Chương 425: Mười nghìn cho bà

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 425: Mười nghìn cho bà

Chương 425: Mười nghìn cho bà

***
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là thành phố lớn nhất miền Bắc, là đầu tàu kinh tế của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ vào năm cuối cùng của thế kỷ 20 đang từng ngày chuyển mình thay đổi. Những con người sống ở Thủ đô cũng trở nên năng động hơn trước những thay đổi của thời cuộc.

Tôi có tiền, thậm chí là có nhiều so với những bạn đồng trang lứa nhưng tôi giấu nhẹm đi nên chẳng ai biết tôi có bao nhiêu. Dưới con mắt của mẹ tôi thì tôi là một thằng ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu, lúc nào cũng chỉ bo bo giữ tiền để dành. Ban đầu chỉ mẹ tôi nghĩ như vậy, mẹ cứ nói vui nhưng dần dà ai trong nhà cũng nghĩ như thế cả, tôi cũng lười giải thích, tại sao phải giải thích nhỉ? Tất cả mọi người đều nghĩ tôi tiết kiệm nhưng tiết kiệm để làm gì thì lại không có ai thắc mắc.

Tài sản của tôi hiện tại gồm của chìm và của nổi, của chìm thì có gần ba cây vàng chôn giấu ở sau vườn còn của nổi là tiền mặt, trong túi lúc nào cũng có tiền triệu nhưng cụ thể có bao nhiêu chỉ một mình tôi biết.

Tôi lao động một cách chăm chỉ vào mùa hè năm 1999. Tôi không to cao nhưng làm được rất nhiều việc. Giống như những mùa hè của năm trước, tôi làm việc như một công nhân trong xưởng sản xuất sữa đậu nành của gia đình từ việc đơn giản như rót sữa đậu nành vào từng chai rồi đóng nắp hay dán tem nhãn, bê hàng hoá cho đến công đoạn đòi hỏi nhiều chất xám hơn như pha hương liệu cho mỗi mẻ sữa đậu nành. Tôi làm mọi thứ rất thuần thục với một suy nghĩ rằng tương lai mình sẽ tiếp quản công việc của gia đình nên phải biết, phải thuần thục tất cả mọi công đoạn. Muốn quản lý được công nhân thì tôi phải biết rõ công việc đó, tôi không muốn mình chỉ là một kẻ chỉ tay năm ngón.

Tôi đã biết đi xe máy, tôi đi rất thành thạo mặc dù ngồi trên yên xe Dream thì chân còn chưa chống vững nhưng xe 82 thấp hơn nên bố mẹ tôi cũng không quản. Mỗi tối khi mà chiếc xe ban ngày bận rộn nay đã dựng gọn vào một góc thì tôi dắt ra đi dạo một mình, cứ quần đùi với áo ba lỗ tôi chạy lòng vòng theo những lộ trình không tính toán trước vào mỗi tối. Các tuyến đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn – Khâm Thiên – Nguyễn Lương Bằng là tôi tuyệt đối thông thuộc. Thời gian đầu dĩ nhiên tôi đi rất đàng hoàng nhưng sau đó thì không, tôi cũng lạng lách, đánh võng… giống như các bạn trẻ sau này. Tôi là một thằng nghịch ngầm! Trước mặt người lớn, tôi vẫn đóng tròn vai một đứa ngoan ngoãn, đáng tin cậy nhưng khi chỉ còn tôi với tôi thì đó là một câu chuyện khác.

Sau khi bản thân đã chán với việc phóng xe một mình vào buổi tối thì tôi muốn thử thách bản thân mình bằng cách đi xe vào ban ngày, muốn sử dụng xe máy vào ban ngày mà không bị mẹ mắng thì chỉ có cách xin đi giao hàng!

Và tôi đã làm như thế!

Ban đầu tôi xung phong đi giao những điểm nhỏ lẻ xung quanh quận Đống Đa như quán nước đầu ngõ 102 Trường Chinh của một ông bà già làm chủ, đại lý bánh kẹo 23 Vũ Ngọc Phan, rồi một số quán nhỏ lẻ trên đường Đê La Thành hay những quán nước trong ngõ Khương Thượng (sau này mới thành nâng cấp phố Khương Thượng)… Tôi đi và về rất nhanh. Lúc đầu chỉ đi được một điểm giao rồi về, sau tôi rành rẽ hơn thì giao một chuyến nhiều điểm.

Những lần đầu tôi chỉ chở được hai két sữa đậu này, một két để đằng trước, chỗ yên ngựa của xe, một két chằng ở ba ga phía sau. Tiếp theo đó tôi chở được ba két một lần và cứ thế tăng dần lên. Hết mùa hè 1999 thì tôi có thể chở được một lúc năm két sữa đậu nành, đây thực sự là một thử thách bởi chở hàng khác hoàn toàn so với chở người và tôi thì trông rõ là gầy gò. Mùa hè Hà Nội đã biến tôi thành một thằng đen nhẻm.

Trong quá trình đi giao hàng, tôi lại nảy ra một ý mới ấy là mỗi khi đi giao tôi sẽ chở thêm một két! Sau khi giao ở điểm A xong xuôi, tôi sẽ nại ra lý do chở thừa dụ người ta lấy luôn phần tôi chở thừa nếu điểm giao hàng đó là cửa hàng lớn. Những chỗ ấy tôi thường chỉ dụ mua hộ một lần. Tôi cứ tưởng mình làm thế là thông minh nhưng về sau nhiều khách hàng nói với bố tôi rằng có thằng con trai kế nghiệp tốt bởi họ thừa biết đấy là do tôi muốn… nhồi thêm hàng cho người ta. Bố tôi kể cho mẹ tôi, mẹ tôi dĩ nhiên không nói với tôi nhưng mỗi lần thằng con trai chở hàng đi giao mẹ tôi đều cười tủm tỉm.

Đấy là với những cửa hàng lớn, còn những quán nước nhỏ hơn mỗi lần lấy một két thì tôi lại làm cách khác. Một két sữa đậu này có 24 chai, họ bán được bao nhiêu chai thì tôi giao chừng đó và đổi vỏ về, bởi vậy những quán ấy trong suốt mùa hè không gọi đặt hàng khiến bố mẹ tôi ngạc nhiên bởi tưởng bị mất khách nhưng khi bố tôi đi thăm từng chỗ lại rất ngạc nhiên khi hàng chẳng bao giờ thiếu để bán. Những ông bà, cô bác chủ quán nói rằng thằng con trai của anh tuần nào chẳng đến, bán được chục chai thì nó đổi một chục chai thu tiền luôn nên có hết đâu mà gọi. Bố tôi lại về hỏi mẹ tôi, mẹ tôi cũng không biết được bởi trên sổ sách thì chỉ có một người mua hàng rất thường xuyên. Bố mẹ hỏi tôi, tôi trả lời rất rành mạch. Do mỗi quán lấy không đủ một két nên tôi chọn đại một quán làm đại diện mua hàng còn thực tế một két thường là giao cho hai điểm khác nhau. Bố nhìn mẹ, mẹ nhìn bố. Quan trọng là tôi không bị mắng. Sau này thuật ngữ mà dân bán hàng tiêu dùng hay mô tả cách làm của tôi là "chẻ hàng" nhưng tôi của mùa hè 1999 làm gì biết định nghĩa, đúng hơn là tôi chẳng quan tâm đến những định nghĩa.

Tôi là một thằng láu cá, tôi thừa nhận điều này!

Sau khi đã thành thục việc giao các điểm nhỏ lẻ thì tôi muốn tìm hiểu một nơi lấy hàng nhiều nhất, lấy mỗi ngày khoảng năm két sữa hoặc gấp đôi, ấy chính là cô Oanh ở bến xe Giáp Bát. Thời điểm này nhà tôi sẽ giao hàng cho cô Oanh, cô ấy sẽ phân phối lại cho các hàng quán bán nước giải khát trong bến xe. Ai cũng biết nhà ga, bến tàu, bến xe là một nơi phức tạp. Nơi mà trộm cắp, giật đồ, móc túi, trấn lột, dụ dỗ… có rất nhiều. Theo thông lệ thì khoảng 5 giờ chiều mỗi ngày, trong số công nhân đang làm việc sẽ có một người phải đi thu gom lại vỏ chai tự chở về. Tôi nói với bố rằng mình muốn đi cùng các chú hoặc các anh thu gom vỏ chai ở bến xe, bố tôi ậm ừ nên tôi tự quyết định mình sẽ làm như vậy. Muốn đi cùng thì phải có xe máy khác, mà xe Dream không phải là cái xe thích thì xách đi được, đó là xe của bố tôi.
Nhưng tôi cứ tự nhiên lấy chìa khoá và đi theo chú Khánh hoặc chú Sáu hay anh Hải xuống bến xe Giáp Bát, bố tôi không nói gì trong khi mẹ tôi thì phàn nàn rằng bố chiều tôi quá mức khi để tôi tự do sử dụng xe máy.

Tôi giúp thu gom vỏ chai của nhà mình, có đi thì tôi mới biết ngoài hãng 113 của nhà tôi thì còn có hãng 109 rồi Trường Sinh cũng bán ở trong bến xe, vỏ chai các hãng để lẫn lộn nhau dưới gầm bàn, gầm ghế. Vỏ của nhà nào thì nhà đó lấy về theo một quy định bất thành văn chẳng biết do ai đặt ra. Tôi đi theo vài lần thì thành thục, thậm chí còn chẳng mất tiền mua vé vào bến xe vì tôi bảo là cháu của cô Oanh đi giao hàng. Tôi không tự nhiên biết điều này mà do tôi chịu quan sát những người giao hàng khác, họ nhẵn mặt bảo vệ, nhẵn mặt cả những tay giang hồ.

Rồi có một ngày tôi đi thu gom vỏ chai vào lúc 3 giờ chiều bởi tôi nghĩ vỏ chai nhà mình có thể bị người khác lấy do chẳng có ai kiểm soát việc này. Thực hư tôi không biết ra sao nhưng tôi gom được vỏ chai nhà mình đầy đủ và nhiều hơn so với gom lúc 5 giờ chiều. Bao giờ cũng vậy, khi tôi làm một việc thành thục thì tôi luôn nghĩ cách để làm tốt hơn hoặc hiệu quả hơn. Tôi còn láu cá dùng một bàn tay xé đi tem nhãn của những hãng khác nhét vào túi quần, vỏ chai sữa trở thành vỏ vô chủ và tôi thản nhiên xếp vào két vỏ của nhà mình. Tôi tự đưa ra hạn mức, mỗi két 24 chai sẽ có 6 chai bị xé tem, một ngày nếu trung bình thu về 5 két vỏ thì tôi… ăn cắp được 30 vỏ chai của hãng khác.

Việc này chẳng ai quan tâm, các hãng khác cũng là nhân viên đi thu gom, số lượng vỏ chai thu hồi lớn nên lúc nào cũng có thiếu hụt. Tôi tự nhẩm tính rằng mùa hè năm đó tôi đã lấy không dưới 1000 vỏ chai sữa đậu nành. Chẳng biết có phải do tôi ăn trộm hay không mà sau đó hãng sữa 109 ra loại vỏ chai thuỷ tinh in nổi chữ 109 trên thân chai. Tuy nhiên số lượng vỏ chai không có chữ nổi rất nhiều và vì thế những mùa hè năm sau tôi vẫn làm như thế.

Tôi không nói với bố mẹ, không nói với bất kỳ ai.

Ăn trộm ai lại mang ra khoe bao giờ!

Hồi đầu tiên tôi cũng cảm thấy áy náy, cắn rứt lương tâm nhưng mãi rồi cũng quen, lương tâm trở nên chai sạn và rồi chẳng có cảm xúc gì.

Tôi xuất hiện thường xuyên hơn vào mỗi chiều muộn ở bến xe Giáp Bát, bảo vệ, chủ quán và cả những tay anh chị bắt đầu nhẵn mặt, dĩ nhiên họ chẳng bao giờ để tâm hay quan tâm đến một thằng bé còi cọc, đen nhẻm mặc quần đùi áo cộc đi dép xăng đan cần mẫn thu gom vỏ chai. Tôi nhận ra mình dạn dĩ hơn rất nhiều. Một vài lần tôi chứng kiến cảnh những người ở quê ra ngơ ngơ ngác ngác bị cò mồi dẫn dụ hay phải bắt xích lô, xe ôm… với giá cắt cổ hoặc họ đang ở trong tầm ngắm của một vài tay móc túi chuyên nghiệp lảng vảng xung quanh. Trong bến xe luôn có những luật ngầm và tôi phải tự học bằng cách hỏi, khi tôi hỏi hầu như ai cũng sẵn sàng chỉ cho tôi một cách cặn kẽ. Có lẽ do vẻ mặt thật thà cùng bộ dáng còi cọc, quê mùa của mình mà tôi được nhìn nhận là một thằng vô hại, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ. Tôi không thể ngăn cản hay xen vào việc của người khác nhưng mỗi khi có cơ hội thì tôi thường tìm cách nói với người nọ người kia rằng cẩn thận không bị móc túi hoặc đơn giản là:

- Đi xe ôm từ đây vê khu Đại học Bách Khoa chỉ ba mươi nghìn cho hai người là được ạ.

Hay là:

- Bác với chị lên ôn thi thì nên thuê nhà bên khu Phương Mai, tự đi tìm sẽ rẻ hơn rất nhiều so với cò người ta dẫn đi, lại tốn một trăm nghìn.

Hoặc:

- Bác với anh chịu khó đi bộ ra khỏi bến xe, rẽ phải khoảng một trăm mét rồi bắt xích lô hay hay xe ôm về Cầu Giấy sẽ rẻ hơn. Nếu không muốn đi xe ôm thì bắt xe bus số 29 đi Xuân Thuỷ.

Tôi nói xong lập tức đi ngay, đứng đó lâu không cẩn thận lại ăn đòn vì tội đá bát cơm của người khác.

Tôi nghĩ mình là một người bình thường, lúc xấu lúc tốt chẳng biết đường nào mà lần, tuy nhiên tôi luôn sẵn lòng giúp những người ở quê ra bởi tôi cũng là một thằng nhà quê cơ mà.

Bà Già đã cực kỳ ngạc nhiên khi thấy thằng cháu nội một mình một xe máy chạy từ Hà Nội về. Tôi nghĩ bà sẽ không thể nào tưởng tượng được chuyện này lại có thể đến sớm như vậy, tôi chỉ mới mười sáu tuổi, thấp bé, gầy gò. Lần ấy tôi chở hàng về giao cho đại lý ở Phú Thuỵ rồi cả cái quán nước tôi và R9 hay ngồi nghỉ mỗi khi đạp xe từ quê ra Thủ đô. Tôi đã gửi hàng ở quán nước đó rồi phi một mạch về gặp bà, đoạn đường 17 cây số chỉ mất khoảng hai mươi lăm phút. Tôi muốn làm bà Già ngạc nhiên và bà ngạc nhiên thật sự. Đối với bà thì việc tôi tự đi Hà Nội và về bằng xe đạp đã là chuyện cơm bữa nhưng tự đi xe máy và còn giao hàng nữa thì đúng là chuyện lạ.

Tôi chỉ ở nhà độ mười lăm phút rồi đi ngay, trước khi đi tôi còn cho bà Già mười nghìn đồng và nói:

- Đây là tiền công mà mẹ cháu trả thêm cho việc cháu đi giao hàng, cháu cho bà. Mai bà mua cái gì ngon ngon mà ăn.

Tôi đã từng nhiều lần đưa cho bà hàng chỉ vàng nhưng một chỉ vàng đào được so với mười nghìn đồng mồ hôi nước mắt là khác nhau hoàn toàn, tôi rất rạch ròi trong việc này. Mười nghìn đồng có được từ việc giao hàng mà tôi cho bà Già khiến bản thân tôi rất vui, tôi cảm thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn, có thể tự kiếm ra tiền. Còn bà Già thì cầm tờ tiền đỏ chót trên tay, miệng nhai trầu bỏm bẻm và cười tít mắt, tôi nghĩ bà cũng vui như tôi vậy.

Mùa hè 1999 thật sự là một mùa hè bản lề khi mà tôi vụt lớn cả về tư tưởng lẫn chiều cao, tôi nhớ sau mùa hè đó thì chiều cao của tôi khoảng một mét năm mươi bảy. Chiều cao của tôi tăng thêm bốn xăng ti mét nữa thì ngừng, tôi vẫn có một mét sáu mươi mốt trong nhiều năm qua và chiều cao này sẽ giảm đi sau khoảng hai chục năm nữa.

***