Chương 415: Thanh kiếm trừ yêu

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 415: Thanh kiếm trừ yêu

Chương 415: Thanh kiếm trừ yêu

***
Có lẽ nhận định của chị Đẹp là đúng bởi ngay sáng hôm sau, mới hơn 7 giờ sáng tôi đã thấy bố về đến nhà. Mở mắt ra thấy bố mình nằm trên võng thư thả nhả khói thuốc mù mịt tôi rất ngạc nhiên nhưng không vội hỏi, tôi không muốn cắt đứt mạch suy nghĩ của bố tôi. Mãi đến khi tôi bày đồ ăn sáng ra mời bố thì bố tôi mới nhổm người ngồi dậy hỏi tôi:

- Đêm qua con ngủ có nằm mơ thấy gì không?

- Dạ không ạ! – Tôi ngạc nhiên nhìn bố - Có chuyện gì hả bố?

Bố tôi thở dài nghe đến là não ruột:

- Cả đêm bố bồn chồn không yên nên mới sáng sớm liền về đây ngay, mà kể ra thì cũng lạ thật, về đến nhà lại thấy rất bình yên. Có khi mộ cụ tổ không xây xong là không đi khỏi làng được mất, làm ăn cũng chẳng yên.

- Thế bố nằm mơ thấy gì ạ?

- Nằm mơ thấy đã tốt, chả đến lượt bố. Nhà mình là vai út ít thì làm gì có phần.

- Biết không có phần sao bố lại đứng ra lo việc xây mộ cho cụ tổ làm gì?

- Cái thằng! Việc mộ tổ là việc chung, nhà mình có điều kiện hơn các bác thì mình đứng ra lo thì có sao, cụ tổ thấy mình thành tâm lại phù hộ độ trì cho làm ăn may mắn chứ sao.

Tôi thản nhiên gắp miếng bánh cuốn chấm nước mắt bỏ vào miệng, nuốt trôi xong xuôi tôi mới nói:

- Có may mắn hay không thì con chẳng biết nhưng có khi chẳng phải đầu lại phải tai. Bố là vai út thì làm gì được cụ tổ mưa móc mà bố hi vọng. Mộ tổ là mộ chung thì cứ ăn đồng chia đủ, nếu là con thì con sẽ làm như thế.

- Biết là việc chung nhưng mình có điều kiện thì đứng ra làm, mộ tổ to đẹp, hoành tráng cũng nở mày nở mặt với làng xóm láng giềng chứ. Mày trẻ con biết gì.

- Bố chỉ sĩ diện.

- Ơ, mẹ cái thằng này hỗn, mày bảo ai sĩ diện? Nuôi mày ăn học thành người mà mày nói bố mày như thế à?

- Thì con bảo bố chứ ai. Bố bỏ tiền ra nhưng rồi lộc chả đến lượt đâu, có khi hoạ mình bố gánh không chừng.

- Mày đừng có nói bậy, bố mày vả cho một cái bây giờ!

- Thì thôi, con có sao nói vậy chứ không có ý gì. Bố về sớm chắc chưa ăn gì, bố ngồi xuống ăn bánh cuốn đi.

- Tao không ăn. Tao lên trên nhà các bác, tí nữa thằng Ca đến thì mày nói với nó tao ở trên đấy.

- Vâng! Có cần con đưa anh ấy lên đấy không bố?

- Thì nó muốn lên mày đưa nó lên. Mày đừng có ăn nói linh tinh, lớn rồi ăn nói phải biết giữ mồm giữ miệng, không được hỗn!

- Vầng!

Tôi trả lời bố một cách uể oải tỏ rõ vẻ không thoải mái. Phải nói thật rằng tôi ít khi làm mất lòng người khác, đối với những người thân trong gia đình lại càng không nhưng tôi cảm thấy có chút bất công khi mộ tổ chung mà lại một người chi tiền đài thọ. Đành rằng bố tôi có điều kiện kinh tế, nếu bố nhất quyết làm thế chẳng phải là sĩ diện thì còn gì nữa. Đối với hai bà nội và bố tôi thì tôi là thứ gì đó khiến mọi người yên tâm, cưng chiều và thường bỏ qua lỗi lầm nho nhỏ của tôi. Tôi chẳng mấy khi nói hỗn, sáng nay buột miệng nói vì tôi cảm thấy bố mình rất khó hiểu. Bên cạnh đó tôi đã gần như nắm rõ đầu đuôi câu chuyện cũng như dự cảm được những điều không hay có thể xảy đến trong tương lai. Mặc dù chị Ma cam đoan một cách đầy tự tin nhưng sau một đêm ngủ ngon, tinh thần sảng khoái hơn, cộng thêm có thời gian suy nghĩ thì tôi nhận ra rằng ẩn phía sau câu nói của chị Ma ấy là mạng toàn thì tiền mất, chị Đẹp cũng đã gợi ý cho tôi, bởi vậy tôi cho rằng việc động đến mồ mả của tổ tiên chắc chắn sẽ có những chuyện chẳng lành. Thật tiếc điều này lại đúng, chỉ có điều nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Lúc tôi còn nhỏ, chỉ có một lần bố trói tôi cùng thằng em trai vào gốc cau để dạy cho lễ nghĩa đơn giản là người khác cho quà phải được sự đồng ý của bố mẹ mới được cầm, miệng phải nói cảm ơn chứ không được giành giật nhau trước mặt khách. Trước khi tôi tròn hai mươi tuổi cũng có một lần bố tôi muốn đập cho tôi một trận ra bã thì thôi, chỉ có điều bố tôi muốn nhưng lại không dám làm và tôi thoát được một trận đòn ấy, thậm chí bố tôi còn hãi và chẳng nói bất cứ lời nào về việc đó, ngay cả mẹ tôi cũng vậy. Tôi chỉ biết đó là vào tối ngày 28 Tết khi tôi trái lời vác xe máy đi chơi mà không nói lời nào. Mẹ tôi nói nhiều khiến bố tôi nổi điên định phi xe vê quê ngay buổi tối hôm ấy nhưng tượng Phật Bà tự nhiên rơi từ trên ban thờ xuống bàn uống nước bằng kính nhưng kính không vỡ, tượng không sứt mẻ nên mọi người cho là điềm không lành nên bố tôi không về tìm tôi nữa. Sau vụ ấy đêm Giao Thừa tôi phải cúng hoa quả, bánh trái và lạy như tế sao, đội ơn những người khuất mặt đã giúp tôi thoát khỏi một trận đòn. Lý do rất đơn giản, những người khuất mặt không ai muốn tôi bị đòn bởi suy nghĩ đơn giản là tao không đánh nó thì không ai được đánh. Tôi biết được điều này nhưng cũng không vì thế mà lợi dụng để trở thành một kẻ bướng bình, bất trị.

Bố tôi nét mặt không vui lấy xe máy rời nhà còn tôi chẳng bận tâm vì tôi cho rằng mình nói đúng. Cảm giác mình biết mà không nói ra được, không khuyên bảo ai được để tránh đi rất khó chịu, chẳng ai chia sẻ được với tôi điều này.

Tôi là một thằng mỏ khoét, điều này là sự thật bởi tôi ăn luôn mồm nhưng lại không béo lên được tí nào. Ăn sáng xong, tôi vác ấm nước vối cùng gói đậu phộng cốt dừa ra ngồi ở bậc tam cấp, tựa lưng vào bồn hoa nhìn nắng lên. Tôi ước gì việc xây mộ này diễn ra vào buổi tối, khi đó tôi sẽ ẩn thân đi ra gò, thay vì bóp cổ ai đó thì tôi nhất định sẽ xô đẩy doạ ma để bố tôi từ bỏ việc này đi, nhưng làm gì có ai xây mộ vào buổi tối bao giờ.

Tiếng xe Cub dừng ngoài cổng, tôi nhìn ra toan đứng dậy đã thấy Sơn Ca vai đeo ba lô đi vào, cái dáng vừa bước đi vừa chúi đầu về phía trước của anh ta tôi chẳng bao giờ quên được. Sơn Ca đi một mạch đến chỗ tôi đang ngồi, để cái ba lô màu đen có những sọc xanh, một cái ba lô nhàu nát, cũ kỹ đã sờn đáy xuống bậc tam cấp hất hàm hỏi tôi:

- Bố mày về chưa?

- Về từ sớm mà lên nhà bác em rồi. Anh có lên thì em chở anh đi.

- Xe của mày làm đéo gì có gác ba – ga.

- Em còn một cái xe khác chở được, em để trong buồng.

- Chẳng vội, rót cho tao cốc nước.

Tôi đứng dậy chạy vào trong nhà lấy cốc nhựa mang ra, Sơn Ca nhìn tôi có chút khó hiểu:

- Mày kỹ tính thế? Uống chung một cốc không được à?

- À… tại em ở nhà có một mình nên…

- Thôi rót đi, đứng đấy làm gì nữa. Đm, mới sáng ngày ra đã nắng mướt mồ hôi.

- Trời nắng nóng thì anh bỏ cái găng tay len ra cho mát. Có gì đâu mà ngại.

- Không phải việc của mày.

Sơn Ca đón lấy cốc nước đưa lên miệng tu ừng ực, tôi tranh thủ gặng hỏi:

- Anh đã biết vì sao mộ cụ tổ nhà em…

- Xem như đã biết, cái gì vào tay tao là xong hết.

- Cụ thể ra sao hả anh?

- Mày hỏi làm gì?

- Thì em tò mò, nếu bí mật thì thôi vậy.

- Có đéo gì mà bí mật. Mộ cụ tổ nhà mày không thể cứ thế mà xây được, phải đào lên thay tiểu sành.

- Ối! Mới đụng cuốc đã ngã ngửa ra như sáng hôm qua mà giờ anh bảo đào lên thì ai mà dám, đang đào bới cụ tổ lại bóp cổ cho chết tươi chứ đùa.

- Bóp là bóp thế nào, sẽ không có chuyện đấy.

- Thế anh làm cách nào mà biết được mộ phải cải táng thế ạ?

- Tao là thầy, là thầy mày hiểu không? Hỏi câu nào khó hơn đi.

- Là thầy thì cũng phải có cách nào đấy chứ? Anh gặp cụ tổ của em, cụ tổ em bảo thế hả?

- Cụ tổ mày chứ cụ tổ tao đâu mà tao gặp được, chẳng biết cái đéo gì lại cứ thích hỏi. Tao bói ra được chữ đào mộ, thế đã được chưa?

Tôi le lưỡi:

- Hôm qua chú Chung mới bổ một nhát đã sùi cả bọt mép, mắt trợn ngược như sắp chết. Ai người ta dám đào nữa, anh đào chắc?

Sơn Ca vỗ ngực vài cái rồi chỉ vào ba lô:

- Hôm nay ông đây mang theo đồ nghề!

Tôi giật mình hỏi lại:

- Đồ nghề? Đồ nghề gì?

Sơn Ca chẳng buồn trả lời tôi, anh ta cúi người kéo khoá ba lô lấy ra một cây kiếm gỗ, lưỡi kiếm dài khoảng hơn hai mươi phân, chuôi cầm vừa tay, có thêm cả một nhúm tua rua màu đỏ treo lủng lẳng ở phần đốc kiếm. Tôi nhìn thấy thì chột dạ hiểu ngay ra thứ đồ của Sơn Ca dùng để làm gì nhưng vẫn giả bộ ngu ngơ nói:

- Kiếm đồ chơi này thì làm được cái gì, nhìn như đồ hàng mã.

Sơn Ca nhếch mép cười:

- Cái thằng ngoại đạo phát biểu linh tinh. Kiếm này của tao dùng để điều binh khiển tướng, cụ tổ nhà mày nhìn thấy kiếm này có khi sợ đến co rúm hết cả người ấy chứ đùa à. Mẹ, cái làng mày nhìn vẻ ngoài có vẻ thanh bình, hiền hoà nhưng đéo phải, âm thịnh đến phát sợ, lớ ngớ tao thành ma làng này.

- Cái kiếm này mạnh thế cơ á? Em mượn xem thử.

Tôi cầm cây kiếm gỗ của Sơn Ca trên tay ra chiều ngắm nghía, tấm tắc, gật gù. Nếu so với Cuồng Phong kiếm của sư thầy thì thanh kiếm của Sơn Ca có vẻ tinh xảo hơn, trọng lượng nhẹ hơn và chưa nhuốm màu thời gian, riêng phần uy lực của thanh kiếm thì tôi chẳng thể biết được nó mạn đến mức nào cũng như tác dụng thực sự ra sao.

- Trông cũng không có gì đặc biệt lắm nhưng là đồ của thầy bói thì chắc có phép thuật, thứ này có thể trừ yêu diệt ma hả anh?

Sơn Ca khịt khịt mũi, nét mặt lộ rõ vẻ đắc ý:

- Đúng, gọi là kiếm trừ yêu cũng không sai. Làm pháp sư ai cũng cần phải có thứ này, tao chẳng mấy khi dùng đến nhưng làng mày tao phải mang theo phòng thân.

- Anh định dùng kiếm này để doạ cụ tổ em hay sao? Ban ngày làm sao có ma mà anh doạ?

- Mày biết ma có ở đâu à mà bảo ban ngày không có?

- Em đoán thế thôi chứ em biết gì đâu.

- Bây giờ mày đi gọi cái ông chú hôm qua say khướt khoảng 11 giờ kém ra ngoài gò đất chờ. Tao tự đi lên nhà bác mày được.

- Thế là triển luôn hôm nay?

- Việc nào tao làm chưa xong tao thấy bứt rứt. Tao cũng muốn tự học hỏi.

- Thế quyết đào mộ thật ư? Không đào không được hả anh?

- Ơ cái thằng này, tao là giúp bố mày, mấy ông ấy muốn hoàn thành tâm nguyện thì tao giúp đến nơi đến chốn. Mà mấy ông cũng có cái lý, mả tổ ai lại để hoang lạnh, đơn sơ như thế trong khi mả con cháu đời sau lại xây cất rõ là kiên cố. Tao nói thật là tao chưa thấy ở đâu như họ nhà mày dù những vùng khác nghèo hơn làng mày nhiều.

- Thì cha chung không ai khóc, cụ tổ em chẳng nói thế còn gì nữa. Làng em hướng ngoại, ai ai cũng chực chờ thoát ly khỏi làng, lo kiếm tiền thì hơi đâu chăm lo mộ phần tổ tiên. Nhiều người hay nói chết là hết.

Sơn Ca lườm tôi:

- Mày cũng biết cách móc họng người khác đấy. Mấy việc hệ trọng như này người lớn đã quyết sao thì cứ thế mà làm theo, mày trẻ con đứng bên ngoài bép xép không cẩn thận lại đi bộ nhá. Nếu đã quyết thì đừng có bàn lùi.

- Em không rảnh! Chỉ sợ lục tung cả cái gò không tên ấy lên cũng không có xương cốt ấy chứ. Mà có khi các bác của em đang sợ vỡ mật chứ chả đùa.

- Ai bảo mày thế? Lại đoán bậy.

- Hồi xưa các cụ nghèo khó, lúc chết có khi bó chiếu đem chôn sau nhiều năm xương tan thành đất cả rồi thì tìm vào mắt, đến lúc ấy lại dở dở ương ương chẳng biết đường nào mà lần lại kêu trời.

- Mày nói cũng có lý đấy, mày biết hơi nhiều nhưng tao xem rồi, cụ tổ mày xương cốt vẫn còn nguyên, hơn nữa còn rất đẹp.

- Em mong là thế. Mà đào mộ thì chắc phải ngày mai mới xong, đêm nay anh ở lại à?

- Ở lại cũng được. Tao muốn đi xem làng mày có những chỗ nào giấu của. – Sơn Ca nói nửa đùa nửa thật.

- Làng này hồi xưa làm cày cuốc, nghèo đói quá nên chuyển sang nghề làm đậu phụ thì lấy đâu ra của nả mà anh tìm. – Tôi cười mũi.

- Rồi mày xem. Thôi, cất cho tao cái ba lô vào trong nhà, tao đi tìm bố mày luôn. Nhanh cái chân đi gọi ông chú kia đi không nhỡ việc của tao.

Tôi cất ba lô của Sơn Ca vào trong nhà, quay trở ra bóng của Sơn Ca cũng vừa khuất sau cánh cổng. Tôi khoanh tay đứng dựa vai vào cột bên hiên nhà, ánh mắt đăm chiêu nhìn ra khu vườn chuối trước cửa nhà.

- Thây kệ, đến đâu hay đến đó, lo nghĩ cũng chẳng giải quyết được việc gì.

***