Chương 9: Đêm yên bình hiếm hoi

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 9: Đêm yên bình hiếm hoi

Chương 9: Đêm yên bình hiếm hoi

Theo đúng dòng thời gian, đã có 424 máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi súng bộ binh.

9 trong số đó bị bắn hạ trong vòng 12 viên đạn. Trong đó có cả những máy bay tối tân như A-4, A-6, F-4, F-105…

Phạm Tiến Dũng bước xuống tầng một trong tiếng reo hò của các đồng đội.

"Tích… Phá hủy một đơn vị máy bay, +1000 điểm.
Hệ thống chuyển sinh ngày 21/12/1946, 8:49
Người chuyển sinh: Phạm Tiến Dũng
Bí danh: Chưa có
Vai trò: Dân quân du kích, đội cướp vũ khí
Kỹ năng: Bắn điểm xạ (rèn luyện thực chiến), xạ thủ 10 mét, khóa mục tiêu cấp thấp
Vũ khí: MAS-38 x 2
Vật phẩm: Giáp vải, Thẻ gia tốc 30s x 1, Thẻ 15 giây, Bản vẽ thiết kế x 2, Thóc giống x 50kg
Nhiệm vụ chuyển sinh: Sống đến ngày đất nước hoàn toàn hòa bình (7/9/1991) – Chưa hoàn thành
Tuổi: 18 (Tuổi trước khi chuyển sinh: 39)
Chiều cao: 157 cm
Cân nặng: 53 kg
Sức mạnh: 288
Tốc độ: 12
Điểm phân phối: 1036"

Mặt trời đã ngả về tây, bóng đêm dần phủ xuống thủ đô ngàn năm tuổi.

Những người lính bị thương được đưa về Quân y liên khu I. Những người còn khỏe mạnh dựng lại giao thông hào và chướng ngại vật trong sân. Kẻ địch đã rút về rất xa.

Xác chiếc máy bay có vẻ đã bị địch thu dọn.

Bưu điện tối nay rộn vang tiếng hát.

Đó là những bài hát mà Dũng chưa từng được nghe, trong những điệu nhạc tưởng đã bị chìm sâu vào quá khứ. Một người lính, tên là Quận, vỗ vai Dũng, gọi hắn ca lên một bài

Dũng mỉm cười và lắc đầu. Hắn không biết nhiều bài hát thời kỳ này.

Hoa thúc thúc nhẹ vào hông Thúy, ra hiệu. Xuân và Long cũng ngó sang.

Thúy đến từ Bắc Ninh.

Không phải người Bắc Ninh nào cũng biết hát quan họ. Nhưng người hát quan họ ngọt chắc chắn là đến từ Bắc Ninh.

Thúy hát. Những người khác bắt nhịp vỗ tay.

Rồi những người lính kể cho nhau về bản thân, về gia đình, và về câu chuyện của những người đã ra đi. Họ nói với nhau bằng chất giọng rất nhẹ, rất yên tĩnh.

Không phải vì giặc, mà vì đồng đội mình.

Dũng ngủ rồi, hắn dựa đầu vào tường, ngủ thiếp đi.

Thúy ngồi ở sát bên, dựa đầu vào vai hắn. Đôi tay cô lách cách tháo rời từng viên đạn.

Dũng từng nói rằng đạn ngược đầu rất dễ làm hỏng súng, nên cô lắp lại khẩu súng mà hắn đã dùng để bắn máy bay lúc chiều.

Ở nơi xa, vẫn có tiếng súng thi thoảng truyền đến.

Màn đêm là vũ khí mạnh nhất của những người dân quân. Những thanh niên nam nữ, với vũ khí thô sơ, vẫn liên tục quấy rối vào các cứ điểm địch.
Nếu không gặp được Dũng, có lẽ giờ này Thúy, cũng như Xuân, Long, Tiến Cường và nhiều người khác, vẫn đang vật lộn trong các khu phố với gậy tầm vông và cung nỏ, kiên nhẫn chờ đến khi bóng đêm che khuất thân mình rồi tiến đến đánh cận chiến với địch.

Cũng có thể cô sẽ chết, giống như Trung, như Tiến.

Nhưng vì có Dũng, nên cô ở đây. Với những người này. Và những câu chuyện.

Tan chảy trong ánh lửa.

Thúy cũng ngủ rồi, tựa đầu vào vai Dũng mà ngủ.

Khi cảm thấy bình yên, con người ta sẽ thật thư giãn.

Xuân bật cười. Gã tính đem chiếc chăn rách trùm cho hai người, nhưng Hoa kéo gã lại. Cô lắc đầu, tiến đến, và để chiếc chăn trong tầm với của Thúy.

Cái lạnh ban đêm làm Thúy rùng mình. Cô co ro nép vào người Dũng, như một cô gà con. Đôi tay Thúy mò mò xung quanh, cố tìm ra một thứ gì để giữ ấm. Rồi cô sờ thấy cái chăn ở đó.

Dũng vẫn im lìm bất động. Nhưng đôi hàng mi chớp chớp liên hồi đã tố cáo rõ, hắn đã thức. Nhưng Dũng vẫn bất động. Hắn không biết làm gì.
Cuộc sống hiện đại, người ta ngày càng chai sạn với tình yêu. Không còn cái thời anh tặng em một nhành hoa, em khẽ cười lại, thế là bên nhau. Một túp lều tranh không thể có hai trái tim vàng.

Sống trong thời đại thực dụng ấy quá lâu, Phạm Tiến Dũng không thích nghi được với tình cảm thuần khiết của Thúy. Nó quá giản đơn, quá sạch sẽ.

Dũng không hợp với thời đại này. Hắn cũng không cho rằng, mình có thể hòa hợp với tình cảm của thời đại này.

Tóm lại, hắn không chắc tình cảm của mình với cô là gì.

Chỉ là tình cờ, Thúy là cô gái đầu tiên tiếp xúc với hắn, đón nhận hắn. Nếu có người có thể khiến Dũng rung động, người đó phải là Thúy.

Nhưng Dũng cảm thấy hắn chưa rung động.

Vậy nên đôi tay hắn vẫn cầm lấy cây súng, chứ chẳng thể cầm lấy tay cô.

Thời gian sẽ cho hắn câu trả lời hắn muốn.

Một người lính điều chỉnh lại tín hiệu điện đài. Một giọng nói mạch lạc tóm tắt lại chiến cuộc hôm nay, cũng như ước đoán số người đã hy sinh. Những tin tức này đều không có gì bí mật, nhưng mang tính chiến lược then chốt, do đó, có thể phát cho cả hai phe nghe được.

Những tin mật chỉ được phát ngắn gọn, trên các tần số riêng thay đổi liên tục, tránh để kẻ thù phát giác. Hoặc phải dùng thư, giao bằng tay.

Thông tin nghe được rất nhiều, cũng rất cầu kỳ, hình thức. Không chỉ để làm tăng tinh thần quân ta, mà còn dùng để giết nhuệ khí địch.

Chiến tranh, không phải lúc nào cũng chỉ có súng và đạn.

Chiến cuộc phân tích ra rất đơn giản.

1. Toàn thủ đô, đối đầu nổ ra khắp nơi, gần như trên mọi khu phố.
2. Có mười hai xe tăng bị tiêu diệt, một nửa trong số đó là trong cuộc đối chiến bảo vệ phủ Bắc Bộ. Chưa tổng hợp được số lượng xe vận tải và cơ giới khác.
3. Dân quân và Vệ quốc đoàn đã tiêu diệt được khoảng 400 tên địch, chỉ riêng chốt Bưu điện đã tiêu diệt gần 300 tên, đẩy lùi 4 đợt càn lớn.
4. Hai máy bay bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội, chỉ trong một ngày. Một trong trận pháo đài Láng, và một tại chốt bờ Hồ.
5. Thực dân Pháp treo giải 300 đồng bạc hoa xòe cho bất cứ ai tiêu giệt hoặc 500 đồng bạc cho người bắt sống "xạ thủ Việt Minh đã dã man giết hại những người Pháp đang chiến đấu chống lại lũ ác ôn." Danh tính người nhận giải sẽ được giữ bí mật.

Phạm Tiến Dũng cười khẩy. Những ông lớn đều nghĩ rằng tiền có thể giải quyết mọi việc.

Nhưng hắn cũng không ngờ thực dân Pháp lại dự chi mạnh tay đến vậy. Phải biết, các chỉ huy cao cấp nhất cũng chỉ được treo giá đến như vậy mà thôi.

Tiếp theo là những lời khích lệ động viên, cũng như đả kích quân xâm lược bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp, nhưng Dũng không quá chú tâm nghe. Hắn đang đợi đến chỉ đạo từ Bộ chỉ huy.

Hai mươi mốt giờ, tần số sóng lại thay đổi. Đây là kênh truyền phát tin mật, dùng để liên lạc nội bộ giữa trạm bưu điện và tổng cục.

"Chào các đồng chí."

"Chào thủ trưởng."

Trong đài phát Siemen là một âm thanh cứng cỏi và bình tĩnh. Những người lính không gọi người đàn ông này là Tư lệnh, hay tổng đội trưởng, nên cơ bản có thể phán đoán Tổng tư lệnh Vương Thừa Vũ không trực tiếp liên lạc với họ. Anh Quận, tiểu đội trưởng là người trực tiếp hồi đáp.

"Các đồng chí đã làm tốt hơn kế hoạch đề ra rất nhiều. Trong hai ngày vừa qua, mặc dù quân Pháp đánh phá ác liệt, nhưng trọng điểm vẫn được giữ vững.

Hơn thế nữa, chỉ trong ngày hôm nay, các đồng chí đã đẩy lùi 4 đợt càn quét của địch, ép quân địch phải dồn thêm hai tiểu đội Lê dương và bốn máy bay chi viện, từ đó giảm áp lực cho các cánh quân khác của ta, đó là một thắng lợi rất lớn về mặt chiến thuật."

Những người chiến sĩ trẻ nở nụ cười. Dũng hơi nhíu mày một chút, vì hắn nghe hiểu kiểu mở đầu công sở này. Quả nhiên, người thủ trưởng tiếp lời.
"Trong đêm nay, chúng ta sẽ rút khỏi chốt."

"Thưa thủ trưởng, anh em vẫn còn vật tư để cố thủ thêm một ngày. Hơn nữa, ngay trong chiều nay, cậu Dũng, xạ thủ bên ta đã đẩy lùi đại đội địch ra khỏi khu con Cóc và vườn hoa. Chúng em vẫn có thể đảm bảo giữ được đường tiếp tế từ phía sau tòa thị chính trong ít nhất một tuần nữa…"

Một người chiến sĩ vội vàng trình bày. Dường như anh hiểu nhầm rằng, họ phải rút đi để tránh cạn kiệt hậu cần. Quận giơ tay ra hiệu anh im lặng. Chỉ huy có tính toán của riêng họ.

"Không cần thiết. Tiểu đội 14 đóng tại tòa thị chính cũng đã nhận được lệnh rút quân rồi. Theo chỉ thị của Tổng tư lệnh, Đại đội I tiểu đoàn 101 sẽ chuyển quân về chốt tại Tòa án để thành lập Khu cố thủ Thủ đô. Các đồng chí có ba mươi phút để phá hủy toàn bộ tổng đài thông tin trước khi rút đi theo đường lui đã định trước."

"Rõ."

Những người lính ngay lập tức chấp hành mệnh lệnh. Họ lấy dao rựa hoặc mảnh sắt cắt dây điện.

Xuân có mã tấu, nhưng vung thứ này trong màn đêm khá nguy hiểm, nên hắn dựng nó vào góc tường, và gia nhập đội ngũ đập phá máy móc. Long và những người dân quân khác cầm lấy những chiếc điện đàm Sieman mới tinh ném xuống sàn. Vỡ tan.

Hơn chục người lính được phân công vận chuyển lương thực và vũ khí.

Dũng khẽ xoa đầu Thúy, đánh thức cô. Nơi này đã không thể ở lại.

Đúng ba mươi phút sau, khi chuyến hàng cuối được sơ tán xong, những người lính lặng lẽ tiến ra bên ngoài.

Đêm nay không trăng. Dưới bóng tối lờ mờ chẳng thể nhìn thấy năm ngón tay của thiên nhiên, Dũng nheo mắt lại, nhìn về Bưu điện bờ hồ một lần nữa.

Quả bộc phá được chôn từ trước phát nổ, phá hủy toàn bộ số dây cáp ngầm dưới lòng đất. Một cột khói đen bốc lên, hòa cùng màu đen của không gian.

Những người lính hành quân qua cầu Thê Húc, đi dọc theo con đường bị đại bác tàn phá tan hoang gần đường ray xe điện. Có tiếng chim lợn kêu gào trên những thân cây cháy bốc mùi khét lẹt. Thi thoảng, một tiếng nổ vọng ở đâu đó về.

Đội của Xuân và Dũng tách đoàn từ rất sớm. Xét cho cùng, họ là dân quân du kích, nhiệm vụ của họ ngay từ đầu vẫn là cướp vật tư, quấy rối và tiêu diệt địch, tiếp tế cho bộ đội.

Phòng tuyến cố thủ Liên khu I không phải chiến trường của họ.

Vì thế, 8 người đội du kích rời đi theo hướng Hàng Bè, di chuyển về hướng mà tiếng đạn vẫn réo rắt.

Đó là nơi có địch.

"Trận cố thủ Bắc Bộ phủ và chốt Bưu điện, kéo dài 49 tiếng đồng hồ.
Ước tính tiêu diệt 360 tên địch, phá hủy 6 xe tăng, ít nhất 2 xe vận tải và 2 xe bọc thép. Một máy bay bị bắn cháy.
Ít nhất 20 chiến sĩ hy sinh, chưa tính lực lượng du kích.
Được đánh giá là trận chiến mở màn khốc liệt nhất thế kỷ XX tại Đông Nam Á, phá vỡ hoàn toàn kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp, làm chậm chiến dịch "dầu loang" ít nhất 4 tháng, là tiền đề quan trọng cho những chiến thắng của quân đội thuộc địa trên khắp mặt trận Đông Dương.
Tên tuổi của những chiến sĩ Vệ quốc đoàn và các thành viên lực lượng du kích được trang trọng ghi vào một trang lớn trong Bảo tàng Hà Nội."