Chương 23: Chuyện bên lề 2 - Cuộc họp bí mật ngày 1/1/1947

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 23: Chuyện bên lề 2 - Cuộc họp bí mật ngày 1/1/1947

Chương 23: Chuyện bên lề 2 - Cuộc họp bí mật ngày 1/1/1947

Ngày 1/1/1947.

Không phải là một ngày lễ chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì lúc này người Việt chưa ăn Tết dương.

Còn những kẻ lẽ ra phải nghỉ lễ mừng năm mới tiếp tục xả súng quanh khu vực giáp ranh Liên khu I và Liên khu II.

Nhưng câu chuyện ngày hôm nay không đề cập đến những cuộc chiến liên tục trong 60 ngày đêm tại Hà Nội.

Chúng ta sẽ dõi mắt xa hơn, nhìn về khu vực ven đô, trụ sở tạm thời của Bộ chỉ huy Chiến khu 11, Mặt trận Hà Nội, nơi có một cuộc họp kín với nội dung có thể khiến nhiều người bất ngờ.

‘Chú ý: Nội dung cuộc họp được ghi chép lại dưới dạng văn bản, được mã hóa và lưu trữ lại dưới dạng tuyệt mật. Tuy nhiên, các tài liệu nêu trên đã bị rò rỉ và bị một chính khách Việt Nam lưu vong tại Pháp sau cuộc khủng hoảng Liên Xô tiết lộ cho báo Reuser của Vương Quốc Anh’

Hội nghị chiến lược Mặt trận Hà Nội ngày 1/1/1947 của Quân đội Quốc gia Việt Nam, tại một căn cứ điểm bí mật mang mã hiệu A73, lúc 17 giờ 26 phút.

Cuộc họp đã kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ.

Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận. Khoảng một phần ba trong số chúng đang rơi vào bế tắc, đặc biệt là vấn đề hậu cần và mở rộng chiến trường. Tuy nhiên, những chủ đề này có lẽ sẽ được giải quyết trong thời gian tới, bởi Chính phủ đang liên lạc với Đại sứ quán Trung Hoa Dân Quốc và Liên Hiệp Vương Quốc Anh tại Hà Nội nhằm tìm ra một giải pháp ngừng bắn tạm thời để sơ tán thường dân và xây dựng lại tuyến hậu cần dọc theo các Liên khu.

"Như vậy, chúng ta chỉ còn lại một vấn đề cuối cùng."

Ngồi trên ghế chủ trì hội nghị là Bí thư Đảng ủy Mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Khu 11, Tổng tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ. Những người tham gia được giới hạn trong Ban chấp hành Trung ương, bao gồm Tổng tham mưu trưởng, phái viên trung ương, Chánh án tối cao Tòa án binh, đại diện các Liên khu, và đại diện Tổ Kiểm soát quân sự tạm thời.

Trong nhiều ngày liền, các cuộc họp chỉ huy đã diễn ra trong căn phòng rộng chưa tới hai mươi mét vuông này, nhiều mật lệnh quan trọng đã được đưa ra, tạo mạng lưới chiến lược bí mật nhưng vô cùng sắc bén, xuyên qua hỏa tuyến dày đặc của kẻ thù.

"Chủ đề chúng ta cần đưa ra bàn luận lúc này liên quan đến việc khen thưởng các chiến sĩ và xử phạt bè lũ bán nước."

Không giống với thế kỷ 21, việc khen thưởng chiến sĩ trong thời kỳ này chỉ mang nghĩa hình thức: Một lá thư được đánh máy có chữ ký của Lãnh đạo cấp cao, không tiền, không quyền lợi. Nhưng cũng phải nói rõ ràng, trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc, mỗi lá thư khen thưởng là một vinh quang cao quý mà bất cứ người con yêu nước nào cũng muốn có. Có nhiều chiến sĩ cất giữ những tấm huy chương vinh dự ấy trong ngực áo, mang đi khắp nơi không rời một li, ngay cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trước lúc hy sinh.

Do vinh dự cao quý và ý nghĩa lớn lao đằng sau những lá thư khen thưởng ấy, việc đề cử những cá nhân và tập thể xuất sắc được xem là một vấn đề quan trọng được đặt ngang hàng với các chiến lược quân sự.

"Trong một tuần vừa qua, đội Kiểm soát quân sự đã bắt được 4 tên Việt gian, khoanh vùng 6 tổ Việt gian khác, đang giám sát chặt chẽ 10 đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Tuy nhiên, để công việc phản gián được được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, tôi đề nghị tăng lực lượng Kiểm soát lên mức trung đội, sẵn sàng hành động độc lập tại các điểm nghi vấn."

"Thông qua, các anh được toàn quyền sử dụng và phối hợp lực lượng công an nhân dân và vệ binh tự quản trong thành phố, đồng thời cho phép tăng quân số đội Kiểm soát lên mức 50 người. Tuy nhiên, yêu cầu được cung cấp vũ khí nóng của các anh bị từ chối."

Những vấn đề được đem ra thảo luận thường được quyết định rất nhanh chóng. Phần lớn nội dung cuộc họp đã được đem ra thảo luận từ nhiều ngày trước. Không giống tác phong rườm rà, quan liêu của một bộ phận sau này, tác phong và kỷ luật thời chiến được áp dụng triệt để trong căn phòng chỉ huy mặt trận.

Nhưng ngay cả những nhà chính khách sáng suốt nhất, với cái đầu lạnh và trái tim nóng, đôi khi cũng gặp phải những nan đề mà họ không ngờ tới.

"Tiếp theo là giải trình của phái viên Trần Quốc Hoàn về việc xem xét lại khen thưởng chiến sĩ diệt Tây và đề xuất kết nạp Quân đội Quốc gia đối với đội phó đội du kích Đồng Hà Phạm Tiến Dũng."

Tất cả thành viên tham gia cuộc họp đều tỏ ra kinh ngạc khi nghe đến cái tên này. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi mọi ánh nghi hoặc đều đổ dồn về phái viên Trung ương.

Thông thường, những vấn đề cần bàn bạc rất hiếm khi liên quan đến việc khen thưởng. Rất hiếm khi, một số nghi vấn về tính thiên vị có thể được đưa ra giữa các cuộc họp, nhưng thường chỉ là những nghi vấn vô căn cứ do ảnh hưởng bởi sự thiếu đồng bộ về thông tin.

"Về điều này, tôi muốn nghe một lời giải thích trách nhiệm và thuyết phục của anh, phái viên Hoàn."

Tổng tư lệnh Vương Thừa Vũ nhíu mày, và dù giọng điệu vẫn bình thản, không quá khó để nhận ra biểu cảm không dễ chịu trên khuôn mặt người đàn ông đã gần 40 tuổi.

"Thư khen thưởng và giấy kết nạp Quân đội từ Đại tướng đã được gửi tới từ bay ngày trước, nhưng đã bị anh chặn lại, tôi mong anh có thể giải đáp rõ vấn đề này."

"Thưa đồng chí Tư lệnh, thưa các đồng chí trong ban chấp hành trung ương. Tôi biết việc khen thưởng chiến sĩ là một việc quan trọng, làm tăng sĩ khí quân ta. Tuy nhiên, vì Mặt Trận Tổ Quốc, và vì thắng lợi của Nhà nước nhân dân, tôi buộc lòng phải phản đối quyết định này, và yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp và bí mật với chiến sĩ Dũng."

Những ánh mắt tiếp tục phóng như những mũi dao sắc. Một cuộc điều tra khẩn cấp và bí mật, kể từ khi Nhà nước tuyên bố độc lập đến nay, mới chỉ được tiến hành duy nhất một lần trong vụ án Ôn Như Hầu, để điều tra và bắt giữ những kẻ bắt tay với Pháp nhằm lật đổ Mặt trận Việt Minh.

"Ý của anh là, chiến sĩ Dũng có thể là gián điệp của Pháp cài vào?"

"Tôi không dám khẳng định. Nhưng trên quan điểm của một người cách mạng, tôi buộc phải nghi ngờ tư cách của người lính này."

Đã bắt đầu có những tiếng xì xào nổi lên. Việc một chiến sĩ đã tiêu diệt được nhiều kẻ địch, nhưng không được khen thưởng, là chưa từng có tiền lệ, chứ đừng nói đến việc bị xem xét tư cách.

"Mọi nghi ngờ đều cần có bằng chứng xác thực của nó. Tôi hy vọng đồng chí không đến cuộc họp này, chỉ với tay không."

Tổng tham mưu trưởng bắt đầu lên tiếng. Việc thành lập tổ phản gián đã được tiến hành từ nhiều ngày trước. Mặc dù bước đầu chưa đạt được kết quả khả quan, nhưng không khó để nhận ra hiệu quả chiến lược của đội Kiểm soát quân sự. Một gián điệp do Pháp cài vào, vì lẽ đó sẽ không được bàn đến trong buổi họp quan trọng này.

Nhưng nếu gián điệp lại là chiến sĩ xuất sắc nhất, biểu tượng của cuộc chiến Bưu Điện Bờ Hồ, thì câu chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác.

Một câu chuyện phá vỡ mọi logic, thủ tiêu hoàn toàn sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau giữa những con người đang hết mình chiến đấu trong Thủ đô.

"Dĩ nhiên tôi có, thư anh Tổng tham mưu trưởng. Sau đây, xin cho phép tôi trình bày các chứng cứ mình đã thu thập được."