Chương 416: Gò đất không tên

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 416: Gò đất không tên

Chương 416: Gò đất không tên

***
Gần giữa trưa trời nắng chang chang trên gò đất không tên, bóng của năm người đàn ông đổ dài trên những vạt cỏ xanh mướt trên gò, đổ bóng xuống cả thửa ruộng bên cạnh. Trên cái mâm nhôm bày biện khá nhiều thứ, từ tiền vàng đến hoa quả, chai rượu nút lá chuối cùng một con gà luộc, hương khói nghi ngút, ngoại trừ chú Chung chống cuốc đứng chờ còn đâu bốn người còn lại trong đó có cả bố tôi đang quỳ gối chắp tay cầu khấn. Vậy là hôm nay chỉ có bác Thường, bác Tuấn và bố tôi bắt đầu lại việc xây cất mộ nay đã thay đổi thành cải táng.

Tôi đứng dựa bên gốc cây vối trong vườn nhà nhìn ra, đường chim bay chỉ độ hơn một trăm mét nên tôi có thể quan sát được nhất cử nhất động của nhóm người. Cố nén những tiếng thở dài, tôi chép miệng liền mấy cái trước khi quay trở vào nhà. Trên ban thờ nhà tôi cũng đang hương khói nghi ngút nhưng bày biện sơ sài, ngoài chai 65 rượu, một cái chén nhỏ, bát cơm chỉ đơm chừng một đũa cả, đôi đũa và quả trứng gà luộc đã bổ làm đôi để trên một cái đĩa nhỏ kèm theo ít muối trắng.

Đồng hồ đã chỉ hơn 11 giờ trưa.

Xe máy của bố tôi và hai cái xe đạp dựng ở gốc cây bưởi, sau một hồi than ngắn thở dài chẳng biết làm gì hơn tôi đành với tay lấy cái nón mê cũ của bà treo ngay ở đầu hồi nhà đội lên đầu tránh nắng rồi lững thững đi bộ ra ngoài gò đất. Vừa bước đi tôi vừa suy nghĩ về những khó khăn sắp tới gia đình có thể gặp phải nhưng thật khó mà tưởng tượng.

Nhảy qua rãnh nước để sang cánh đồng, tôi đi gần đến gò đất, chú Chung đã bắt đầu dùng cuốc để tiến hành đào mộ, những tiếng phập phập đầy uy lực của chú Chung kéo tôi về với thực tại. Tôi đứng cạnh gò, ngẩng đầu lên nheo mắt nhìn những tảng đất được xới tung ra. Bề mặt của gò đất không tên cao khoảng một mét rưỡi, bằng chứng chính là tôi đứng trên bờ ruộng thì tầm mắt tôi ngang bằng những vạt cỏ trên gò.

Sơn Ca nhảy từ trên gò đất xuống đứng bên cạnh tôi, thò tay vào túi áo lấy gói thuốc Vina rút một điếu châm lửa phì phèo phả hơi khét lẹt vào mặt tôi, vẻ mặt thản nhiên hỏi:

- Chưa đi học à?

- 12 giờ em mới đi.

Sơn Ca chìa gói thuốc ra mời tôi, tôi lắc đầu từ chối, anh ta nhét lại vào túi áo ngực rồi ngửa đầu lên trời thả những hơi thuốc tròn xoe vào không khí, gió nhẹ mau chóng thổi bay những vòng tròn khó thuốc đó đi ra rồi tan dần.

- Trời nắng như thế này đào chắc mau mất sức. – Tôi nói vu vơ.

- Đấy không phải việc của tao. Giờ Ngọ rất thích hợp cho việc bổ những nhát cuốc đầu tiên, mày sức dài vai rộng cũng nên giúp một tay.

- Em không phù hợp với mấy việc nặng như này đâu. Bà em bảo em thuộc dạng mồm miệng đỡ chân tay. Hôm nay… - Tôi nheo mắt nhìn lên cao và phán – Hôm nay trời sẽ nắng to.

- Mày biết dự đoán thời tiết à?

- Em nghe đài!

Bố tôi và hai bác cũng phải trèo từ trên gò xuống ngồi tựa lưng vào gò đất tránh nắng, một ấm nước chè, vài cái chén nhỏ cùng với cái điếu cày là thứ không thể thiếu trong bất cứ quy trình đào mộ, đào huyệt… của nhà nào trên khắp vùng quê của tôi. Chú Chung cũng hút thuốc, gói Du Lịch nhàu nát để gần bên cái phích Rạng Đông. Tôi nghĩ mình sẽ mua cho chú ấy một gói thuốc hút cho bổ phổi, giúp chú ấy có thêm sức khoẻ để sớm hoàn thành công việc cực nhọc dưới cái nắng hơn ba mươi độ như này.

- Trước mắt làm đến khoảng giữa trưa rồi về nghỉ ngơi, chiều tắt nắng ta ra làm cũng được chú Chung nhé! – Sơn Ca nói.

- Ờ, nghe rồi!

Sơn Ca cũng ngồi xuống tránh nắng, bốn người đàn ông vây quanh ấm nước chè. Tôi nghĩ đằng nào mình cũng đã ra đến đây nên lấy đà với một bước nhảy đệm đã nhảy được lên gò đất tương đối quen thuộc theo dõi chú Chung làm việc trong vài phút trước khi phải về ăn cơm để kịp giờ đi học.

Tôi ra về, Sơn Ca cũng về theo khiến tôi ngạc nhiên nhưng không hỏi. Trong khi tôi vội vàng và cơm cho kịp giờ đi học thì Sơn Ca ngả lưng trên võng ngủ ngon lành. Khoảng 12 giờ tôi dắt xe chuẩn bị đi học cũng là lúc mọi người kéo nhau về đến cổng, bữa trưa bà tôi đã chuẩn bị sẵn, nét mặt ai cũng giãn ra, có vẻ như mọi thứ đều thuận lợi, tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng.

Chiều muộn tôi đi học về, ngoài gò đất chỉ có chú Chung và Sơn Ca. Bố tôi đã đi Hà Nội, sớm mai sẽ lại về. Sau một buổi chiều làm việc, một hố sâu khoảng hai mét, đường kính chừng một mét rưỡi đã được hình thành. Tôi đeo ba lô ngồi xổm bên miệng hố hỏi Sơn Ca:

- Như này chắc chỉ một tí nữa là đến tiểu sành anh nhỉ?

- Tính ra mới sâu hơn bề mặt ruộng lúa khoảng ba, bốn mươi phân thôi. Còn tầm một mét nữa. – Chú Chung lúi húi dùng thuổng đào đất ngồi dưới hố nói vọng lên.

- Tối hẳn thì nghỉ tay, sáng mai làm sớm thì chỉ độ 7 giờ là thấy tiểu sành. Xem giờ giấc cải táng, nhanh thì chiều tối mai lấp đất.

- Chiều nay không có vấn đề gì chứ anh?

- Có tao ở đây thì làm gì có chuyện nhưng mà mấy ông bác mày lượn hết rồi, khi nào đào đến tiểu sành thì đi gọi các ông ấy.

- Có vẻ mọi người không mặn mà với việc cải táng cho cụ tổ của em.

Chú Chung nghe tôi nói như vậy chợt đứng thẳng người ngẩng đầu lên nói với tôi:

- Mấy ông ấy sợ đấy!

- Sợ gì hả chú?

- Sợ cụ tổ nhà mày vật chứ còn gì nữa.

Tôi càu nhàu:

- Đã sợ lại còn cứ cố làm, cố bày vẽ ra làm cái gì không biết.

- Cái thằng này, đã bảo giữ mồm giữ miệng toàn nói linh tinh. Việc này mấy ông ấy đã bàn bạc nhau rồi cứ thế mà làm, mày trẻ con ngồi đây nói cụ tổ mày nghe thấy đêm lại về bóp cổ cho bây giờ. – Sơn Ca doạ.

- Hề hề hề… em phận con cháu làm gì đến lượt bị vậy.

Nói đoạn tôi lấy từ trong ba lô ra mấy gói thuốc Vina đưa cho chú Chung và cả Sơn Ca, dĩ nhiên không ai cảm ơn tôi, không nhất thiết phải nói ra những lời ấy.

Đất chú Chung đổ lên gò đã có màu đen của bùn, công việc vì thế mà nhanh hơn, đỡ mất sức hơn. Tôi tiện tay ngồi trên miệng hố đón những xô đất đổ thành từng đống quanh gò trong khi Sơn Ca vẫn nhởn nhơ ngồi nhai trầu, chán lại hút thuốc, điệu bộ rất thảnh thơi.

- Ba mét rồi Ca ơi!

Sơn Ca ngồi dậy đưa cho chú Chung một cái que bằng sắt dài độ một mét, chú Chung đón lấy rồi cẩn thận chọc sâu xuống dưới lớp đất bùn. Chú ấy làm như vậy trong vài phút, hầu như mọi vị trí dưới đáy hố đều được chọc thăm dò, nét mặt hồ hởi của chú Chung mau chóng thay đổi thành nét trầm ngâm:

- Chẳng thấy gì!

- Chú dò chéo sang từng góc xem sao, có thể vị trí sai lệch đôi chút.

Nhưng kết quả thu lại cũng chỉ là những cái lắc đầu.
Trời đã tối hẳn. Sơn Ca bảo:

- Thôi nghỉ tay sớm mai làm tiếp chú ơi.

Chẳng ai chú ý đến tôi lúc này ánh mắt đang nhìn trân trân xuống cái hố sâu, như vậy là cụ tổ cũng như chị Đẹp đã nói đúng, tiểu sành quả thật đã bị dịch chuyển sang vị trí khác, còn chính xác ở chỗ nào thì chẳng ai có thể biết được cho đến khi tìm thấy.

Buổi tối sau bữa cơm, tôi với Sơn Ca lại ra ngồi ở bậc tứ cấp gần ụ rơm hóng mát. Buổi tối ở quê lúc nào cũng yên ả, thoáng đãng nhưng tôi lại thích buổi tối nhộn nhịp ở Hà Nội hơn, đến khi tôi thoả ước mong có những buổi tối nhộn nhịp, ồn ào thì tôi lại thích những buổi tối êm đềm dưới ánh trăng quê. Con người thật kỳ lạ và tôi cũng như vậy.

Tôi hỏi Sơn Ca:

- Liệu sáng mai có tìm được tiểu sành như dự kiến không anh?

- Cũng… cũng chưa biết thế nào.

- Sao lại chưa biết? Lúc chiều tối anh vừa mới bảo là…

- Đấy là trước khi chú Chung chọc que dò, ngày mai chắc phải mở rộng miệng hố thêm khoảng một mét nữa.

- Mở rộng đường kính?

- Ừ, đường kính.

Tôi ngập ngừng hỏi:

- Nếu… nếu vẫn không tìm thấy thì sao anh?

- Sao lại không tìm thấy được. Xưa nay chuyện tiểu sành xê dịch so vơi nấm là chuyện bình thường, có xê dịch thì cung độ một mét là nhiều.

- Như thế thì chú Chung hơi mệt.

- Ông chú đó cứ có rượu, thịt cộng với tiền công thì chẳng từ chối, mày cứ lo.

- Anh là thầy bói, anh bói một quẻ xem cái tiểu nằm ở chỗ nào chả phải sẽ mau hơn ư?

- Tao là thầy bói thật nhưng không có nghĩa là bói một cái là ra đúng vị trí đâu mày.

- Vậy tìm theo cách đã tìm mộ cụ em được không? Dùng quả trứng gà.

Sơn Ca lắc đầu giải thích:

- Trứng gà dùng để đi tìm mộ, tìm vị trí mộ. Đằng này mộ sờ sờ ra đấy thì cần gì phải tìm bằng kiểu đấy cho tốn công nhọc sức. Tự tao biết phải làm như thế nào. Mà tao thấy mày cũng lạ, cứ như mày biết sẽ gặp khó khăn khi tìm tiểu ấy nhỉ?

- Tìm mộ là việc phức tạp nên em nghĩ thế thôi chứ sao mà em biết được gì. Bình thường chỉ có em với bà ở nhà, cuộc sống tương đối buồn tẻ, nay nảy ra việc xây mộ thế này thành ra nhà có thêm người, kể ra cũng vui hơn vài phần anh ạ.

- Làng mày chán bỏ mẹ, mới chập tối ngoài đường đã vắng tanh vắng ngắt. Mày không đi chơi tối hả?

- Em không, thi thoảng em có xuống nhà thằng bạn nhưng hiếm lắm, chủ yếu là nó lên đây chơi với em nếu nó chán.

- Còn trẻ sao không đi giao lưu, đi tán gái. Bằng tuổi mày là tao biết tán gái rồi.

- Hả? Anh biết tán gái á?

- Ớ! Đm, mày nghĩ sao mà tao không biết tán gái?

- À ừ thì… con trai ai chẳng biết tán gái, sớm hay muộn thôi. Mà anh cứ ăn mặc tuềnh toàng kiểu này liệu có chị nào theo không?

Sơn Ca xoa mấy đầu ngón tay làm động tác đếm tiền:

- Rồi tao sẽ có tiền, có tiền nhất định sẽ lấy vợ. Tao tính cuối năm nay cùng lắm đầu năm sau cưới vợ.

- Hả? Anh… cưới vợ á?

- Ừ! Mày làm sao thế?

- Em… em tưởng thầy bói không lấy vợ? Anh lại hay ăn trầu, mấy người hay ăn trầu bọn bạn em bảo là ái nam ái nữ không cần lấy vợ.

- Cái đm thằng bọn bạn của mày, lũ ngu dốt nói linh tinh. Tao đây ái nam ái nữ bao giờ? Thầy bói cũng là người, cũng lấy vợ chứ sao, mày không biết à?

Tôi nhún vai tỏ vẻ vô tội:

- Làng em chẳng có ai là thầy bói, lũ bạn học cũng mù mờ về thầy bói lắm. Mà mấy ông bà thầy bói ở làng bên cạnh toàn người lớn tuổi, có ông râu tóc bạc phơ. À, bên xã có một ông thầy rất nổi tiếng, bọn bạn em bảo mỗi ngày rằm hay mùng Một đầu tháng là hàng dài xe ô tô xịn từ các nơi đổ về làm lễ đấy anh.

- Tao biết lão đấy, lão đấy dẻo miệng phết.

- Nhưng ở xã em chẳng thấy ai đến xem, người ta bảo ông ấy toàn nói phét ăn tiền nhưng lại có nhiều người nghe. Sở dĩ người trong xã không xem hoặc ông ấy không xem cho vì sợ xem sai bị đánh cho rụng hết cả răng.

Sơn Ca đang uống dở cốc nước vối thì bị sặc, nước vối làm ướt hết cổ tay áo.

- Đm, nói chuyện với mày có ngày tao chết vì sặc hoặc lên cơn đau tim. Mày nói xấu người khác mà giọng không cao, không thấp, cứ bình thường như cân đường hộp sữa ấy nhỉ?

- Thì có sao em nói vậy chứ có thêm bớt gì đâu.

- Chẳng mấy ai trong vùng này hành nghề bói toán mà giàu có như ông ấy đâu. Một người xem có thể sai nhưng lũ lượt người về nhờ vả như vậy trong nhiều năm thì ông ấy hẳn phải có tài, nhất định là thế. Mày không nên vội đánh giá về một ông thầy khi mày chưa gặp hoặc chưa trực tiếp nghe ông ta nói.

- Anh nói cũng phải, nếu xét về phương diện làm ăn kinh tế đúng là ông ta giỏi thật, nghe nói mỗi lần làm lễ xong cho những người đi xe ô tô là tiền nhà ông ấy phải đựng trong bao tải đi gửi ngân hàng đấy anh.

- Có chuyện đó thật à?

- Thật, hồi em học lớp 9 có mấy đứa trong lớp em là họ hàng, nhà ở gần nó kể vậy thì em biết vậy.

Sơn Ca búng tóp thuốc lá một cách điệu nghệ ra ngoài vườn, đốm lửa đỏ xoay vòng vòng trên không trung cho đến khi mất hút. Giọng Sơn Ca trùng xuống:

- Làm thầy chẳng mấy ai giàu có, làm thầy đi xem số cho người nhưng lại chẳng xem được số cho mình, kể cũng hài hước.

- Sao anh không đi nhờ ông thầy bói khác xem số cho anh?

Sơn Ca phá lên cười:

- Đúng là chỉ có mày mới có những ý nghĩ lạ đến vậy. Người làm cùng nghề đến cổng là biết rồi, mày muốn đá bát cơm của người ta hay sao mà làm thế?

- Thế anh giúp bố em nhiều thế này thì công xá tính kiểu gì? Tính theo công nhật hay… tuỳ tâm?

Sơn Ca lại ôm bụng cười ngặt nghẽo, cười đến chảy cả nước mắt:

- Tao có phải ông thợ đụng đâu mà trả công nhật chứ. Gia chủ trả bao nhiêu thì cầm chừng ấy, đồ lễ thì tao biên ra tờ giấy gia chủ đi mua, một số gia chủ gửi tiền nhờ mua hộ còn thừa tao cũng trả. Nghề này chọn người chứ người không chọn được nghề, giàu có thì khó lắm, đủ ăn thì được.

- Anh cũng coi việc này là nghề à? Em thấy mẹ em bảo cái gì mà… mà ăn lộc thánh.

- Ui xời! Đấy chỉ là cách nói giảm nói tránh thôi, tao là cứ thích toạc móng heo, vòng vo làm gì cho mệt. Mà này, tao nghe mày hỏi cũng như nhìn cái tướng của mày xem ra phát về đường làm ăn buôn bán, kiếm tiền được đấy.

- Ai cũng nói em có khiếu buôn bán nhưng em không thích buôn bán lắm.

Những câu chuyện vô thưởng vô phạt giữa tôi và Sơn Ca cứ thế tiếp diễn cho đến khi trăng lên cao mới vào trong nhà. Sơn Ca lại ngồi bó gối trên giường cùng xem tivi với bà Già còn tôi nằm khểnh trên phản đọc truyện chờ đến giờ đi ngủ.

***