Chương 58. Tân Thành một ngày du.

Phục Hưng

Chương 58. Tân Thành một ngày du.

Chương 58. Tân Thành một ngày du.

Danh y Tuệ Tĩnh có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, tự Linh Đàm, hiệu Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa, quê quán tại hương Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư.

Sử chép ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc. Tuệ Tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với".

Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Hoa, tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng. Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép bia mộ và tạc khắc bia đá mang về quê Hải Dương bây giờ.

Nhưng tại thời không này thì khác hoàn toàn, với sự xuất hiện của Vũ Đại Hải, số phận không biết bao nhiêu người đã thay đổi, trong đó có cả danh y Tuệ Tĩnh.

Ở cái tuổi 69 gần đất xa trời, ông không nghĩ tới một ngày mình sẽ được đón về phương Nam, mặc dù không phải Đại Việt nhưng cũng coi như Đại Việt, nơi mà đồng bào ông khai phá, xây dựng và sinh sống.

Ông còn nhớ như in cái đêm đó, đêm mùa đông năm 1399, thời tiết Nam Kinh trở lạnh do đợt gió mùa mới về, một nhóm người áo đen đột nhập phủ, mang ông đi. Tưởng chừng bị bắt đi chữa bệnh cho một tên quan lại hay giang hồ nào đó nhưng không, những người áo đen này nói muốn đưa ông về nước Nam. Dù có nhiều nghi hoặc về thân phận những người này nhưng ông không quan tâm, yên lặng đi theo, mang lên hết sách thuốc cùng mấy đệ tử chân truyền. Có lẽ bọn người này không có ý tốt nhưng đây là cơ hội duy nhất, cơ hội để ông thoát khỏi cái lồng vàng Nam Kinh này, để được tự do tự tại, hành y cứu người, chứ không phải chỉ làm tôi làm tớ cho lũ vua quan nhà Minh.

Cứ thế, ông cùng chúng đệ tử, được hộ tống trốn ra khỏi kinh đô nhà Minh, chạy đến Thượng Hải rời từ đây lên thuyền ra khơi. Khi thuyền rời bờ, đất Đại Minh lùi lại phía sau, Tuệ Tĩnh không kìm nổi nước mắt, cuối cùng cũng thoát khỏi gông xiềng của người Hán.

Lênh đênh trên biển cả tháng trời, bão táp mưa xa đều chứng kiến cả. Đoàn thuyền cập bến Trúc Lâm, một vùng đất mới khai phá của người Việt. Tuệ Tĩnh ngạc nhiên hết sức khi thấy cảnh vật con người ở đây, đường xá gọn gàng ngăn nắp, hết sức sạch sẽ. Người dân trang phục kỳ lạ lại hết sức thuận tiện cho lao động, học tập, sức sống bắn ra bốn phía, không thấy cảnh cơ cực như các miền quê Đại Việt hay ngõ nhỏ ở Nam Kinh.

Ấn tượng đầu tiên của ông về vùng đất sắp đến này hết sức tốt đẹp. Ông cũng biết mình và học trò sẽ không về Đại Việt mà về một miền đất tên Vạn Xuân, vượt qua Đông hải mới tới, vùng đất mới do người Việt khai phá. Cảng Trúc Lâm vừa cập bến bổ sung vật tư cũng là một phần của Vạn Xuân.

Lại trải qua mấy ngày trời vất vả trên thuyền, cuối cùng Tân đảo, thủ phủ của Vạn Xuân xuất hiện trong tầm mắt, nghe tên là đảo nhưng rộng lớn vô cùng, không khác gì lục địa. Đoàn thuyền dọc theo sông đi đến, hai bên cảnh sắc hùng vĩ mà choáng ngợp, một thương cảng sầm uất, đông đúc, đủ mọi sắc người đến bán buôn, có người Tàu, người Chà Và, Đông Doanh, Thiên Trúc, đủ cả. Bến cảng không biết xây từ đá gì, liền một mạnh, sạch sẽ cứng rắn.

Đoàn thuyền dọc theo sông vào sâu trong, rồi cập bến ở một bến cảng nhỏ hơn, có vẻ đây là một bến cảng quân sự, xung quanh có rất nhiều thuyền lớn leo đậu, trên bờ lại có hàng ngàn binh lính đứng sẵn.

Theo dòng người, Tuệ Tĩnh được đệ tử nâng xuống, đón chào họ là màn quân nhạc hùng hồn, âm điệu hùng tráng, nhiệt huyết sôi trào, tuyệt không gì tả nổi. Quan binh hai bên giáp trụ chỉnh tề, thần sắc túc mục, nghiêm trang đứng. Một vị tướng quân trẻ tuổi chào đón bọn họ, động viên, an ủi, khiến không ít người cảm động, đặc biệt những người già, hàng chục năm xa xứ như ông. Vị tướng này nghe nói là quốc chủ Vạn Xuân, vua một cõi mà sẵn sàng tiếp kiến đám người tha hương như họ, quả là đáng tôn trọng. Vạn Xuân trong mắt Tuệ Tĩnh trở thành một vùng đất huyền bí, có quá nhiều điều mới lạ và đáng mong chờ.

Tuệ Tĩnh là một trong những thánh thủ của y học cổ truyền Việt Nam cùng với câu nói nổi tiếng "Nam dược trị Nam nhân", ông cũng để lại nhiều bộ sách, phương pháp chữa bệnh quý báu cho đời sau, được hậu nhân đời đời tôn thờ. Danh tiếng của ông vang dội khiến một người không học y như Vũ Đại Hải cũng từng nghe tới, bởi vậy hắn không tiếc vận dụng lực lượng tình báo để cứu ông về, dù lúc này ông rất già rồi. Ở thời phong kiến, 69 tuổi quả là hiếm, sắp đến mức thất thập cổ lai hy rồi, chịu đựng được sóng gió để về tới Tân đảo cũng không dễ dàng gì.

Tuệ Tĩnh cùng chúng đệ tử được sắp xếp ở trong một biệt viện thanh tĩnh nằm gần viện y học, nơi ông sẽ công tác trong tương lai với tư cách giảng viên kiêm cố vấn. Đại Hải không quá mong chờ ông tiếp tục chữa bệnh cứu người nữa, chỉ cầu ông truyền lại kinh nghiệm cho đời sau, thế là quá đủ rồi. Một người bác ái như Tuệ Tĩnh sẽ không bao giờ chối từ lời đề nghị có thể tạo phúc cho muôn dân như vậy. Việc ông mang theo đệ tử cùng sách quý đã nói lên tất cả.

Một tuần trôi qua, những người hồi hương đã được sắp xếp ổn thỏa, nghỉ ngơi đầy đủ và bắt đầu bắt tay vào công việc mới, những việc mà họ có tài hay giàu kinh nghiệm. Tuệ Tĩnh cũng vậy, ông đi dạy, dạy cho thế hệ quân y, bác sĩ trẻ của Vạn Xuân những kiến thức, kinh nghiệm của ông mấy chục năm nay, đây mới chính là thứ tài sản vô giá, không vàng bạc nào sánh bằng.

Hôm nay cuối tuần Tuệ Tĩnh cùng đệ tử nhỏ nhất của mình, một thiếu niên 12 tuổi, được ông cưu man từ hồi còn trong tã, coi ông như người thân, ông nội của mình vậy, bất chấp nguy hiểm theo ông đến vùng đất mới, hai người cùng nhau du ngoạn Tân Thành, tìm hiểu cuộc sống nơi đây.

"Sư phụ, cảnh sắc nơi đây cũng thật tuyệt, thật sạch sẽ." Thiếu niên cảm khái, cái thành trấn của Vạn Xuân cũng quá sạch sẽ rồi, trước đấy hắn sống ở Nam Kinh, kinh đô Đại Minh cũng không được sạch sẽ như vậy, dù có nguy nga tráng lệ hơn.

"Ừm, quan viên ở đây đều có tầm nhìn, biết giữ cảnh quan xung quanh sạch sẽ, như vậy sẽ hạn chế được tối đa dịch bệnh." Tuệ Tĩnh gật gù.

"Đường xá ở đây cũng phẳng quá, tựa đá mà lại không phải đá, lạ vô cùng."

"Đồ ăn cũng ngon quá xá, nhất là món phở, ngon nhức nách." Thiếu niên huyên thuyên.

"Ẩm thực nước Nam vốn có tiếng, xưa kia nhà Tống còn nhiều lần đòi cống thứ nước mắm biển, một gia vị chính cho các món Việt đó."

"Mà sang tuần con đi học rồi, mọi sự ổn thỏa chứ." Tuệ Tĩnh hỏi.

"Mọi chuyện đều ổn thưa sư phụ, nhờ ơn dạy bảo của người, con không đến mức dốt nát. Nay đi học để quen với nền giáo dục của Vạn Xuân, con tuy nói được tiếng Việt nhưng lại không biết chữ nghĩa, nơi đây không dùng chữ Hán hay Nôm cả." Tên đệ tử ưu sầu.

"Ở đây cũng không có tứ thư ngũ kinh, luận ngữ, đại học gì đâu. Con sẽ phải học những môn mới như lịch sử, ngữ văn, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh học,….vô số môn mới. Ta nếu còn trẻ, tràn trề tinh lực như con thì chắc chắn sẽ đi học một lần trải nghiệm cho biết. Chứ ở cái tuổi này, chỉ có thể đọc sách ở nhà thôi."

"Cổ nhân có câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy/ Thất thập năng nhiên bách tuế kỳ" sư phụ chắc chắn sống lâu trăm tuổi, đợi đến ngày con lấy vợ, sinh con nữa." thiếu niên vội nói.

"Hahaha, ta sẽ chờ ngày con lớn lấy vợ để được uống rượu mừng. Vùng đất Vạn Xuân tốt đẹp tràn đầy hy vọng này, ta cũng không lỡ rời xa sớm như vậy."

Hai thầy trò câu được câu không trò truyện, vừa đi vừa ngắm cảnh. Phố xá, nhà cửa, hàng quán san sát, đều là nhà lầu, được xây bằng gạch cứng, không ngại mưa gió. Đường phố rộng rãi, chia làm 2 làn ngược xuôi cho xe ngựa qua lại, hai bên có hàng cây vỉa hè cho người đi bộ, tất cả đều dùng bê tông xi măng cả, sáng sủa, sạch sẽ. Ngầm ở dưới còn có cống thoát nước. Hai bên ngoài cây còn có hoa cỏ, đẹp không tả xiết. Cứ cách trăm mét lại có một ghế đá cho lữ khách dừng chân nghỉ lại.

Không khí thương nghiệp không hề kém cạnh các đại đô thị đương thời ở cả Đại Việt, Đại Minh thậm chí có phần phồn hoa hơn bởi khách thập phương, thương nhân từ các nước. Các loại phục sức truyền thống các nước dễ dàng được trông thấy, màu sắc rực rỡ. Người bán người mua ồn ào nhưng không dám xô xát vì vệ binh luôn đi tuần, cứ đánh nhau là lên đồn uống nước, bất kể người nước nào hay lý do gì, cứ lên đồn rồi giải quyết. Luật pháp Vạn Xuân đủ đầy, nghiêm khắc, không ai dại gì mà phạm, nhẹ thì phạt đống tiền, nặng thì lao dịch, trục xuất hay chặt đầu. Hệ thống hành pháp của Vạn Xuân có thể nói là hoàn thiện nhất đương thời, oan có thể có nhưng không lo tội phạm không bị trừng trị. Chính nghĩa có thể đến muộn nhưng không bao giờ biến mất. Phạm tội ở Vạn Xuân thì hãy coi trừng.

Nói chung Vạn Xuân rất tốt, quá tốt đối với dân chúng đương thời. Còn đối với quý tộc, đại chủ thì không tốt đẹp cho lắm. Kể chuyện Vạn Xuân ba ngày ba đêm không hết nên xin phép để khi khác tiếp tục.