Chương 17: Biến cố

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 17: Biến cố

Chương 17: Biến cố

Dương lịch ngày 26 tháng 12 năm 1946.

Tức ngày Giáp Tuất, tháng Tân Sửu, năm Bính Tuất, ngày tư tháng chạp.

Trời không mây, gió rất lạnh.

Thích hợp: Cúng tế, cầu phúc, ăn hỏi, động thổ, cưới gả.

Đại kị: Lái xe tăng

Phạm Tiến Dũng nhìn lên trời, miệng hừ hừ một khúc ca không thuộc về thời đại này. Hắn hơi co người vào công sự, chán chường nhìn về chiếc xe tăng bị bắn cháy nơi góc đường Đại Cồ Việt.

Kế hoạch cướp vật tư thành công ngoài mong đợi, nhưng việc sử dụng chiếc xe tăng không được như những gì Dũng dự tính.

Không một ai trong đội dân quân, kể cả những người từng bị Pháp bắt lính, biết sử dụng xe tăng cả. Do đó, trong suốt gần ba mươi phút bên trong chiếc lồng sắt biết xả đạn, Phạm Tiến Dũng vừa là tài xế, vừa là phụ lái, vừa là lính ngắm bắn, cũng vừa là xạ thủ.

Hiệu suất bắn phá tệ đến mức không thể thống kê.

Xe tăng của Pháp ở chiến trường Đông Dương đều là loại vỏ mỏng, dễ dàng bị phá hủy bởi bộ binh và máy bay. Vì thế, khi nghe thấy tiếng tiêm kích địch vè vè ở trên đầu, Dũng đã phải cắn răng bỏ lại chiếc xe tăng đầu tiên hắn từng được ngồi lên.

Cùng một quả lựu đạn cài ở nắp bình xăng.

Cục sắt vụn nặng vài tấn ấy nổ thành một ánh lửa rực rỡ trong đêm, báo hiệu cuộc chiến bảo vệ chiến lũy Ô Cầu Dền đã bước sang đến ngày thứ hai.

Đồng hồ chỉ đến sáu giờ. Mặt trời lên, ánh sáng yếu ớt lờ mờ như làn khói bay lên từ những ngôi nhà nhỏ trên làng Quỳnh Lôi sáng bừng bếp lửa.

Khai vị bằng sáu chiếc máy bay Maron lượn cánh tốc độ cao dọc phố Duy Tân và Nam Bộ, mang theo hàng tấn bom thả xuống trọng điểm chiến lũy.

Nhiều dãy nhà đã đổ sập. Ít nhất sáu người bị thương.

Những nồi cơm bưng vội ra từ những ngôi nhà nứt toác và vỡ vụn, nhưng còn đứng vững sau trận bom sáng sớm, nửa sống nửa nhão, đầy cát và bùn, nhưng chẳng ai chê cả. Mấy đứa trẻ chổng mông lên xới cơm, miệng và má lởm chởm cơm canh và đất đá.

Bữa chính được đem đến lúc 7 giờ, bao gồm một chiếc xe tăng bọc thép được trang trí bởi gần một trăm lính mũ đỏ Pháp đổ bộ từ hướng phố Duy Tân. Những người du kích núp trong hai bên nhà ném lựu đạn ra. Vài tên lính Pháp bị thương. Chúng gào lên thô tục bằng thứ tiếng mẹ đẻ chẳng ai hiểu, rồi bắn xối xả vào các dãy nhà.

Những người du kích rút về theo những lối đi bí mật được đào vội với kích thước chỉ vừa đủ cho những đứa trẻ tự do chạy qua. Bóng hình họ thoăn thoắt và nhanh nhẹn như những con mèo. Nhưng cũng có nhiều người không trở về được.

Phạm Tiến Dũng thu hết tất cả vào ánh mắt. Lạc đến thời đại này chưa đến một tuần, nhưng những hy sinh và mất mát hắn nhìn thấy đã nhiều hơn những người cùng thời đại tương lai chứng kiến cả đời. Vuốt nhẹ chốt an toàn súng, Dũng đứng sát dưới hầm chiến lũy, chỉ chờ một mệnh lệnh trực tiếp từ Thụ cho phép lao lên.

Đạn bắn hàng loạt từ cả hai bên. Đạn ba bảy li đập mạnh vào chiến lũy, làm bong tróc một mảng lớn đất cát hai bên. Bụi bay lên, che chở bóng dáng những người lính đang nằm sát yên lặng vào bình tĩnh.

Một đợt đại liên bắn ra từ nhà sữa Minh Ngọc. Ở phía xa hơn, từ phía nhà thờ, một khẩu đại bác đang chờ cơ hội nã đạn. Kẻ địch đã chuẩn bị rất kỹ để xuyên thủng tòa thành đất cát khổng lồ này.

Chiếc xe tăng chậm rãi tiến lên chiến trường chính. Bốn tên lính nhỏ thó lanh chanh chạy đằng trước, dùng cán súng gạt bỏ những chướng ngại vật chắn đường. Một tên gạt phải quả mìn buộc dưới gốc cây, nổ tung. Tay gã đứt lìa ra, máu bắn đầy mặt. Gã kêu rú lên như một con heo bị chọc tiết.

Một tên khác được cử ra thay vị trí của gã, nhưng hắn cũng ngay lập tức bị giết bởi một viên đạn bắn chính xác từ khẩu tiểu liên trên tay Dũng.

Khoảng cách ngắm bắn, 99,2 mét.

Máy bay vẫn dội bom xối xả trên trời. Lại thêm nhiều đoạn chiến lũy sạt lún. Một chiếc máy bay bà già bị đạn tiểu liên bắn nhiều phát vào cánh, đến mức cánh quạt gần như gãy lìa ra, nhưng nó vẫn bay vòng quanh thả bom một lần nữa trước khi rời đi. Cả sáu dãy nhà ở ngã tư Trung Hiền đều sập rồi. Không có thương vong về người.

Thêm nhiều tên lính hơn tiến đến sát chiến lũy, nhưng đều bị đẩy lùi bởi lựu đạn và đạn tiểu liên. Gần chục tên không bị bộ đội đẩy lùi, vì chúng rơi vào tầm ngắm của Dũng. Xác chúng rải rác dưới chân chiến lũy, tiếp tục trở thành chướng ngại vật tự nhiên chặn đường xe thiết giáp.

Lại một đợt dội bom. Vị trí đã dần chính xác hơn. Một người lính bị bom dội bay về phía trước, hất văng anh xuống khỏi bức tưởng cao bốn mét.
Anh vẫn cố đứng lên, nhưng đạn 37mm của kẻ thù đã nhắm chuẩn vào vị trí của anh. Máu văng khắp nơi. Đồng đội anh ngoảnh mặt đi, không dám nhìn. Dũng che mắt lại.

"Máy bay giặc có chỉ điểm. Phải giết thằng chỉ điểm nó."

Phạm Tiến Dũng nghe thấy tiếng anh Thụ hét vọng dưới chân chiến lũy. Tiếng hét của anh bị át đi bởi tiếng bom, nhưng nội dung đã truyền đến tai chàng trai trẻ. Dũng thu súng, trườn về sau một bao cát, hướng mắt nhìn về phía xa. Một viên đạn bắn thẳng vào chiếc mũ sắt mà hắn lấy từ xác của một tên chỉ huy Pháp, làm chiếc mũ văng ra. Dũng cũng bị đẩy lùi về đằng sau, ngã lăn xuống đất.

Dũng không nhấc súng lên được nữa. Hắn cũng không đứng dậy được. Trật khớp rồi. Cũng có thể là gãy xương. Thể chất quái thai của hắn cũng không chịu được đợt va chạm liên tục từ độ cao bốn mét, cộng thêm những quả bom nổ văng mảnh tứ tung khắp nơi và sức ép khổng lồ mà chúng mang lại.

Một cụ già nhoài người ra đỡ lấy Dũng. Nhưng cụ ngã xuống, đè lên lưng hắn. Mảnh bom kim loại cứa đứt động mạch trên cổ cụ, làm máu chảy xuống nền đất lạnh lẽo, chảy cả lên mặt, lên môi Dũng.

Lại một người nữa lao ra. Sức ép của những trái bom khiến ngực vào phổi người đàn ông trung niên như vỡ ra. Anh thậm chí cảm thấy một vị ngọt tanh ộc lên vòm họng, nhưng đôi tay rắn rỏi từng trải qua gần hai thập kỷ trong cái đồn điền địa ngục của lũ thực dân vẫn mạnh mẽ kéo Dũng vào trong hầm. Loan và những bác sĩ khác đang chờ sẵn.

"Nắn lại khớp cho tôi đi. Đừng đụng vào súng của tôi."

Loan và Thúy đỡ Dũng lên giường. Một bác sĩ quân y khác nâng súng của hắn lên, để vào cạnh tủ thuốc. Một người đàn ông đưa cho Dũng một chiếc khăn rách, để hắn cắn răng vào. Trong thời kỳ thiếu thốn thuốc mê, người ta phải chấp nhận sự đơn giản đến thô tục như vậy.
Một âm thanh không lớn chạm vào màng nhĩ Dũng. Trong phút giây, hắn đã cảm nhận lại được chân mình. Nhưng cánh tay hắn vẫn rất yếu, Dũng gần như không cảm nhận được sự đau đớn truyền lại từ những đầu ngón tay mình.

"Loan nắn cả khớp tay cho tôi nữa."

Người nữ quân y hơi ngừng lại một chút. Đeo lên găng tay vải, cô ngập ngừng nói với hắn.

"Tay anh không bị trật khớp. Anh bị nhiều mảnh đạn lớn găm vào. Rách cơ rồi, đứt dây thần kinh cẳng tay nữa."

"Vậy Loan nối lại cho tôi đi?"

"Em không làm được. May ra thì có bác sĩ quân y bên khu I mới nối được thôi."

Loan cúi gằm xuống, lí nhí. Tháng ba năm nay cô vẫn chỉ là sinh viên khoa báo chí ở một trường học ở Hà Nội. Nghe nói Pháp sắp vào đánh Việt Nam một lần nữa, Loan, cũng như bao nữ sinh viên khác, xung phong học y để tham gia chiến sự. Thế nhưng chín tháng, với tài liệu thô sơ và giáo viên không chuyên là không đủ để các nữ sinh chưa quen với máu học được những điều phức tạp và tỉ mỉ như phẫu thuật, hay nối dây thần kinh.

Gắp hết mảnh đạn và băng bó xong xuôi cho Dũng, Loan chỉ nhỏ nhẹ nói một câu.

"Anh nghỉ ngơi đi. Đừng nghĩ nhiều."

"Đùa gì chứ…?"

Dũng ngồi dậy khỏi giường, hắn lấy tay trái gạt thân hình nhỏ bé của Loan sang một bên, loạng choạng đi tới phía khẩu súng. Miệng hắn lầm bầm một câu gì đó đầy thô lỗ, tay trái nâng nòng súng lên. Dũng tháo súng ra, kiểm tra.

Hộp tiếp đạn rơi ra, vài viên đạn lăn ra đất, rồi bị một người dân quân vội vàng bước qua dẫm lên, hoặc đá đi đâu đó. Báng súng và bệ khóa nòng cũng rơi ra, tuột khỏi tay.

Dũng cúi người xuống, run run nhặt những mảnh súng lên, khó khăn ráp lại. Súng vẫn ổn, đạn vẫn còn. Cò súng lắp thiếu rồi, hắn lại tháo súng ra, lắp lại.

"Anh nghỉ ngơi đi. Khi nào khỏe rồi lại bắn súng được thôi mà."

"Cô im đi."

Phạm Tiến Dũng quay phắt lại, gào to lên, đôi mắt đỏ bừng. Hắn đã sống đủ lâu để nhận biết những lời nói khách sáo đầy sáo rỗng, và cả ý nghĩa đằng sau của nó nữa. Nhưng Dũng vẫn còn tay trái, và tay phải dù hơi đau một chút, nhưng vẫn nhấc lên được. Hắn không phải là thương binh.

Hai người dân quân hớt hải khiêng cáng chạy vào hầm, mang theo một thương binh bị mảnh đạn găm vào bụng, chảy máu rất nhiều. Người đi trước va vào Dũng, đẩy vai phải của hắn va vào cạnh tủ. Dũng hít một hơi lạnh, cắn chặt răng không cho mình rên lên. Trong phút giây hắn cảm thấy cánh tay không còn thuộc về mình nữa.

"Có chuyện gì vậy?"

Thụ bước vào, trên tay vẫn cầm cuốn sổ tay màu đen. Nhìn thấy Dũng lúi húi cúi người bên khẩu súng chưa lắp xong, Thụ nhíu mày, đẩy gọng kính, quay sang hỏi Loan. Cô nhanh chóng giải thích tình hình cho anh nghe.

"Nghỉ ngơi đi, tình trạng của cậu không bắn súng được nữa đâu."

"Em còn bắn được." Dũng một lần nữa gào lên. Hắn đã nhận ra rồi, khả năng ngắm bắn tuyệt vời của hắn là đến từ hệ thống. Cho dù còn một tay, Dũng vẫn còn có thể giết giặc.

Nhanh chóng lắp lại khẩu súng, Dũng lại vọt ra chiến tuyến. Thụ chạy theo sau, một tay giữ hắn lại.

"Cậu chỉ đang lãng phí đạn của bộ đội thôi."

"Anh không hiểu đâu."

Dũng gạt phăng tay Thụ ra, một mình trèo lên chiến lũy. Thụ còn muốn ngăn cản, nhưng cánh tay trái của Dũng thúc vào ngực anh, khiến Thụ như nhìn thấy tổ tiên đang vẫy chào. Anh khuỵu người xuống, ôm ngực cười như mếu. Dân quân không giống như Vệ quốc quân, kỷ luật quân đội không có ý nghĩa với họ.

Phạm Tiến Dũng chui vào một công sự. Tay trái hắn luống cuống đưa khẩu súng lên, bắt đầu ngắm bắn. Hai giây, khóa mục tiêu.

Sau đó hắn bắn trượt rồi.

Lại tiếp hai giây, lại khóa mục tiêu.

Lại bắn trượt.

Tay trái của hắn không thể đồng bộ với cơ thể. Động tác luôn bị lạc nhịp mất một hai giây.

Lại một đợt bom dội xuống sát vị trí của Dũng. Mảnh bom đã bị đất, cát và cộng sự che lại, nhưng sức ép của nó một lần nữa hất hắn lăn xuống mặt đất.

Vị trí khá an toàn. Địa hình dốc được đào khéo léo làm Dũng rơi vào một rãnh thoát nước mưa đủ lớn và có mái che, nơi bom đạn không thể nào với tới. Nhưng Dũng không biểu lộ chút cảm xúc nào.

Tay phải của hắn hoàn toàn không nhúc nhích được nữa. Dũng cũng chẳng muốn đứng lên nữa.

Gió lạnh vẫn cứ thốc vào mặt. Xung quanh thi thoảng lại có một quả bom nổ ở gần, làm bụi mù và đất cát phủ đầy miệng hắn.

Phạm Tiến Dũng khóc rồi, hắn như nghe thấy đâu đây một khúc quan họ ngọt đến đau lòng.