Chương 421: Lòng thành chưa đủ

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 421: Lòng thành chưa đủ

Chương 421: Lòng thành chưa đủ

***
Bố tôi và bác Thường cùng nhau mang một nắm đất đi gặp ông thầy địa lý mù loà để hỏi thêm cho chắc. Tôi chẳng biết bố và bác tôi đã hỏi những gì, chỉ biết rằng trên đường đi học tôi cứ tủm tỉm cười một mình. Người sáng mắt phải đi hỏi người loà bởi người loà lại thấy được những điều người mắt sáng không thấy. Tôi chẳng thể nào lý giải được điều này ngoài lý do những người ấy được ăn lộc thánh để giúp đời, giúp người.

Buổi chiều ngày hôm ấy không đào đất nữa bởi khi đi học về tôi thấy mọi thứ vẫn y nguyên như lúc sáng. Bố tôi có nhà, khi tôi dắt xe vào sân thì ông đang ngồi bên bàn uống nước nói chuyện điện thoại với khách hàng. Tôi thấy những người nghe và gọi điện thoại để giao dịch với khách hàng thật là oai. Tôi cũng có một cái điện thoại giống của bố tôi nhưng chẳng dám bỏ ra dùng, tôi đã vài lần nghĩ đến việc bán đi nhưng lại thôi.

Tôi đã dùng qua rất nhiều điện thoại nhưng chẳng có cái nào thật sự xịn sò, hoặc là tôi mua theo khả năng hoặc mua theo nhu cầu và dùng cho đến khi bị hỏng mới thôi. Tại sao lại như thế?

Cái điện thoại đầu tiên dĩ nhiên là do mấy ông phù thuỷ tặng cho, về sau tôi chẳng nhớ chính xác vì sao không dùng tới nó nữa. Cái điện thoại thứ hai tôi không nhớ thương hiệu bởi dạo ấy dùng của VNPT, chỉ dùng được ở địa phận Hà Nội. Số máy là 049140060. Cái điện thoại ấy màu bạc, tôi đã cho R9 khi rời Hà Nội. Cái điện thoại thứ ba là Sony Ericsson màn hình màu, âm thanh nổi với số của Mobifone là 0905516036. Số di động này về sau phải bỏ do… công an gọi hỏi suốt ngày. Sau cái Sony thì tôi dùng đến Sfone phục vụ tình yêu, sau Sfone là đến E61 rồi E71, 6680 của Nokia. Từ hồi 2011 tôi chuyển sang S4 của Samsung các đời Samsung sau này khi cần đổi điện thoại. Tôi cũng thích Iphone lắm lắm, chỉ tiếc là Iphone không có chức năng bộ nhớ tạm khi nhắn tin nên tôi cho rằng không phù hợp. Tôi soạn sẵn rất nhiều tin nhắn mẫu để trả lời khách hàng khi khách liên hệ hỏi về sản phẩm, dịch vụ… Đã có những khoảng thời gian tôi chỉ ngủ một ngày có bốn tiếng đồng hồ, thời gian còn lại dùng vào việc trả lời, tư vấn qua messenger cho khách hàng. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình có thể đủ kiên trì và sức lực trong khoảng thời gian ấy nhưng sự thật là những nỗ lực không mệt mỏi trong một khoảng thời gian dài của tôi đã được đền đáp. Mỗi lần tôi nhìn thấy cái điện thoại của mình hoặc những cái đã từng dùng, tôi lại nhớ rõ vì sao mình lại thích, vì sao mình lại mua, mình đã mua nó như thế nào, cảm xúc ra sao…

Khoảng thời gian tôi gặp khó khăn nhất trong sự nghiệp nhưng tôi vẫn quyết tâm mua tặng vợ một cái điện thoại S6Egde, vợ tôi rất nâng niu cái điện thoại đó, con trai tôi cũng nâng niu vô cùng vì đó là thứ thể hiện tình yêu của bố với mẹ. Và vì nó biết mẹ nó quý cái điện thoại nên lúc ăn cháo vô tình làm bẩn màn hình, nó đã mang vào nhà tắm để rửa điện thoại cho sạch dưới dòng nước máy, tôi chỉ biết thở dài:

- Thôi thì cái gì cũng có số, nếu số đã tận thì thôi.

Thế là con trai tôi sở hữu luôn cái điện thoại đó với loa rè, cam mờ… nhưng cảm ứng vẫn mượt mà. Đối với một thằng bé vừa mới vào lớp 1 thì sở hữu riêng một cái điện thoại, dù hỏng, vẫn là một thứ tài sản đáng giá.

Tôi vẫn dùng cái S4, dùng tận… 5 năm cho đến một ngày tự nhiên màn hình tắt phụt trong khi chỉ mấy tiếng nữa là đi công tác. Tôi đánh bạo mua một cái S7Egde tận mười tám triệu, đó là cái điện thoại đắt tiền nhất tôi từng mua bởi sau này tôi được tặng nên cũng tiết kiệm được khoản này.

Tôi dùng điện thoại rất cẩn thận và vẫn giữ thói quen lưu số trong máy thay vì sim. Vợ tôi từng thắc mắc về việc này, cô ấy sợ rằng tôi không lưu số điện thoại vào sim khi điện thoại hỏng hay đổi điện thoại sẽ bị mất liên lạc với mọi người nhưng tôi cũng chỉ cười trừ. Tôi có những thói quen kỳ lạ. Trí nhớ của tôi cũng tương đối tốt nhưng lý do giải thích cho việc lưu danh bạ trên máy rất buồn cười, tôi nghĩ vậy. Thứ nhất là lưu danh bạ trên máy sẽ viết có dấu để phục vụ việc khi tôi gọi hoặc người khác gọi đến tôi có thể phân biệt được tên, nghề nghiệp, tỉnh thành… nghĩa là trước khi tôi nói "Alo" là đã nhớ được tương đối thông tin của người khác. Dĩ nhiên cái gì cũng có những hậu quả hoặc kết quả, hệ quả. Ví như có khách hàng lâu quá chẳng gọi mua hàng gọi cho tôi, tôi không còn nhớ tên hay nhớ số nhưng tôi vẫn nói chuyện như vừa mới gặp hôm qua. Có lần vợ tôi hỏi:

- Ai vừa gọi cho anh đấy?

- Anh không biết! Là khách mua hàng, có người giới thiệu.

- Ai giới thiệu?

- Anh làm sao biết được.

- Thế mà nói chuyện như đúng rồi.

- Đấy là một kỹ năng, kỹ năng mềm em hiểu chưa nào?

Bây giờ tôi vẫn thế! Tôi nghĩ mình thật sự không phải là một người bình thường.

Lý do thứ hai mà tôi chẳng bao giờ nói với ai bởi nói ra nó mang tính chất sách vở quá, ấy là nếu ai đó quá lâu không liên lạc với tôi hoặc tôi cũng không liên lạc với người ta nghĩa là chẳng có bất kỳ cơ hội làm ăn nào thì lưu số lại để làm gì. Có lần R9 khoe với tôi trong danh bạ nó có hơn một nghìn số, tôi hỏi nó nhớ được mấy người, bao nhiêu người trong đó còn đang làm ăn với mày? R9 khó trả lời, chỉ biết là sau này nó cũng không lưu quá nhiều số di động nữa.

Người thân quen thì chẳng tính bởi tôi có trí nhớ không đến nỗi tệ mà.

Hồi trước tôi cũng thích số điện thoại đẹp lắm nhưng sau này tôi phải thay đổi suy nghĩ bởi số đẹp thì dễ bị gọi chào mời mua đủ các loại thứ trên trời dưới đất. Tôi lại không thể từ chối hoặc gắt gỏng bởi tôi cũng là một người làm kinh doanh, tôi sẽ nghe người ta nói xong mới từ chối, tôi cho rằng đó là phép lịch sự và tôn trọng chính công việc của mình. Vợ tôi cũng thế, cô ấy cũng sẵn sàng nghe điện thoại tư vấn đủ thứ dịch vụ bởi cô ấy hiểu được rằng chồng mình cũng từng như thế. Tôi đã bỏ đi vài số điện thoại đẹp, số gần đây nhất là 0947040686 chỉ vì sáng tối phải nghe giới thiệu từ bất động sản đến du lịch trong khi ví lép kẹp.

- Chiều nay không đào tiếp hả bố?

- Thôi để sáng mai đào tiếp.

- Sao thế ạ?

- Ông thầy bói mù dưới Nghi Giang cũng bảo nội trong ngày mai sẽ tìm được, hôm nay có đào nữa cũng chẳng thấy, chỉ tốn công.

- Nhưng ngày mai thì đào ở đâu ạ?

- Thì chắc đào sâu xuống nữa chứ biết đào đi đâu. Ông thầy cầm nắm đất cũng bảo bố "Đúng mả tổ nhà anh ở đây rồi còn đi tìm đâu nữa".

- Thế chắc phải đào sâu thêm nữa thật bố ạ.

- Bố còn bao nhiêu việc dang dở ở ngoài kia, đi không được mà ngồi ở nhà thì ruột gan nóng như lửa đốt.

Tôi cũng tỏ ra ái ngại cho bố nhưng thật tiếc là tôi chẳng thể giúp được gì, tôi chỉ có thể im lặng ngồi bên cạnh xem như một sự động viên với bố. Trong thâm tâm tôi cũng muốn chuyện này nhanh chóng chấm dứt bởi bây giờ mọi thứ be bét cả. Chẳng biết các bác tôi nghĩ như thế nào chứ bố tôi chắc chắn đang bị tra tấn thần kinh bởi cứ chốc chốc ông lại vò đầu bứt tai.

Vì Sơn Ca đã về nên ngay sau bữa cơm tối, sau khi bố tôi đi lên nhà bác chơi, tôi ra ngoài khu vườn đầu hồi nhà cùng với mấy que hương. Sau khi cắm hương xuống gần gốc cây vối, tôi khấn gọi chị Ma, chỉ mới khấn có hai câu đã thấy tiếng chị ấy ở phía sau:

- Có việc gì mà mới lên đèn đã gọi chị thế này?

- Ây ây chị đây rồi.

- Định hỏi cái gì nào?

- Sao mộ cụ tổ nhà em tìm mãi chẳng thấy, cả cái gò đất bị đào bay luôn rồi.

- Tưởng viêc gì. Một là có người nặng vía, Hai là lòng thành chưa đủ, ba là ông cụ chưa ưng bụng nên che mắt hoặc giấu đi đó thôi.

- Hai ông thầy bảo là trưa mai sẽ tìm thấy nhưng lại chẳng thấy nói tìm thấy bằng cách nào hay như thế nào. Chị giúp em với, em thấy bố em có vẻ mệt mỏi.

- Giúp sao được mà giúp, đây là việc trong gia đình em, ý của ông cụ nằm dưới đất chẳng biết như thế nào. Nhưng nếu cả hai thầy bói đều nói ngày mai tìm được thì ngày mai sẽ tìm được, có lẽ chờ người hữu duyên.

- Mộ cụ tổ tìm khó như này chẳng biết mộ cụ nội em có thế không nữa.

- Việc này chưa xong đừng nghĩ đến việc khác. Con cháu có lèo tèo vài nóc nhà mà lúc lo việc cho cha ông chỉ thấy mặt có ba người, là chị thì chị cũng chẳng vừa lòng.

- Mấy bác em ở xa lại bận việc, các bác ấy đã giao toàn quyền cho bố em rồi.

- Xàm ngôn! Người xưa có câu cha chung không ai khóc cấm có sai. Kiếm miếng ăn là việc cả đời chứ không phải ngày một, ngày hai. Bố em đứng ra lo việc này không phải đầu lại phải tai cho mà xem.

- Chị có cách nào không mách cho em với!

- Chị mà biết thì sao lại không mách cho em. Theo chị em nên mang thẻ hương ra ngoài đó mà khấn có khi lại xong chuyện, xem chừng ông cụ tổ của em không ưng thế hệ trước của em rồi. Mả tổ xưa nay chẳng ai muốn động đến mà mấy người bày vẽ ra rồi chạy có cờ như thế thì trăm dâu đổ đầu tằm. Thôi… đừng nghĩ ngợi nhiều, cũng là cái vận hạn, cái số mà thôi em ạ.

- Dạ!

- Mà này, cái thứ đào được tối hôm kia bán được nhiều tiền không?

Tôi có chút giật mình nhưng vẫn trả lời bình tĩnh:

- Cái bô đái của trẻ con ấy anh Ca mang về rồi, em cũng không biết bán được bao nhiêu, nghe nói là đồ cổ ạ!

- Bậy nào! Đấy là cái bình vôi chứ sao lại bô chứ.

- Em thấy giống! Bà em cũng có cái bình vôi nhưng nó giống cái chum rộng miệng chứ bình vôi ai lại có quai xách, nhìn đến là buồn cười.

- Đúng là trẻ ranh chả biết cái gì. Chị cũng có một cái bình vôi nhưng đẹp hơn, cũ hơn cái đó nữa. Nếu thích chị chỉ chỗ cho mà lấy.

- Không, không! Em lấy mấy thứ đấy làm cái gì. Mà chị này… em… em đi đào mấy thứ ấy liệu có làm sao không? Cái anh Ca anh ấy có thể nhìn xuyên được đất đấy, em sợ…

- Hừ! – Chị Ma nhếch miệng cười – Nếu nhìn được thì cái kho này chẳng mất từ đời tám hoánh nào rồi. Nó xuất hồn đi tìm, dí sát cả mặt xuống đất mà cũng có thấy cái gì đâu nào. Thằng Ca đấy nó cũng nuôi ma xó, nửa đêm nửa hôm đám ma xó đi rình đi mò thấy cái gì hay là về bẩm báo lại với nó.

- Ma xó, ma xó ạ?

- Phải! Những đêm nó ở làng này thì ma cả làng nhà nào ở nhà nấy, ai ai cũng biết cả rồi nên không hé răng nửa lời đâu.

- Anh ấy sắp lấy vợ chắc cần nhiều tiền.

- Thích lấy của chìm thì đi làng khác mà lấy, lấy ở làng này là không có được. Hôm kia chẳng qua là do em đi đào cùng nên mọi người làm lơ chứ không chả yên.

- Anh ấy bảo cái bô… à cái bình vôi ấy là đồ vô chủ.

- Nhưng nằm trong đất làng này, vô chủ thì thuộc về Xã Thần. Mà thôi, những thứ đấy chẳng đáng gì đâu, thích thì cứ lấy. Em lớn rồi cũng cần tiền. Thằng này nó đang đi tìm đồng đen đấy nhé.

- Đồng đen ạ?

Tôi nhiều lần nghe người lớn nói về thứ đồng đen nhưng chẳng hiểu lắm, trên chùa làng cũng có tượng đồng đen nhưng có ai dám sờ tay vào đâu.

- Ngoài cánh đồng làng mình lác đác vài chỗ có đồ quý từ thời xưa bị thất lạc, nó nhất định tìm những thứ ấy đào lên mang bán. Nó sẽ rủ em theo, rủ theo không phải để em đào mà dùng em để lấy vía. Em là người làng nên chẳng tính là ăn trộm. Thằng này tay nghề cũng khá lại ranh ma. Nó rủ làm gì thì cứ làm, sau này nếu nó có rủ đi đào của ở nơi khác nếu thích thì cứ đi nhưng tuyệt đối không được đụng tay, đụng chân vào những thứ ấy nghe chưa?

- Dạ!

- Đào đất cũng tốt cho sức khoẻ, dù sao em cũng là đứa lười biếng. Thanh niên đến nơi rồi, vận động như thế cho mau cao lớn còn lấy vợ.

- Hề hề hề… em tưởng đào mấy chỗ ấy có vàng hoặc tiền xu.

- Vàng mắt! Em đang đứng trên cả núi vàng mà chẳng đào cần gì phải đi tìm ở đâu. Hay là đào thử đi, lấy được là sau này em sẽ trở nên giàu có nhất vùng này.

- Em xin kiếu, vàng của chị thì chị giữ lấy mà dùng chứ em sẽ đi tìm vàng vô chủ, biết đâu mèo mù vớ cá rán.

- Thì cứ nằm mơ giữa ban ngày đi em. Thôi, có thành tâm thì mau mang hương ra mà cắm ở chỗ gò đi. Tìm mộ mà chín người mười ý thì có tìm vào mắt.

- Vâng, thế chị chờ em tí. Chị đi cùng em luôn không?

- À chị cũng đang rỗi việc, hãy còn sớm, đi thì đi.

Năm nén hương thơm được tôi cắm xuống giữa khoảnh đất hôm qua còn là gò cao, trăng chưa lên, năm đốm lửa đỏ rực theo từng cơn gió. Tôi cho rằng mình có lòng thành, hi vọng lòng thành tâm của tôi sẽ khiến cụ bớt giận.

***