Chương 32: Xuất phát - thu đại tướng
Công cuộc chuẩn bị nhân lực vật tư tiến quân Nam Bàn đã được thực hiện ngay từ đầu tháng mười, khi có chiếu chỉ của nhà vua. Số lượng dân phu và quân đội đi theo ban đầu dự kiến khoảng ba mươi ngàn người. Sau lần thử súng, Ưng Lịch đã xin thêm được hơn bốn ngàn dân phu nữa. Số dân phu này được chiêu tập từ lưu dân và một số nông dân không có ruộng đất tại miền Bắc. Một số dân phu còn đem theo gia đình nên thực tế số người trong đoàn đông đến sáu vạn người. Cũng may Ưng Lịch bây giờ là ông trùm sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới hiện tại nên việc vận chuyển vật tư cần thiết cho sáu vạn con người này nhẹ nhàng hơn nhiều. Bốn ngàn năm trăm lính đều được cấp mỗi người một chiếc xe đạp, mỗi chiếc chở một tạ rưỡi hàng hóa. Ba vạn dân phu cùng gia đình họ thì được cấp bốn vạn chiếc xe trượt hai bánh, mỗi xe có thể chở 200 đến 250 kg vật tư lương thực. Nếu như thời xưa chưa có xe đạp thì công việc tiếp tế hậu cần cho cả đoàn người như thế này có thể làm suy sụp một quốc gia cỡ nhỏ. Ngoài xe đạp cùng xe hai bánh, đoàn người còn có thêm sáu ngàn chiếc xe trâu để vận chuyển những vật tư cỡ lớn như máy móc, thiết bị. Những chiếc xe trâu này đều được cải tiến gia cố thêm sắt thép vào khung xe, có thể chất đến sáu bảy tạ hàng. Trong nhiều truyện ba xu của tàu, tác giả thường đề cập đến huy động hàng chục vạn đại quân hành quân cả ngàn dặm đường mà chẳng bao giờ đề cập đến tiếp tế lương thảo vật tư thuốc men, giống như kiểu đi đến đâu cơm mọc ven đường đến đó vậy. Thực tế việc hậu cần tiếp tế cho mười vạn người đi đánh trận với khoảng cách vài trăm cây số thôi đã phức tạp và tốn kém vô cùng. Người xưa khi vận chuyển theo đường bộ chỉ có 2 cách hiệu quả nhất: xe trâu bò và đòn gánh. Trong 2 phương pháp ấy, đòn gánh chỉ gánh được tối đa một trăm kg là cùng, xe thì có tốt hơn, có thể chở ba trăm đến bốn trăm kg nhưng cần súc vật kéo. Ngoài hai loại kia ra còn có thời tam quốc có Gia Cát Lượng chế ra xe cút kít có thể chở hơn một trăm kg bằng sức người đẩy nhưng xe khá thô, tốn kém vật liệu gần bằng một chiếc xe bò. Xe hai bánh cùng xe đạp có hiệu quả gấp đôi ba lần xe cút kít do trọng lực không dồn vào người mà dồn xuống hai bánh xe, người dắt xe chỉ cần giữ thăng bằng và chỉnh hướng lái mà thôi. Nếu sử dụng xe hai bánh và xe đạp thì lượng dân phu vận tải có thể giảm đi hai phần ba và tốc độ vận tải tăng lên gấp đôi ba lần, nhờ đó tiêu hao lương thực trên đường chỉ còn bằng một phần năm thời trước.
Theo kế hoạch dự kiến, đoàn người sẽ chia làm hai đạo, 1 đạo đi thuyền một đạo đi đường bộ từ kinh thành vào Quảng Ngãi rồi từ đó đi lên địa điểm đóng quân đầu tiên tại cao nguyên Kon Tum. Nguyên nhân Ưng Lịch chọn cao nguyên Kon Tum vì ba lý do:
- Có địa hình bằng phẳng, gần nguồn nước đủ để làm nông nghiệp nuôi được mười vạn người.
- Tiếp giáp với Quảng Nam và Quảng Ngãi, thuận tiện cho việc tiếp tế và giao thương.
- Các bộ tộc ở đây rất biệt lập với nhau, họ đa số chỉ sống thành các buôn làng có sự liên kết lỏng lẻo. Ngoài ra họ cũng có nhiều năm giao thương buôn với người Kinh, dễ dàng thần phục hắn hơn những bộ tộc Nam Tây Nguyên.
Ngoài những điều trên ra, không thể không kể đến một loại dược liệu nổi tiếng của vùng này, đó chính là sâm Ngọc Linh. Trong lịch sử trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Đến thời kì kháng chiến chống Mỹ, dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung bộ quyết phải tìm ra loại dược liệu này tại miền Trung. Sau bao ngày vất vả tìm kiếm, cuối cùng họ cũng tìm ra được cả một cánh rừng sâm dưới chân núi Ngọc Linh. Từ đây loại sâm tốt nhất thế giới này bắt đầu hiện ra trước mắt các nhà khoa học Việt Nam.
Từ đầu năm kế hoạch thu phục Tây Nguyên đã được Ưng Lịch cho tiến hành dồn dập bằng cách tích cực giao thương với các bộ lạc trên vùng đất này. Sau nhiều lần buôn bán, tặng quà làm quen với các vị già làng, trưởng bản cùng tù trưởng một số buôn làng cùng bộ lạc, đã có nhiều chỗ muốn tỏ ý thần phục. Nhờ mấy lần tặng thuốc chữa bệnh cho họ, bây giờ người dân trên này không thể chịu được cái cảnh ốm không thuốc phải đi cúng Trời nữa. Trên vùng cao nguyên rừng thiêng nước độc này, muối và thuốc men có lẽ là hai thứ quan trọng nhất. Thiếu muối, con người không đủ sức làm việc kiếm lấy miếng ăn. Thiếu thuốc men càng kinh khủng hơn nữa khi chỉ một trận dịch sốt rét hay đau bụng cũng dễ dàng lấy đi tính mạng của cả một buôn làng như chơi. Trong thế kỷ 20, người Pháp đã dùng hai thứ này để khống chế Tây Nguyên. Thời kháng chiến chống Mỹ, quân đội nhân dân Việt Nam cũng tích cực biếu muối, biếu thuốc men cho đồng bào miền núi trên này kết hợp với nhiều biện pháp dân vận. Nhờ những điều đó cùng thái độ khốn nạn của quân Mỹ và bè lũ tay sai, trong những năm kháng chiến những người "Bắc Việt" mới luôn được dân chúng ở đây ủng hộ. Ưng Lịch ban đầu chỉ có thể sử dụng các thương đội của mình làm công tác này, hắn không muốn sử dụng bạo lực quá nhiều trong việc chinh phục đất Tây Nguyên. Việc lạm dụng bạo lực quá mức sẽ chỉ làm vấn đề càng phức tạp thêm mà thôi.
Ngày mùng mười tháng chạp, đoàn người bắt đầu xuất phát từ kinh đô. Bốn vạn người đi đường bộ do Ưng Lịch dẫn đầu, hai vạn người theo Hồng Cai đi thuyền đến Quảng Ngãi. Gia quyến cả phủ Quốc công – bây giờ phải gọi là phủ quận vương đều theo đến bến sông đưa tiễn. Ưng Lịch đợi thuyền cha mình nhổ neo rồi mới dẫn người xuất phát. Sau khi có có thép tốt, mẫu xe đạp có khung thép cùng bánh thép cũng đã ra lò từ cuối tháng mười, những mẫu xe cũ cũng được giảm giá xuống còn một nửa khi trước. Mẫu xe mới khung thép được bán trong nước với giá một trăm năm mươi quan tiền một chiếc, với những chiếc xuất sang Thanh triều thì giá còn cao gấp bội: hai lạng vàng một chiếc xe đạp. Với trình độ luyện kim tệ hại cùng sản lượng thép thấp dí của nhà Thanh, Ưng Lịch cũng chẳng sợ bọn chúng ăn cắp công nghệ được. Mặt hàng xe đạp thép mới bán ra được có một tháng cũng đã trở thành thứ tỏ rõ sự giàu sang quý phái của giới quyền quý Thanh triều. Những chiếc xe đạp đặc chế cũng trở thành món quà biếu tốt nhất mà đám buôn lô đề biếu tặng các quan lớn Thanh triều vùng biên giới thay cho vàng bạc đút lót hàng tháng.
Ngoài xe đạp, Ưng Lịch còn cho chế tạo một số xe xích lô để sử dụng. Chiếc xích lô hắn đang ngồi được bọc đệm da hươu, ghế rộng có thể cho hai người lớn cùng ngồi. Cô nàng võ sĩ Erika ngồi bên cạnh hắn, sẵn sàng dùng thân thể chắn những mũi tên hòn đạn lao về phía chúa công của mình. Cao Thắng cùng Lê Bảo đi xe đạp với đội cận vệ che quanh chiếc xe này. Người lái xe ngồi đằng sau cứ hai tiếng lại thay ca một lần. Những chiếc xích lô khác thì dùng để chở hàng, tải trọng của chúng lên tới gần bốn tạ, di chuyển cũng nhanh hơn người dắt xe đạp thồ rất nhiều. Điểm bất lợi của xích lô chỉ là cồng kềnh và tốn vật liệu chế tạo hơn xe đạp cũng không phải vấn đề quá lớn.
Nhờ vào số lượng xe cộ khổng lồ, đoàn người có tốc độ di chuyển khá nhanh, một ngày có thể đi được quãng đường bốn mươi đến năm mươi km. Phải biết rằng tốc độ hành quân của kị binh thời này cũng chỉ khoảng chừng đó khoảng cách mà thôi. Nếu đi nhanh hơn thì cực kì có hại cho ngựa và sức khỏe của binh lính. Mỗi ngày đoàn người dành ra mười ba đến mười bốn tiếng di chuyển, hai giờ đồng hồ nghỉ ngơi ăn uống, mỗi giờ đi được khoảng ba km. Một gia đình dân phu thường là cả hai vợ chồng đẩy một chiếc xe, con nhỏ thì cho ngồi lên hàng hóa trên xe, những đứa trẻ lớn một chút thì đi bộ theo cha mẹ. Một số đứa trẻ làm thân với anh em binh sĩ nên được họ cho lên xe đạp ngồi cùng. Binh lính chỉ phải chở một tạ đến một tạ rưỡi hàng nên có thể ngồi đạp xe mà không cần đẩy. Những tay lính già vừa đạp vừa quát đám tân binh chạy nhanh bám sát đội hình, những "kỷ niệm khó quên" hồi đầu năm khi được tổng tư lênh "chỉ bảo" họ bây giờ lại được sử dụng để "giáo dục và đào tạo" đội tân binh này. Đám lính mới một hai ngày đầu chưa quen được với kiểu sinh hoạt này nên kêu trời kêu đất, đến mấy ngày sau mới ổn định lại. Đoàn người tạm dừng ở Phủ Điện Bàn – Quảng Nam một ngày để nghỉ ngơi. Ưng Lịch dẫn theo đội thân binh đến làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn. Hắn muốn thu phục Ông Ích Khiêm - vị kiêu tướng quê tại vùng đất này.
Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Tổ tiên Ông Ích Khiêm vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điều và mẹ là Võ Thị Cốt. Sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, gồm 8 trai 5 gái, ông Khiêm là người con thứ tư sau ba chị gái, nhưng lại là người con trai đầu. Thuở nhỏ, ông vừa chăn trâu cắt cỏ, vừa theo học với người chú là Ông Văn Trị. Ông thông minh, chăm học nhưng cũng rất nghịch ngợm. Khi lớn lên, ngoài tài gồm văn võ, ông còn nổi tiếng là người chính trực, là một vị tướng khẳng khái, mưu lược và biêt đánh giặc. Nhược điểm của ông là nóng tính và hay cậy tài mà kiêu ngạo nên quan hệ trong triều không tốt lắm. Ông có khá ít bạn bè, tổng đốc Phạm Phú Thứ là người bạn tốt nhất của ông. Nhiều lần Ông Ích Khiêm bị tội cũng được Phạm Phú Thứ giúp đỡ trên triều đình, việc thu phục Ông Ích Khiêm cũng do Phạm Phú Thứ gợi ý với Ưng Lịch.
Sau khi báo với mấy tên gác cửa thân phận của mình. Ưng Lịch bảo bọn lính đứng ngoài rồi một mình bước vào cửa nhà, thấy một người đàn ông tuổi gần ngũ tuần, dáng người cao to lực lưỡng đang ngồi đọc sách. Hắn bèn chắp tay thi lễ:
- Bái kiến Mục Chi đại nhân!
Ông Ích Khiêm rời mắt khỏi quyển sách, thấy một thằng bé đang chắp tay chào mình bèn hỏi:
- Ngươi là...?
- Tiểu tử Nguyễn Phúc Ưng Lịch, được Giáo Chi đại nhân nhờ chuyển một bức thư đến ngài!
- Thì ra là Nam Bàn quận công! Mời ngồi, mời ngồi!
Ưng Lịch đưa bức thư cho Ông Ích Khiêm rồi ngồi xuống. Lão mở thư ra, đọc một lúc thì chau mày lại hỏi thằng nhóc:
- Rốt cuộc ngài muốn điều gì!
- Ta muốn đánh đuổi ngoại xâm! Muốn mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc! Muốn Đại Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
- Nói thì hay đấy nhưng liệu ngài có làm được không?
- Khắp thế giới hiện tại không tiến tắc lui! Các cường quốc phương Tây đang điên cuồng chiếm đóng thuộc địa. Nếu Đại Nam không cường đại lên thì dù người Pháp có bị đuổi đi cũng sẽ có người Anh, Nga, Đức... nhảy vào chiếm thôi. Chỉ có vạn dân đồng lòng, canh tân đất nước, quảng giao buôn bán, học hỏi khắp năm châu thì nước ta mới tránh được họa ngoại xâm. Nếu mọi người không làm gì cả, chỉ trách trời trách đất thì chẳng mấy mà dân ta lại làm nô lệ như thời ngàn năm bắc thuộc mà thôi.
Nghe thấy những lời này, Ông Ích Khiêm nóng hết cả mặt lên. Một thứ gì đó thôi thúc ông quỳ xuống trước mắt đứa bé chưa đủ năm tuổi kia. Ông nói to:
- Ông Ích Khiêm xin bái kiến chúa công. Thần nguyện vì sự nghiệp chấn hưng Đại Nam mà đầu rơi máu chảy, nếu có hai lòng thì trời tru đất diệt.
- Xin Mục Chi đại nhân đứng lên. Có ngài giúp sức là vinh hạnh của Lịch này. Ngài muốn lên Nam Bàn với ta hay ra ngoài miền Bắc?
- Chúa công đi đâu thần xin theo đấy. Chúng bay đâu, thu xếp đồ đạc theo ta lên Nam Bàn!
Một trăm người hầu trong nhà Ông Ích Khiêm vốn là những thân binh theo lão đánh đông dẹp bắc vội thu dọn đồ đạc để đi theo Ưng Lịch chinh phục Tây Nguyên. Nhìn đám này Ưng Lịch cũng phải phát lạnh, cả trăm người tinh nhuệ vô cùng, đội thân vệ của hắn nếu không dùng súng đánh nhau với đám này thì khó mà thắng được (dùng vũ khí lạnh có khi thua nát mặt ấy:))). Ngoài một trăm người này ra, ba người con của lão cũng theo cha đi lên Nam Bàn. Họ nhập vào đoàn người đang nghỉ ngơi ở phủ Điện Bàn và tiếp tục cuộc hành trình này.