Chương 13: Hậu chấn tâm lý

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 13: Hậu chấn tâm lý

Chương 13: Hậu chấn tâm lý

Ba mươi tám tiếng nằm dưới căn hầm tối bất cứ lúc nào cũng có thể sập xuống, Phạm Tiến Dũng đã nghĩ rất nhiều.

Hắn nhận ra mình đã ngây thơ và thờ ơ đến nhường nào.

Những tên lính Pháp trên phố An Dương hoàn toàn không phải là đội tinh nhuệ, nhưng chúng có thể dễ dàng bắt sống hầu hết những người du kích thông thuộc địa hình, và tra tấn họ trước mắt những người khác. Dũng đã bỏ qua điều này, hắn cũng bỏ qua cơ hội duy nhất để phát hiện ra điều lạ lùng này, khi từ chối chôn cất những người du kích đã thiệt mạng, để nhận ra vết thương bất thường trên người đội trường đội du kích.

Hắn hồi tưởng lại lịch sử. Từ trong những cuốn sách hắn đã đọc, và cả những bộ phim mà hắn đã xem.

Trong những ngày đầu kháng chiến trong lòng thủ đô, bộ đội đã xác định rằng "Cần phải loại trừ thổ phỉ và những kẻ thân Pháp trước, rồi mới đánh giặc"

Bè lũ bán nước đáng sợ hơn bọn cướp nước rất nhiều.

Rồi Dũng nhớ về một cảnh phim xưa cũ mà hắn đã xem, về cách những người lính cộng sản tìm ra Việt gian trong hàng ngũ. Đơn giản đến mức lố bịch, đến mức không hợp logic. Nhưng lại là sự thực lịch sử.

Hộp cơm.

Phạm Tiến Dũng bò dậy, kiểm tra xác tên Việt gian vừa bị nổ chết. Trong túi áo hắn có hai hộp thiếc đựng thức ăn.

Khi trói những tên Việt gian đang cố xâm nhập đường dây tiếp tế, Dũng cũng đã phát hiện ra, trong túi áo của năm trên sáu tên có chứa cơm hộp.

Lố bịch, nhưng lại vô cùng hợp lý.

Những kẻ đã quen sống trong sung sướng, thường không chịu được khó khổ. Cũng giống như Bảo Đại, sau khi tiêu hết pha hết số gia sản hoàng thất của mình tại Hồng Kông chỉ sau một năm, đã quỳ gối trước người Pháp vào năm 1948 để đổi lấy 5000 đồng mỗi tháng, cho cuộc sống xa hoa lãng phí và ngu ngốc đến mức những kẻ da trắng tài trợ cho y cũng phải nhiều lần nhổ nước bọt khinh bỉ.

Những kẻ bán nước này cũng giống như Bảo Đại, hoặc còn cấp tiến hơn, vì chúng bán nước trước vị Quốc trưởng bù nhìn tương lai hẳn một năm.

Vì thế, trong lán quân y, đội trưởng Tần đang phải khẩn cấp thông tin cho các Liên khu khác: Có chuột đột nhập.

Cách tìm Việt gian bằng theo dõi bữa ăn, để tìm ra những kẻ khui hộp cơm, không chắc có thể bắt hết Việt gian, nhưng cũng đủ gây áp lực để những tên gián điệp khác không hành động ngu ngốc. Điều kiện tiên quyết là phải bí mật.

Ngay trong đêm hôm đó, một trung đội không tên đã được thành lập, tản ra khắp các Liên khu và khu vực du kích, với vũ khí duy nhất là những sợi thừng trói người.

Những chuyện này, Phạm Tiến Dũng không biết. Những người khác cũng không biết. Họ chỉ biết là, hắn đã bắt được một tên Việt gian. Đội trưởng Tần cũng đã xác nhận rồi.

Cuộc xây dựng chiến lũy vẫn tiếp tục. Những gánh đất cát được gánh từ hồ Quỳnh, hồ Thanh Nhàn, thậm chí từ đôi bờ sông Hồng tích tụ, bồi đắp chiến lũy thành một ngọn đồi nhỏ giữa lòng thành phố. Xe tăng địch muốn qua, vậy thì phải xúc được từng đợt cát, phá hủy những cây cọc gỗ cao dài, và to như cột đình đóng vai trò xương sống chiến lũy, sau đó, vượt qua hàng dài những người dân quân đã trang bị bom crep và súng kíp tự chế. Dũng nhớ rằng trong trận này dân quân Ô Cầu Dền còn được trang bị một khẩu bazooka, nhưng hắn không thấy đâu.

Dũng còn muốn hỗ trợ đồng bào, nhưng Loan mạnh mẽ lôi hắn về lán. Thương binh cần phải được nghỉ ngơi. Khẩu STEN Dũng để sát trong tay, không cho ai đụng vào.

Phạm Tiến Dũng thiu thiu chợp mắt. Trận mưa phùn bất thường đến sớm làm nhiệt độ giảm mạnh xuống, nhưng ở bên ngoài, tiếng người gọi nhau vẫn chưa khi nào ngớt đi.

Một làn gió lạnh thổi vào lán. Trong giây lát, khẩu súng nắm trong tay Dũng nhẹ nhẹ rời ra, bị kéo ra bên ngoài. Hắn choàng tỉnh, lấy tay ghì vào bóng người trước mặt, tay còn lại rút chiếc xẻng công binh ra nhanh như một trò ảo thuật.

"Khụ… Khụ… Khụ…"

Không có ai ở đây cả. Phía bên ngoài, các thanh niên nam nữ vẫn tất bật chạy qua, tạo thành những bóng đen lướt nhanh trong không gian.

Những thương binh khác vẫn đang ngủ yên. Thi thoảng, một người ho lên rũ rượi. Có lẽ vì lạnh.

Cả người đầy mồ hôi, Phạm Tiến Dũng vội vàng vồ lấy khẩu súng của mình, tháo nhanh ra, tạo thành những tiếng lách cách đầy vội vã và không hài hòa. Người dân quân nằm giường bên cau mày khó chịu, quay lưng về phía khác.

Đạn đầy đủ, súng còn nguyên.

Nghe thấy tiếng động bất thường, một người dân quân đang ngồi ngủ bên ngoài hấp tấp chạy vào.

"Anh Dũng có sao không?"

"Không sao. Tôi gặp ác mộng thôi. Làm anh phải lo lắng rồi."

Người dân quân gật đầu, khẽ khàng đi ra. Dũng muốn nói là anh có ào ào đi ra thì cũng chẳng có gì khác đâu, vì bên ngoài vẫn ồn sẵn.

Nhưng hắn im lặng, Dũng không muốn người khác nghe thấy chất giọng phát ra từ dây thanh quản đang run bần bật của hắn.

Không chỉ thanh quản, tay và chân của Dũng cũng đang run lên. Tim đập nhanh hơn.

Đột nhiên, Dũng cảm thấy sợ giấc ngủ.

Hắn bước ra ngoài cửa. Những người dân quân vẫn từ chối không cho Dũng làm việc. Nhàm chán, hắn bước về phía những dãy nhà trong phố Bạch Mai, nơi phụ trách công việc hậu cần.

Dũng dừng lại trước một phòng quân y khác. Loan vẫn đang chăm sóc cho những người bị thương ở đó. Tiếng bước chân của Dũng khiến cô ngưng công việc trong phút chốc. Nhìn ra cửa, cô thấy hắn đang ôm cây súng, lững thững đi qua.

"Anh Dũng à, anh cần phải nghỉ ngơi…"

"Không sao đâu."

"Nhưng mà…"

"Không sao đâu."

Loan nghẹn lời. Nhìn vào gương mặt kiệt sức của Dũng, cô đột nhiên không biết phải nói gì. Gương mặt đó, không thể hiện một sự mệt mỏi về thể xác, mà một sự kiệt quệ về tinh thần.

Loan đứng dậy, đi về phía hắn. Hai người đứng dựa lưng vào tường, im lặng hồi lâu.

"Anh muốn nói chuyện không?"

"Vậy có phiền Loan không?"

"Không sao đâu, chỉ cần anh nhỏ tiếng một chút, để những người khác ngủ là được."

Loan khẽ cười. Nụ cười của cô rất hiền, khiến Dũng nhẹ nhàng cười theo. Nhìn vào màn đêm chán chường, hắn bắt đầu nói.

"Tôi thích mưa."

"Vâng."

"Tôi từng quen một cô gái. Cô ấy rất giống Loan."

"Vâng."

"Cô ấy chết rồi."

Đoạn hội thoại đơn phương chấm dứt. Ngắn gọn và nhạt nhẽo, như một trò đùa ngu ngốc.

Nhưng lại thực tế, và trần trụi.

Cô gái nhìn vào gò má góc cạnh được chiếu sáng một phần dưới ánh đèn mờ đục, khẽ khàng nói.

"Chiến tranh, sẽ qua rất nhanh thôi."

"Phải rồi. Chiến tranh sẽ qua rất nhanh thôi."

Dũng gật đầu.

Khi còn bé, hắn được học rằng nước ta đã trải qua một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, một trăm năm làm thuộc địa của Pháp. So sánh với một nghìn năm, một trăm năm, chín năm kháng chiến ngắn vô cùng.

Sống trong thời đại này, hắn mới hiểu.

Đi dưới lửa đạn, một ngày cũng là quá lâu.

Dũng nâng khẩu súng lên, treo cây xẻng công binh vào bên eo, rồi bước đi vô định trong đêm tối.

Loan nhìn theo hắn, nhìn bóng hình lạc lõng dần hòa vào bóng đêm. Cô muốn gọi Dũng lại, nhưng lại không biết nói gì. Phía trong nhà, một người bệnh binh khẽ rên lên. Loan vội vàng chạy vào, cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc của mình.

Phía trên trời, một ngôi sao đổi ngôi lóe lên trong không gian, xẹt nhanh qua hư không một tia sáng, trước khi tan thành tinh vân trong bầu khí quyển.

Một người thanh niên cầm đàn ngồi trên mái nhà, đang hí hoáy ghi chép gì đó. Dũng nhìn quanh, không thấy cái thang cậu chàng dùng để leo lên đâu cả. Hắn nhún người, đu lên ngọn cây, rồi nhảy lên mái nhà, tạo thành những âm thanh khó chịu, cắt đứt mạch cảm xúc của người nghệ sĩ trẻ.

"Anh Dũng."

"Chào anh nhạc sĩ trẻ."

"Nhạc sĩ gì đâu anh. Tranh thủ lúc rảnh rỗi em ngồi viết vài dòng cho thư thả đầu óc."

Dũng gật đầu. Hắn ngồi cạnh chàng trai trẻ, cầm tờ giấy chi chít chữ và khuông nhạc, ngó tới ngó lui. Dũng mù nhạc.

"Có cây đàn ở đây, cậu thử đánh bài này tôi nghe."

"Vâng, vậy em xin thể hiện."

Người thanh niên bắt đầu đánh đàn. Những nốt nhạc vang lên, nối với nhau thành một bài hát bi tráng mà buồn, nhưng lại có hào hùng, mạnh mẽ.
Thính giác của Dũng bị thu hút hoàn toàn vào trong ca từ. Hắn trầm ngâm thưởng thức.

"Anh cảm thấy thế nào?"

Người thanh niên hào hứng hỏi. Dũng suy nghĩ. Hắn sắp xếp ngôn từ cẩn thận, và nói:

"Bài hát này của cậu, sẽ không nổi tiếng được đâu."

"Em biết chứ." Cậu thanh niên cười rộ lên. "Em chỉ muốn viết cho khuây khỏa mà thôi."

Dũng không cười. Người thanh niên không hiểu ý hắn. Bài hát của cậu rất hay, rất phù hợp với thời kỳ. Nếu nó được lan truyền, bài hát này chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong dòng nhạc kháng chiến.

Thế nhưng, kiếp trước, Dũng chưa từng nghe bài hát này.

Có nghĩa là, hoặc cậu trai trẻ quyết định bỏ quên bài hát đêm nay, cả đời không dùng đến nó nữa.

Hoặc cậu sẽ hy sinh trong một trận đánh nào đó, bài hát này vẫn còn nằm im trong túi áo, rồi bị cháy trong ngọn lửa chiến tranh, hoặc bị dòng thời gian làm cho mục nát.

Nghệ thuật không thể bị hư hại bởi dòng thời gian, nhưng bản ghi thì có.

"Tên cậu là gì?"

"Em ạ? Tên em là Nam."

"Tôi biết rồi, cậu Nam. Bài hát cậu viết tên là gì?"

"Em còn chưa nghĩ đến nó nữa." Nam lắc đầu, gấp mảnh giấy làm tư, bỏ vào túi áo. "Hay anh nghĩ cho nó một cái tên đi."

"Vậy thì vinh hạnh cho tôi quá. Nhưng mà tôi sẽ không làm thế.

Trách nhiệm của người nghệ sĩ, là đặt cho đứa con tinh thần của mình một cái tên. Những người khác làm không được."

Dũng vươn vai đứng dậy, nhảy xuống dưới sân. Trước khi rời đi, hắn nghĩ ngợi một thoáng, rồi quay lại nói với Nam.

"Hãy biểu diễn bài hát này trong ngày giải phóng. Vì chiến tranh sẽ qua rất nhanh thôi."

"Phải." Nam cũng đáp lại. "Chiến tranh sẽ qua rất nhanh thôi."

Cứ như vậy, Dũng không nhớ đã gặp, và nói chuyện với bao nhiêu người trong đêm. Gặp ai, hắn cũng nói rằng, chiến tranh sẽ qua rất nhanh thôi.
Chiến tranh, là đau thương và đổ máu. Thế nhưng người ta vẫn cầm vũ khí lên chiến đấu, vì họ tin rằng mọi cuộc chiến cuối cùng cũng sẽ kết thúc, con cháu chúng ta sẽ lại được sống trong hòa bình.

Phạm Tiến Dũng vẫn tiếp tục bước đi. Trái tim hắn đã bình tâm lại một chút.

Phía đằng xa, mặt trời sắp lên rồi.