Chương 12: Chiến lũy Ô Cầu Dền

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 12: Chiến lũy Ô Cầu Dền

Chương 12: Chiến lũy Ô Cầu Dền

„Đồng bào chú ý!
Đồng bào chú ý!
Hôm nay ngày 24/12, quân và dân ta đã chiến đấu với địch trên hơn 100 tuyến phố, đẩy lùi hàng chục cuộc tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu 12 tên địch, bắn tay một xe vận tải, cướp được nhiều vũ khí.
Ngoài ra, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bác bỏ hoàn toàn tin đồn dân quân Phạm Tiến Dũng đã hy sinh ở hồ Trúc Bạch. Đồng chí Dũng chỉ bị thương nhẹ, đã được điều trị ở trạm Quân y Liên khu II, và đã sẵn sàng chiến đấu."

Trong ánh lừa bập bùng của đường Bạch Mai, người nữ quân y xuýt xoa khâu lại vết thương cho Dũng. Năm 1946, vừa qua nạn đói Ất Dậu một năm, Nhà nước vẫn còn cấm nấu rượu, nên cồn y tế hạn chế lắm. Người ta chủ yếu rửa vết thương bằng nước sạch đun sôi để nguội, rồi băng bó lên.
Kháng sinh cũng thiếu.

„Loan cứ lấy vải băng qua loa cho tôi là được, chỉ là vết thương ngoài da thôi, không chết được đâu mà sợ."

„Thế này mà anh còn bảo vết thương ngoài da được à? Vết chém dọc cả lưng, đạn bắn gần đến xương. Là người khác thì chết ba lần chưa đủ ấy chứ.
Mà cái Thúy đâu rồi, bảo nó đi sát trùng con dao thôi mà sao lâu thế. Anh Dũng chờ một tí, cái Thúy quay lại rồi em gắp vỏ đạn ra cho."

Dũng khẽ run lên một chút. Hắn không sợ đau, nhưng mỗi khi nhìn vào vật dụng y tế thời đại này, hắn vẫn không thể cảm thấy thoải mái.

Cồn ít, thuốc ít, dao phẫu thuật là miếng kim loại được đập nhỏ ra, mài sắc, sát trùng bằng cách nung lửa hoặc luộc trong nước. Chỉ y tế phần lớn lấy từ bệnh viện, nhưng nếu không đủ thì dùng chính sợi tóc các cô gái nối lại thành chỉ. Hắn quyết định nói gì đó để xao nhãng bản thân.

„Loan là bác sĩ à?"

"Không đâu anh, em là sinh viên Hà Nội. Nghe tin bọn Pháp định quay lại là sinh viên bọn em nhao nhao ra Ủy ban xin làm tự vệ. Đứa nào khỏe mạnh nhanh nhạy tản ra các chiến khu đánh Pháp, còn đám bọn em thì làm giao liên, tiếp tế. Thầy em trước đây là thầy lang, nên em xung phong làm quân y thôi anh ạ."

"Vậy ra Loan là người Hà Nội gốc à? Thế gia đình Loan thế nào?"

"Thầy u em là người Nam Định anh ạ. Năm Dậu đói quá cả nhà dắt díu nhau đi khắp nơi, xong hưởng ứng cán bộ Việt Minh đi đánh phá kho thóc Nhật.

Trộm vía thầy u em vẫn mạnh khỏe. Họ theo lời cụ Hồ, đi tàu sơ tán ra Bắc rồi anh."

Cuộc hội thoại còn rất dài, nhưng diễn ra cầm chừng, ngắt quãng. Không phải vì Dũng không muốn nói chuyện, mà là vì có nhiều từ ngữ ở thời đại này một trăm năm sau không còn dùng nữa.

Không phải cứ nói cùng ngôn ngữ là có thể hiểu được nhau. Phim ảnh toàn là lừa người cả.

Bỗng nhiên Dũng nhớ đến Thúy. Cô gái ấy luôn ở sau lưng hắn, kiệm lời, nhưng luôn lắng nghe, và hiểu những gì Dũng định nói.

Chỉ là cô gái ấy đã đi xa rồi. Cô đã nằm xuống nơi miệng giếng không tên gần hồ Trúc Bạch.

"Loan hỏi đội trường lấy cho tôi một khẩu súng được không?"

Dũng trầm ngâm một lúc, rồi đưa ra câu mà hắn muốn hỏi nhất. Loan ngẩn người ra, nhưng sau đó gật đầu. Cô nhờ người gọi anh Tần, còn bàn tay cô thì cầm lấy bộ dụng cụ vừa khử trùng mà Thúy mang vào, bắt đầu gắp đạn ra cho Dũng.

Hai đầu đạn dính máu rơi xuống cái đĩa sắt, kêu leng keng.

Loan bắt đầu băng bó cho Dũng. Tấm vải sạch được cuốn hai vòng từ hông lên vai, hắn có thể cảm nhận cả ở thở của cô trên ngực. Có chút nhột. Dũng muốn cười.

Chỉ thế thôi, chẳng có chút mập mờ gì cả. Khi quá an nhàn, những cử động nhỏ nhặt cũng khiến người ta nghĩ linh tinh. Còn khi chiến tranh, tâm trí con người không có chỗ trống để nghĩ về những điều như vậy.

Một người đàn ông bước vào trại quân y. Trên tay anh cầm một cuốn số, hông đeo một khẩu súng ngắn. Tay còn lại cầm một khẩu STEN, có vẻ là cướp được từ lính Pháp. Người đàn ông này mặc trên người bộ quân phục của Vệ quốc đoàn.

"Anh Tần."

"Loan chữa xong cho cậu ấy rồi à? Cậu Việt ngoài kia bị tà vẹt cào rách tay, em ra xem rồi băng bó cho cậu ấy đi."

Với giọng nói nhẹ nhàng, Tần ra hiệu cho Loan rời đi. Bên trong trại lúc này chỉ còn hai người đàn ông.

"Vậy cậu là cậu Dũng?"

"Phải, nhưng nếu cán bộ cần thì tôi có thể bắn vài phát để chứng minh?"

"Không cần thiết… Lúc nãy, cu Dũng… Không phải bảo cậu, mà đứa bé giao liên trong Bưu điện ấy, nó có ghé qua, xác nhận thân phận cậu rồi. Lúc này có lẽ trung ương đang phát thông báo cho bà con Hà Nội biết anh hùng bắn máy bay của Pháp còn sống đấy."

Dũng gật đầu, giữ im lặng. Kinh nghiệm hai mươi năm làm văn phòng cho hắn biết rằng, thủ trưởng vẫn còn lời muốn nói, không nên ngắt lời.

"Về chuyện đám Việt gian, lúc nãy Thúy đã báo cáo lại với tôi rồi. Tôi phải thừa nhận, không tính đến sắp xếp và bảo vệ con đường tiếp tế, để nhiều chị em bị ngộ hại là lỗi của tôi. Tổng bộ đã sắp xếp anh Phùng đến đây để điều tra và bắt giữ đám bán nước này. Anh ấy sẽ đến ngay trong sáng ngày mai."

Tần nói, giải thích sơ qua về tình hình. Nhưng rất nhanh, anh nhận ra người thanh niên trước mặt này không chú tâm đến những điều anh nói. Ánh mắt Dũng vẫn dán chặt vào khẩu súng tiểu liên mà anh đang cầm trên tay. Tần lắc đầu, bật cười.

"Súng của cậu đây. Tôi nghe người ta bảo, cậu bắn giỏi lắm. Nhưng phải tiết kiệm đạn đấy, vật tư ta nhận được đều chứa máu xương của đồng bào trên đường tiếp tế."

Dũng phớt lờ những gì Tần đang nói. Đôi tay hắn tháo rời khẩu súng ra, nhanh nhẹn như thể đã luyện tập nhiều lần. Súng ổn, đầy đạn.
Hắn lắp lại súng trong sự ngỡ ngàng của Tần.

"Cậu Dũng… trước đây từng học trường lính của Pháp à?"

"Không. Tôi quê Thái Bình. Đói quá nên theo đoàn người lên Hà Nội. Xong ở lại đây luôn."

Phạm Tiến Dũng lắc đầu, tùy ý trả lời. Về thân phận của mình, hắn đã suy nghĩ kỹ rồi. Nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu làm chết đói hơn 2 triệu người, trong đó tỉnh Thái Bình bị ảnh hưởng nặng nhất. Có làng chết sạch không còn một ai. Do đó, rất khó đối chiếu thông tin.

Hơn nữa, Dũng cũng không hề nói dối. Đời trước hắn sinh ra ở Thái Bình.

Tần chép miệng, ghi chép thứ gì đó. Một lúc sau, anh ra ngoài, để Dũng ở trong lán nghỉ ngơi.

Nhưng mà Dũng chưa buồn ngủ.

Kéo thân hình gầy gò đầy vết băng bó ra chiến lũy, đập vào mắt Dũng là bức tường khổng lồ dài gần hai mươi mét nối các cung đường lại với nhau. Trong đầu hắn nhanh chóng hiện ra một cái tên: "Chiến lũy Ô Cầu Dền."

Là biểu tượng của quận Hai Bà Trưng, thể hiện tinh thần kiên trung yêu nước của người Hà Nội, chiến lũy khổng lồ rộng 8 mét, cao hơn ba mét được dựng bởi các thân cây gỗ lớn, tà vẹt đường sắt, đất đá và cả một số vật dụng tủ, bàn ghế của người dân Hà Nội đóng góp, tồn tại được trong 21 ngày, chống chọi nhiều đợt dội bom, đại bác, xe tăng oanh kích, đẩy lui hàng chục cuộc xung phong của địch.

Tiếc là thời này, phóng viên chiến trường hoàn toàn chỉ là lính viết thuê cho thực dân, chẳng ai thèm quan tâm đến một đất nước nhỏ bé đang phải gồng mình để không phải trở lại làm thuộc địa của nước Pháp.
Thế nên, hầu như không có tấm ảnh nào của chiến lũy được lưu giữ. Và hình ảnh bức tường khổng lồ chỉ còn trong hồi ức của những con người đã gần đất xa trời.

Nhưng hôm nay, chính tại nơi này, bằng chính đôi mắt, đôi tay, Dũng đã nhìn thấy, chạm vào được thứ kỳ quan chiến tranh tuyệt đẹp này. Xung quanh anh, những người dân quân gọi nhau í ới, gánh đất cát, bóc tà vẹt, xây đắp chiến lũy to và cứng cáp hơn.

Cầm trên tay chiếc xẻng đa năng, Dũng cũng tham gia làm việc.

Vài tiếng kinh hô khen ngợi bắt đầu xuất hiện.

"Anh Dũng khỏe ghê, anh gánh được nhiều quá."

"Cây xẻng này tiện thật, anh Dũng tự làm à?"

"Anh Dũng cạy đoạn tà vẹt này đi, đất ở đây cứng quá."

Vân vân và vân vân.

Trong phút giây Dũng như trở lại thời sinh viên nghỉ hè đi bốc vác. Hồi ức ùa về như thác lũ.

Giống như không còn chiến tranh. Giống như đất nước hòa bình.

Một người đàn ông mang nước lại cho Dũng. Hắn cầm bát nước lên uống một hơi. Khẩu súng đeo vai va vào bát, làm nước sóng lên một chút.
Người đàn ông thấy vậy, đưa tay ra đỡ lấy khẩu súng cho hắn. Dưới ánh lửa, khuôn mặt gã hiền lành mỉm cười, lộ ra hàm răng trắng bóng. Trắng bóng như hộp đồ ăn bằng thiếc lấp lóe phản chiếu ánh lửa vàng nằm yên vị trong túi áo.

Phạm Tiến Dũng rùng mình. Một cảm giác quen thuộc đến rợn người truyền từ gót chân lên đỉnh đầu hắn.

Giống như giây phút lựu đạn nổ vang, tiểu liên bắn loạn xạ, hắn nghiến răng gieo mình nhảy vào giếng.

Gã đàn ông dưới đáy giếng cũng đã cười như vậy.

Phạm Tiến Dũng giật lại khẩu súng, lấy cán xẻng quật ngã gã đàn ông.

Lấy chân ghìm lên ngực gã, Dũng hét to.

"Anh Tần ơi! Tôi tóm được một thằng Việt gian."