Chương 24: Chuyện bên lề 2 – Anh hùng hay gián điệp (2)

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 24: Chuyện bên lề 2 – Anh hùng hay gián điệp (2)

Chương 24: Chuyện bên lề 2 – Anh hùng hay gián điệp (2)

‘Phạm Tiến Dũng, sinh năm 1928 tại trấn Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Bởi nạn đói Ất Dậu, đã cùng người làng lưu lạc khắp nơi.

Toàn quốc kháng chiến nổ ra, chiến sĩ đã cùng 11 người khác, dẫn đầu bởi chiến sĩ du kích Nguyễn Văn Xuân, tham gia đội du kích cướp vũ khí phố Đồng Hà, nhiều lần đẩy lùi các cuộc tiến công của quân địch, tiêu diệt và hỗ trợ tiêu diệt 12 tên lính mũ nồi đen.

Tại cổng Pháp quốc, nhờ sự chỉ huy khéo léo của chiến sĩ Xuân, chiến sĩ Dũng đã tiêu diệt gần 20 tên lính Âu-Phi, thu được hai khẩu đại bác, một khẩu súng máy, và rất nhiều vật tư quan trọng khác để tiếp tế cho bộ đội đang cố thủ trong phủ Bắc Bộ.

Trong trận phủ Bắc Bộ, chiến sĩ Dũng đã một mình chặn đứng đợt càn thứ tư của Pháp, tiêu diệt 12 tên giặc. Trong đợt càn thứ năm, chiến sĩ đã phá hủy một xe tăng, một xe tải quân sự, bắn hỏng một xe bọc thép và tiêu diệt ít nhất 6 tên giặc.

Ngay ngày hôm sau, trong trận chiến bảo vệ Bưu điện Bờ Hồ, chiến đã cùng nhiều đồng chí của ta đẩy lùi nhiều đợt vây quét của địch, đẩy lùi trận tuyến của địch ra xa ít nhất 100 mét. Chiều cùng ngày, chiến sĩ đã bắn rơi một tiêm kích của địch ngay trên bầu trời thành phố. Sau trận chiến này, chiến sĩ Phạm Tiến Dũng trở thành người đầu tiên không thuộc cấp chỉ huy bị quân đội Pháp treo thưởng đầu người.

Ngày 25/12/1947, chiến sĩ đã tham gia bảo vệ chiến lũy Ô Cầu Dền với bà con làng Quỳnh Đôi, đẩy lùi nhiều đợt xung phong của địch. Ngay sau đó, chiến sĩ Dũng đã thành công cưa ba quả bom chưa nổ, và phá hủy tại chỗ hai quả bom khác. Cũng trong buổi tối cùng ngày, chiến sĩ đã tham gia cùng đội chủ lực phá hủy chốt chiến lược của địch trên trọng điểm Giảng Võ. Tại đây, chiến sĩ đã thành công cướp được một chiếc xe tăng, đốt phá nhiều cứ điểm của địch trong đêm.’

Bản báo cáo chi tiết được phái viên mặt trận giao cho Tổng tư lệnh Vũ, rồi lần lượt chuyển tay giao cho những người khác. Rất chi tiết, rất đáng kể, ngay cả khi đã có chữ ký xác nhận từ những nhân chứng liên quan, bản báo cáo vẫn thái quá một cách gần như là điên rồ.

"…Có nghĩa là tất cả chiến công kể trên đều chỉ do một người lập được, và chỉ trong chưa đến một tuần lễ?"

Ngay cả một người phóng khoáng như Tổng tham mưu trưởng Xiêm cũng phải choáng váng khi đọc bản báo cáo chi chít dày đặc chữ này. Cuối cùng, những con người có mặt ở đây cũng ý thức được một sự thực khủng bố đến bất thường bao trùm lên những chiến công được nêu ra.

Một tài năng chiến đấu đáng kinh ngạc, khả năng thông thạo và điêu luyện với vũ khí phương Tây vượt ngoài phạm vi những người nông dân chưa từng cầm súng. Ngay cả với những người từng bị bắt đi lính chống phát xít tại châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng không thể nào cam đoan mình có thể giữ độ chính xác cao đến vậy. Không, thậm chí những chiến binh giỏi nhất của Đế quốc Nhật Bản đã từng thống trị trên toàn châu Á cũng khó lòng có thể làm được đến mức này.

Nhưng điều này đồng thời cũng dấy lên trong đầu những người chỉ huy đầy sắc sảo ở đây một câu hỏi còn hóc búa hơn: Có thực sự cần thiết phải cài một xạ thủ bắn tỉa xuất sắc đến như vậy trở thành gián điệp hay không? Và nếu thực sự có thế lực đối địch làm vậy, chúng có thể đạt được điều gì từ chiến sĩ Dũng?

Câu trả lời rất rõ ràng: Đầu não kháng chiến tại An toàn khu Chiến khu I.

Một chiến sĩ xuất sắc đến như vậy, không nghi ngờ gì sẽ được kết nạp vào Quân đội Quốc gia Việt Nam, sẽ được cấp quyền huấn luyện binh lính, và được trình diện trước mặt Chủ tịch và Đại tướng.

So với việc bắt sống hoặc tiêu diệt Bộ Chỉ huy Tối cao, vài ngàn tên lính thuộc địa cùng vài chiếc xe tăng đều chỉ là không đáng kể. Người Pháp là phe thắng trận trong hai cuộc chiến tranh thế giới, việc họ sử dụng chiến thuật điên rồ này, cũng không phải hoàn toàn là không thể.

Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng của các thành viên Ban Chấp hành Trung ương. Và dù các cánh cửa sổ đã được đóng chặt để ngăn cản những đợt gió rét buốt giá của mùa đông, nhiệt độ trong phòng giống như đang giảm đi mấy độ.

"Hẳn các đồng chí đều đã nhận ra điểm bất thường ở đây. Một người nông dân chưa từng học qua bất cứ trường quân sự nào, nhưng lại có tài bắn súng, phá bom, lái thiết giáp và hiểu biết về vũ khí vượt qua bất cứ con người nào có mặt trong căn phòng này."

Nhiều người đã gật đầu, và đặt bản báo cáo trên bàn. Một cảm giác bị phản bội đầy khó chịu bao bọc lấy không khí cuộc họp, tạo nên bầu không khí kìm nèn đến ngột ngạt. Tổng Tư lệnh Vũ và Tổng tham mưu trưởng Xiêm trầm tư không nói, nhưng chén nước chè xanh trong tay họ rung lên nhiệt liệt thành từng đợt sóng nước.

"Xin các đồng chí hãy bình tĩnh. Nguyên tắc đầu tiên trong suy nghĩ biện chứng là không được để những niềm tin cố hữu dẫn dắt suy nghĩ của chúng ta lệch khỏi điều đúng đắn. Tất cả những điểm được đồng chí phái viên đưa ra đều chỉ là suy đoán. Chúng ta không thể vì suy đoán mà áp đặt suy nghĩ của mình ngay lập tức được."

Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Trân lên tiếng phá vỡ bầu không khí. Là một người suy nghĩ bằng lý tính và logic cao độ, người đàn ông đã từng cùng những người đồng chí thành công lên kế hoạch vượt ngục tại Sơn La sau 3 năm tù khổ sai, không cho rằng Phạm Tiến Dũng là gián điệp. Vấn đề hiệu suất-kết quả không thỏa mãn, trong khi những yếu tố không chắc chắn quá nhiều. Từng tham gia đấu tranh và tuyên truyền trong Mặt trận Đông Dương, anh Trân cho rằng người Pháp không thực sự là những nhà quân sự tài giỏi (họ thua Đế quốc Đức một cách chóng vánh và bất ngờ), nhưng là những con cáo già về mặt kinh tế (Các Mác gọi hình thái Cộng hòa Pháp là ‘Đế quốc cho vay lãi cắt cổ’)

"Mời đồng chí phái viên tiếp tục trình bày."

"Tiếp theo là một bằng chứng được chính đương sự cung cấp."

Đồng chí Hoàn quay sang nhìn Ban chấp hành. Được sự chấp thuận từ Tổng tham mưu trưởng, vị phái viên trẻ mới lục từ trong túi ra 3 bản vẽ, đưa qua cho các đồng chí khác.

"Bản vẽ đầu tiên là thiết kế một loại súng mới do chiến sĩ Phạm Tiến Dũng tự vẽ ra, dựa trên thiết kế của các mẫu súng Pháp mà đội du kích của anh đã thu được, giao nộp cho Liên khu II vào ngày 28/12, đặt tên là súng trường PtD-178."

Mọi người lại lần lượt chuyền tay nhau bản vẽ vũ khí. Khá cầu kỳ, và khó hiểu. Nhưng hầu hết trong số họ đều tập trung vào một điều khác ‘PtD-178 là cái khỉ gì? Và tại sao chữ t lại không được viết hoa?’

"Sau khi nhận được bản vẽ, Bộ chỉ huy Liên khu đã hỏa tốc gửi công điện tới Chế tạo Quân giới cục tại chiến khu Việt Bắc, đồng thời triệu tập anh Masui, cố vấn quân sự Nhật Bản, đại diện lực lượng người Việt Nam mới tại Hà Nội. Ngay bên dưới là hai bản vẽ phân tích và đánh giá từ anh Masui."

Tổng tư lệnh Vương Thừa Vũ đón lấy báo cáo đánh giá. Lông mày anh nhíu lại thật chặt, nhưng nhanh chóng giãn ra, nhưng khuôn mặt anh vẫn đăm chiêu, như có điều suy nghĩ. Anh chuyển giao báo cáo cho Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Xiêm

‘Tóm tắt báo cáo của cố vấn quân sự Nguyễn Văn Sinh (tức Masui Masui)

Bản vẽ thiết kế được Liên khu gửi lên quá lý tưởng, với các ý tưởng về vũ khí chưa thể thực hiện được trong thời kỳ này. Ngay cả với quân lực Đế quốc Nhật Bản trong thời kỳ hùng mạnh nhất, cũng cần đến 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, cùng số tiền khổng lồ, để có thể sản xuất ra mẫu súng đầu tiên.

Tuy nhiên, khi đơn giản hóa thiết kế vũ khí dựa trên công nghệ chiến tranh hiện hành, tôi nhận ra rằng mẫu súng PtD-178 là sự kết hợp hai biến thể phức tạp chưa từng xuất hiện của StG-44 được quân đội Đức quốc xã sử dụng và Fyodorov Avtomat do Hồng quân Liên Xô sản xuất.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, Cục chế tạo quân giới hoàn toàn có thể thử nghiệm sản xuất biến thể tối giản của hai mẫu súng trên (Mẫu thiết kế ở trang 2 và 3)’

Anh Xiêm cũng cau mày một chút. Không chỉ Pháp, dường như quân đội Đồng Minh và Hồng quân dường như cũng có liên quan đến vấn đề của chiến sĩ Dũng.

Báo cáo về phần sau của cuộc họp không được tiết lộ, bởi theo người cung cấp thông tin, ‘những nội dung sau đó đã được mã hóa lại và gửi lên đầu não kháng chiến tại Việt Bắc. Tất cả những người trong cuộc họp đều kiên nhẫn chờ đợi cho đến sáng ngày hôm sau, khi bức điện tín từ Chiến khu I gửi về, do đó cuộc họp bí mật ngày 1/1/1947 trở thành cuộc họp dài nhất trong 60 ngày đêm ở Hà Nội, kéo dài 15 tiếng đồng hồ.’

Báo Reuser gặp khó khăn trong việc khám phá nội dung tiếp theo của cuộc họp. Tuy nhiên, dựa theo các tài liệu được Pháp tiết lộ, và dựa trên những ghi chép chính thức được công khai của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ đã có những phỏng đoán của riêng mình, mà theo biên tập của Reuser là "Độ chính xác tuyệt đối không dưới 90%."

1. Yêu cầu xem xét lại tư cách nhận thưởng Dũng sĩ diệt tây không được thông qua. Một phần là do không đủ chứng cứ chứng minh tướng Dũng là gián điệp, nhưng nguyên nhân lớn hơn là "họ (những người Việt Minh) cần giữ lại biểu tượng chiến đấu chống quân xâm lược Pháp, để cổ động phong trào kháng chiến đang diễn ra trong toàn quốc."

2. Tướng Dũng sau đó đã nằm trong phạm vi giám sát của đội Kiểm soát quân sự trong nhiều năm. Mãi đến khi nhận được sắc phong quân hàm Trung tướng, lệnh giám sát này mới được gỡ bỏ hoàn toàn.

Trang BDC dẫn lời của cựu phóng viên J.L, từng làm việc nhiều năm cho tờ Reuser, ngày 3/3/2000