CHƯƠNG 418: Bình vôi cổ

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

CHƯƠNG 418: Bình vôi cổ

CHƯƠNG 418: Bình vôi cổ

***
Chỉ với một cái lay vai nhẹ, đôi mắt Sơn Ca bật mở rất nhanh, trợn trừng khiến tôi suýt giật mình ngã ngửa, ánh mắt lạnh lẽo, trắng dã. Vài giây sau Sơn Ca chớp mắt, đôi mắt vừa mới trước đó toàn lòng trắng nhìn trân trân vô định đã có màu đen của con ngươi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy tôi cảm thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, toàn thân như tê dại. Cảm giác nhìn thấy ma không đáng sợ bằng nhìn thấy một con người bằng xương bằng thịt mà như ma quỷ thức giấc.

Sơn Ca vừa mới trở lại trạng thái bình thường vội bật dậy với tay giật luôn cái siêu đất mà tôi đang cầm khiến tôi có đôi chút ngỡ ngàng không kịp có bất kỳ phản ứng nào.

Sơn Ca hỏi một câu rất thừa thãi:

- Mày đào được rồi hả? Đây là thứ mày vừa đào được có phải không?

Rồi Sơn Ca cũng giơ cao cái siêu đất lên cao tận dụng ánh sáng trăng ngắm nghía thứ vừa được lấy lên từ lòng đất lạnh.

- Còn cái gì nữa không?

- Có mỗi cái siêu sứt vòi này. May mà đào kịp thời gian. Đúng ra nên mang theo đèn pin, mà… mà vàng ở trong cái siêu này hả anh?

- Vàng?

Tôi gật đầu, mắt mở to chờ đợi cái gật đầu của Sơn Ca nhưng anh ta làm tôi thất vọng.

- Làm gì có vàng. Đây là thứ tao cần tìm, chắc không còn thêm cái gì nữa đâu.

- Để em mót thử, biết đâu…

Sơn Ca xua tay gạt đi:

- Thôi lấp đất rồi về, ở đây lâu không tiện.

Tôi cố vớt vát:

- Em… em đào cả nửa tiếng chỉ có cái siêu đun thuốc này phí cả công, em cứ tưởng có vàng hay gì. – Tôi xoè tay ra – Hai tay em như này chắc mai sẽ đau, bắp tay sẽ nhức mỏi.

- Sao lại siêu đun thuốc. Đây là cái bình vôi, bình vôi mày hiểu không?

Tôi ngẩn người ra:

- Anh lấy cái bình này về đựng vôi để ăn trầu à? Thế đi mua một cái về đựng, không thì xin bà em ấy, tốn công đào thứ vứt đi này làm cái gì chứ.

Tôi càu nhàu, vớ lấy cái xẻng xúc đất đổ xuống hố, trong lòng cảm thấy hụt hẫng vì mình vừa bỏ ra bao nhiêu công sức nhưng chẳng thu lại được cái gì giá trị.

- Mày ngu lắm, có mắt mà như mù. Đây là một cái bình vôi cổ, mang đi bán cũng được tiền triệu chứ ít gì.

- Một triệu à? Năm trăm nghìn cũng không tính là nhiều.

- Đúng là thằng ngu, tiền triệu, tiền triệu đấy. Cụ thể bao nhiêu triệu thì phải rửa sạch đi rồi tìm người thu mua đồ cổ định giá. Tao không biết về đồ cổ nhưng tao tin thứ này nhiều tiền.

Tôi tạm dừng việc xúc đất đổ xuống hố, chống xẻng thở hắt ra hỏi một cách nhăn nhó:

- Đồ cổ à? Đồ cổ phải mang ra Hà Nội bán mới được giá. Cái này là bình vôi sao giống cái siêu đun nước thế? Có cả quai cầm luôn.

- Mày là dạng ếch ngồi đáy giếng biết gì, lấp đất mau rồi về rửa cái này cho sạch sẽ mới biết được giá trị. Những thứ còn nguyên như này rất được giá.

- Mà khoan! – Tôi chợt nhớ ra – Thứ này liệu có phải được táng theo người đã khuất không anh? Lấy đồ của người đã khuất là mệt lắm đấy.

- Không, vô chủ! Thứ này không có chủ. Tao phải khó khăn lắm mới tìm được chứ mày tưởng đơn giản à?

Tôi không còn hơi sức mà hỏi tiếp, lấp đất xong xuôi liền vác xẻng cùng những thứ khác theo Sơn Ca về nhà. Sau cả giờ đồng hồ vận động mà không có nước uống khiến miệng tôi khô, lúc này tôi chỉ muốn một bát nước mưa hoặc nước vối để nguội rồi tính tiếp. Trên đường về Sơn Ca không ngừng ngắm nghía cái bình vôi bám đầy đất với vẻ mặt rất mãn nguyện còn tôi thì mặt như đâm lê, thứ tôi cần là vàng, một thỏi vàng hay vài cái nhẫn vàng vô chủ cũng được chứ thứ đồ sành sứ cổ này tôi thật chẳng quan tâm lắm. Đợt trước tôi đào được một cái chum nhỏ cũ kỹ bên trong toàn tiền xu, cái gì cũng thế, phải có tiền hoặc vàng mới nâng cao giá trị được.

Nói gì thì nói, tôi mới là một đứa mới bước sang tuổi mười sáu được hơn một tháng nên hiểu biết vẫn còn rất nông cạn.

Sơn Ca ngổi xổm cạnh cái máy bơm bước chạy bằng cơm còn tôi thì ra sức bơm, mồ hôi ướt áo cũng đã khô. Sau gần nửa tiếng đồng hồ, Sơn Ca cũng đã moi được hết đất cát ở trong cái bình rồi ra ngoài, tôi vẫn hi vọng có… vàng nhưng toàn màu vàng của đất trôi dần theo thứ nước lẫn mùi sắt tanh tanh. Sơn Ca chui vào bếp bật cái đèn tròn lên để xem cho rõ, tôi cũng tò mò đứng bên cạnh quan sát, vẻ mặt của Sơn Ca mỗi lúc một rạng rỡ, đặc biệt là khi cái bình vôi đã trở nên sạch sẽ, khô ráo dưới ánh đèn.

Sơn Ca thốt lên:

- Tuyệt vời!

- Thứ này bán được tiền lắm hả anh?

- Chưa biết được nhưng thứ này còn chạm trổ cả hình con rồng đây này. Đồ tốt, chắc chắn là đồ vừa tốt vừa quý.

- Sao em nhìn thấy nó giống con lươn hay con rắn vậy?

Sơn Ca quay sang lườm tôi một cái sắc lẹm nên tôi im re không đưa ra lời nhận xét, nhưng cũng chỉ được một lúc tôi lại hỏi:

- Cái này có đúng là bình vôi không? Cái lỗ to như này lại có quai xách có khi là cái đựng nước đái của trẻ con hồi xưa không chừng.

- Đm cái thằng này, trí tưởng tượng của mày sao tù thế?

- Em thấy giống mà! Thứ này mà có cái vòi là y chang cái siêu đất bà em dùng để sắc thuốc bắc tẩm bổ cho em. Anh có nhầm với cái siêu đất hay bô đựng nước đái không? Bình vôi thì cần gì làm cầu kỳ thế này? Bà em còn dùng vỏ hộp sữa Ông Thọ đựng vôi, vừa tiện lại…

- Mày câm mẹ mồm đi! Đây đúng là cái bình vôi!

- Có chắc không?

- Chắc như đinh đóng cột. Chính người ta đã nói và chỉ cho tao.

- Ai chỉ cho anh?

- Ma chỉ!

- Ma chỉ? Thật à? Con ma nào tốt bụng thế? Anh đã làm gì giúp thì con ma mới chỉ cho anh chứ, mà rõ là keo kiệt, trả ơn thì chỉ vàng bạc, châu báu gì cho có giá chứ cho cái thứ sành sứ rẻ tiền này tìm chỗ bán cũng khó. Nhìn mặt anh khù khờ thế này có khi lại bị ép giá.

- Hồi trước tao đi qua đoạn đường cái gần cống Đoan gặp một con ma đói rách rưới, thấy tội quá tao gửi cho ít bạc lẻ, nó không muốn nhận ơn của thầy bói nên nó chỉ cho tao chỗ này có một cái bình vôi cổ được hơn ba trăm năm đào lên đem bán cũng được một ít.

Tôi thở dài:

- Đúng là ma nghèo trả ơn cũng nghèo. Người ta đền ơn em cả hòm vàng em còn chẳng lấy, thứ này thật sự có đáng giá không lại tốn thời gian đi hỏi, cái vùng này bao nhà còn lo cái ăn cái mặc thì hơi đâu mà chơi đồ cổ.

- Vàng ở đâu? Ai trả ơn mày?

- À! Em ví dụ thế.

Sơn Ca bỏ qua câu nói của tôi, anh ta quay trở lại với cái bình vôi hơn ba trăm năm với vẻ mặt rất tâm đắc, miệng cứ suýt xoa mãi. Tôi lại tỏ ra hiểu biết:

- Hơn ba trăm năm trước tức là năm 1699 trở về trước, hồi ấy vùng này gọi là đất Siêu Loại, con mương cũng chưa có nên rất có thể khi đào mương người ta đào được thứ này nhưng không phát hiện ra vì nó lẫn vào đất. 1699 là thời nhà Lê mạt cũng không cổ lắm nhưng có mấy con giun, con rắn trang điểm thì chắc là đồ quý giá thật.

- Mày biết con mương này làm từ bao giờ hả?

- Mương mở rộng sau giải phóng còn trước đó thời còn hợp tác, khoảng cuối thập kỷ 50 chính thức đào để làm kênh thuỷ lợi nội đồng gì đó.

- Vãi nhỉ? Oắt con mà cũng nắm rõ những thứ ấy. Như mày nói thì con mương này hồi xưa là rãnh nước à?

- Chắc là thế rồi, hồi bà em mới về làm dâu ở làng này thì đường từ làng em xuống dưới Bưởi Nồi, Bưởi Đoan đã đi theo lối đường cái quan bây giờ. Có một con đường đất vừa cho xe bò đi từ đoạn gần cổng làng xuống gần lối cổng đình làng Bưởi Nồi.

- Bà mày bảo thế à?

- Bà em kể và em hỏi cả những người khác nữa. Sau này các quan làm đường, làm mương nên dân người ta gọi là đường cái của quan rồi gọi tắt là đường cái quan đấy chứ.

- Thế sao lại gọi là đường cái quan mà không gọi là đường quan?

- Đường cái mới sinh ra các đường nhánh, đẻ ra đường đực. Có thế mà anh cũng không biết.

- Tao không quan tâm đến mấy thứ đó dĩ nhiên tao không biết, những thứ mày biết có ra tiền không?

- Thì không! – Tôi đáp.

- Thế biết nhiều những thứ đó làm gì cho mệt ra.

- À tại em rảnh rỗi nhiều.

- Đêm nay mày làm tao rất bất ngờ đấy! – Sơn Ca bỗng nhiên đổi chủ đề, anh ta có vẻ như khen tôi thật.

- Có gì mà bất ngờ? Hai bàn tay em phồng rộp như thế nay mà chỉ đào được thứ vứt đi thời Lê mạt liệu có đáng không?

- Đáng chứ sao lại không. Tao tưởng đêm nay làm không xong lại phải đến đêm mai, mày có vẻ rất rành rẽ việc đi đào trộm vào ban đêm, lại tinh ranh. Nói thật đi, mày đã từng đào được gì ở làng này rồi phỏng?

Tôi nhếch mép cười:

- Những người thông minh sẽ biết mình phải làm gì chứ ai như anh, cứ úp úp mở mở ra vẻ bí mật, thứ này thì có đáng giá gì chứ. – Tôi vỗ ngực – Em hơi bị thông minh đấy.

- Thì ngay từ đầu gặp tao đã bảo mày là thằng thông minh rồi còn gì. Bây giờ tao cất thứ này đi, bán được bao nhiêu tao sẽ chia cho mày một nửa.

- Cũng được nhưng ít quá thì anh không phải chia.

Sơn Ca bước ra khỏi căn bếp nhỏ được vài bước chợt dừng lại quay đầu hỏi tôi:

- Mày không sợ tao bán được nhiều rồi chia cho mày ít hả?

- Không! Người tham lam sau này xuống dưới kia sẽ bị chặt tay chân ném vào vạc dầu. Với lại thứ em nghĩ là vàng, vàng mới thích.

- Tham thì ai cũng tham cả nhưng mày có vẻ biết chút ít về thuật dùng người đấy.

- Thuật gì ạ?

- Thuật dùng người!

Thấy tôi không hiểu, thú thật tôi không hiểu Sơn Ca nói thuật dùng người nghĩa là gì song anh ta cũng chẳng buồn giải thích, sau cái nhún vai tỏ vẻ bỏ qua thì Sơn Ca bước vòng ra sân để lên nhà còn tôi đi tắm. Thứ nước mưa múc từ trong chum ra mát lạnh làm tôi tỉnh táo hẳn. Nước mưa bà dùng để pha nước vối nhưng tôi hay múc tắm trộm, bà thừa biết nhưng chẳng bao giờ nói một câu. Một cái chum, một cái vại cổ để ở gần cửa bếp như có phép màu khi cứ với rồi lại đầy sau những cơn mưa lớn nhỏ. Có những buổi tối trời mưa, bà đội nói mê khoác áo tơi mang một loạt xô nhựa ra hứng nước rồi bắt tôi xách mang vào, tôi thường càu nhàu vì bà làm một việc vô nghĩa khi chỉ cần bật công tắc là nước sẽ được hút từ giếng khoan lên bể lọc. Tôi chỉ thay đổi suy nghĩ và không cằn nhằn nữa kể từ khi biết rằng thứ nước mưa ấy bà để dành cho thằng cháu nội tắm hoặc gội đầu thay cho thứ nước màu vàng lẫn cát hút từ dưới lòng đất lên.

Nhà tôi có gien nhiều đời hói đầu, chẳng biết có phải vì gội đầu bằng quả bồ kết đun nước mưa hay không mà bây giờ tôi vẫn chưa rụng hết tóc trong khi em trai tôi đã không còn một sợi. Có nhiều chiều mưa đứng ở nơi nào đó gần giọt ranh nhìn những giọt nước mưa nhỏ tong tỏng xuống đất tôi lại nhớ bà Già. Từ hồi bà Già trở thành người thiên cổ, tôi cũng giảm đi năm phần ham muốn về quê bởi vì ở căn nhà cũ không còn bóng dáng của bà.

Sơn Ca thủ thỉ:

- Mày có bao giờ nghĩ đến một ngày mày trở nên giàu có nhờ vào việc đi tìm kiếm đồ cổ không?

- Của Thiên thì trả Địa, bà em hay bảo thế. Muốn giàu thì buôn bán, nhà em mấy đời buôn bán nên cũng không khốn khó mấy.

- Cũng phải nhỉ! Nhưng dưới chân tao và mày có khi lại có cả mớ đồ cổ, tìm được mang đi bán sẽ trở nên giàu có.

- Cuối năm lấy vợ nên anh định làm giàu hả?

- Tiền làm gì có ai chê, miễn không ăn cắp là được!

- Xời! Đi ăn cắp của ma cũng là ăn cắp vậy.

- Mày bỏ kiểu nói móc họng ấy đi. Đồ của ma tao không tìm sẽ có người khác lấy.

Tôi kể cho Sơn Ca nghe câu chuyện lúc nhỏ đã chứng kiến anh con trai nhà bác Chín Hợi ở gần ngã ba Xưa, Hoà Bình vì đào được một cái bát ăn cơm của người đã khuất mà bị hành cho sống dở chết dở phải đem đi trả. Sơn Ca nghe xong thì im lặng một hồi mới phát biểu:

- Nhưng tao là thầy!

Tôi nghiêng mình nằm lặng im nhìn qua chấn song cửa suy nghĩ miên man. Bên ngoài trăng tỏ, tán cây bưởi đang rung rinh theo từng cơn gió nhẹ. Đâu đó trong xóm vọng lại tiếng chó sủa.

***