Chương 92: Người Đàn Ông Lạ Mặt

Mưu Ngay Kế Thẳng

Chương 92: Người Đàn Ông Lạ Mặt

Chương 92: Người Đàn Ông Lạ Mặt


***
Lớn bé già trẻ cả thảy hơn hai chục người túm tụm bên cạnh bờ ruộng gần một lũy tre gai, vị trí mà đêm qua tôi và Sơn Ca đã ra sức đào bới. Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa cuối hè, tôi không khó khăn gì trong việc len lỏi giữa đám người hòng chen chân lên thử ngó nghiêng, chủ yếu là tôi muốn quan sát xem có ai đáng để tôi lưu tâm hay không.

Tôi cảm thấy bất ngờ khi dưới cái hố mà chính tay tôi đã đào vào buổi tối ngày hôm qua không phải là màu nâu vàng của đất mà lại là màu xám của tro. Tôi ngồi xổm, mắt tròn mắt dẹt nhìn cho thật kỹ, xung quanh tôi thì tiếng bàn tán xôn xao nhưng chẳng ai biết cái hố này được đào để làm gì, ngoại trừ tôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao tối hôm qua tôi phải nằm trên bãi cỏ cạnh trạm bơm chờ Sơn Ca lâu đến vậy. Sơn Ca đã hóa vàng, sau khi hóa vàng xong xuôi, dường như anh ta đã kỳ công dùng tay bốc tro trát lên thành và đáy hố. Tôi không biết vì sao Sơn Ca phải làm thế, điều này chỉ mình anh ta mới hiểu nhưng Sơn Ca chẳng đời nào làm một việc vô ích.

- "Đây có lẽ là cách xóa dấu vết mới chăng?"

Tôi thầm nghĩ như vậy và khẳng định điều này khi nhận thấy ở vị trí tối hôm qua mà tôi tìm được cái đỉnh đồng thì nay đã bị đào nham nhở, nếu nhìn kỹ có thể nhận ra những vết dao nhọn cố ý đâm xuống đất nhằm thay đổi hình dạng của cái đỉnh đồng nhỏ còn in dấu trong lòng đất, đó cũng là chỗ mà Sơn Ca trát tro cẩn thận nhất. Quan sát kỹ càng hơn, tôi có thể nhận ra vài vệt ngón tay Sơn Ca để lạ bên miệng hố.

- "Chị Ngọc Hoa nói đúng, lão Ca này bây giờ ma cô hơn mình tưởng".

Tôi vô thức nhếch mép cười một mình rồi đứng lên chen ngược trở ra thì vô tình nghe được một phần cuộc hội thoại của ai đó lẫn trong tiếng bàn tán xôn xao của nhóm người.

- … Chẳng biết dưới đó là cái gì nhưng làng này làm đồng thì chắc là đồ đồng… đấy là tôi đoán vậy chứ không chắc lắm đâu… ừ… Nó xóa hết dấu vết rồi, thằng này hẳn là một tay sành sỏi chứ không phải một tay mơ đâu… ừ… ừ… Chậc… Chịu!

Tôi đảo mắt nhìn quanh và nhanh chóng nhận ra một người đàn ông trạc ngoại tứ tuần, đầu đội cái mũ cối bạc phếch, làn da đen đúa, bên má trái còn có một vết sẹo lồi cùng với cặp mắt sếch khá dữ tợn. Ngoài cái áo sơ mi hoa hòe hoa sói, nhăn nhúm được xắn lên cao thi tôi cũng chú ý đến cái quần ga đã cũ của ông ta cùng với đôi dép nhựa Tiền Phong. Người đàn ông này cứ nói vài câu lại rít một hơi thuốc, vừa hay loại thuốc lá ông ta đang hút là 555, một loại khá đắt đỏ chỉ dành cho những người có điều kiện. Để ý thêm, tôi còn thấy trên tay ông ta đeo một chiếc đồng hồ mạ vàng, ngón tay đeo thêm một cái nhẫn to đùng. Tất cả những điều này giúp tôi phần nào đưa ra nhận định rằng người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần này là một tay anh chị hoặc chí ít cũng kiếm cơm bằng nắm đấm.

Một tay đút vào túi quần, một tay cầm điện thoại để nói chuyện, người đàn ông chậm rãi men theo bờ ruộng đi về hướng đường cái quan, tôi nối gót cố dỏng tai nghe nhưng câu được câu mất.

- Hố không sâu mấy… vâng, chắc bọn nó đào vội vàng cho đủ một nén hương rồi rút… vâng… cái đó thì em không rõ lắm, nãy em nói với thằng ôn kia rồi.

Người đàn ông chợt dừng bước ngoái lại nhìn, ở trong tình huống này tôi đành phải bước xuống ruộng rồi vọt qua ông ta đi tiếp.

- Không… đấy là em đoán vậy.

Nếu Sơn Ca nói đúng thì người đàn ông này có lẽ cũng đang làm một công việc tương tự như Sơn Ca đang làm. Sau khi lên đường cái, tôi bước từng bước thật chậm có ý chờ đợi người đàn ông nhưng ông ta không vội đi lên đường mà đứng nói chuyện giữa trời nắng.

- "Chỉ có thể là những chuyện không muốn người khác nghe được".

Tôi quay trở lại chỗ Hà An đang ngồi với vẻ thất vọng. Tôi vừa kéo ghế ngồi thì Hà An hỏi luôn:

- Có gì ngoài đấy hả anh?

- Anh chẳng biết nữa, có khi ai đó đào đất để bắt rắn nhưng… có khi chẳng phải. – Tôi cười mũi – Đào xong họ còn dùng tro trét xung quanh hố đào nên hơi lạ một tí thôi em ạ.

- Bây giờ mình về nhỉ?

Hà An không quan tâm đến câu chuyện ngoài ruộng nữa, vài người đi hóng chuyện như tôi cũng đã lũ lượt kéo nhau về ngang qua chỗ tôi đang ngồi. Người đàn ông mà tôi để ý khi nãy bỗng tạt vào quán, kéo ghế ngồi rồi gọi một chai bia Hà Nội. Ông ta phe phẩy cái mũ cối vài cái rồi đặt xuống cái bàn nhựa ngay khi chai bia và cốc đá được người chủ quán mang ra.

- Này anh, anh không nghe em nói gì hả?

Hà An nhéo nhẹ vào tay tôi nhõng nhẽo:

- Đi về, ngồi đây nóng bỏ xừ đi được.

- Về à? Ờ… ngồi thêm một tí nữa đi em.

- Nhưng em nóng.

Tôi lầm bầm:

- Ông chủ quán này tiết kiệm điện hay sao mà không cho một cái quạt em nhỉ? – Tôi cười cầu tài. – Ngồi thêm một chốc nữa rồi mình về nghỉ, chiều mát rồi anh đưa em về.

- 4 giờ là man mát rồi, em tự về được. Trời trưa nắng như này em chỉ muốn ngủ thôi.

Tôi chép miệng:

- Được rồi, được rồi. Ngồi thêm đúng năm phút nữa rồi mình về, em vào hỏi xem thằng R9 có uống gì thêm thì gọi cho nó rồi mình tính tiền cả thể.

Miệng nói nhưng tay tôi đã thò vào túi quần lấy tiền ra đưa cho Hà An nhưng ánh mắt của tôi lại dồn sự chú ý vào người đàn ông đang ngồi cách chỗ tôi chỉ một cái bàn một cách kín đáo. Ông ta không dùng điện thoại nữa, tôi ngó nhìn quanh cũng không thấy chiếc xe máy nào ngoài chiếc Cub của Hà An nên tôi nhận định người này hẳn là người làng. Tôi càng tin vào nhận định của mình hơn sau khi ông ta làm hai, ba hơi hết luôn chai bia rồi gọi tính tiền, ông ta đã gọi tên chủ quán.

Tôi chở Hà An về nhà mình nhưng mải theo đuổi những suy nghĩ nên im lặng. Hà An ngồi sau ôm tôi cứng ngắc, đi được chừng hơn nửa đoạn đường thì Hà An mới lên tiếng hỏi:

- Cái chú kia có gì đặc biệt mà em thấy anh chăm chú quan sát thế?

- Hả? Ai cơ?

- Anh đừng có giấu em, cái chú khi nãy ngồi uống bia trong quán ấy.

- À, anh cứ tưởng người quen mà không phải. – Tôi nại ra lý do cho qua chuyện.

- Em hy vọng là thế nhưng cái nhìn của anh khi đó rất lạ.

- Lạ á? Lạ thế nào?

- Nói sao nhỉ… ừm… anh nhìn người ta, đúng hơn là liếc nhìn và thi thoảng trán anh hơi nheo lại. Nếu em nhớ không nhầm thì đó là cách anh ghi nhớ, có phải không?

- Thì anh tưởng chú ấy là người quen của bố anh mà không phải, nãy anh cố nhớ nhưng nhớ không ra, chắc là người giống người.

- Thế tối hôm qua anh đi đâu?

- Đi đâu là đi đâu? – Nghe Hà An hỏi như vậy khiến tôi chột dạ.

- Em thấy đôi dép tổ ong anh hay đi ở nhà dính toàn đất vàng như mới lội ngoài đồng ngoài ruộng về, hay là tối qua đi với con nào?

- Em nói linh tinh, anh chỉ quen mỗi em chứ có quen ai đâu. Xấu như anh có chó nó thèm.

Hà An nhéo nhẹ vào eo tôi một cái, rít lên qua kẽ răng:

- Ý anh bảo em là chó?

- À không, à không có, làm gì có! – Tôi vội phân bua.

- Vậy nói em nghe, vì sao đôi dép lại dính nhiều đất như thế? Hôm qua anh đã đi đâu? Anh tuy hơi bừa bộn, ăn vung bỏ vãi nhưng giày dép thì anh luôn giữ sạch sẽ chứ không chịu đi một đôi dép hay giày dính bùn đất như thế bao giờ.

- Hình như tối hôm qua lúc anh gặp thằng R9, nó dọa ma nên anh bỏ chạy giẫm vào đống đất nào đấy thôi.

- Anh mà sợ ma á?

- Nó nấp trong bụi rậm nhảy bổ ra dọa anh thì sao lại không sợ, anh sợ tí nữa thì đái ra quần luôn ấy chứ.

- Được, em tạm tin lời anh nhưng em sẽ hỏi lại anh R9, hay mình quay lại hỏi luôn nhỉ?

Tôi cảm thấy sống lưng mình hơi lạnh, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc Hà An để ý đến những tiểu tiết mà chẳng mấy người để ý đến, xem ra tôi hãy còn đánh giá thấp cô nàng. Tôi cũng chưa hiểu vì sao tự nhiên Hà An lại chất vấn tôi về đôi dép dính bùn đất.

- Sắp về đến nhà rồi chẳng lẽ quay lại để hỏi nó chuyện đấy nó cười cho thối mũi, em phải tin anh chứ? – Giọng của tôi nhẹ nhàng hết mức có thể.

- Con trai các anh chỉ nên tin một nửa thôi, tin hoàn toàn có ngày đổ thóc giống ra mà ăn.

Tôi đành cười trừ nhưng đồng thời phải suy nghĩ rất nhanh và tự dặn bản thân lần sau phải cẩn thận hơn trong mọi chuyện. Nếu Hà An phát hiện ra tôi chăm chú nhìn người khác cũng như để ý đến đôi dép tổ ong dính bùn đất của tôi cũng có nghĩa là người khác sẽ phát hiện ra. Tối hôm qua về nhà lấy xe máy trả Sơn Ca, tôi thay quần áo, đổi luôn đôi dép nhưng lúc quay về lại gặp R9, mải nói chuyện nên quên béng mang dép đi rửa.

***