Chương 26: Thêm một tuần lễ

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 26: Thêm một tuần lễ

Chương 26: Thêm một tuần lễ

Phạm Tiến Dũng lại trúng đạn rồi, vào tay phải.

Cái mặt lợi duy nhất khi dây thần kinh tay bị đứt, đó là cái cảm giác buốt đến tận não mỗi khi viên kim loại nhỏ bằng đốt tay bắn xuyên qua da thịt thì nay chẳng đem lại cảm giác gì nữa.

Phía bên dưới, lũ giặc vẫn chậm rãi tiến lên với đại bác và xe tăng. Đã hai ngày rồi máy bay thả bom của địch không còn vè vè trên đầu nữa. Nghe giao liên báo lại, giặc đã dùng bom sớm hơn, và nhiều hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu. Thế nên, hết bom rồi.

Chúng nó phải vận chuyển thêm từ miền Nam ra, nhưng nghe bảo công nhân trong ấy đình công dữ lắm. Trong tháng này, đừng hòng có quả bom nào thả xuống được nữa.

Sự xuất hiện đột ngột của Dũng đã làm tiến trình lịch sử chệch đi đáng kể.

Chiến lũy Ô Cầu Dền ngày thứ mười tám phòng thủ, đã có hai lỗ hổng lớn bị địch phá ra. Chỗ thấp nhất chỉ còn cao hơn một mét.

Lúc này đây, cuộc chiến đã trở thành một cuộc đánh giáp lá cà đầy hỗn loạn.

Những người thanh niên gánh những gánh đất lớn từ trong làng đắp lại chiến lũy. Người già vác bao cát, trẻ con bới đất cho vào sọt. Giữa những tầng đạn lửa dày đặc, những bóng người xiêu vẹo chạy trên chiến lũy. Bốn chiếc xe tăng của địch vẫn gầm rú, oanh kích từ xa. Một người, rồi lại một người ngã xuống. Nhưng đòn gánh vẫn được xốc lên, người sau lại nối tiếp người trước đắp lỗ thủng, giữ phòng tuyến quân ta.
Một trái bom xăng được ném ra, cháy mặt đường.

Khói mù mịt khắp chiến trường.

"Cứ đánh thế này thì không được. Gọi thằng Thụ cho tăng viện qua đây"

Quân lau vết máu trên trán. Phòng tuyến đã ngày càng xơ xác. Dân quân xây không nhanh bằng giặc phá.

"Không được. Phần lớn đại đội đang phòng thủ khe hở phố Huế rồi, chỉ còn nhiêu đây người thôi."

Tuần cay đắng cười. Những trận đánh không có hy vọng anh từng đánh qua rồi. Ngồi giữa bãi chiến trường đầy gió lạnh trong khi xung quanh bom đạn nổ khắp nơi cũng không có gì mới lạ.

Mùa đông châu Âu năm 1941 thậm chí còn có tuyết.

Tuần cay đắng là vì nước mình còn nghèo quá. Súng ít, đạn ít, thiếu thốn thuốc men, đạn dược, vũ khí phòng không. Cái gì cũng thiếu.

Giá mà Việt Nam dân chủ cộng hòa có thêm chút thời gian. Mười năm, không, chỉ cần ba năm năm năm, chỉ cần đẩy lùi hết nạn đói, tự chủ được sản xuất vũ khí, vậy thì ta có thể sòng phẳng đánh với Tây, chứ không phải uất ức phòng thủ thế này.

"Con mẹ nó. Đánh Nga thua Nga, đánh Đức thua Đức, đánh Nhật thua Nhật. Đám giòi bọ đánh đâu thua đấy, lấy cờ trắng làm quốc kỳ. Chỉ giỏi bắt nạt nước yếu."

Tuần nhổ nước bọt, nói một câu châm biếm, rồi tự mình cười sằng sặc. Những người khác cũng cười theo, như một căn bệnh dễ lây.

„Nhưng mình đâu có yếu. Ban đầu Cụ Hồ thành lập Giải phóng quân, quân số chỉ được gần 40 người, hai mươi khẩu súng, với hơn chục cái mã tấu. Thế mà vẫn đánh Pháp chạy khỏi Cao Bằng, Bắc Kạn, rồi sau này mới tăng quân lên mà đuổi Nhật khỏi nước ta."

„Phải đấy. Phát xít Nhật mình còn đuổi được, thì bọn giương cờ trắng có cái đếch gì mà phải sợ. Phải không, anh Quân."

Những người dân quân khích lệ, động viên lẫn nhau. Người bị thương băng bó qua loa, người khỏe mạnh vẫn kiên trì bám lấy chiến lũy, người không có vũ khí hối hả chạy đi gánh đất gia cố chiến hào. Một người gọi với sang đội trưởng Quân. Anh gật đầu, không nói gì.

Đạn còn khoảng 60 viên, lựu đạn còn 3 quả, đồng đội quá nửa đều bị thương, mệt, hoặc đói lả. Không ai chịu rời khỏi vị trí, vì ý chí kiên cường không cho họ lùi bước. Nhưng nếu chỉ kiên cường là đủ, thì quân đội đế quốc Nhật Bản đã không bị quân đội Đồng minh Hoa Kỳ vây chết ở quần đảo Solomon.

Chiến tranh, là cuộc chiến của máu thịt, và súng đạn.

Đưa tay vào túi, Quân hơi giật mình. Hết thuốc lá rồi. Mấy ngày nay thằng Dũng không bắn được thằng giặc nào nghiện thuốc. Mấy cái đóm thuốc tàn Quân nhặt lên hút lại lần hai, lần ba cũng hết rồi.

Nghe nói, thằng Thụ phải ngăn cản không cho thằng Dũng đi đánh đêm, vì thằng Dũng không bao giờ bắt sống được tù binh. Hoặc là vào tầm ăn đạn của nó, rồi nằm im đấy, hoặc tránh được cái xẻng công binh của nó, rồi chạy được.

Mà những thằng chạy được, chúng nó có chạy yên lành đâu. Chúng nó còn cố với lại, cố bắn trả nữa. Bắn trăm viên, chín mươi chín viên hụt. Nhưng chỉ cần một viên trúng là lại đến công chuyện rồi. Thằng Dũng đi đánh đêm chục ngày, trên người nó chắc cũng hơn chục vết thương rồi. Cái Loan dọa nếu Thụ còn cho phép Dũng đi đánh đêm, thì đích thân nó với mấy đứa con gái khác sẽ trói cả hai lại, rồi nhốt trong hầm quân y đến khi những vết thương trên người Dũng khỏi hẳn.

A, Quân lại nghĩ lung tung rồi, chắc là do thèm thuốc.

Giặc tạm ngừng bắn rồi.

Trên chiến trường, không phải lúc nào cũng có giao tranh nổ ra. Cho dù hai bên ở cách nhau chỉ một bức tường, thì hỏa lực cũng có lúc tạm dứt, để theo dõi và kiểm soát tình hình. Một người lính Mỹ năng suất nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai trên thực tế cũng chỉ chiến đấu 40 giờ trên một năm.

(Con số này tăng lên gấp sáu lần khi quân Mỹ đối đầu với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong trận Mậu Thân năm 1968.)

„Thằng Kiều, đúng rồi, mày đấy. Chạy về bảo thằng Thụ, anh em tao sắp hết đạn rồi, giỏi lắm thì cũng chỉ cầm cự được sáu tiếng đồng hồ nữa thôi, bảo nó chuyển một ít quân sang đây."

„Thằng Cường, thằng Chinh, một lúc nữa thấy xe tăng nó lên thì bắn yểm trợ tao. Bắn tiết kiệm thôi, đừng để bọn Lăng sa biết mình không còn nhiều đạn."

Quân đột nhiên lải nhải rất nhiều. Cố gom những tàn thuốc lại thành điếu, anh châm lửa, hút một hơi dài khét lẹt, trong khi mồm miệng vẫn không ngừng chỉ đạo anh em. Cuối cùng, anh quay sang Tuần, người em đã cùng đi với anh từ những ngày đi chạy xe kéo cho địa chủ, đến những ngày vượt cả đại dương đến chiến trường châu Âu.

„Còn mày, thằng Tuần, mày đi theo tao lâu nhất rồi. Tí nếu tao đánh nổ được xe tăng nó thì mày không cần đi theo, từ nay về sau mày là chỉ huy của anh em. Còn nếu tao có mệnh hệ gì..."

Chỉ vào chiếc xe tăng đang nằm nghỉ ngơi đằng xa, Quân gằn giọng.

„Có mất mạng cũng phải giúp tao đánh nổ cái cục sắt đó."



Một Vệ út giao liên leo qua chiến hào, trên cổ là một tràng đạn súng trường, dưới eo đeo thêm hai quả lựu đạn. Túi áo em căng phồng lên, bên trong là một lá thư mệnh lệnh và một nắm xôi.

Đạn tiếp tế lúc này quý như vàng. Súng đạn của bộ đội đã tiêu hao nhiều lắm rồi. Đến Dũng cũng không thể nào ngờ được rằng chiến lũy Ô Cầu Dền đã tồn tại đến ngày thứ 24. Lịch sử đã thay đổi, và sẽ còn thay đổi nhiều hơn dưới sự ảnh hưởng của hắn.

Đợt xung kích bất ngờ vào cánh sườn chiến lũy ngày 15/1 của địch, với sự yểm trợ của máy bay thả bom, xe tăng và đại bác đã thất bại, do bị Vệ quốc quân cầm chân trong suốt bốn tiếng đồng hồ. Hai quả bom ba càng đã được dùng đến, đánh cháy một chiếc xe tăng. Sáu người Cảm tử quân hy sinh không còn một ai. Nhưng giặc đã bị ép phải rút quân, cho dù đã điều động cả những chiếc máy bay đang đánh phá chợ Đồng Xuân qua.

Phạm Tiến Dũng không biết rõ kẻ địch tập kích chỗ nào. Nhưng chỉ cần biết rõ sự kiện lịch sử sẽ diễn ra, thì hắn cũng có thể triệt phá tính bất ngờ của lần đánh bọc sườn đầy nham hiểm này.

Nhưng Dũng không phải thần thánh, hắn không thể thay đổi được xu hướng cuộc chiến. Việc rút lui xảy ra là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

„Bộ chỉ huy muốn chúng ta có thể cố thủ thêm một tuần lễ nữa. Người của ta đang sẽ liên hệ với tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội để bàn về một lệnh ngừng bắn tạm thời ngày mùng 1 Tết và trao trả tù binh Pháp đang bị giam giữ tại Liên khu I.

Tuy nhiên, Tổng Tư lệnh cũng nói thêm rằng, nếu tình hình không như mong muốn, chỉ huy trường Liên khu có quyền sơ tán nhân dân và cho phép bộ đội rút lui sớm hơn kế hoạch."

Thụ gõ bàn, Cuốn sổ đen trong tay anh nhăn nheo và hơi ẩm. Những người khác cũng rơi vào trầm tư.

Là người lính, không ai muốn rút lui khỏi chiến trường.

Là người Việt Nam, cũng không ai muốn rút lui, để giặc giày xéo mảnh đất tổ tiên.

Nhưng vật tư đã không đủ nữa.

Trong vô thức, một ánh mắt nhìn sang Dũng. Rồi hai người, rồi ba, cho đến khi tất cả mọi người trong căn phòng đều nhìn vào hắn. Nhưng Dũng lắc đầu.

„Quân địch chắc chắn không cho ta cơ hội cướp vật tư một lần nữa."

Lại trầm tư. Một lúc lâu sau, Thụ lên tiếng, phá bỏ sự yên tĩnh.

„Trước tiên chúng ta sẽ cho sơ tán người già, trẻ em và thương binh ra vùng ven đô, và thu xếp tòa học xá trở thành nơi cố thủ dự phòng trường hợp chiến lũy bị phá.

Thứ hai, đội du kích ban đêm từ hôm nay sẽ do đồng chí Trung tiếp quản. Mục tiêu được ưu tiên cao nhất là bắt sống tù binh Pháp, tạo thêm lợi thế cho bên ta trong việc thỏa thuận ngừng bắn.

Thứ ba, bên hậu cần cố gắng chế thêm bom xăng crep và các đầu đạn mooc chi ê hỗ trợ bộ đội đánh xe tăng địch. Quân Pháp vẫn còn quan ngại sự xuất hiện của cậu Dũng, nên bộ binh chúng chỉ dám trốn sau lưng thiết giáp. Chúng ta phải tận dụng lợi thế này để kéo dài thời gian càng lâu càng tốt.

Cuối cùng, tôi tin rằng không chỉ bảy ngày mà phòng tuyến Liên khu II chắc chắn sẽ còn giữ được cho đến khi toàn bộ lực lượng của ta rút lui thành công khỏi thủ đô. Vậy nên, các đồng chí, vào việc."

„Rõ."

Ngày 18/1/1947, trong sự sục sôi quyết tâm của những con người quyết tâm sống mãi với Thủ đô, chiến lũy Ô Cầu Dền bước vào giai đoạn cố thủ dai dẳng và đầy quyết liệt.

(P/s: Trong suốt 57 ngày đêm chiến đấu, đã có 3 lần lệnh ngừng bắn được đưa ra thảo luận, bao gồm lệnh ngừng bắn ngày 15/1, lệnh ngừng bắn ngày mùng 1 Tết, và lệnh ngừng bắn ngày 18/2. Tuy nhiên, vì quân đội ta rút lui thành công vào ngày 17/2, nên đợt ngừng bắn thứ ba chỉ là một câu chuyện được kể lại.)