lên miền ngược này.
Bỗng nhiên, Ông Ích Khiêm ghé vào tai hắn nói nhỏ, Ưng Lịch nghe xong mặt biến sắc rồi nói:
- Dẫn ông già này vào trong sảnh, đội cận vệ ở ngoài canh gác.
Ưng Lịch dẫn theo Ông Ích Khiêm cùng vài người thân vệ vào căn nhà lớn nhất trong trại. Sau khi ngồi xuống, hắn ra lệnh:
- Cởi trói cho ông ta đi!
- Thưa tổng tư lệnh, tại sao...?- Một người lính ngập ngừng hỏi.
- Không thấy ông ta đã gồng lỏng bớt dây trói rồi à! Ai trói mà kém thế? Không cần trói nữa.
Lúc này mọi người trong sảnh nhìn thấy 1 thân hình vạm vỡ không phù hợp với một lão già tuổi thất thập cổ lai hy chút nào. Ông già tùy ý ngồi xuống khoanh chân vòng tròn, không hề tỏ ra sợ hãi cả chục họng súng lăm lăm nhắm vào mình. Ưng Lịch hỏi:
- Nói ra thân phận thật sự của ông đi. Ta không tin cao thủ như lão lại là một gã tướng cướp vô danh được. Có vẻ như võ công của đám người trong trại ông đều là võ Bình Định nhỉ? Lại còn là loại võ cổ thất truyền từ vài chục năm trước nữa!
Lúc nãy, Ông Ích Khiêm nói với hắn về loại võ mà đám cướp này sử dụng. Đó là loại võ trận của quân Tây Sơn đã thất truyền mấy chục năm về trước. Ngay cả Ông Ích Khiêm cũng khó khăn lắm mới nhận ra điều này nhờ vào kinh nghiệm từ bé khi được chú ruột lão dạy cho.
Bỗng oạch một tiếng, cái ghế Ưng Lịch đang ngồi đổ ập. Hai bóng đen nhảy ra từ một cánh cửa nhỏ dưới gầm ghế lao về phía hắn. Sau một giây bất ngờ, Ưng Lịch lăn người rồi vung chân đạp mạnh vào một tên rồi bật người húc đầu vào ngực tên kia. Ông Ích Khiêm cùng Erika nhanh như chớp quật ngã hai tên "thích khách". Lúc này mọi người nhìn kĩ hai kẻ to gan này hóa ra lại là hai đứa bé gái. Một đứa khoảng chừng mười tuổi, một đứa khoảng tám tuổi. Mỗi đứa bé cầm một con dao găm có chuôi gắn ngọc được chạm trổ rất tinh xảo. Đứa bé lớn mặc dù bị tóm chặt nhưng vẫn liên tục nói:
- Cụ ơi, chạy đi đừng lo cho con!
Ưng Lịch đứng dậy phủi sạch bụi trên áo rồi hỏi lão tướng cướp kia:
- Hai cô nàng này là chắt của lão à?
Lão Nghĩa lúc này mặt tái dại ra, vội nói:
- Xin ngài tha cho chúng, chúng trẻ người non dạ, nghe thấy tôi bị bắt nên trót dại thôi.
Rồi lại quay sang trách hai đứa trẻ:
- Sao các con dại thế? Cụ đã dặn là phải ở yên trong đấy, việc gì cũng không được chạy ra mà!
Ưng Lịch đáp lời lão:
- Bọn ta không giết phụ nữ và trẻ con, nhưng tội ám sát hoàng thân quốc thích theo luật phải chém đầu. Lão hãy trả lời hết mọi việc cho ta, ta sẽ tha tội cho hai đứa này.
Lúc này, lão Nghĩa thở dài một hơi rồi từ từ nói hết mọi sự:
Bảy mươi ba năm trước, đô đốc Vũ Văn Dũng triều Tây Sơn binh bại bị bắt nhưng trên đường áp giải đã phá cũi chở tù trốn đi được. Ông ta một mình cướp xe tù chở Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nhưng vợ chồng họ biết vua mình bị bắt nên không còn ý muốn sống nữa. Ông Dũng chỉ cứu được đứa con gái vừa mới sinh của hoàng tử Quang Thùy khỏi tay đám lính áp giải. Vợ bé của Quang Thùy, mẹ đứa trẻ đã chết vì khó sinh trên đường đi áp tải tù nhân vào thành Phú Xuân. Vị đô đốc dũng mãnh bắt đầu những ngày tháng sống chui lủi trên xứ Nam Bàn như vậy đó. Ba năm sau ngày hành hình Quang Toản, ông Dũng lúc đi rừng có nhặt được một bé trai bị bỏ trôi theo bờ suối, ông đem nó về nuôi như con ruột của mình. Có hai đứa con nuôi làm Võ Văn Dũng bớt cô đơn. Ông thu nhặt những người dân tộc thiểu số bị đuổi khỏi làng cùng một số người Kinh trốn chạy loạn lạc lên đây lập trại khai hoang sống qua ngày. Khi thằng bé trai lớn lên, nó được ông bố nuôi truyền thụ cho mọi võ công bí truyền độc môn của mình rồi cưới chính cô chị gái nuôi của nó làm vợ. Năm tháng trôi qua, bốn thế hệ nhà lão Nghĩa cứ như vậy sống yên bình trong trại, sáng làm nương, chiều về ăn nghỉ, không tranh chấp với đời. Thỉnh thoảng lão dạy võ cho đám thanh niên trong trại hoặc dẫn người đi buôn bán hay giúp đỡ các buôn làng quanh vùng Kon Tum này. Lão cứ tưởng đến khi nhắm mắt xuôi tay theo cha nuôi lão vẫn bình yên như vậy nhưng đột nhiên một cơn bão táp ập tới: trại của lão bị dịch sốt rét. Trận dịch lần này rất khủng khiếp, hơn hai trăm người trong trại đã chết gồm cả vợ lão, vợ chồng con trai lão cùng vợ chồng cháu nội lão. Hiện tại vẫn còn ba trăm người nữa trong trại bị dính bệnh Trong cơn kinh hoàng ấy, có một tay linh mục truyền giáo của làng bên đến trại, hứa hẹn sẽ cho lão thuốc trị sốt rét với điều kiện: Lão phải dẫn người quấy phá tấn công đoàn người Kinh di cư lên xứ Nam Bàn, vũ khí sẽ được bọn chúng giao cho lão. Nhờ vài chục viên thuốc được gã linh mục đưa trước làm thù lao, lão Nghĩa cứu được hai đứa cháu gái cùng khoảng năm mươi thanh niên trong trại. Lão dẫn theo một trăm người đi hoàn thành nhiệm vụ tay linh mục giao cho để lấy nốt số thuốc còn lại cứu người của lão. Thấy đoàn người quá khổng lồ cùng đám lính cứu hộ trang bị tinh lương, lão liệu thế không tấn công được nên đành chọn đánh cướp xe chở muối.
Ưng Lịch nghe xong bèn gọi mấy tên lính đem đám trong trại đi hỏi cung để xác nhận thật giả của việc đánh cướp này. Một lát sau, bọn chúng đều xác nhận lời lão nói là chính xác. Ưng Lịch mặc kệ lời khuyên can của Ông Ích Khiêm mà ra lệnh:
- Đem thuốc của chúng ta cứu người bệnh trong trại đi!
- Nhưng thưa chỉ huy...!- Một sĩ quan ngần ngại hỏi.
- Không nhưng gì cả. Mọi sinh mạng đều đáng giá như nhau! Các ngươi quên tôn chỉ khi chúng ta thành lập đội quân này rồi à!
- Dạ rõ!
Lão Nghĩa thấy hắn lấy đức báo oán như vậy bèn chắp tay quỳ xuống bái tạ. Lão lại nói tiếp một câu làm Ông Ích Khiêm cùng Erika tức điên cả mặt: Lúc nãy, nếu Ưng Lịch ra lệnh đồ trại thì có liều cái mạng già này lão cũng dư sức đập chết hắn. Ưng Lịch cùng Ông Ích Khiêm không cho là đúng bèn nói:
- Võ nghệ lão được mấy phần cha nuôi lão mà dám cuồng ngôn thế?
Lão chỉ vào Ông Ích Khiêm rồi nói:
- Vị tướng quân này có võ công cao cường nhưng chưa chắc đã đỡ nổi mười côn của lão.
Thấy Ông Ích Khiêm tức đỏ mặt lên, Ưng Lịch nói:
- Người đâu, lấy côn lại đây. Lão nếu chứng minh được ta sẽ tha chết cho.
Mấy tên lính vội cầm cây côn đồng đen của lão đến, cây côn này dài khoảng mét sáu và nặng phải gần ba mươi cân, được chạm hình rồng cuốn, có hai cái đầu rồng ở hai đầu côn. Ông Ích Khiêm cũng lấy thanh trường đao của mình ra. Trận long tranh hổ đấu giữa đệ nhất mãnh tướng của triều đình Đại Nam và lão già tướng cướp vô danh cứ như thế bắt đầu. Ông Ích Khiêm cậy trẻ khỏe tấn công như vũ bão, những nhát đao nhanh như chớp liên tục chém về phía lão già kia. Bên kia lão già cũng không vừa, múa côn xoay tít đỡ hết được những đường đao đáng sợ kia. Được chừng một lúc, lão hét hớn hất mạnh đầu côn khiến Ông Ích Khiêm phải lui lại một bước. Lão đập mạnh cây côn vào đao của ông ta khiến cho hổ khẩu bật máu tươi, nhưng như thế chưa phải toàn bộ. Lão Nghĩa hít sâu rồi đập liên tục cây côn vào thân đao như vũ bão. Đến phát thứ tám, lưỡi đao không chịu được gãy rời ra, lão thọc một đường côn vào bụng khiến Ông Ích Khiêm khuỵu xuống rồi gác côn lên vai ông ta. Ưng Lịch vội quát:" Đủ rồi!" Lão già lúc này mới vứt côn xuống thở hồng hộc. Ông Ích Khiêm thì đỏ hết cả mặt vì ngượng.
Đến trước mặt lão, Ưng Lịch nói:
- Lão võ công cao lắm nhưng không giết nổi ta đâu. Không tin thì lão xem đây.
Nói rồi hắn ra lệnh cho một tên cận vệ rút súng lục ra bắn. Gã này nổ một loạt sáu viên đạn vào thân cây cổ thụ cách đó hai mươi mét. Sáu cái lỗ đạn xếp thành hình tròn trên thân cây khiến lão Nghĩa cũng trắng mắt ra. Lúc nãy nếu lão làm liều chỉ sợ chưa kịp động thủ thì đã thành cái tổ ong rồi.
Ưng Lịch lại nói với lão:
- Trong trại có ai biết bí mật của lão không?
- Thưa không, lão định đem cái bí mật này xuống mồ cùng. Lão không muốn con cháu phải dính vào những thù hận đó nữa!
- Tốt lắm! Ta muốn lão làm vệ sĩ cho ta cùng dạy côn pháp cho lính của ta! Lão giúp ta dụ hàng các buôn làng trong vùng này nữa thì càng tốt. Ta không muốn dùng bạo lực chinh phục bọn họ. Đi theo ta mọi người sẽ có đủ cơm ăn áo mặc, ta lấy cái tên Nguyễn Phúc Ưng Lịch ra để đảm bảo việc này!
Suy nghĩ một hồi, lão quỳ xuống:
- Vũ Văn Nghĩa bái kiến chúa công!
Hắn thấy vậy vội bảo lão đứng lên. Lão Nghĩa lại ghé vào tai nói nhỏ một số điều khiến Ưng Lịch mừng ra mặt. Hắn nói:
- Để lát nữa ta cho lính đến.