Chương 96: "Thần Pháo"

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 96: "Thần Pháo"

Chương 96: "Thần Pháo"


***
Tôi ba chân bốn cẳng chạy thẳng một mạch về nhà theo con đường đất nhỏ ven làng. Trời về khuya, nhà nào nhà nấy đều tắt điện nên con đường với một bên là rặng tre gai rủ bóng, bên còn lại là mương Khoai trở nên vắng lặng như tờ, cả không gian bao trùm bởi màn đêm đen như mực. Tôi dừng lại ở ven đường, nhìn về phía xa xa vẫn vẫn thấy ánh đèn pin lấp loáng dọc hai bên đường cái, thấy cảnh này, tôi nhếch mép cười lộ rõ vẻ đắc ý. Cái cảm giác đi phá đám những người làm việc ám muội giống mình rất thú vị, họ càng tức điên lên thì tôi lại càng thấy phấn khích, cảm giác này thật khó mà diễn tả được.

Tôi mau chóng thay quần áo, rửa mặt mũi chân tay cho thật sạch sẽ, thậm chí còn lấy lược chải tóc, ngắm nghía bản thân trong cái gương nhỏ bằng bàn tay sau đó hai tay đút túi quần, nhảy chân sáo trở ngược ra đầu làng, thi thoảng miệng còn huýt sáo theo giai điệu của một bài hát. Đi đêm huýt sáo là điều không nên bởi như bà tôi từng bảo thì đó là cách gọi ma kêu quỷ, bà tôi cấm. Sau này cũng nhiều người nói với tôi như vậy, kể cả thầy dạy lái xe nhưng tôi chỉ gật đầu xem như đã tiếp thu và cười thay cho lời cảm ơn. Nhưng ma ở cái làng Bưởi Cuốc này suy cho cùng cũng là những bậc tiền nhân, là ông bà tổ tiên của nhà nào đó trong làng mà tôi lại là người làng nên tôi mặc nhiên không cảm thấy sợ hãi bao giờ. Bên cạnh đó, việc đánh bạn với một hồn ma lẩn khuất đâu đó ở vườn nhà trong nhiều năm cũng dần khiến cho cảm giác sợ hãi vong hồn của tôi nhạt dần đi nếu không nói là thờ ơ đến… vô cảm! Ma làm việc của ma, tôi làm việc của tôi, nước sông không phạm nước giếng, cứ thế mà làm.

Từ cổng làng tôi đến cống Đoan, gần quán điện tử mà giờ này R9 với Chắc Gạo đang cắm mặt chơi cũng chỉ già một cây số nên cuốc bộ cũng không có gì là khó khăn. Tôi dạo bước ven đường, mắt cứ nhìn thẳng, thi thoảng lại rống lên vài đoạn điệp khúc của một bài nhạc chế trong tù. Đến gần chỗ ban nãy chính tôi đã phá hoại xe của đám người lạ mặt thì tim tôi đập nhanh hơn một chút, trong lòng cũng có chút thấp thỏm nhưng tôi cố dặn lòng rằng mình chẳng liên quan gì đến những việc ấy, cứ thản nhiên mới đúng kịch bản chứ run rẩy, lo lắng e là sẽ lộ tẩy hết.

Tuy đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng tôi cũng giật bắn người khi một bóng đen bất ngờ từ dưới bụi rậm ven đường chạy ào lên như muốn tóm lấy tôi. Tôi sững người quay lưng định bỏ chạy, miệng vừa kịp hô:

- Cướ…!

Thì bị một bàn tay cứng như thép nguội bịt lại, bàn tay còn lại đã bóp chặt lấy một bên vai của tôi.

- Câm mồm! Mày là hô lên bố mày bẻ cổ chết tươi bây giờ!

Tôi gật đầu lia lịa. Người đàn ông hởi thở sặc mùi rượu gằn giọng:

- Tao bỏ tay ra mà mày hô cướp thì tao đập chết.

- Ưm… ưm! – Tôi lại gật.

Người đàn ông từ từ bỏ tay ra khỏi miệng tôi, tôi thở phì phò như thể đã phải nín thở từ rất lâu. Người đàn ông giật mạnh, xoay người tôi lại, bàn tay của ông ta di chuyển từ bóp vai sang bóp cằm tôi, tiếp sau đó là ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt khiến tôi phải nhắm tịt mắt lại.

- Ôn con, đi đâu giờ này?

- Dạ… dạ…. – Tôi tỏ ra sợ hãi. – Chú… chú ơi… ông ơi… đừng giết cháu.

- Giết? Mẹ kiếp, bố mày đã làm gì mày đâu?

- Ối chú ơi, cháu còn bà Già ở nhà, cháu còn đương đi học, cháu…

- Câm!

Ông ta quát lên khiến tôi mím chặt môi lại, cố tỏ ra run rẩy cho hợp với hoàn cảnh lúc này.

- Nói! Đêm hôm khuya khoắt mày đi đâu?

- Chú ơi cháu có tiền, cháu có hơn một trăm nghìn, đấy là tất cả những gì cháu có, cháu xin chú…

Tôi trình bày hoàn cảnh, người đàn ông thả tay ra khỏi cằm tôi, đẩy nhẹ một cái rồi tắt đèn pin đi. Ông ta lè nhè:

- Bố không thèm cướp của trẻ ranh! Bố không phải là cướp. Nói, mày đi đâu?

- Dạ… dạ chú! Cháu… đi chơi, bạn cháu chơi điện tử ở dưới kia.

- Điện tử gì giờ này? Mày có biết mấy giờ rồi không?

- Dạ có ạ! – Tôi gật đầu như bổ củi. – Hai thằng bạn cháu chơi từ tối, cháu cũng chơi cùng nhưng phải về ăn cơm với bà. Đang nghỉ hè nên… nên… cháu xin chú ạ.

- Mẹ kiếp! Xoay người cho tao kiểm tra.

Vừa chửi thề người đàn ông vừa cúi người cầm lấy tay tôi soi đèn kiểm tra, ông ta cũng rọi đèn trước sau xem quần áo tôi có lấm lem bùn đất hay không, nhưng tôi hoàn toàn sạch sẽ.

- Thôi cút đi!

- Ơ dạ… cháu… cháu được đi ạ?

- Mày nhìn tao có giống thằng ăn cướp không?

Để minh chứng bản thân không phải là một tay ăn cướp, người đàn ông bật đèn pin để khoe với tôi hai cái nhẫn to đùng đeo hở hai ngón tay, thêm một cái đồng hồ mạ vàng khá xịn sò.

- Cút!

Tôi cúi người thay cho lời cảm ơn rồi co giò chạy một mạch không dừng về phía cống Đoan, vừa chạy tôi vừa ngửa cổ lên trời để cười, cười ra nước mắt nhưng đến khi ánh đèn điện ngoài mái hiên của quán nước đồng thời là cửa hàng điện tử hiện rõ trong tầm mắt thì tôi ngừng việc cười và dừng lại điều chỉnh… các cơ trên khuôn mặt của mình. Dưới ánh điện sáng, tôi nhìn thấy bốn chiếc xe máy dựng cạnh nhau ở ven đường. Gần đến cửa quán, tôi nhận ra sáu người đàn ông, người nào người nấy mặt như đâm lê, ngồi hậm hực quanh một cái bàn nhựa màu xanh với những chai bia đã vơi đi phân nửa. Trong số sáu người đang ngồi uống bia, tôi nhanh chóng nhận ra người đàn ông mà tôi đã gặp lúc ban trưa.

Tôi đi lướt qua chỗ họ ngồi, gọi vọng vào trong:

- Hai thằng kia về chưa? Muộn rồi đấy!

- Đang chơi dở, hãy còn sớm mà! – Chắc Gạo trả lời vọng ra.

Tôi khẽ lắc đầu, thở dài rồi kéo lấy một cái ghế ngồi:

- Cho cháu chai Coca chú ơi!

Sự xuất hiện của tôi từ hướng nhạy cảm nên chẳng ai bảo ai, mấy người đàn ông đều nhất loạt quay sang nhìn tôi với ánh mắt nghi hoặc, những cặp mắt díp lại. Tôi khẽ cúi đầu thay cho lời chào kèm theo một nụ cười méo xệch. Chai nước được mang ra, tôi vừa mới đưa lên miệng chưa kịp uống thì một người đàn ông có vẻ ngoài hiền lành, tuổi chừng ngoài bốn mươi bỗng kéo ghế sang ngồi ở bàn của tôi, giọng thân thiện:

- Chú em đi chơi có một mình hả?

Tôi lắc đầu đáp:

- Hai thằng bạn cháu chơi mãi chưa về, ở nhà chán quá nên cháu mò xuống.

- Nhà chú em ở đâu?

- Dạ, ngay làng Bưởi Cuốc đây chú.

- Nãy chú em có nghe thấy tiếng gì không?

Tôi ngẩn người ra, hai mắt mở to hỏi lại:

- Tiếng gì là tiếng gì ạ?

- À… tiếng pháo!

Tôi nhăn mặt:

- Dạ không ạ!

- Chú em hay đi chơi khuya lắm hả?

- Bình thường trong năm học thì cháu sao đi khuya thế được. – Tôi trả lời. – Cháu mới nghỉ hè ở Hà Nội về được mấy hôm, cũng tranh thủ đàn đúm với hai thằng bạn ạ.

- Chú em xưa nay có từng nghe đến việc người ta đi tìm đồ cổ chứ?

Tôi không vội trả lời, thay vào đó uống một hơi hết cốc nước ngọt sau đó rót thêm vào, sau khi đưa tay lên lau miệng tôi mới thủng thẳng nói:

- Mấy năm trước dân quân làng cháu còn bắt được cả một đám chuyên đi đào mồ cuốc mả ở sau chùa, đông lắm chú ạ.

- Có việc đó thật hả?

- Làng cháu ai chẳng biết, họ còn đi cả xe máy nữa.

- Thế bọn họ làm sao?

- Cháu không biết, chắc giải lên công an rồi bị đi tù. – Tôi nói với giọng tương đối ngây thơ. – Có đợt họ vào chùa trộm tượng nhưng thoát được song bỏ lại một cái xe máy, chả hiểu cái xe máy đấy giờ đâu rồi.

Câu chuyện của tôi dường như khiến người đàn ông tò mò thực sự, hai cánh mũi của ông ta phập phồng, đôi mắt mở to hơn một chút. Ông ta quay lại phía sau phẩy tay nhẹ một cái, những người còn lại chỉ chờ có thế vội vội vàng vàng kéo ghế vây quanh lấy tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn quanh họ một lượt, ánh mắt thể hiện rõ vẻ cảnh giác. Người đàn ông đang nói chuyện với tôi giả lả nói:

- Đừng ngại, các chú đây tò mò về câu chuyện của chú em thôi mà. Chú em rảnh thì kể cho bọn này nghe, tiền nước… à… cả tiền chơi của bạn chú em để bọn này tính luôn cho, được chứ?

- Nhưng mà kể chuyện gì ạ? – Tôi ngạc nhiên.

- Thì vừa rồi chú em nói về đám chuyên đi ăn trộm đồ cổ rồi bị túm lại ấy.

- À, chuyện đấy thì làng cháu ai chẳng biết.

- Vậy tiện thể chú em kể đi. Sao, bọn trộm vào tận chùa cơ à? Chùa làng chú em có gì quý giá? Chúng nó có khiêng được cái gì đi không? Sao chúng nó bỏ lại xe máy?

Tôi thở dài, giọng buồn rầu:

- Chùa làng cháu bị trộm hết đồ cổ rồi, còn mấy cái tượng gỗ mít vô giá trị thì chúng nó vứt lại chú ạ. Nhưng được cái chùa làng cháu rất thiêng, mấy năm nay cháu ở làng thấy có nhiều vụ trộm cắp đều bị tóm, dân quân mà không bảo vệ có khi đám ấy chết cả rồi ấy chứ. Chú thử nghĩ mà xem, bà cháu bảy mươi tuổi rồi mà còn vác cả đòn gánh đi bắt trộm cơ mà.

- Nhiều vụ lắm à?

Tôi nhăn trán cố nhớ lại:

- Tầm bốn, năm vụ gì đấy, cháu nhớ mang máng là thế. À, mà nãy chú hỏi tiếng pháo phải không?

- Ờ đúng, ờ phải!

- Ủ ôi! Có một lần cũng lâu rồi chú ạ. Kẻ trộm đến đào bới gì đấy ở mé bên kia của làng. – Tôi chỉ tay ra hướng ngoài đường minh họa. – Pháo nổ rổn rảng, có cả pháo hoa nữa kia. Dân quân nghe động túa ra vây bắt mà không bắt được ai nhưng xác pháo đỏ au cả mấy thửa ruộng, bọn trộm để lại một cái đầu lâu chó, ghê lắm ạ.

- Thế kia à?

- Vâng! Cháu nói thật mà! – Tôi tặc lưỡi. – Nói đâu xá, tầm hơn hai năm trước một đám người Tàu đến thuê một cái nhà bỏ hoang ngay cổng làng cháu rồi đêm hôm cũng có tiếng pháo nổ đánh động dân quân. Bọn trẻ con đồn nhau là ông Thần Pháo hiển linh báo cho dân làng biết có trộm.

- Thần Pháo á?

Tất cả những người đàn ông đang ngồi vây quanh tôi mặt đều nghệt ra, họ nhìn nhau rồi nhìn tôi hỏi thêm:

- Chú em nói thật chứ?

Tôi tặc lưỡi:

- Có sao cháu nói vậy chứ nói dối các chú làm gì, chuyện này các chú ngồi quán nước đầu làng cháu mà hỏi mấy bà cụ thì ai người ta cũng kể vanh vách cho mà nghe. Bà cháu cấm cháu không được ra ngoài vào ban đêm nhưng bà cháu ngủ rồi nên cháu chuồn ra ngoài. Mà các chú ạ, ở đoạn ven đường nãy cháu đi qua có một chú say rượu thì phải, khiếp, tí nữa thì cháu sợ tè ra quần.

Mấy người đàn ông quay sang nhìn nhau, họ gật đầu như thể ra hiệu rồi tự động rời khỏi bàn của tôi chỉ còn lại người đàn ông đầu tiên với dáng vẻ nho nhã, hiền lành là chưa rời đi.

- Các chú không phải người làng này ạ?

- À, bọn mình người xã này, đi chơi về ấy mà.

- Các chú bị ngã xe ạ?

- Hả? Sao chú em lại hỏi vậy?

- Tại xe các chú dính nhiều bùn đất, giày dép, gấu và đầu gối quần của các chú đều vàng ươm, dính đất nên cháu nghĩ thế.

- Ừ! – Người đàn ông cười gượng. – Bọn mình uống say nên ngã xe. Cảm ơn chú em nhé.

- Vì điều gì ạ?

- Vì đã kể chuyện phiếm cho bọn này, tỉnh cả ngủ.

- À dạ!

Đoạn ông ta quay sang ngoắc tay nói với chủ quán:

- Tiền nước của thằng bé này cộng với tiền điện tử của hai thằng bạn nó tính luôn cho tôi nhé!

- Cháu cảm ơn chú!

Tự nhiên tôi cảm thấy lương tâm có chút cắn rứt nhưng sau khi ngửa cổ uống nốt chai Coca miễn phí giúp cổ họng mát lạnh, tinh thần sảng khoái thì tôi cũng quên luôn lương tâm của mình, dù gì lương tâm cũng đâu có răng. Sự thật thì những câu chuyện tôi kể vắn tắt với mấy người đàn ông này đều là chuyện thật, tôi còn tường tận hơn nữa nhưng không thể kể chi tiết được bởi tác giả của mọi câu chuyện đó, người gây ra những chuyện đó nào ai khác ngoài tôi.

***