Gã Do Thái phương Đông

Chương 2

Chương 2

Phương trở về căn phòng tối tăm của mình nơi trước khi xảy ra thảm sát, cả một khu nhà ở rộng lớn chỉ còn có một mình anh. Nơi anh đứng hiện tại không còn thấy một bóng người hay một hơi thở còn thèm chút sự sống nào nữa, có chăng cũng chỉ là những cảm giác rợn người bởi gió lạnh đã gần kề nơi gáy. Hơn hai trăm người trong khu của anh đã vĩnh viễn không còn có thể gặp lại họ nữa. Phương ngồi thất thần trên cái giường vừa hôi hám vừa rách nát của mình, phía trên anh là chỗ của Aurek Wójcik, một anh chàng vui tính, dễ thương và chưa từng gần gũi với đàn bà. Cái giường đằng trước là của lão Bogusz Ackermann, một lão già khó tính và keo kiệt nhưng được cái là người nhiệt tình, dũng cảm nhất trong cả nhóm, tất nhiên là đừng dư hơi hỏi xin thứ gì đó vì lão không bao giờ cho đâu. Ngoài ra còn có Dominik Dzsudzsák, một gã người Hungary luôn luôn tỉ mỉ trong công việc, tuy ít nói nhưng rất khỏe vì nghe đâu tay này từng là lính phục vụ quân ngũ cách đây không lâu lắm.

Và còn thêm rất nhiều người nữa mà đa số là người Do Thái đang chen chúc nhau trong cái căn phòng, đúng hơn thì là cái buồng, ngột ngạt thiếu dưỡng khí này, Phương đếm nhẩm căn phòng này đã từng có đến mười bảy người trong khi lý thuyết chỉ là sáu. Tất cả những người trong phòng của Phương đều là đội thợ sửa giày giống như Phương, họ bị vây ráp chủ yếu từ Warszawa giống như anh. Và cũng giống như hàng ngàn thân phận tại trại tập trung ở Chełmno này, chúng chỉ giữ lại những người đóng giày, thợ kim hoàn, thợ mộc và thợ may mặc. Chỉ một nhúm người ấy là còn cơ hội sống sót, ít ra là lâu hơn những người khác, vì những nhà thơ, nhà văn hay thậm chí là giáo viên, học giả đều được đưa đi "tắm sớm" trong một cái buồng rất lớn nằm bên phía Bắc của trại. Chỉ có một màu khói đen kịt bốc lên chứ chưa bao giờ có một người nào trở lại từ nơi ấy cả. Cảnh vật vắng lặng như tờ khiến cho anh cảm thấy xúc động, một vài dòng chữ mà Aurek còn lén lút viết chưa kịp xong, ba lát bánh mì mùn cưa mà lão già Bogusz còn giấu nhẹm ở dưới gối nằm.

Hết rồi, tất cả đã chết hết, tệ hơn anh là người sau cùng phải chứng kiến cảnh từng người thân thiết cuối cùng phải chết một cách tức tưởi. Khốn khổ nhất là khi ngã bệnh tại cái nơi chết tiệt này, ở đây không có tiểu trại để nhét lũ kiết lị, bệnh tậ hay đang hấp hối vào chung, cứ bữa sau không còn khỏe mạnh là bắn bỏ, có vài người còn sống nhưng cũng vẫn được đưa thằng vào lò thiêu, vì họ làm đến kiệt lực nên không còn hơi sức để động đậy. Đầu tiên là thằng bé Dworsky, thằng nhỏ mười hai tuổi tinh ranh nhưng hiền hậu, đáng yêu, đứa mà anh thương quý như em ruột đã bị một phát đạn xuyên đầu khi nó cố gắng chạy thoát khỏi trại tập trung lúc mà các anh lớn đã mở đường. Thằng bé nó gục xuống và bị hàng dài mìn nổ mất dạng dưới sự cười đùa, hú hét thích thú của đám lính Đức. Dominik là gã quân nhân, bị bắn chết đầu tiên để làm gương cho những tên Do Thái khác trong lúc đào hố chôn tập thể, và chính lão Bogusz là người châm lửa khô đốt xác anh ta trước khi lão cũng nhận lại kết cục y chang như vậy ở tốp người sau. Trong giây phút cuối cùng cận kề cái chết, khi thằng Julian hay hành hạ nhóm thợ giày bọn họ đã lên sẵn cò súng thì Olek, người bạn thân như hình với bóng đã dũng cảm đẩy Phương nằm sấp xuống đất. Khi bị lôi lên thì anh mới nhận ra xác người bạn đã đè lên chắn đạn cho mình, bị bắn tan nát, không còn nhìn ra được đó là thân hình của một con người. Phương ăn nốt số bánh mì mà lão già Bogusz đã giấu vì quá đói, anh vừa ăn vừa khóc đến thảm thương. Hiện tại thì anh chẳng còn biết số phận của mình ra sao khi bọn Phát xít đã giữ chặt anh trong tay, không tự do nhưng cũng không giết anh. Và cái cảnh ám ảnh chứng kiến từng người Do Thái trong trại tập trung này bị bắn chết lại cứ thế tiếp tục xảy ra trước mặt anh, một sự ghê tởm mà anh cảm giác van xin được chết sẽ dễ dàng hơn là phải nhìn từng người mà anh còn quen biết ngã xuống. Phương cứ thế vừa ăn vừa khóc ròng rã một tiếng đồng hồ, và hiện tại cũng chẳng ai có thể làm phiền Phương. Người Do Thái, không, vì họ bị thảm sát sạch sẽ rồi, bọn Đức, không, vì chúng không thể giết anh bởi mệnh lệnh từ đại tá. Anh cứ thế tự nhốt mình trong căn phòng thêm hai tiếng liền cho đến khi trời bắt đầu về chiều. 

Một tràng tiếng súng nổ vang lên, có vài người xấu số đã bỏ mạng, đó là vài kẻ không may mắn có mặt trễ trước khi giờ điểm danh tù binh buổi sáng bắt đầu. Phương cũng là một trong những kẻ như thế khi ngày hôm qua đại tá Ludwig đã bắt anh ở lại chỉ cho hắn những từ vựng tiếng Việt đến tận hai giờ sáng. Bốn giờ rưỡi sáng thức dậy, đôi mắt quầng thâm của anh là đủ để thể hiện sự mệt mỏi vì gồng việc quá sức trong vài ngày liền. Riêng thằng Julian thì không nghĩ thế, nó không muốn tỏ ra thông cảm với Phương vì anh có kim bài miễn tử sẵn rồi nên nó ức lắm, nhưng nó vẫn nhẫn nại đợi cho anh bước vào hàng. Chỉ vừa đợi anh đứng thẳng người thì thằng Julian sấn tới rồi phi một cước thật mạnh vào bụng Phương, cú đá bất ngờ khiến cho anh cảm thấy đau điếng và từ từ đổ gục xuống đất. Thằng Julian vừa tiện chân vừa sút thẳng vào đầu Phương vừa chửi đổng lên.

- Thằng súc sinh, mày nghĩ có đại tá là mày không chết được à? Đồ con mọi dơ bẩn, mày thích trễ nải lắm đúng không? Mày cứ trễ mỗi ngày đi, rồi tao sẽ đập bể đầu mày mỗi ngày. 

Thằng Julian thì cứ thế đạp túi bụi, Phương cứ thế nằm co ro xuống nền đất, ôm cứng lấy thân thể và không mở ra một tiếng van xin nào. Đợi đến khi bị thằng Đức đánh cho chán chê thì anh cũng tím rịm cả người, khuôn mặt và mí mắt thì biết bao nhiêu vết bầm sâu hoắm, nhìn chẳng khác gì thằng bị hủi lâu ngày. Anh cố hít từng hơi tàn để lết đến phòng sĩ quan cho kịp giờ. Bộ dạng te tua đến thảm thương cũng không làm Ludwig mảy may động lòng, gã chỉ chưng hửng nói:

- Hôm nay anh trễ của ta năm phút.
- Dạ rất xin lỗi ngài, tôi sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm này một lần nào nữa.
- Được. Thế này nhé, cứ mỗi phút anh đến trễ mặc kệ lý do. Ta sẽ bắn chết một thằng Do Thái ngoài kia. Rõ chứ? Cứ thế mà làm nhé.
- Rất rõ rồi thưa ngài.
- Tốt. Thế hôm nay chúng ta đến đâu rồi.

Cứ thế đã được gần một tháng và buổi sáng nào cũng là một sự tra tấn đối với Phương vì anh vừa phải làm quần quật công việc cũ của mình là một thợ sửa giày và vừa phải làm nhiệm vụ chỉ dạy tiếng Việt cho gã sĩ quan. Và cứ mỗi sáng như thế Phương phải luôn giật thót tim nếu như nhận ra mình đã đến văn phòng sĩ quan trễ vì cái giá mạng người là một thứ gì đó rất đắt mà gần như anh không dám nghĩ đến khi để họ chết vì sự trễ nải của anh. Nhưng dường như thì mọi việc không mấy êm đẹp vì trước sau gì cũng vẫn có người Do Thái xấu số chết vì sự bất cẩn của Phương. Chính xác thì đó là ngày thứ bảy, và Phương đã trễ lần thứ hai, người trừng phạt anh lúc ấy không phải là thằng Julian mà là thằng Bastian. Với anh thì thằng Bastian này thì còn mất dạy hơn cả thằng Julian quê Leipzig, Bastian không đánh đập Phương, nhưng nó trừng phạt anh bằng nhiều trò quái đản. Nó kéo lão già Ovadia vốn ngày xưa là một nhạc công violon ra mà kéo vài điệu vĩ cầm giữa sân, đoạn nó bắt phải có hai mươi người đứng dạng chân ra thành một vòng tròn. Xong việc, nó gỡ bao tay ra mà vỗ vai Phương với điệu cười dơ bẩn.

- Mày thích nhảy không? Thằng Ba Lan? Để làm cho buổi diễn nó đặc sắc hơn thì tao muốn mày chui xuống háng năm người rồi đứng hát cho tao nghe, cứ thế làm hai lần cho tao. Mày thích bài gì nhỉ? À! Il faut m’oublier đi chứ nhỉ!

Phương căm phẫn trong lòng nhưng cũng không hề dám kháng cự, anh bò từng bước một qua vành chân của năm người rồi lại đứng dõng dạc hát từng lời nhạc Pháp như một thằng hề trong gánh xiếc. Lòng anh đau nhói, sự hận thù trong con người dâng lên cao độ khi thằng khốn Phát xít cố tình muốn hạ nhục anh, làm cho anh trở thành một thằng hèn hạ, quỵ lụy. Nhưng chẳng hiểu vì một sự thúc ép vô hình nào, mà anh vẫn ngoan ngoãn làm theo đến cuối cùng. Vừa bò như một con dê qua luồng chân của mọi người và đứng lên nhảy điệu Cossack trước mặt bọn Đức khiến cho Phương hoa cả mắt vì vốn dĩ sức khỏe của anh dạo này không hề ổn một chút nào. Thằng Bastian thì không cần quan tâm đến việc ấy, nó cứ thế mà khoái chí ngồi cười sằng sặc, bọn lính Đức đứng gần đó cũng cười lớn thành tiếng khiến cho Phương điên tiết. Hậu quả của việc làm trò đó là việc Phương đến văn phòng trễ hai phút, và Ludwig chờ đợi anh trong một bộ mặt lạnh như tiền.

Nhìn thấy anh bước vào phòng với bộ dạng mệt mỏi, lếch thếch, hắn thấy hết, thấy rõ nữa là, qua cái điệu thở không ra hơi của Phương. Nhưng cũng chỉ có thế thôi, hắn vẫn lạnh lùng đáp:

- Trễ bao nhiêu phút rồi?
- Dạ,… dạ hai phút thưa ngài.
- Gọi mẹ con Veronika ra đây.
- Nhưng thưa ngài! Xin ngài…..
- Gọi ra đây. Mau!

Ludwig gầm lên một tiếng thật đanh, cái chất giọng bắc Đức điên cuồng của hắn lấn át hoàn toàn sự van xin trong vô vọng của Phương. Anh lủi thủi dẫn mẹ con Veronika đến trước mặt Ludwig, nơi hắn đang chờ sẵn cùng với khẩu súng đang được lắp đạn. Phương dường như biết chắc được mẹ con cô gái tội nghiệp này sẽ chết thay cho lỗi lầm của anh. Anh quỳ xuống bên Floran, con trai của Veronika, vừa khóc vừa hôn lên trán đứa bé. Cả Veronika khi thấy Ludwig trong tay với khẩu súng cũng hiểu chuyện, khuôn mặt thanh tú của cô đã đẫm lệ vì sợ hãi nhưng thần sắc tuyệt nhiên vẫn là sự điềm tĩnh một cách lạ thường. Dường như sau khi trải qua quá nhiều điều khủng khiếp trong cuộc đời thì sự chết vào lúc này đối với cô nó cũng chẳng còn là điều quá khủng khiếp nữa, miễn là hai mẹ con Veronika luôn được bên nhau.

Chỉ riêng thằng bé Floran, sáu tuổi là vẫn ngây thơ không hiểu chuyện gì xảy ra, nó vẫn hồn nhiên hỏi Phương:

- Sao chú lại khóc nhiều dữ vậy chú Phương? Chú không muốn dẫn con đi ăn đường hả?
- Không phải đâu Floran con ơi, chú muốn chứ. Chú thương con lắm, nhưng mà hôm nay chú cháu mình phải chia tay nhau rồi con. Chú thương con lắm, tạm biệt con.

Phương ôm thằng bé và khóc, tiếng khóc không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt tiếc nuối mà thôi, khi anh vừa rời vòng tay thằng bé thì tiếng nổ chát chúa từ khẩu súng lục của Ludwig nổ ra, trong chớp mắt nó đã cướp đi sinh mạng của thằng bé Floran. Veronika vẫn đứng, cô ôm xác con trai, nhìn Ludwig với đôi mắt phẫn nộ, vừa căm thù nhưng cũng vừa bất lực. Nước mắt nóng hổi chảy ra liên tục trên đôi mắt căm phẫn đang nhìn trừng trừng về phía thằng Đức của Veronika, hắn vừa cướp đi linh hồn của đứa con bé bỏng từ tay cô, tiếng nghiến răng giận dữ có thể nghe thành từng tiếng ken két một cách rõ ràng. Ludwig thì không thèm quan tâm, hắn bật vỏ đạn đã bắn ra một bên và tiếp tục nhét thêm một viên khác vào. Tiếng gạc viên đạn tiếp theo từ khẩu súng Luger vừa dứt, rõ ràng là gã đại tá Ludwig không nói chơi, đôi mắt hắn lạnh tanh chĩa thẳng vào Veronika không một chút thương xót. Trong những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời, cô vẫn còn đủ sức và tỉnh táo để nhìn thằng vào mắt Ludwig và văng tục về phía tên đại tá bằng tiếng Ba Lan.

- Ty niemiecki psie, pewnego dnia zostaniesz zadźgany na tej polskiej ziemi. Nie wybaczamy ci, draniu.[Đồ chó Đức, ngày mày bị đâm chết như con chó trên đất Ba Lan rồi cũng sẽ đến thôi. Bọn tao không tha cho mày đâu, thằng súc sinh]

Đoàng! Tiếng súng giật lên cũng lấy đi nước mắt của người mẹ đang căm phẫn bọn Phát xít. Hai mạng người đã ra đi hôm nay thay cho sự bất cẩn của Phương mà đáng lẽ họ không đáng để chết, và cũng không đáng để chết bởi thứ luật lệ vô lý từ bọn Đức. Ludwig nhúng đầu súng vào một cái bể cá, rồi lau nó như không có gì xảy ra. Phương đứng nhìn cảnh tượng khủng khiếp ấy mà ngây cả người, dường như nỗi sợ chết đã cướp hết đi những sinh khí còn sót lại trong người Phương. Tay chân anh gần như tê dại và đôi mắt vô hồn chỉ biết nhỏ khẽ những giọt nước mắt khi chứng kiến cái cảnh Ludwig hành quyết hai mẹ con Do Thái ngay trước mặt anh. Về phần Ludwig thì trái ngược hẳn, mặt gã điềm tĩnh nhìn về phía Phương, sau khi đã lau khô khẩu Luger của mình.

- Nay chúng ta tới đâu rồi?

Phương đứng đó, sượng trân từ đầu đến đuôi, chứng kiến cảnh tượng vô cùng khủng khiếp vừa xảy ra trước mặt khiến cho Phương mất hết tinh thần của cả ngày hôm nay. Veronika là một cô gái rất tốt, một người phụ nữ chăm chỉ và can đảm, vì có chồng là người Đức mà bị tống giam vào đây, và rồi hai mẹ con cô đã chết thay cho những sai lầm của Phương. Bấy nhiêu đó thôi đã khiến Phương cảm thấy ân hận suốt mấy ngày liền, cũng từ cái khoảnh khắc khủng khiếp ấy khiến anh gần như hoạt động như một cỗ máy. Lúc nào cũng răm rắp tuân lệnh và hầu như việc giờ giấc chưa bao giờ Phương dám để bê trễ một giây phút nào vì anh biết rằng rồi sẽ có nhiều người nữa phải chết nếu như anh còn trễ thêm một khắc nữa. Bọn Đức đã tàn sát cả ngàn người Do Thái ở đây nên anh không thể để thêm bất kỳ một người Do Thái nào phải đổ thêm máu nữa. 

Rốt cuộc thì cái việc hoạt động như một cỗ máy ấy cũng không khiến cho việc thanh tẩy người Do Thái chậm lại khi cứ vẫn vài ngày thì vài nhóm người được-cho-là-hạ-đẳng bị tàn sát vẫn diễn ra như cơm bữa. Người mới cứ đến và người cũ cứ chết chùm ngay tại thị trấn mà hầu như không có một người Ba Lan nào ở ngoài có thể biết được những người Đức trong trại tập trung này đang làm gì với những người đồng hương của mình. Chỉ duy nhất đúng một lần có một anh chàng là sĩ quan Ba Lan, tên Witold Pilecki, có cái họ trùng với Phương trà trộn vào được hàng ngũ Do Thái với vài người anh em cách mạng. Nhưng cuộc nổi dậy cũng sớm bị dập tắt khi những người anh em cách mạng của Pilecki bị treo cổ công khai tại giữa quảng trường của thị trấn Chełmno còn anh chàng Witold thì may mắn cao chạy xa bay, để lại cho mấy hàng cây ở thị trấn một đống tro người. Và cứ một năm như thế, Phương vẫn miệt mài đến văn phòng sĩ quan và người Do Thái cứ miệt mài biến mất từ ngày này qua tháng nọ còn việc họ đi đâu thì không còn có ai đủ sức để bận tâm nữa rồi. Còn cuộc nổi dậy của du kích Ba Lan? Anh chẳng còn hơi sức mà mong đợi nữa vì mấy năm nay người hạ-đẳng vẫn bị nô dịch và vẫn chết, chẳng có một cuộc giải thoát nào cả, trong từng ấy năm.

Nhờ mỗi ngày có hai lần lui đến văn phòng sĩ quan mà Phương có nhiều cơ hội để nghe ngóng tin tức từ phía bên ngoài thông qua những tờ báo từ bọn sĩ quan. Qua những lời trao đổi của bọn sĩ quan và đám binh lính mà Phương biết được nhiều tin tức rất quan trọng, từ việc Mussolini bị bắn chết tại Milan, các cuộc tấn công của quân Đồng Minh tại Bắc Phi cho đến cuộc đổ bộ tại Normandie, Pháp. Chiến sự dường như càng ngày càng trở nên bất lợi cho liên minh Đức- Ý khi liên quân Mỹ- Anh và lính Pháp tự do đã bắt đầu kiểm soát Paris, còn phía Đông thì lính Liên Xô đang bắt đầu tràn vào cửa ngõ Ba Lan. Bất chấp đó là những tin tức xấu thì cái trại tập trung Kulmhof vẫn hoạt động như bình thường làm như không có chuyện gì xảy ra, các nhóm quân cách mạng thì hầu như đã biến mất khỏi Chełmno để hoạt động mạnh ở khu ghetto trong Warszawa. Hết lần này đến lần khác Phương đâm ra thất vọng tột cùng vì các tin tốt từ phía Đồng Minh đều tới dồn dập mỗi ngày, nhưng hầu như không ai thèm đoái hoài những gì đang xảy ra tại cái thị trấn bé như lỗ mũi này. Sự ám ảnh vẫn hàng ngày hiển hiện tại nơi đây, không có một dấu chỉ nào cho thấy việc các tù nhân ở Kulmhof được cứu rỗi đang đến và điều ấy làm anh sợ hãi khi nghĩ đến số phận của mình sẽ ra sao khi chiến tranh sắp kết thúc. Vì vậy mà lúc này Phương cần một động lực với tính toán to lớn hơn, trước khi mọi chuyện bắt đầu không thể cứu vãn được.