Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Kỷ luật

Kỷ luật

Ngày 6 tháng 1 năm 1947. Việt Nam, thủ đô Hà Nội, phòng tuyến Liên khu 3.

Cuộc chiến ở thành trì đất Ô Cầu Dền đã bước sang ngày thứ mười hai.

Bắt đầu từ lễ Giáng sinh chết tiệt, bước qua một năm mới chết dẫm, nhưng bom đạn quân Pháp chưa ngừng nghỉ bất cứ một dịp nào.

Trong chiến tranh không tồn tại ngày lễ.

Vậy nên cả trong những ngày Chúa nhật, những con tốt của nền Cộng hòa thứ tư vẫn tìm cách phá vỡ phòng tuyến của những người nông dân Đông Nam Á.

Một tên giặc bị bắn vào tay, sau đó ngã xuống nơi một quả mìn Hương Khê được chôn sẵn.

Trên tháp canh, hoặc phải nói là trên một cái lán được dựng tạm nơi nóc một ngôi nhà chưa bị bom oanh kích, tiếng kẻng báo máy bay vang lên leng keng.

"Có máy bay thả bom hướng Đông Bắc."

Những người lính trên chiến lũy cúi rạp người xuống, kéo tay lấy tấm chiếu nâu đầy bùn đất đen sì phủ lên người. Không quả chuyên nghiệp, nhưng vừa đủ che mắt lũ phi công trên độ cao bốn trăm mét.

Một chấm đen xuất hiện trên bầu trời xám xịt của ngày thứ hai đầu tiên năm bốn bảy. Cỗ máy thả bom chạy bằng xăng bay lượn giữa tầng mây thấp bằng một động tác bài bản, trước khi đánh hai vòng xung quanh chiến lũy rồi rời đi. Có vẻ mục tiêu của nó không phải Liên khu II. Chiếc máy bay bà già lại một lần nữa thu nhỏ thành một chấm đen, hướng về phía liên khu III.

Có giao tranh từ phía pháo đài Láng.

Cô gái giao liên đứng ở tháp trực máy bay nheo mắt nhìn về phía xa, cho đến khi chắc chắn không còn bóng dáng chiếc maron, rồi đánh kẻng leng keng.

Chiến đấu vẫn tiếp tục.

Trải qua gần hai tuần lễ giằng co, nhiều đoạn chiến lũy đã sụt lún nghiêm trọng. Có chỗ, những thân gỗ đại thụ được chôn làm khung tường đã lộ ra, hoặc cháy sém, hoặc đổ làm đôi, và bốc lửa. Ở hầu hết những đoạn khác, bức tường đất đã từng rộng đến gần 8 mét giờ cũng chỉ còn chưa đến một nửa, xác người đè lẫn lộn lên nhau, cả ta và địch,

Ngay lúc này, đẫm máu đã không đủ để hình dung chiến trường nơi đây.

Một tiểu đội bộ binh địch trèo lên chiến hào, bằng cả tay, chân và súng. Một đám đông khác đằng sau yểm trợ bằng vũ khí hạng nặng và thiết giáp.

Những người thanh niên nhảy từ trên chiến hào xuống, trong tay là dao rựa hoặc thuổng sắt. Máu và súng đạn va chạm với nhau. Những người nông dân một lần nữa đẩy lùi một đợt tiến công của địch. Nhưng cũng không ai trong số họ còn có thể trèo về chiến lũy.

Dũng không nhớ rõ đây là tiểu đội thứ bao nhiêu rồi. Giữa chiến trường u ám này, con số chỉ là một khái niệm mơ hồ.

Hắn ném khẩu súng lục cho Toàn, để cậu nạp đạn, và kéo chốt.

Dũng được Thụ giao cho phối hợp với đội du kích ven đô đánh bọc sườn quân đội Pháp muốn chiếm giữ lại chốt nhà sữa Minh Ngọc. Thế nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh, và sự phối hợp giữa những người dân quân vòng ngoài và bộ đội bên trong thiếu đi sự đồng bộ và tối ưu hóa liên lạc đã khiến họ đánh mất cứ điểm. Ngay lúc này, mười người trong đội của Dũng đã hoàn toàn bị cô lập khỏi chiến lũy bên trong bước tường đất.

"Kế hoạch thế nào?" Toàn hỏi. Dũng lắc đầu trầm tư. Trên tay hắn lúc này, là một khẩu súng lục Hamada với chín viên đạn. Phía sau hắn là chín người du kích chưa có kinh nghiệm, với hai quả lựu đạn không rõ nổ được không, một trái bom xăng nứt miệng, và hai cái cuốc gãy. Ước tính quân địch có khoảng 50 tên, với hai xe tải cỡ nhỏ và ít nhất một khẩu súng máy.

Quên chuyện chiến đấu đi, chỉ cần Dũng nhô đầu lên, cả khuôn mặt hắn sẽ nổ thành cái sàng ngay. Cái mũ sắt trên đầu cũng chẳng thể cứu nổi Dũng. Mà nó thậm chí còn chẳng phải là mũ sắt. Đêm hôm trước Dũng đã thấy một tên lính An giê lấy cái mũ này để đun nước. Nó là một cái nồi.
"Anh Dũng, bọn em đào bẫy xong rồi."

Một người du kích khe khẽ tiến lại gần, giao trả cho Dũng cây xẻng công binh. Không tiến vào được chiến trường, đội của hắn quyết định giết thời gian bằng cách thành lập chiến địa bẫy kiểu cổ đại. Hố và chông gỗ.

Một cái ghế gãy lộn ngược lại vót nhọn đầu, vài cành cây khô phủi lấp lên nhau che đi quả mìn chế vội, hay chỉ đơn giản là một cái lỗ nông hai đốt tay, với một sợi dây sắt nối với một trong hai quả lựu đạn cuối cùng.

Chiến tranh du kích, điều quan trọng nhất chính là không cách nào đoán được.

Bỏ qua vấn đề hiệu quả, chỉ riêng việc làm thế nào để quân Pháp lọt vào đống bẫy này cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Nếu là những người khác, tốn thời gian và mạo hiểm nguy cơ bị lộ vị trí để hì hục đào một đống bẫy ở một vị trí phía không nằm ở phía trước mặt và sau lưng địch là một điều ngu ngốc đến nỗi chẳng ai thèm nghĩ tới.

Nhưng Phạm Tiến Dũng có ưu thế của một người chuyển sinh.

Trong một vài ngày nữa, phòng tuyến Ô Cầu Dền sẽ bị phá bởi một đội lính Pháp bất ngờ tìm được chỗ yếu để đánh bọc sườn. Dĩ nhiên là ngay sau đó, chiến lũy đã bị phá bỏ hoàn toàn, và đến thế kỷ XXI thì nó chỉ còn là một huyền thoại của 21 ngày đêm chiến đấu với địch trong một cuộc chiến giằng co bảo vệ từng mét đất. Nhưng còn điểm xuyên phá của quân thù ở đâu thì Dũng không biết.

Chính vì vậy, suốt từ đêm qua đến giờ, đội du kích của hắn đã đào tới hơn ba mươi cái bẫy khác nhau, tại các điểm mà hắn nghi ngờ quân giặc sẽ đi qua.

Dũng đang đặt cược.

"Thằng Quang, thằng Lâm với thằng Bảo tản đi lấy gỗ, tìm cây nào chắc chắn một tí, những đứa khác tiếp tục vót gỗ đào bẫy."

Trong lúc Phạm Tiến Dũng đang suy tư, Toàn đã bắt đầu chỉ huy, phân công nhiệm vụ cho mọi người. Hầm chông bẫy cọp là loại đơn giản nhất, cũng dễ chết người nhất, nhưng cũng tốn nhiều thời gian đào hố nhất, nên chỉ được đào ở những nơi hiểm yếu. Những loại bẫy khác đơn giản hơn, nhưng đa phần đều không gây chết người.

Trong phút giây, Dũng trở thành bách khoa toàn thư về các loại bẫy: Bẫy kẹp nách, bẫy thò, chông trục quay,… Bộ óc của tương lai chứa đầy tri thức về các loại bẫy được du kích Đông Nam Á và Trung Đông dùng để đối phó với quân đội các nước đế quốc không ngừng tuôn trào thông tin, làm nhịp tim của Dũng đập nhanh hơn một chút.

Vết thương do đạn bắn ở đùi trái lại nhức lên rồi. Không có cách nào, vừa gắp đầu đạn và băng bó qua loa xong là hắn đã vọt ra chiến trường. Dũng lại nhớ về ánh nhìn xuýt xoa của mấy cô quân y mỗi khi phải băng bó lại vết thương vừa vỡ ra của hắn.

Dũng bật cười rồi.

"Sao vậy anh Dũng?"

Hắn lắc đầu. Không nên xao lãng.

"Có thấy bóng thằng Tây nào đi vào trận địa này chưa?"

"Bọn em vẫn đang trông chừng. Thằng Nam đề nghị ta đào thêm một trận địa nữa ở phía nhà thuốc Tùng Già."

"Không được. Phía đấy giao liên và tiếp tế của ta thường xuyên qua lại. Đừng để địch chưa chết quân nhà đã bị thương."

Phạm Tiến Dũng cau mày nhìn vào tấm bản đồ sơ sài được hắn vẽ ra trên một mảnh giấy đã úa vàng. Những hình vẽ nguệch ngoạc như của một đứa con nít kết nối với nhau, đè lên ký ức cúa hắn về địa hình Liên khu II, tạo thành một tấm bản đồ ba chiều hoàn chỉnh khắc họa đến từng chi tiết.

Có tất cả hai vị trí địch có thể đánh vào, thông qua những đoạn chiến lũy đã bị pháo xe tăng và đạn đại bác bắn hỏng. Con số này sẽ còn gia tăng mỗi ngày bởi hỏa lực yểm trợ bởi không quân. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi một lỗ hổng đủ lớn xé toạc hàng phòng tuyến.

Dũng nhìn lên đồng hồ hệ thống. 16 giờ 22 phút. Thường thì quân giặc sẽ ngừng oanh kích lúc 7 giờ, và rút lui vào các cứ điểm đã chiếm được. Từ sau 9 giờ, du kích của ta sẽ ùa ra từ các hướng, không ngừng quấy rối và tiêu hao tinh thần địch. Đó cũng là lúc, các chiến sĩ giao liên, và các Vệ út xuyên qua vòng vây kẻ thù, đưa những tin báo quan trọng từ bộ chỉ huy cho các Liên khu.

Còn hai tiếng rưỡi nữa.

Hệ thống chuyển sinh ngày 6/1/1946, 16:23

Người chuyển sinh: Phạm Tiến Dũng

Bí danh: Chưa có

Vai trò: Dân quân du kích, đội chủ lực

Kỹ năng: Bắn điểm xạ (rèn luyện thực chiến), xạ thủ 10 mét, khóa mục tiêu cấp thấp

Vũ khí: Hamada Type I

Vật phẩm: Giáp vải, mũ sắt, Bản vẽ thiết kế x 3, Thóc giống x 50kg, xẻng công binh, thẻ lặn dưới nước, thẻ tăng tốc độ hồi phục,

Nhiệm vụ chuyển sinh: Sống đến ngày đất nước hoàn toàn hòa bình (7/9/1991) – Chưa hoàn thành

Tuổi: 18 (Tuổi trước khi chuyển sinh: 39)

Chiều cao: 157 cm

Cân nặng: 48 kg

Sức mạnh: 290

Tốc độ: 12

Điểm phân phối: 440"

Bên ngoài sân đột nhiên có những tiếng nhốn nháo. Dũng hé mắt qua khe cửa nhìn xem. Đội lấy gỗ đã về. Trông họ vẫn lành lặn, một người vẫn ngoác miệng cười to, dù trên mặt, cổ và áo cậu ta dính đầu máu. Trên tay cậu cầm một khẩu tiểu liên giơ cao, vung vẩy đầy tự hào.

"Súng ở đâu đấy?"

Dũng tò mò hỏi. Dựa vào biểu hiện đắc thắng và đống máu trên người, hắn có thể đoán được mấy người này đã phục kích thành công một tên lính Pháp. Nhưng trên cung đường xung quanh Liên khu II, quân giặc đã hình thành phòng tuyến chắc chắn hỗ trợ nhau bởi các cứ điểm. Lính tuần tra cũng đi theo tốp năm đến mười người. Phục kích một tiểu đội chỉ với bốn người du kích tay không mang súng gần như là điều không thể.

"Trước cửa nhà thuốc Tùng Già anh ạ. Bọn em có đào mấy cái bẫy chông kẹp nách ở đấy. Một thằng dẫm phải, què giò. Bọn em ném lựu đạn chết nó và xua đám kia đi. Thế là cướp được súng."

Nam ngoác miệng cười to, không ngừng vuốt ve khẩu súng đầu tiên mình cướp được, mà chẳng hề để ý đến khuôn mặt Dũng đang đen lại.

"Tao đã bảo với chúng mày là không đào bẫy ở phía đấy cơ mà?"

Bẫy kẹp nách được chôn dưới một cái hố cao khoảng ba mươi phân đến một mét, là loại chông được chế tạo từ 2 thanh gỗ tròn được cắm đầy đinh dài sắc nhọn. Đối với tạng người cao lớn của lính châu Âu và châu Phi, loại bẫy này tối đa chỉ làm bị thương nghiêm trọng phần chân, đùi và một chút phần hông, nhưng nếu một người Việt Nam, đặc biệt là một đứa trẻ dẫm phải, đến lúc ấy sẽ không chỉ đơn giản là bị thương nhẹ hay nặng.

Phạm Tiến Dũng không muốn những người đồng đội của mình gây ra một sự cố Thomas Attridge chỉ vì không nghe lời chỉ huy.

(sự cố Thomas Attridge: Ngày 21/9/1956, phi công thử nghiệm Thomas Attridge của tập đoàn Grunmman cất cánh trên tiêm kích F-11 Tiger số hiệu 138620 để thử nghiệm hệ thống vũ khí, đã tự bắn cháy máy bay của chính mình và được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới làm được điều này.)

"Nhưng mà cướp được súng mà anh…"

Nam cúi đầu, cố gắng biện luận. Cậu không hiểu được mình sai ở đâu. Cướp được súng, giết được địch rõ ràng là mục tiêu hàng đầu của đội du kích.

Dũng day day sống mũi, xoa đầu. Đòi hỏi tinh thần kỷ luật và tầm nhìn chiến lược của những người du kích trong thời điểm này có lẽ vẫn còn quá sớm.

Hơn nữa, cũng không có gì chắc chắn giao liên của ta sẽ bị thương vì những cái bẫy ấy cả. Dũng tự an ủi mình như vậy.

Hắn ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ hệ thống. Đeo túi lên.

Cũng sắp tối rồi.

"Tối nay về Liên khu, nhớ báo cho anh Thụ chỗ chúng mày chôn mấy cái hố bẫy ấy đấy."

(Tối qua tôi có viết một chương cao trào, tuy nhiên sau khi kiểm tra lại tư liệu thì có mâu thuẫn quá lớn, nên phải xóa đi. Hầu hết các hồi ký đều xác nhận chiến lũy Ô Cầu Dền tồn tại được hơn hai mươi ngày, và theo một số báo tôi tìm được thì chiến lũy bị địch đánh hạ vào ngày 15/1/1947. Tuy nhiên ngày 15/1 lại là ngày ngừng bắn, theo thỏa thuận giữa Anh, Pháp, Dân Quốc và Việt Minh. Ông nào tìm được tư liệu thì giúp tôi phần này với.)