Chương 10: Điều lịch sử bỏ sót

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 10: Điều lịch sử bỏ sót

Chương 10: Điều lịch sử bỏ sót

Hai giờ, và một cơ số lẻ phút. Dũng không có thói quen nhìn đồng hồ hệ thống.

Những người đồng đội của hắn đã gia nhập chiến trường.

Trên phố An Dương, những ngọn đèn dầu Pháp chiếu rọi sáng như ban ngày.

Dưới thứ ánh sáng không hòa hợp với màn đêm đó, những người tự vệ quân đang bị đẩy lùi.

Có vẻ như họ có kế hoạch đột nhập vào một chốt canh phòng của địch, nhưng bị phát hiện. Nhiều người đã hy sinh.

Những người khác nấp sau những ngôi nhà, những bức tường đổ vỡ, hoặc chui xuống giao thông hào, hay những căn hầm cá nhân đơn giản được đào sẵn.

Thế nhưng tình hình rất không ổn.

Những tên lính mũ nồi đỏ được đào tạo bài bản, với thân hình nhỏ con, khéo léo lách qua những địa hình phức tạp của khu phố. Hai người dân quân vung dao đánh lén, nhưng đều bị chúng né được.

Hai người họ bị bắt sống.

Kẻ địch rõ ràng đã có chuẩn bị.

Những người khác nín thở, ở yên trong chỗ mình. Họ đang tham gia vào một trò chơi trốn tìm không mong muốn, chỉ kết thúc khi tiêu diệt được kẻ địch, hoặc bị kẻ địch tiêu diệt.

Nhưng những người thanh niên nam nữ vẫn chưa từ bỏ hy vọng. Đội trưởng của họ, một nhà giáo trẻ của Thủ đô, vẫn đang cầm trong tay một quả lựu đạn. Họ vẫn còn cơ hội.

Một vài tên lính Pháp tiến vào căn nhà nơi người đội trưởng đang trú ẩn.

Nhiều phút đã trôi qua.

Không có tiếng lựu đạn nổ, cũng không có tiếng súng. Yên tĩnh như thể mọi thứ đáng ra phải như vậy.

Những người dân quân vẫn kiên nhẫn chờ. Họ vẫn hy vọng. Rồi lại tuyệt vọng.

Người đội trưởng đã xuất hiện rồi. Anh bị lôi ra bởi ba tên Pháp. Tay bị trói, trên người đầy những vết thương và vết máu. Miệng anh bị chặn lại bởi một nùi giẻ.

Những tên lính Pháp cười đầy hưng phấn. Chúng nói với nhau bằng những lời lẽ không ai hiểu, trong khi gót giày của chúng vẫn giẫm đạp lên người thanh niên tội nghiệp.

Một tên cao to, có vẻ là chỉ huy bước ra, rút khẩu côn tay bắn vào đầu người đội trưởng, sau đó hất hàm ra hiệu cho những tên mũ nồi khác. Chúng lại tiếp tục tìm kiếm những tự vệ quân còn lại. Trò trốn tìm vô nhân tính lại tiếp tục rồi.

Khi Dũng và mọi người tới nơi, trên bãi chiến trường đã có rất nhiều xác người. Hầu hết trong số họ đều bị bắt sống, bị tra tấn, đánh đập ngay tại hiện trường trước khi bị sát hại. Một vài người, chủ yếu là phụ nữ, vẫn còn thoi thóp thở. Nhưng trên mặt, trên thân thể họ đầy vết thương của vũ khí cận chiến. Chủ yếu là gót giày, báng súng và lưỡi lê.

"Bọn chó đẻ này."

Nhìn thấy thảm cảnh của đồng bào, Xuân gầm lên điên tiết. Nhưng gã không dại dột mà xông lên. Chỉ có dã thú mới chiến đấu mà không suy nghĩ trước.

Xuân ra hiệu cho các đồng đội nấp tại những chướng ngại vật dựng sẵn. Hắn ném một chai bom xăng về phía quân thù. Lửa cháy dữ dội, nhưng không gây hại được cho bất cứ kẻ nào.

Thúy và Hoa bắt đầu ném pháo tép. Mấy gã đàn ông lấy thanh sắt, vỏ nhôm, hoặc bất cứ thứ kim loại nào họ nhặt được, gõ xuống đường thành những âm thanh bang bang, hoặc cuộn áo, hoặc treo mũ lên cây gậy và giơ lên làm bù nhìn dụ địch bắn.

Tất cả đều chỉ nhằm mục đích duy nhất. Tạo đủ khoảng trống cho xạ thủ xuất sắc nhất của họ hành động.

Và Dũng không làm cho mọi người thất vọng. Thât hình gầy gò của hắn len lỏi giữa những bức tường, để họng súng của hắn tiến sát lại quân thù. Và những viên đạn điểm xạ được bắn đầy chuẩn xác.

Một tên lính điện đài cố gắng liên lạc với tổng bộ của chúng, trước khi một viên đạn xuyên qua cổ làm hắn gục đầu xuống điện đài. Trong hơi thở cuối cùng, khi máu đã tràn qua khe miệng, thứ duy nhất hắn vẫn cố gắng nói không phải là tình yêu, đất nước, hay gia đình. Phim ảnh đều là lừa người cả.

"Les tireur d'élite!"
(Kẻ bắn tỉa!)

Những kẻ còn sống cuối cùng cũng nhận ra kẻ chúng đang phải đối mặt là ai. Một tên lính trốn trong xe ôm lấy cái điện đài to tướng, gào thét trong tuyệt vọng những lời cầu cứu.

"Tích… Tiêu diệt 7 đơn vị, +7 điểm"

Phạm Tiến Dũng không vội tiêu diệt tên này. Hắn không hiểu tiếng Pháp, nhưng dựa vào biểu cảm và những tiếng gào run rẩy đầy ngắt quãng của y, Dũng cũng đại khái đoán được nội dung.

Hắn giữ tên lính lại, để lan truyền sự sợ hãi về một kẻ địch không thể đối đầu với đầu não của kẻ thù.

Giống như Apache, hoặc Đại tá Tuân, những hình tượng được quân Mỹ tưởng tượng ra để bao biện cho sự hèn nhát của mình, sau khi nhận ra chúng đã xâm lược một đất nước chưa từng biết cúi đầu.

Vì thế, Dũng quay lưng lại. Và lắng nghe âm thanh điện tử đang chạy trong đầu.

"Tích… Tiêu diệt 1 đơn vị, +1 điểm."

Những người khác đưa thi thể của những người đã chết vào trong một ngôi nhà. Không đủ thời gian để chôn cất cho tất cả bọn họ. Vậy nên Xuân và đồng đội chỉ có thể để họ tạm lại nơi đây. Những người bị thương được Long và bọn Tiến Cường đỡ dậy, đưa họ đi tìm các dân quân khác.

Dũng cầm súng đứng ngoài ngôi nhà, canh gác và chờ đợi. Trong hồi ký sau này, Phạm Tiến Dũng đã viết rằng quyết định đứng ngoài cửa đêm ấy là sai lầm lớn nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của hắn. Lẽ ra, Dũng nên tiến vào, hắn nên chôn cất từng người dân quân trong ngôi nhà đổ nát phố An Dương.

Thế nhưng bây giờ, Dũng vẫn chưa biết điều này. Hắn chỉ biết mình không có nhiều thời gian. Lính điện đài địch đã gọi tiếp viện. Có thể có thiết giáp, tiêm kích, thậm chí máy bay thả bom. Họ phải rời đi ngay.

Cả tám người lại lầm lũi đi ngược về phía hồ Trúc Bạch.

Không quá khó khăn. Cũng không quá xa. Họ đến nơi lúc 8 giờ. Đội tự vệ địa phương đang chặn đầu một tên lính do thám đi lạc đường. Một khẩu súng dù mạnh đến đâu cũng không thắng được 10 cái cuốc.

Những người dân quân ở đây đón tiếp họ rất nhiệt tình.

Không có những cái bắt tay, hay những nụ cười xã giao giả dối thời hiện đại, những con người một tháng trước vẫn còn chân lấm tay bùn đón nhận nhau bằng những nụ cười thật lòng, và nhiệt tình.

Bữa sáng lót dạ bằng nửa bát cơm và một miếng thịt, thêm vài cọng rau muống.

Phạm Tiến Dũng nheo mắt nhìn những cô tiếp tế gầy gò gánh những niêu cơm từ ngoài thành vào, dường như hắn nhận ra một điều gì đó, nhưng hắn không nắm bắt được. Một điều gì đó bị thế hệ sau bỏ quên, bị lịch sử bỏ sót.

Những điều như thế nhiều lắm.

Những người gánh hàng tiếp tế lặng lẽ di chuyển giữa mưa bom bão đạn, những ả đào không nhà để về miệt mài làm nhiệm vụ giao liên, những cuộc đối đầu không cân sức giữa dao, gậy, giáo mác và súng đạn lạnh lùng. Những con người bị chìm sâu dưới đáy thời gian.

Nhưng có một điều mà Dũng cảm thấy mình cần phải nhớ ra, một điều bị lãng quên đầy quan trọng.

Hồi lâu, hắn thôi không nghĩ nữa, vì Thúy che mắt hắn lại. Dũng bật cười. Phụ nữ thời nào, khi ghen cũng đều đáng yêu cả.

Ở phía đằng xa, Xuân đang tán tỉnh một cô ả đào. Gã bắt đầu khoe khoang từ những ngày còn bé đi đánh nhau với thằng con địa chủ, đến những ngày khởi nghĩa cùng bộ đội Việt Minh đi phá kho thóc. Gã cũng khoe mình đã cướp được nhiều vũ khí ra sao, và trong khi kể đến việc Dũng bắn phá máy bay, Xuân cũng không quên đính kèm một câu "nó là thằng thiện xạ, còn anh là thằng chỉ huy nắm đầu thằng thiện xạ."

Thúy ngồi một chỗ lườm Xuân. Mặc dù hầu hết gã nói đều không sai, nhưng thái độ thích ăn đòn của Xuân vẫn đón nhận một ánh lườm giữ chồng từ cô gái mới biết rung động lần đầu. Dũng ngồi ở bên, khe khẽ cười.

Ở phía ngoài, một vài người từ đội du kích khác chạy đến, cũng có một số người rời đi. Mỗi lúc, mỗi cá nhân đều có nhiệm vụ cho riêng mình.

Bầu không khí nhẹ nhõm kéo dài đến khi lớp sương đầu tan đi, để cho cái nắng dịu dàng tháng mười một âm tan dần vào hơi lạnh từng góc phố, và một giọng nữ đầy tỉnh táo xé toạc cả không gian.

"Giặc đến."

Những người tự vệ quân nhao nhao đứng dậy, tản ra vào mỗi ngôi nhà. Họ thoăn thoắt di chuyển trong những lỗ giao liên thông nhau, nhưng những viên đá lăn nhanh trong một trận đồ bát quái đầy phức tạp.

Vũ khí không có nhiều. Ngoài chục khẩu súng và một cái mã tấu mà đội của Dũng mang đến, chỉ có 2 bộ cung nỏ thô sơ, vài con dao và một khẩu súng kíp tự chế. Những con người bằng sắt đã trải qua gần mười đợt càn của kẻ địch chỉ với những vũ khí thô sơ như thế.

Mười bốn tên giặc, chủ yếu là lính Âu Phi và hai người da vàng, di chuyển từ từ xung quanh những căn nhà nơi 26 con người đang lẩn trốn. Một quả lựu đạn được ném ra, nhưng lũ giặc tránh được. Một tên lính da đen chạy vào gần ngôi nhà sơn vàng đầy vết nứt nẻ, nơi mà một người dân quân đang nấp sau cánh cửa. Một tiếng va chạm lớn nổ ra. Tên lính Pháp ngã xuống, người dân quân cũng đã hy sinh rồi.

Phạm Tiến Dũng nấp trong tầng hai của một ngôi nhà. Hắn muốn ngắm bắn, nhưng góc ngắm tệ quá. Kẻ địch quá cẩn thận, quá rụt rè. Rất khác thường.

Vài chiếc máy bay vẫn bay vè vè trên đầu.

Ở phía cuối phố, Xuân lấy mảnh nhôm thu hút ánh sáng để gây chú ý của Dũng. Ánh nắng rất nhạt, nhưng Dũng vẫn bắt được tín hiệu. Chỉ vài giây sau, những tiếng bắn điểm xạ bắt đầu nổ ra đầy xốc nổi. Có tiếng súng không thuần thục của Xuân và Long, có tiếng pháo tép nổ lép bép từ Hoa, và có cả những âm thanh tạp nham nhằm thu hút sự chú ý từ quân giặc. Những viên đạn bắn vào tường, làm rơi ra chút bụi, hoặc bắn vào thùng xe, vào công sự mà lũ giặc đang nấp, nhưng chúng vẫn tỏ ra không hề tích cực.

Nhưng lạ quá, đám giặc vẫn loay hoay ở góc mà nòng súng của Dũng không thể với tới được. Cảm giác bất an bên trong hắn đang trào lên mãnh liệt.

Hai chiếc máy bay trên đầu hắn bắt đầu xả đạn liên tục vào trong các ngôi nhà. Dũng trốn xuống tầng dưới, nhưng thi thoảng những viên đạn vẫn bắn vào sát gần hắn. Các ngôi nhà giống như có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Hắn vội vàng luồn qua lỗ giao liên đi đến nơi an toàn hơn.
Bỗng đột nhiên, trong một ngôi nhà, Bách chạy ra giữa làn đạn. Anh gào lên, bằng hết sức bình sinh của mình, trước khi những viên đạn bắn tới, ướt đầm ngực áo.

"Chạy đi mọi người ơi! Có Vi-…"

Cùng lúc đó, toàn bộ khu phố rung lên, các ngôi nhà lần lượt đồ sụp xuống. Hai chiếc máy bay ném bom, thứ mà lão cáo già Morliere từng nói sẽ không dùng trừ khi phát hiện ra đầu não chỉ huy các Liên khu, để tránh phá hủy hoàn toàn thành phố, thì giờ đây đang trút hàng trăm quả văn minh dân chủ xuống khu phố nhỏ.

Một người dân quân kéo Dũng xuống căn hầm cất rượu lậu trong một ngôi nhà nhỏ chưa sập xuống. Một người khác đỡ lấy khẩu súng của Dũng, đặt vào một góc. Có vẻ căn hầm này có đường nối thông với những ngôi nhà khác.

Ngoại trừ Bách và Xuân, những người khác 5 người khác đều đang ngồi ở đây. Họ đang thảo luận với những người khác về trận đánh này.

Cuộc giao tranh này có nhiều điểm đáng ngờ. Cách di chuyển của quân địch, sự xuất hiện của máy bay ném bom, cùng lời trăn trối lưng chừng của Bách.

Nhưng đó không phải là điều mà Dũng quan tâm.

Chờ một lúc lâu, không thấy ai xuống hầm nữa, cũng không thấy Xuân về, hắn thở dài một tiếng, rồi quay lại hỏi người đội trưởng đội du kích, một người đàn ông độ 50-60 tuổi, cũng là người cao tuổi hiếm hoi không lựa chọn sơ tán mà tham gia đội dân quân, sống chết cùng Thủ đô.

"Căn hầm này có sập được không bác."

"Sập chứ. Nó giã bom thế kia thì sớm muộn gì chả sập. Nhưng cậu trẻ cứ yên tâm, cái nhà này nấu rượu lậu bao lâu nay mà không bị quan bắt, là vì cái hầm này còn có lối thông ra cái giếng nước ở làng bên nữa.
Đường này bọn Tây đen Tây trắng không biết được đâu, các cô các cậu cứ đi theo tôi."

Nói rồi, ông bác dỡ ra cái tủ bát che chắn đường hầm nhỏ. Tay chân ông khá lóng ngóng, có lẽ đây là lần đầu ông dùng con đường này. Người chủ cũ trước khi sơ tán đã báo con đường bí mật này cho chính quyền cách mạng.

Gần hai mươi con người đi dọc theo lối đi bí mật ẩm ướt và tối tăm. Phía bên kia giếng nước, sẽ là cuộc chiến tiếp theo của họ. Những người thanh niên trai trẻ đỡ ông bác lên trước, rồi lần lượt trèo lên. Yên tĩnh, không tiếng động, không thể bị phát giác.

Nhưng đột nhiên, một quả lựu đạn phát nổ, những tia lửa đạn phá tan sự yên tĩnh, bắn vào thân thể yếu đuối của những con người vừa đi ra khỏi bóng tối. Từng người, từng người một ngã xuống. Ông bác già rút quả lựu đạn ra, nhưng chưa kịp rút chốt thì ngã gục xuống, máu tràn ra.

Rất nhiều, phải một trung đội lính Pháp đã phục sẵn ở đây.

Phạm Tiến Dũng vội kích hoạt 15 giây bảo vệ. Hắn che chắn trước mặt Thúy, đưa khẩu súng ra phía trước.

Không có đạn.

Dũng ngốc trệ trong một giây. Hơi thở của hắn gấp rút, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Long, Lâm, Hoa, Thúy, và những người khác đều đã ngã xuống rồi. Phạm Tiến Dũng nghiến răng, nhảy xuống dưới giếng.

Có lẽ căn hầm bên kia đã sụp đổ rồi. Mặt giếng này, hắn có thể sử dụng lựu đạn để đánh sập xuống. Bên trong hệ thống có kỹ năng đào hầm cấp cao giá chỉ một nghìn điểm. Hắn sẽ đào hầm xuyên qua nơi này, tìm đường sống trong chỗ chết. Trong không gian hệ thống vẫn còn một chiếc xẻng quân dụng đa năng, là một trong năm thứ mà Dũng nhận được khi mua những món đồ bí ẩn giới hạn cuối cùng.

Phạm Tiến Dũng đang sợ hãi. Khi mất đi tất cả những người đồng đội, chỉ còn cô độc một mình, cảm giác hoang đường bao phủ lấy tâm trí Dũng, khiến hắn sợ hãi.

Ở phía dưới hầm, một người đàn ông đang đứng sẵn.

Dũng nhận ra người này. Đó là người dân quân đã đỡ khẩu súng cho hắn, khi hắn chạy xuống hầm.

Hắn đã nhận ra lý do vì sao súng của mình không có đạn. Hắn cũng hiểu được những lời mà Bách cố gắng nói ra trước lúc hy sinh.

"Có Việt gian."

Bất cứ sự nông nổi thiếu tính toán nào, trong chiến tranh, đều có thể phải trả giá bằng tính mạng.

Phạm Tiến Dũng đã quá bất cẩn.

Do đó, ngay lúc này, hắn nằm yên lặng tại đây, trong căn hầm tối thiếu dưỡng khí. Với một vết thương dài đang chảy máu sau lưng, hai vết đạn bắn vào sườn và bắp đùi. Và một cây súng hết đạn.

Không đồng đội.

Đôi mắt Dũng lạnh lẽo, chết trân nhìn vào thinh không.