Chương 93: Mua "Đồ Chơi"

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 93: Mua "Đồ Chơi"

Chương 93: Mua "Đồ Chơi"


***
Hà An về khi trời hãy còn nắng gắt, tôi chẳng biết làm gì khác đành đánh thêm một giấc cho đến khi R9 tạt vào trả xe gọi tôi dậy. Nhìn đồng hồ mới gần 4 giờ chiều, tôi gãi đầu gãi tai định ngủ tiếp nhưng R9 lại hỏi vài chuyện nên tỉnh ngủ. Hết chuyện nọ thì xọ sang chuyện kia, chợt R9 đề cập đến một chủ đề thú vị:

- Nãy tao chơi dưới đó nghe loáng thoáng đâu như ngoài cánh đồng gần quán người ta đào cái gì ấy, hình như là tìm đồ cổ.

Tôi nằm thẳng cẳng, ngoác miệng ra ngáp, miệng nhóp nhép, đây là dấu hiệu nhạt mồm nhạt miệng. Nghe R9 nói như vậy tôi liền bảo:

- Lúc trưa tao có ra đấy ngó thử nhưng có thấy cái gì đâu, chắc họ đang đào dở thì bỏ đi. Cơ mà có mấy tay giống như xã hội thâm nhăm nhe rồi, khả năng tối nay bọn họ sẽ tìm đồ cổ. Tao nghe bọn họ nói chuyện thì được biết làng bên ấy từ xa xưa làm đồ đồng nên khả năng cao đồ cổ chôn giấu sẽ toàn là đồ quý, đếch như làng mình.

R9 tò mò hỏi:

- Làng mình thì sao?

Tôi lại ngáp thêm một cái, uể oải ngồi dậy nói:

- Làng mình xưa làm cuốc làm cày thì có cái đếch gì để mà chôn giấu? Mà kể cả chôn những thứ ấy thì sau hàng trăm năm cũng bị ô xi hóa thành đất rồi không chừng. Đến thời ông nội tao thì làng mình đã chuyển sang làm đậu, hình như không còn nhà nào rèn cuốc rèn cày nữa. Hẳn là mày từng nghe đến chuyện các cụ làng mình chôn giấu bát đĩa cổ hồi trước năm 1955 chứ?

- Cũng có nghe nhưng tao không để tâm lắm. Bát đũa thì nhà nào chẳng có, sập gụ tủ chè nhiều nhà vẫn còn giữ được nữa là.

- Sập gụ tủ chè khảm trai là sau này mày ơi. – Tôi giải thích cho R9. – Những nhà mới phất sau Cải cách ruộng đất sắm đấy. Nhà mày có không nhỉ?

R9 lắc đầu. Tôi nói thêm:

- Đấy, cụ mày làm Chưởng bạ còn đếch có mấy món đồ đấy nghĩa là nó chẳng phải đồ cổ. Người ta có câu phú quý sinh lễ nghĩa, bây giờ dân mình chưa giàu nhưng bọn Tàu nó sang đây tăm đồ cổ nhiều lắm, cái đám xã hội thâm kia chắc là tay chân.

- Tính ra như thế thì vài năm nữa có khi làng mình không giàu bằng làng Đại Bái đâu mày nhỉ?

Tôi khụt khịt vài cái rồi mới đáp:

- Chứ còn sao nữa. Làng mình bây giờ đúng là kiếm ra tiền thật nhưng mày thấy đấy, cắm mặt kiếm tiền nhưng hoặc là cờ bạc hoặc mang tiền về xây cái nhà xong bỏ xó trong khi cái nơi đang ở kiếm tiền thì chật hẹp, oi bức và… - Tôi thở dài. – Bẩn thỉu nữa. Sự thật thì nghề của làng mình chỉ đỡ khổ hơn nghề làm ruộng thôi mày ạ.

- Ừ!

- Thôi, trả xe xong rồi mày về đi, tao ngủ thêm một tí.

Tôi phẩy tay đuổi R9 về rồi ngả lưng xuống giường nhắm mắt định ngủ tiếp thì R9 bảo:

- Mấy ông kia tính đào đồ cổ thật à?

- Mấy ông nào? – Tôi hỏi lại nhưng hai mắt vẫn nhắm.

- Thì mấy tay xã hội thâm mày vừa nói ấy. Lúc nãy tao về có thấy bốn, năm người ngồi uống nước chè ngay cửa quán, chắc là chờ đến tối mới đào ý nhỉ?

Hai con mắt của tôi mở ra thật to, tỉnh như sáo. Tôi vùng dậy, chớp chớp mắt ngẫm nghĩ rồi rủ rê R9:

- Phải đấy! Tao với mày đang rảnh rỗi, hay là tối nay đi rình thử xem họ đào cái gì?

- Thôi đéo! – R9 lắc đầu từ chối. – Họ mà tóm được thì mềm xương còn nhẹ, không dây được với đám đấy đâu mày ơi.

- Không để họ bắt là được chứ gì.

R9 vẫn lắc đầu từ chối nhưng trong đầu tôi đã hình thành kế hoạch chọc phá người khác, vẻ mặt tôi trở nên rạng rỡ, giọng có phần hớn hở. Tôi thuyết phục:

- Cánh đồng làng mình giáp với cánh đồng làng ấy, mình bò đến xem họ có đào được gì không cho tỏa chí tò mò chứ có làm gì đâu.

- Không, tao không thích chõ mũi vào việc của người khác.

- Nhưng tao thích! – Tôi cười tinh quái, mắt sáng như sao sa.

- Mày thì lúc nào cũng lắm trò.

- Quyết định như thế nhé!

- Quyết định cái gì?

- Quyết định là tao với mày đi rình xem người ta có tăm được đồ cổ không. Họ đào bới ngoài đồng thì kệ, nhỡ đâu họ đào mồ cuốc mả để lấy đồ cổ thì sao.

- Cũng chả phải việc của mày.

Tôi ưỡn ngực, vỗ nhẹ vài cái, mặt dương dương tự đắc:

- Nhưng tao là người tốt!

- Tốt cái con củ cải, mày tha không thó của người ta đã phúc tổ bảy mươi đời rồi ở đó mà tốt với chả lành, tao hiểu mày quá mà.

Tuy vẫn cãi như thế nhưng một khi tôi bắt tay vào làm thì kiểu gì R9 cũng miễn cưỡng làm theo, tôi đã nói rồi, nó là đứa thiếu chính kiến và dễ bị rủ rê cơ mà.

- Sắp đến Trung thu rồi nhỉ?

R9 nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ, tôi cười:

- Về nhà mày đi.

- Làm gì?

- Chậc! Hỏi nhiều, về nhà mày chơi chứ làm gì.

R9 nhăn mặt nhìn tôi một lượt từ đầu xuống chân rồi khẽ lắc đầu, nó thở dài:

- Đếch hiểu mày sẽ bày ra cái trò gì nữa.

Tôi nhếch mép cười đồng thời nháy mắt tỏ ra bí hiểm.

Vừa vào đến sân nhà R9, tôi đã lôi một thằng em của R9 ra góc san, thằng bé này đang học lớp 8. Em của R9 đứa nào cũng ngoan và nghe lời anh trai do bố mẹ chúng nó hiếm khi có mặt ở nhà. Thằng bé này tương lai lớn lên lấy vợ ở Ninh Bình, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng nó xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Tôi thì thào:

- Anh cần một hộp pháo diêm!

Thằng bé trố mắt ngước lên nhìn tôi, dường như nó không tin vào câu nó vừa mới nghe. Tôi nhoẻn miệng cười:

- Một hột hoặc nửa hộp cũng được, tiền không phải là vấn đề.

- Nhưng anh…

Tôi rút tiền từ trong túi quần ra, lấy hai tờ năm chục dúi vào tay thằng bé, nháy mắt một cái:

- Chậc! Cầm lấy mua hộ anh, chỗ thừa anh cho mày.

Đã lâu lắm rồi tôi không nghịch pháo, hồi bằng tuổi em của R9 thì tôi còn chơi cả pháo cối để phá làng phá xóm, thứ pháo gây ra tiếng nổ đinh tai nhức óc khiến những người già cả đang say giấc cũng phải thất kinh. Tuy nhiên Nhà nước đã cấm pháo được mấy năm nên việc kiếm thứ pháo có tiếng nổ chất lượng ấy rất khó nhưng pháo diêm thì khác. Sắp đến Tết Trung thu nên bọn trẻ con bằng cách nào đó vẫn kiếm được thứ chúng nó cần để chơi vào mỗi tối khi trăng lên.

- Đừng có sợ thằng anh của mày, việc này chỉ anh với mày biết. – Tôi nhẹ nhàng nói. – Nếu anh mày truy thì mày cứ khai là do anh xúi, anh bắt mày mua là được, anh nhận tội hết, mày sợ cái gì.

- Thật không anh?

- Anh là người lớn sao nói láo với mày được.

- Nhưng anh lớn rồi thì chơi cái này làm gì ạ?

- Người yêu anh có đứa em trai ấy mà, anh mua làm quà cho nó.

Tôi nói láo không chớp mắt và những lý do tôi đưa ra luôn hợp lý, tôi nghĩ như vậy là bởi vì tôi thường thành công và đạt được mục đích của mình thông qua việc nói láo!

- Anh có muốn pháo đùng không?

Tôi giật mình hỏi lại thằng bé:

- Cái gì? Chú mày có thể xoay được cả pháo đùng cơ à?

- Em không chắc lắm nhưng bọn bạn em bên xã chắc là có.

Tôi rút thêm vài tờ tiền nữa, chủ yếu là tiền lẻ đưa cho thằng bé và nói:

- Anh không cần nhiều nhưng nếu mua được nhiều thì thừa anh cho mày chơi. Anh cần gấp lắm, bây giờ mày đi mua hộ anh luôn được không?

- Vâng, được ạ! Nhưng anh đưa nhiều tiền quá.

- Anh là bạn của anh mày thì cũng như anh của mày, mấy khi anh cho mày tiền đâu, đi đi, vội vàng lên!

Mắt thằng bé lấm lét nhìn quanh một lượt, nó sợ R9 nhưng R9 đang ở trong nhà nên nó mau chóng thở phào, gật đầu rồi ba chân bốn cẳng chạy biến ra cổng. Tôi bước vào nhà, giữ nét mặt thản nhiên ngồi xuống trường kỷ rót nước chè uống. R9 hất hàm hỏi:

- Mày thì thầm to nhỏ gì với thằng cu đấy?

- Nhờ nó tí việc vặt ấy mà.

- Mày toàn bày trò nghịch dại, mày xúi nó làm cái gì đấy?

- Chả xúi thì bọn nó vẫn nghịch. – Tôi cười khẩy. – Quyền huynh thế phụ, mày nghiêm khắc với chúng nó là phải nhưng cũng vừa vừa thôi kẻo trước mặt mày chúng nó ngoan còn sau lưng vẫn nghịch như quỷ. Trẻ con mà, cứ phải nghịch bét nhè, chỉ cần bảo chúng nó đâu là giới hạn.

- Mày nói đếch gì chả hay. Nói đi, mày tính bày trò gì?

- Chả bày trò gì! – Tôi đáp tỉnh bơ. – Tối nay cơm nước xong mày ra đầu làng, tao sẽ chờ mày ở quán nước. Mày không đi rình thì tao đi một mình có sao đâu.

- Hư! – R9 bĩu môi. – Loại mày mà chịu đi một mình, kiểu gì mày chẳng rủ tao cho bằng được, sao mày không rủ thêm thằng Chắc Gạo?

Nước chè nguội lại đắng ngắt khiến tôi nhăn mặt, tôi đặt chén nước xuống bàn, chép miệng nói:

- Mẹ cái thằng chết nhát. Từ hồi còn bé tí, cái lần đi cùng với tao vào nhà mày buổi tối ở đoạn ao bèo ấy, thần hồn nát thần tính nó nhìn thấy ma xong hét toáng lên bỏ tao lại một mình rồi chạy tóe khói. Mày chú ý xem, kể từ đó có bao giờ nó ra đường buổi tối một mình không? Vào rủ nó, chưa nói hết câu đã thôi, thôi, thôi! Mệt người!

R9 nhún vai không nói thêm lời nào bởi những gì tôi vừa nói là đúng. Chắc Gạo chỉ hào hứng nếu chủ đề là bóng đá hoặc liên quan đến bóng đá và đó cũng là điểm chung giữa R9 và Chắc Gạo chứ tôi chẳng thể nào tưởng tượng nổi hai thằng ít nói chơi với nhau thì chúng nó chơi cái gì.

Tôi nằm dài trên trường kỷ, ngước mắt nhìn lên mái nhà đăm chiêu suy nghĩ trong khi R9 đi bắc nồi cơm. R9 là một người anh trai gương mẫu về nhiều mặt nên các em của nó đều nghe theo là phải, còn tôi, tôi tự đánh giá mình không phải là mẫu anh trai đáng để các em noi theo.

- Anh, anh ơi!

Em trai R9 khều nhẹ khi tôi đang thiu thiu ngủ.

- Em mua được hai hộp pháo diêm. – Thằng bé thì thào trong khi mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa canh chừng. – Pháo đùng thì chỉ có một quả thôi, nếu anh cần thì ngày mai…

Tôi ngắt lời thằng bé:

- Này đủ rồi, anh lấy quả pháo với một hộp thôi, hộp còn lại cho mày. – Nói đoạn tôi vỗ nhẹ lên vai thằng bé. – Chú mày khá hơn anh tưởng nhiều, chẳng như thằng anh của mày, đần thối mặt ra. Thôi té đi.

Thằng bé lỉnh ngay vào trong buồng giấu món đồ chơi vừa tậu được trong khi tôi ngồi bên trường kỷ tủm tỉm cười, mặt lộ rõ vẻ đắc ý.

Trẻ con thời nào cũng vậy, đừng bao giờ coi thường lũ trẻ con vì chúng nó rất hữu dụng nếu… biết cách lợi dụng!

***