Chương 424: Sống để yêu thương hay yêu thương để sống?

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 424: Sống để yêu thương hay yêu thương để sống?

Chương 424: Sống để yêu thương hay yêu thương để sống?

***
Mộ xây rất nhanh, qua ngày hôm sau đã xong xuôi, một ngôi mộ xi măng lớn, màu xám và không có bia trở thành điểm nhấn giữa cánh đồng. Thời gian sau này thi thoảng khi ngồi học bên cửa sổ tôi vẫn có thể nhìn ra được bởi thời điểm này chỉ có ruộng rau và ruộng rau sau rặng tre nhà tôi. Khoảng những năm 2002 trở đi thì những ruộng rau không còn mà thay vào đó là những ngôi nhà, ban đầu là những căn nhà cấp 4, về sau thì toàn nhà cao tầng. Năm 2019, phân nửa những ngôi nhà ấy vẫn không có người ở. Sau hai chục năm, nhà tôi từ chỗ nằm ở rìa làng trở thành giữa làng, nhà thì nhiều hơn nhưng cảnh đìu hiu vẫn hiện hữu, thậm chí còn vắng vẻ hơn thời tôi còn sinh sống ở làng bởi vì người già khuất núi nhưng người trẻ thì không về. Nhân khẩu ở làng cứ thế mà tụt giảm theo cấp số trừ.

Tôi cũng thuộc nhóm những người thoát ly không hẹn ngày về.

Từ khi bà Già không còn trên cõi đời này thì tôi như con tàu thiếu đi một bến đỗ, tôi không còn háo hức với việc về quê mặc dù bà Trẻ vẫn chờ cửa. Tôi cũng yêu bà Trẻ của mình nhưng vì ngoài tôi thì bà còn nhiều cháu ngoại, ai cũng thương và lo cho bà nên tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Tôi vẫn không thể nào quên được những lần mình kéo va li đi thì bà Già ngồi trên bậc thềm nhìn theo vừa nói vừa khóc, thậm chí còn chửi tôi:

- Mày đừng có về, mày cứ về ở với tao vài ngày xong lại đi làm tao nhớ thế này tao chết đi cho xong.

Nhưng tôi vẫn phải đi, lần nào rời khỏi cổng nhà thì hai mắt tôi cũng ướt nhưng tôi chẳng thể nào làm khác được. Mọi người trong nhà tôi, kể cả các cô, các bác đều biết tôi thương bà Già và bà cũng dành tình cảm đặc biệt cho tôi. Có lần chị Ma cười và nói với tôi là:

- Có khi kiếp trước em và bà em có duyên nợ nên kiếp này mới như vậy. Nhưng em ạ, con chim đến khi biết bay cũng sẽ rời tổ, đấy là quy luật. Đừng bao giờ để tình cảm gia đình ảnh hưởng đến tương lai, em không thể cứ lần nữa mãi được. Cứ đi đi, chị còn ở đây lâu, có chuyện gì chị sẽ tìm cách giúp.

Tôi nhớ vài lần bà ốm phải đi Hà Nội chữa bệnh hoặc đi ăn cỗ ở quê của bà khi tôi còn nhỏ, tôi ở nhà một mình và luôn mong ngóng bà về, nỗi mong chờ khắc khoải ấy in đậm trong trí nhớ của tôi, chính bởi thế tôi phần nào hiểu được tình cảm của bà mình.

Bà Già phải sống 4 năm một mình, đó là khoảng thời gian sau khi tôi tốt nghiệp cấp 3 cho đến khi bà Trẻ về sống hẳn ở quê. 4 năm bằng gần 1.400 đêm vò võ một mình trong căn nhà rộng rãi, trống trải. Trong 4 năm ấy cứ đến chiều thứ Bảy là tôi một mình đi xe máy về, kể cả đã muộn và sau khi ăn cơm tối cùng với bà vào chiều Chủ Nhật thì tôi mới trở ra Hà Nội. Thói quen ấy kéo dài cho đến khi tôi không còn ở Hà Nội nữa. Có lẽ đó cũng là một lý do tôi ít có cơ hội tụ tập với bạn bè, tình cảm bạn bè hay bất cứ thứ tình cảm nào khác cũng cần phải vun đắp nhưng mỗi con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có ít nhất hai lựa chọn và tôi thì luôn chọn bà của mình. Trong thâm thâm, tôi muốn bù đắp tình cảm cho bà trong khả năng của mình.

Khi bà Già nhắm mắt xuôi tay cũng phải đến khi tôi về đến nhà thì mới có di ảnh để thờ. Mấy đứa em họ của tôi chạy đôn chạy đáo tìm nhưng sáng hôm ấy chẳng có bất kỳ cửa hàng chụp ảnh nào mở cửa. Trước khi di quan bà ra Cầu Khoai, một con bướm trắng to, theo sau là một đàn bướm trắng nhỏ xuất hiện từ phía khu vườn mà những năm trước tôi hay gặp chị Ma bay tràn vào trong rạp. Con bướm trắng ấy đậu trên miệng cái vại sành mẻ mà khi xưa bà vẫn hay chứa nước mưa để dành cho tôi tắm sau đó đậu lên vai của tôi rồi mới bay lên trời.

Tôi đã nhờ vả chị Ma và chị Đẹp chăm sóc cũng như giúp đỡ linh hồn của bà tôi nơi chín suối nhưng chị Ma chỉ cười. Chị ấy bảo rằng:

- Chị cũng muốn giúp em lắm nhưng rất tiếc là chẳng đến lượt. Ở trên mảnh đất này chị là nhất, ra khỏi cái cổng kia chị cũng chỉ là một hồn ma như bao hồn ma khác mà thôi. Chị không có quyền hạn, nếu muốn cũng phải đi nhờ vả.

- Vậy chị nhờ ai đó giúp em có được không?

- Không cần thiết đâu. Bà em trước khi đi đã gặp được con trai, bà rất mãn nguyện.

- Em chỉ tiếc là… là em về không kịp. Em xin lỗi vì đã có lúc trách chị.

- Có gì mà xin lỗi, mình là chị em cơ mà. Bản thân chị cũng muốn tìm cách giúp bà tỉnh táo đến khi em về đến nhưng lúc gia đình đưa bà về đến đây thì bà đã không còn biết gì nữa. Nhưng cũng tốt, nếu gặp thêm em thì bà lại quyến luyến không muốn rời đi, cũng khổ em ạ. Em có khi nào ngồi ngẫm lại mọi biến cố trong cuộc đời của mình hay không?

- Em… em cũng thi thoảng ạ.

- Mười hai tuổi em cảm nhận được tình thân một cách sâu sắc khi bà em ốm. Hai mươi tư tuổi em lo lắng vì bà bị ngã, ba mươi sáu tuổi bà em mới rời đi. Bà em chính là sinh năm Quý Hợi (1923) mệnh Đại Hải Thuỷ.

Tôi nghe chị Ma nói như vậy cũng chỉ biết trầm ngâm suy tư. Thôi thì cũng mừng vì bà của tôi đã về trời, chẳng còn vướng bận chuyện nhân gian.

Bà Già và bà Trẻ có tính cách gần như trái ngược nhau. Những đồ dùng của tôi kể cả tôi đã không dùng nữa bà Già vẫn sẽ giữ lại nguyên trạng, không xê dịch nhưng bà Trẻ thì ngược lại. Hai bà có tính cách đối lập nhau, bù trừ cho nhau, chính vì thế mới sống cùng nhau nuôi dạy con cái trưởng thành.

Bây giờ bà Trẻ của tôi vẫn khoẻ mạnh, vẫn minh mẫn nhưng tôi thay đổi cách nghĩ, tôi muốn bố tôi quan tâm nhiều hơn đến bà bởi với bà thì con vẫn hơn cháu vài phần. Khi dịch Covid hoành hành ở phương Nam xa xôi, bà Trẻ cứ lo con trai không làm ăn được, sẽ nghèo, sẽ đói…, thậm chí còn muốn… gửi tiền vào cứu trợ. Cho dù con cháu có nói đến mức nào thì bà Trẻ vẫn cho rằng con cháu nói dối về tình trạng thực tế.

Các bà là như vậy, luôn yêu thương con cháu theo cách riêng, chỉ đến khi thật sự trưởng thành và khi trở thành những ông bố bà mẹ thì chúng ta mới cảm nhận được hoàn toàn thứ tình thân ấy bởi khi còn trẻ chúng ta còn dành thời gian bay nhảy, bận thực hiện những ước mơ và hoài bão của bản thân.

Sống để yêu thương hay yêu thương để sống suy cho cùng cũng là lựa chọn của mỗi người, cho dù chọn theo cách nào thì cá nhân tôi cũng thấy hợp lý cả.

Do bận công việc, bố tôi đi Hà Nội ngay tối hôm ấy khi mộ cụ tổ chưa xây xong, những việc còn lại có hai bác tôi ở làng lo chu toàn. Sơn Ca xong việc cũng khăn gói quả mướp về lại làng Lê, trước khi về anh ta dúi vào tay tôi số tiền một triệu đồng bảo rằng đó là số tiền có được từ việc bán cái bình vôi cổ. Tôi không hỏi thêm bởi tôi thật sự không quan tâm đến cổ vật trông giống cái siêu sứt vòi hoặc… bô đựng nước giải của trẻ con. Trước khi về Sơn Ca còn thủ thỉ với tôi:

- Hôm nào có vụ ngon mày đi với tao nhé?

- Có vàng thì hãy rủ em. Nửa đêm nửa hôm đi đào mấy thứ đồ sành sứ này em thấy chả bõ.

- Mẹ cái thằng, tham thì tham nó vừa thôi. Một triệu mà mày còn chê ít à?

- Có mỗi một triệu bọ thì làm được cái gì?

- Hai chỉ vàng còn thừa đấy, đứa khác cầm một trăm còn mừng húm mà mày cầm một triệu lại dửng dưng như kiểu chê tiền thế?

- Nhà em giàu, anh quên à?

- Đm, bố mẹ mày giàu chứ mày giàu chắc?

- Bố mẹ em giàu thì sau này cũng của em hết, tự nhiên em sẽ giàu.

- Thôi mày im mẹ mày đi. Người ta đi làm công nhân bục mặt cả tháng được vài trăm nghìn thôi đấy.

Tôi cầm xấp tiền quật lên tay trái bĩu môi:

- Đấy là việc của người ta. Anh làm thầy, ngày sống dương gian, đêm đi âm phủ, thần thông quảng đại mà tìm toàn những thứ trời ơi. Nhưng mà thôi, số tiền này cũng đủ để em dằn túi, có ít vẫn hơn là chẳng có xu nào. Em cảm ơn nhá!

- Cái giọng mày rõ là muốn đấm vào mồm cho bõ tức.

- Đằng nào cũng là đi đào trộm của người ta thì kiếm quả lớn lớn một tí. Vàng có khi em cũng chẳng cần nhưng em muốn tận mắt nhìn thấy một thỏi vàng thật trông nó như thế nào, nặng ra sao chứ toàn nghe người ta nói em thấy tò mò quá.

- Vàng khó lắm mày ơi. Mày nghe đến đồng đen bao giờ chưa nào?

- Em có nghe người lớn nói, nghe đâu thứ ấy kỳ diệu lắm, bán cũng được giá vô cùng tận luôn.

Sơn Ca nhếch mép cười:

- Tao cứ nghĩ tao tham nhưng xem ra so với mày thì tao thấy rằng tao vẫn chưa có gan to.

- Xưa nay em đọc sách thấy rằng người tham mới giàu có, may mắn chỉ là một phần. Nếu chăm chỉ cần mẫn cày sâu cuốc bẫm cũng chỉ đủ ăn.

- Những người lương thiện đều thế.

- Người giàu thì không lương thiện chắc? Anh buồn cười.

- Thôi tao đéo nói lại mày, khôn quắt người ra, tao thấy người quen của mày hay nói đùa mày là ông cụ non nhưng tao thấy đéo phải, mày thật sự là một ông già trong hình hài thằng trẻ ranh.

- Hề hề hề!

- Mà bớt giả ngây giả ngô đi. Mày có thể che mắt được nhiều người nhưng không che mắt được tao đâu. Kể cả mày giỏi nguỵ trang, nở nụ cười từ bi với mọi người, nói những lời ngon ngọt như đường phèn nhưng không thể giấu được cái mùi dối trá vì thứ mùi đó rất đặc trưng và khó diễn tả.

- Làm ăn với người thông minh anh thấy thế nào?

- Mày hỏi thế là ý gì?

- Người thông minh và kẻ dối trá cũng giống nhau đấy chứ. Kẻ dối trá mà không thông minh thì mở lời ra ai cũng biết nói láo, người thông minh mà không biết dối trá thì mở lời ra ai cũng đánh giá đó là người thật thà. Thật thà là cha giả dối nhưng lại có câu đi với bụt mặc áo cà sa…

Tôi bỏ lửng câu nói nhìn Sơn Ca, anh ta lắc đầu ngán ngẩm rồi lên xe máy bố tôi chở về.

Tôi nghĩ mình không còn gặp lại Sơn Ca nữa vì nhận thấy chẳng có việc gì trong tương lai gia đình tôi cần nhờ đến anh ta nữa, đấy là tôi nghĩ chứ số phận không nghĩ thế.

Tôi đi Hà Nội khi mùa gặt bắt đầu, trùng với thời điểm kết thúc năm học.

Mộ của cụ nội tôi được di dời khỏi ruộng lúa ngay sau khi cánh đồng rộng lớn chỉ còn trơ lại những gốc rạ dưới cái nắng chói chang. Bố tôi và chú Chung chỉ mất một ngày để lo chu toàn mộ phần của cụ nội tôi, tôi không có mặt vì còn bận rộn với những việc khác ở Thủ đô.

***