Chương 426: Căn nhà ma ám

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 426: Căn nhà ma ám

Chương 426: Căn nhà ma ám

***
Bà Còng – bà cụ không có gia đình. Người thân của bà là một người em trai nhưng vì những bất đồng xảy ra trong sinh hoạt thường ngày giữa bà với em dâu nên bà đã có một khoảng thời gian ngắn ngủ trong lều chợ Nam Đồng. Mẹ tôi là một trong số những người giúp bà cụ chỗ ở.

Bà Còng cũng có một sạp hàng trong chợ, nói là sạp hàng cho sang miệng nhưng thực tế chỉ là một cái mâm nhôm đặt trên cái xô màu trắng, nguyên bản của cái xô đó là thùng đựng sơn, tôi nhớ là như vậy. Bà Còng lấy lại đậu của nhà tôi để bán, một bìa đậu bà lãi được một trăm đồng, mỗi ngày bà bán được khoảng 150 đến 200 bìa. Ngoài việc bán đậu ra bà còn muối dưa, muối cà để bán, xem như tiếp nối luôn công việc mà chị Quyên tôi bỏ lại, do chị ấy đã về quê, bác tôi muốn chị lấy chồng ở quê chứ không muốn con gái lấy chồng thiên hạ.

Mỗi một ngày buôn bán từ sớm đến chiều trong chợ Nam Đồng tôi cho rằng bà Còng kiếm được khoảng từ sáu chục đến một trăm nghìn, tôi không biết số tiền đó có đủ để bà sinh hoạt hay không vì bà không phải trả tiền nhà. Có dạo bà ngủ ở nhà ở tôi trên cái ghế bố, dưa cà bà cũng muối nhờ ở nhà tôi. Mẹ tôi giúp bà một cách tự nhiên, dần dà mọi người trong khu xem bà như một người thường trú vậy. Sau dạo bà Còng ở nhờ nhà tôi thì về lại nhà người em trai ở, tôi không biết bà ở đó được bao lâu nhưng một thời gian sau lại thấy bà ngủ ngoài lán chợ mỗi đêm.

Xung quanh gốc cây xà cừ ma quỷ là một khoảng trống khoảng mười lăm mét vuông đầy những gạch vụn, lá khô, củi mục… đại khái là rác. Tôi không biết ai là người đã đưa ra ý kiến đầu tiên về việc dựng tạm cho bà Còng một cán lán ở ngay gốc cây đó nhằm che nắng che mưa bởi tôi không thường xuyên ở Hà Nội. Bác Vinh phi công là một trong những người xông xáo nhất trong việc dựng lán cho bà cụ. Cái lán được dựng quanh gốc cây xà cừ. Mái của cái lán là những tấm Firbo xi măng, ba mặt tường được xây gạch thẻ còn mặt trước được dựng bằng những thứ hầm bà lằng như cửa sổ cũ, tôn cũ hay những miếng ván bỏ đi… dựng xong xuôi thì trông cũng da dáng một căn nhà nhỏ cũ kỹ, chắp vá và đáng thương như chính số phận của bà Còng khi về già.

Bởi vì căn nhà nhỏ của bà Còng dựng quanh gốc cây nên gốc cây ở giữa nhà, bà Còng tận dụng luôn làm nơi treo những đồ dùng cá nhân. Bác Vinh đã đóng lên cái thân cây ấy rất nhiều cái đinh to và dài. Điện thì kéo từ một nhà nào đó ra tôi không nhớ nhưng nước thì lấy từ nhà tôi. Bà Còng rất khoẻ dù lưng bà bị còng như cái tên mà người dân trong chợ đã đặt cho bà. Bà Còng có thể tự xách được một hai xô nước nhỏ nhưng thường thì đám trẻ chúng tôi giúp bà xách nước hoặc bất kỳ ai nhìn thấy sẽ sẵn sàng giúp bà.

Hà Nội là Thủ đô, khu nhà A2 của tập thể Nam Đồng dành cho những người đã và đang ở trong quân ngũ, toàn bộ các gia đình đều có ít nhất một người là sĩ quan. Trong những căn phòng tập thể của khu nhà A2 này, nhà nào cũng như nhà nào luôn đầy ắp huân huy chương và những bằng khen, bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường. Toàn bộ những người dân trong nhà A2 không phải người gốc Thủ đô, họ có thể đến từ khu IV cũ hoặc ATK thời trước… bởi vậy họ vẫn là những người dân quê sống tình cảm và quan tâm lẫn nhau. Bà Còng vì thế cũng không phải bơ vơ.

Chẳng ai biết cây xà cừ đó như thế nào, cây xà cừ đó dưới con mắt của mọi người đơn giản chỉ là một khoảnh đất trống mà nhiều người đôi khi tưởng là nơi vứt rác. Tôi nghĩ bà Còng đã rất vui khi có một chỗ ngả lưng đường hoàng mà không phải nhờ vả đến ai, sau này có đôi lần bên chính quyền định giải toả nhưng vì nhiều lý do lại thôi, một thời gian ngắn sau lại có những người khác lấn chiếm, họ xây được khoảng hai ngôi nhà nhỏ bên cạnh căn nhà của bà Còng, sau lưng của ba ngôi nhà nhỏ là bức tường của bể nước.

Ai cũng mừng cho bà Còng nhưng chuỗi ngày bà Còng phải sống trong sợ hãi, ngủ chung nhà với ma quỷ chỉ mới bắt đầu.

Bà Còng có sợ không?

Có!

Đã có những đêm bà Còng phải thức dậy mở cửa và la hét, sợ hãi, tinh thần hoảng loạn.

Sợ là như vậy nhưng bà Còng làm gì có lựa chọn khác về chỗ ở, bởi thế sợ nhưng bà vẫn phải ngủ mỗi đêm.

Tối nào cũng như tối nào, sau bữa cơm tối thì bà Còng hay bắc ghế ra ngoài ngồi phe phẩy cái quạt nhìn bọn trẻ con chạy nhảy nô đùa trước mặt. Bà thường đi ngủ lúc 9 giờ tối. Tôi biết điều này bởi cái bóng đèn điện tròn đã tắt thay vào đó là ánh đèn dầu lọt qua những khe hở của căn nhà. Bà Còng cũng có phần nào tính cách giống bà Già tôi, đó là tiết kiệm đến mức tối giản, nhất là dùng điện. Tôi vẫn nhớ những khi tôi ở nhà thì bà Già sẽ dùng điện chiều theo ý của tôi nhưng chỉ cần tôi ra Hà Nội vào mỗi mùa hè thì tiền điện tụt giảm đi một cách đáng ngạc nhiên. Ngoài tivi và quạt bàn là bà phải dùng thường xuyên còn điện chỉ bật một lúc buổi tối, ngay cả khi nấu cơm dưới bếp, dù tôi đã dòng một cái bóng xuống để bà nấu cơm nhưng bà toàn dùng đèn dầu để ngay bậc lên xuống. Mỗi lần như thế tôi hay phàn nàn:

- Sao bà không bật cái bóng điện lên? Đèn dầu tối mù như thế này mắt lại kém, bước lên bước xuống không nhìn rõ có ngày ngã gãy chân. Mà nấu cơm với canh bà cầm tay vào đèn dầu sẽ dính dầu, dầu sẽ dính vào cơm canh, ăn sẽ đau bụng.

Những lần như thế bà chỉ trả lời:

- Ừ, tao quên!

Tôi thừa biết bà không quên, đấy là do bà tiết kiệm, thói quen tiết kiệm trong nhiều năm thật khó mà thay đổi được. Tôi và bà cách nhau đến hai thế hệ nhưng vì chiều tôi nên bà cũng quen đi ngủ mà điện vẫn sáng trưng. Mỗi khi trời tối, trong nhà có bao nhiêu cái công tắc thì tôi bật bằng hết, tiền điện mỗi tháng đến mấy chục nghìn, mỗi lần người ta đến thu tiền điện bà đều tiếc nuối, miễn cưỡng lấy ra những tờ tiền giắt ở cạp quần trong khi tôi thì vẫn nằm vắt chân chữ ngũ trên phản mở quạt chạy vù vù, kể cả khi tôi không còn nằm ở chỗ đó thì quạt vẫn chạy. Mẹ tôi vẫn hay bảo tôi được bà hầu quen rồi nên lười, tôi chỉ nhún vai hoặc cười không đáp. Tôi nghĩ đứa cháu nào cũng ít nhiều giống như tôi, ấy là khi được ông bà chiều thì tự nhiên thấy rằng đó là đặc quyền của riêng mình.

Hồi đầu chẳng ai tin những chuyện bà Còng nói nhưng bà nói mãi, kể mãi thì cũng có người tin, có người thì bán tín bán nghi, một số khác thì chẳng quan tâm mấy nhưng ai rồi cũng loáng thoáng nghe rằng gốc cây đó thật sự có ma.

Mỗi tối khi bà Còng lên giường ngủ, vừa bỏ chân ra khỏi đôi dép nhựa cũ kỹ thì mười đêm như một đều có ít nhất một đôi tay từ dưới gầm giường thò ta giữ chặt chân bà lại cho đến khi bà Còng hét lên thì mới hết. Đã vài lần đám trẻ trong khu giật mình khi đang chơi mà bà Còng ở trong nhà la thất thanh, nếu ai đó đập cửa hỏi chuyện thì bà đều bảo không có chuyện gì. Ngoài việc bị giữ chân khi chuẩn bị lên giường ngủ, bà Còng còn bị kéo chân đánh thức, đôi khi lại bị đẩy ngã lăn kềnh xuống đất, đặc biệt bà còn kể rằng ma nó hò nhau dựng nghiêng cái giường lên để bà không có chỗ ngủ!

Bóng điện thì hay cháy, nồi niêu xoong chảo, bát đĩa hay xô vào mỗi đêm để bà Còng không ngủ được…

Bọn ma quỷ trú ngụ ở gốc cây ấy làm đủ mọi chuyện chọc phá, dường như chẳng đêm nào bà Còng được yên giấc đến sáng.

Tôi không để ý cho lắm về việc của bà Còng do tôi mải mê với cuộc sống riêng của mình cho đến một tối tôi từ nhà bác Vinh về, theo thói quen tôi chào bà Còng, như chỉ chờ có thế bà Còng kéo tôi lại nói chuyện. Thật ra cũng chẳng có chuyện gì nhưng tôi biết một con người luôn cần nói chuyện, người cô đơn lại càng có nhu cầu nói chuyện hơn bất kỳ điều gì khác. Tôi nán lại nói chuyện với bà Còng như một phép lịch sự. Như một người lớn, tôi hỏi thăm bà Còng về việc buôn bán hàng ngày rồi động viên bà cố gắng hơn. Câu chuyện rẽ sang một hướng khác khi tôi nói mừng cho bà Còng vì đã có chỗ nghỉ ngơi cố định, an cư mới lạc nghiệp được, người xưa nói cấm có sai. Chính vì tôi hỏi điều này nên bà Còng bắt đầu kể về những cơn ác mộng bà gặp phải cũng như việc ma quỷ trêu chọc mỗi đêm:

- Chúng nó bảo là bà ở tranh chỗ, muốn đuổi bà đi nơi khác.

- Liệu bà có nghe nhầm không? Bốn phía xung quanh đều có người ở, nhà nọ cách nhà kia chưa đến mười mét thì ma quỷ sao quậy phá như vậy được.

- Không nhầm được đâu cháu ơi, cứ tắt đèn là chúng nó nghịch. Chúng nó còn bảo là "Con già này mà không cút đi có ngày bọn tao vặn cổ cho chết tươi". Nói thật với cháu là nếu đúng chỗ này có ma quỷ trú ngụ thì bà cũng đành chịu chết vì làm gì còn chỗ nào để mà đi cơ chứ.

- Hay hôm nào bà đi chùa nhờ ông sư nào đấy giúp cho lá bùa.

- Bà già yếu rồi, loanh quanh cũng chỉ ở cái chợ này chứ chùa chiền bao năm nay chẳng đi được đâu. Thôi thì bây giờ bà cũng đã bảy mươi hơn, sống cũng đủ lâu rồi, có chết thì cũng chẳng còn gì hối tiếc nhưng muốn ngủ một giấc cho yên cũng chẳng được.

- Bọn ma quỷ này có đông không bà?

- Chắc là đông, chúng nó còn hò nhau khiêng giường ném ra ngoài cơ đấy.

Bà Còng kể cho tôi nghe những cơn mộng mị mà trong đó những bóng người mờ nhạt, khuôn mặt tỏ ra hung ác và lạnh lẽo thường xuyên xuất hiện, có đứa nói bà nghe rõ nhưng có những đứa nói bà nghe chẳng hiểu chúng nói gì, chỉ thấy chúng nó chỉ chỏ rồi nói gì đó với nhau

Tôi đứng nói chuyện với bà Còng khoảng mười lăm phút rồi đi bộ về, nhà tôi cũng cách đó khoảng mười mét chứ mấy. Tôi ngồi suy nghĩ một lúc rồi lôi từ trong ba lô ra lá bùa mà tôi giấu kỹ cũng như kín đáo dắt lưỡi lê vào thắt lưng. Tôi lại trèo lên nóc dãy nhà của bể bơm nước, mọi người đã quá quen thuộc với hành động này của tôi nên chẳng còn quan tâm nữa. Một thằng sống ở quê thì việc leo trèo như một sự thật hiển nhiên vậy. Tôi trèo bên này rồi tụt xuống ở bên kia, nhón nhẹ bàn chân bước qua cửa sổ phía sau căn phòng mẹ tôi đang nằm xem phim. Trong ánh sáng yếu ớt của đủ các loại bóng điện công cộng tứ phía hắt đến, tôi lặng lẽ dùng lưỡi lê khoét được một cái lỗ sâu khoảng hai mươi phân, bán kính khoảng mười phân rồi nhặt những mảnh gỗ nhỏ, ngói vụn… lót xuống đáy trước khi đặt lá bùa xuống rồi đặt một tấm gỗ lên trên, che giấu rất kín đáo. Mỗi ngày tôi kiểm tra một lần vào buổi tối. Được mấy ngày như vậy thì tôi lười leo trèo nên tính toán cách khác, lá bùa được giấu một cách khéo léo và kín đáo ngay dưới tấm lợp xi măng của căn nhà bà Còng ở. Lũ ma quỷ chắc chắn rất căm tức tôi, hận tôi thấu xương nhưng chúng nó có thể làm gì cơ chứ? Đến chính tôi cũng chẳng thể hiểu nổi bọn ma quỷ ấy cảm thấy. như thế nào khi hàng tháng trời bị đóng băng như một pho tượng từ sáng đến đêm rồi lại từ đêm đến sáng, trải nghiệm này thật sự kinh hoàng.

Trong suốt thời gian tôi giấu lá bùa dưới tấm lợp xi măng đó bà Còng hẳn đã có những giấc ngủ ngon, tôi chỉ có thể giúp bà cụ được có như vậy, khi nào tôi về quê thì cũng đành chịu vậy.

Nhưng một sáng tôi thức dậy và rất ngạc nhiên khi thấy Sơn Ca đang ngồi uống nước chè, miệng phì phèo điếu thuốc lá Vina ở quán nước của bà Nhuận, ngay cổng nhà tôi.

- Vẫn ngủ dậy muộn thế hả thằng em?

Ngay sau đó tôi phải gấp rút lấy lá bùa về giấu vào trong ba lô. Tôi muốn giúp bà Còng có thể ngủ yên giấc trong căn nhà ma ám ấy nhưng tôi không muốn Sơn Ca phát hiện ra thứ anh ta không nên thấy.

***