Gã Do Thái phương Đông

Chương 1

Chương 1

Tám giờ sáng ngày 17 tháng 9 năm 1942, vùng đất Ba Lan đầy sình lầy và chết chóc này vẫn luôn trưng ra cái không khí rầu rĩ, tẻ nhạt vì ban ngày đã héo hắt ánh nắng đến nản lòng. Chết chóc là phải rồi, đây đã là năm thứ tư của cuộc chiến tranh giữa người Đức và những kẻ ngoại lai. Bước chân của những gã German đã biến cho cái đất nước đẹp đẽ, vui tươi vốn đang thấp thỏm bởi sự nhòm ngó của mấy tay Bolshevik nay không còn phải âu lo nữa vì người Đức đã thay cho người Nga làm cỏ nguyên một đất nước rộng lớn, giàu có này bằng sự xuất hiện của hàng ngàn binh lính Phát xít hiếu chiến. Chém giết, diệt chủng, khủng bố đã dần dần được coi là hiển nhiên và bình thường như chuyện gặm miếng bánh mì mùn cưa tại cái xứ Đông Âu này giống như thiên nhiên của Ba Lan vốn rực rỡ. Và hôm nay cũng vẫn như mọi ngày, vẻ úa tàn màu vàng đỏ của mùa thu đã nhuộm thắm những lá cây của rừng lá kim ôn đới bất chấp bầu trời của ngày thu đã xám ngắt, không một cơn gió mùa, không mây trôi, ánh nắng thì héo hon, gầy mòn đang dò dẫm trên từng vạt đất trên khu rừng do những tán cây không còn muốn níu kéo.

Như mọi ngày, Elke Kehl vừa quậy ly cà phê vừa nhìn vào bản danh sách với vẻ mặt suy tư, hôm nay lệnh của cấp trên phải giết gấp đôi số Do Thái trong trại. Vẻ mặt Aryan của hắn nhăn đi vì suy tư, không biết nên giết bọn Do Thái bằng cách nào để cho kịp mệnh lệnh của cấp trên giao. Hắn vừa nhâm nhi và trầm tư vì cái chất đậm đà của ly cà phê kiểu Ý, vừa nhẩm đoán. Vì cứ cách hai ngày là hắn được lệnh giết một trăm người nhằm làm cho trại tập trung Chełmno thoáng chỗ mà đón người khác. Nội một trăm thôi cũng là đủ làm hắn đau đầu vì cái thị trấn bé như lỗ mũi đào đâu ra thêm những cái mả tập thể mà chôn người nữa bây giờ. Cho nên việc làm sao giết hai trăm người là mệnh lệnh của ngày hôm nay cũng là một bài toán đủ làm hắn đau đầu vì vốn dĩ hắn không hề thích việc phải suy nghĩ tính toán quá nhiều. Hơn nữa, việc lùa bọn tội phạm ra bên ngoài thủ tiêu chỉ là chuyện họa hoằn lắm nếu bỗng dưng lò thiêu một ngày không thể đốt hết được đám xác chết đang xếp thành lớp lớp trong sân, cho nên đây luôn là một công việc khó chịu, hắn thích lùa cả lũ "đi tắm sớm" rồi cho vào lò, xem ra vậy nó gọn lẹ hơn.

Khác với nhiều tên SS, Elke lại là một người si mê nghệ thuật và thần tượng hội họa, hắn luôn cố bắt chước sao cho giống như Quốc Trưởng kính yêu của hắn. Cho nên, một người có đầu óc nghệ sĩ như hắn không nên làm mọi thứ một cách vội vàng. Trước khi làm bất kỳ công chuyện hệ trọng nào hắn đều muốn dành ra một chút thời gian để thư giãn một mình trước. Thêm một điều đau đầu nữa hiện lên là việc nên giết bọn Do Thái này bằng cách nào nữa đây mới mệt, dùng súng máy thì tốn đạn mà lại sẽ có thằng láu cá trốn thoát, thế thì hỏng mẹ nó việc. Bắn vào đầu từng thằng thì cũng phí thời giờ mà cắt cổ hay treo cổ thì rườm rà. Suy đi nghĩ lại hắn vẫn sẽ quyết định xài cách cũ, bắn vô đầu là tốt nhất, tuy cũ nhưng hiệu quả. Cũng giống như âm nhạc của Wagner, tuy cũ nhưng luôn mê hoặc và say đắm, cổ điển thường lãng mạn. Xong, công đoạn sửa soạn cho việc bắn giết thế là xong, hắn xoa tay để tự cảm thấy hài lòng chính mình. Hắn châm điếu thuốc và nở nụ cười lạnh như băng nhưng quái dị nhìn ra khu rừng đang ngập tràn sắc đỏ từ ngôi nhà gỗ của thị trấn. Rồi đây thì một chút nữa những cái cây đỏ sắc này sẽ được tưới bằng một loại nước cũng màu đỏ, vừa tanh tưởi vừa man rợ.

Chełmno, một thị trấn nhỏ nhắn và xinh đẹp nằm lọt thỏm ở phía bắc của Ba Lan, nơi có con sông Wisla chảy qua một phần và cũng nhỏ nhắn, xinh đẹp như cái cách mà người ta hình dung ra thị trấn mỗi lần rùng mình vì món phô mai hun khói Oscypek và ly Vodka nồng đượm. Cũng rất nhanh chóng, người Đức gần như cũng rất thích cái thị trấn be bé, dễ thương này bằng cách để lại hẳn một trại tập trung ngay tại đây. Và cứ thế, ngoài người Do Thái đang chết chùm như một lũ chó trong trại tập trung, người Ba Lan sống lay lắt, sợ hãi như một bọn cùi hủi thì dường như thiên nhiên không có vẻ gì là phản đối việc có mặt của người Đức. Vì hầu như những cánh rừng sâu hun hút, những ngọn đồi sặc sỡ màu sắc luôn được chăm bẵm bằng một thứ phân bón bổ dưỡng và hầu như chưa bao giờ thiếu; xác người Do Thái. Xác người Do Thái tràn ngập khắp thị trấn, có thể là bị bắn hoặc cán chết trên đường do lính Đức "lỡ tay". Một số thì được treo cổ trên mấy cái giá gỗ giữa quảng trường để mấy gã Ba Lan cách mạng có nơi mà "gặp mặt" đồng đội. Phần thì ôm khít nhau trong phòng hơi ngạt, phần thì yên giấc ngàn thu trong mấy mét đất tại các cánh rừng lá kim bạt ngàn. Nhưng đa phần, mấy hàng cây dài thậm thượt tại thị trấn hay các cánh rừng luôn được chăm sóc kỹ càng bởi tro, là tro từ xác đám Do Thái được đốt ra, và cái thị trấn này thiếu gì chứ tro thì vô tư.

Và hôm nay cũng như mọi ngày, giờ phút này là thời khắc mà lính Đức gọi là lúc "tinh gọn dân số", bởi vậy mà chúng háo hức từ sáng sớm đến giờ. Dường như đây là một thú vui giải trí tiểu khiển thân thuộc vì chưa bao giờ người ta thấy vẻ chán chê của lính Đức khi được bắn giết những tên hạ đẳng. Trái lại bọn lính còn rất phấn khích khi nở những nụ cười súc sinh nhìn mấy thân thể bị bắn, bị găm đang hấp hối và giương đôi mắt căm phẫn chúng trong những giây cuối cùng lìa đời. Uống đến những giọt cuối cùng, Elke nhìn ly cà phê trong tiếc nuối vì hắn vẫn còn lưu luyến cái vị đắng đậm của giọt cuối cùng. Hết cà phê rồi, thế là giờ phải bắt đầu đi tinh gọn dân số thôi. Hắn đứng ưỡn người, đeo bao tay và trèo lên chiếc Mercedes có tài xế đợi sẵn rồi phi thằng về phía trại Kulmhof.

Cánh cửa trại tập trung vừa mở, mùi hôi hám, sợ hãi của đám người Do Thái trào ra ngoài. Tên hạ sĩ quan phụ trách việc kiểm kê số tù nhân lon ton bước theo sau Elke. Lạnh tanh, hắn lướt đi một đoạn những tù nhân Do Thái đang đứng xếp hàng, run cầm cập như cầy sấy. Hắn đi một vòng, quan sát và tận hưởng uy quyền của mình từ nỗi sợ đang nhảy bập bùng trong ánh mắt của đám tù nhân, hắn bước đến một thân thể khô đéc và lạnh lùng: "Mày". Cứ chỗ nào Elke đứng lại thì tự động bọn lính tràn vào và bắt đúng hai mươi người ra ngoài. Chưa đầy mười lăm phút cuộc đời, hai trăm người xấu số được lùa đi như bầy vịt lên xe chở lính, ngồi vắt vẻo như đám gia cầm trên mấy chiếc xe đang chầm chậm tiến đến bìa rừng. Thành xe vừa bật xuống, lệnh đào hố khiến cho đám tù nhân nhanh chân lẹ tay đào mà không một chút phản kháng. Những tấm thân gầy còm, có người mắt môi khô cứng như xác chết cố găm những vệt xẻng vô mảnh đất cứng ngắc khi trời bắt đầu gần mùa đông. Sự sợ hãi ngày một tăng cao khi cái hố ngày càng sâu, nhưng sự run rẩy cũng sớm thay bằng sự hốt hoảng khi một tù nhân xấu số bị bắn thủng sọ để làm gương trước mặt những người khác.

Vậy là cái hố sâu thăm thẳm chẳng mấy chốc được đào xong. Elke vừa ngồi trên chiếc Mercedes của hắn vừa ung dung hút điếu thuốc, nhìn bầu trời yếu ớt nắng bằng vẻ mặt phiêu lãng cứ như hắn không biết rằng sắp có một cuộc tàn sát tập thể sắp diễn ra. Hắn đằng hắng giọng, thế là đám lính cứ lùa từng tốp hai mươi lăm người lên trước miệng hố. Đùng! Từng tiếng nổ chát chúa kéo thành hàng, hai mươi lăm cái xác gục ngã xuống miệng hố. Những người Do Thái còn lại đang đứng nhìn từng tốp người cùng dòng máu của mình bị giết, có người gào rú thất thanh như thú điên, có người run cầm cập. Có người thì mặt lạnh như băng khi nhìn thấy những người khác gục chết, họ chỉ cúi đầu tiễn đưa khi họ đã ngã quỵ xuống nền đất lạnh. Cứ một tốp vừa gục xuống, một đống lá cây khô và xăng được đổ lên làm cho lửa cháy thật lớn, mùi thịt người khét lẹt bốc lên trên cao và ngọn lửa cao đến gần tận miệng hố hơn mười lăm phút. Và cứ thế cái vòng tuần hoàn ấy sẽ được kéo dài liên tục cho đến khi lính Đức dọn dẹp xong tốp thứ tám. Nhưng tốp cuối cùng cũng là đám người làm hắn mệt mỏi khi đáng ra hắn có thể được thảnh thơi đi đến quán bia ở quảng trường mà chơi bời với mấy em út ở đó. Lính Đức đang gầm lên vì một gã người Ba Lan.

- Đồ chó Ba Lan, thằng mọi Do Thái này. Mày dám láu cá qua mặt bọn tao à.

Những tên lính Đức vừa gầm lên điên tiết vừa đá túi bụi vào người một gã Ba Lan vì anh ta là tay khôn lỏi khi nãy đã gục ngã trước để tránh bị đạn bắn khi lính Đức kịp bắn chết tốp người còn lại. Anh người Ba Lan thì cứ thế co người, vừa rên rỉ bằng tiếng Đức vừa bằng một ngôn ngữ khó hiểu. Cánh tay Ba Lan giơ lên trên một mảnh giấy nhỏ, xỉn màu và khó nhìn. Cái cảnh tượng ấy làm cho Elke phải chú ý, hắn cảm thấy rất bực bội và muốn giết quách thằng ôn con kia. Nhưng cái bản tính rõ ràng, rạch ròi của người Đức đã ngăn hắn lại, hắn muốn tìm hiểu cho rõ mọi chuyện nên đã ra lệnh ngăn một thằng lính Đức toan cầm khẩu súng lục để bắn chết người Ba Lan. Ba Lan vừa được giải đến trước mặt Elke, hắn ngó qua một vòng gã này. Nhìn vừa châu Âu vừa châu Á, tóc vàng nhưng mắt đen bóng, tóc nhiều và sẫm vàng hơn nếu so với người Ba Lan rặt. Chỉ có thể là người Di gan hoặc người Nga châu Á mà thôi, Elke đoán thế. Hắn bước đến, đứng trước người Ba Lan hỏi bằng tiếng Đức: 

- Thằng kia. Mày ở đâu, tờ giấy kia là cái gì?
Tay người Ba Lan vừa quỳ bằng hai chân vừa thở dốc. Anh ta lôi trong túi ra mấy mảnh giấy, giọng nói vừa run rẩy vừa ráo hoảnh:
- Thưa ngài! Tôi là người có gốc Việt Nam, cha tôi là người Ba Lan. Tôi không hề là người Do Thái thưa ngài. Tôi là người Việt Nam.
- Đưa tờ giấy đó cho tao coi.

Elke cầm tờ giấy của gã Ba Lan, đó là tấm chứng minh thư của anh. Tấm hình có rõ mặt anh và cả họ tên của anh; Smuel Phương Pilecki. Anh Ba Lan còn giữ thêm một tờ giấy nữa, chính là tờ giấy nhập tịch Ba Lan của anh lúc gia đình trở về châu Âu sau khi cha anh đã dành mười lăm năm tại xứ Đông Dương, làm ăn và lấy mẹ anh là một cô gái Gia Định chính hiệu. Elke vừa cầm mảnh giấy vừa khó hiểu, bởi trước khi lùa đám tù nhân vào thì hắn lục soát rất kỹ, vậy mà cuối cùng vẫn có một thằng lọt qua được:

- Tại sao mày lại có những mảnh giấy này? Gia Định là nơi nào? Tại sao mày có mặt ở đây.
- Thú thật với ngài, tôi không phải là người Đức nên chúng tôi chỉ được lệnh nộp hết tài sản cá nhân cho các ngài. Còn mảnh giấy hoặc đôi giày, bao tay được các sĩ quan cho phép giữ lại thưa ngài.
- Vậy còn mới cái nơi ghi loằng ngoằng trong giấy là thế nào? Gia Định là nơi nào? Nói.
- Gia Định là quê mẹ tôi tại Việt Nam, liên bang Đông Dương thưa ngài. Tôi chỉ vừa về Ba Lan và nhập tịch để làm việc hơn mười năm nay thôi, trước chiến tranh tôi là thợ đóng giày.

Phương vừa nói vừa ráo hoảnh khi trả lời Elke, giọng nói của anh đôi khi trở nên lạc giọng vì quá sợ hãi. Gã sĩ quan Đức kia có vẻ hơi hơi tin những gì mà Phương nói sau khi hắn thấy rõ được con dấu và vài chữ ký nhìn-có-vẻ-uy-tín trong đống giấy tờ của anh Ba Lan. Mới nãy, hắn cũng đã giết vài trăm người nên cái máu sát sanh của hắn cũng dịu đi phần nào. Cái bản tính của Elke cũng y chang như Quốc trường, hắn rất ghét những công chuyện lấp lửng như thế này bởi hắn đa nghi và không tin tưởng một ai. Trong trường hợp hắn không tin tưởng ai đồng nghĩa kẻ đó bị loại bỏ ngay tức khắc, nếu như hắn là chỉ huy trưởng của cả trại thì thằng Ba Lan trước mặt hắn xong đời từ lâu. Nhưng trên hắn còn là những cây đa đề và cả thằng trợ lý của Elke cũng là do cây đa đề cài vào theo sát hắn, nên Elke ráng nuốt cục tức mà giữ Ba Lan về báo cáo, hắn nhìn thằng tạp lai mà nói, đanh giọng.

- Mày là người Việt Nam?
- Dạ đúng thưa ngài, tôi xin cam đoan.
- Được, nếu mày không phải Do Thái hay bọn gián điệp Nga thì tao sẽ giao mày cho đại tá, để ông ấy tự xử lý. Nhưng nếu tao mà phát hiện mày là thằng Do Thái hay là một thằng Bolshevik giả dạng, chính tay tao sẽ moi tim của mày. Nghe rõ chưa?
- Dạ rõ thưa ngài. Dạ rõ thưa ngài.

Hăm dọa xong, đoạn hắn lệnh cho binh lính vứt Phương lên chiếc xe đã chở hai trăm người Do Thái lúc nãy đi về lại trại tập trung. Chúng không giết Phương, nhưng giao Phương cho đại tá Ludwig Müller, Ludwig là tay sĩ quan có chức vụ gần như là cao nhất tại Kulmhof, là chỉ huy trưởng của trại. Hắn nắm giữ nhiệm vụ việc đưa chuyển người Do Thái đến đây từ Warszawa và các trại ở Đức, các kế hoạch tàn sát tại Chełmno đều một tay hắn thi hành. Cũng như Elke, hắn cũng cảm thấy lạ lẫm về nguồn gốc và thân phận của Phương vì hầu như trong trí nhớ của hắn, Việt Nam là một quốc gia vô danh tiểu tốt. Và chưa bao giờ là một điều gì đó nổi bật để hắn phải đếm xỉa vào. Nhưng có một thằng tự xưng là người Việt Nam xuất hiện tại đây khiến cho hắn cảm thấy vô cùng khó hiểu, vì vậy mà cuộc tra hỏi của hắn diễn ra với tốc độ dồn dập khiến cho Phương đôi lúc run như cầy sấy vì cái sự điềm tĩnh lạnh sống lưng của gã đại tá.

- Tiếng Đức hay Ba Lan?
- Ttiếng Đức thưa ngài.
- Mày là người Việt Nam? Đó là nơi nào và tại sao mày có mặt tại đây, nói cho cụ thể ra nếu mày còn quý cái mạng của mày?
- Dạ thưa ngài, tôi là Smuel Phương Pilecki, cha tôi là một người Pháp gốc Ba Lan đã từng sinh sống tại Việt Nam theo lệnh di cư làm ăn của chính phủ Pháp. Cha tôi lấy mẹ tôi là người Việt Nam và đẻ ra tôi, chúng tôi sống tại thành phố Sài Gòn thuộc liên bang Đông Dương. Dạ khi tôi được mười lăm tuổi thì gia đình tôi hồi hương, tôi đã xin nhập tịch được mười hai năm rồi thưa ngài.

Ludwig cầm tờ giấy, lần này thì có hình của cả gia đình ở Sài Gòn, hình riêng của mẹ và hình riêng của cha anh ở Sài Gòn. Lá cờ vàng có những dòng kẻ xanh thẫm vẫn còn rõ hình cùng với gia đình anh đang đứng chụp hình tại con đường Boulevard Chanson vốn gần nơi làm việc của cha anh ngày xưa. Còn có cả một tấm hình chụp hai mẹ con Phương khi họ đi uống cà phê tại tiệm cà phê Chapeau de Roi, lúc đó anh mười một tuổi và mẹ của Phương là một trong những cô gái đẹp, rất đẹp và đã từng làm biết bao nhiêu con tim của các chàng trai đất Nam phải thổn thức. Ludwig nhìn mấy tấm hình không biết từ đâu mà ra trong túi áo của Phương, vừa nhìn vừa trầm ngâm. Hắn hơi khó hiểu, trường hợp đặc biệt như Phương ở trong trại mà hắn không hề để ý đến, suốt bấy lâu nay.

- Đây là gia đình của mày à?
- Dạ đúng vậy thưa ngài.
- Mẹ mày đẹp nhỉ, chắc phải là hoa khôi chứ không đùa.
- Dạ, tôi không dám nhận lời khen ấy.
- Còn mình mày sống à?
- Dạ không dám giấu ngài. Cha tôi đã qua đời bốn năm trước vì bệnh, mẹ tôi hiện sống tại Pháp. Tôi đi làm ở Ba Lan với cha và xin nhập tịch để tiện làm việc và gửi tiền cho mẹ tôi lo lắng cuộc sống ạ.

Ludwig nhếch môi nghe những lời giãi bày của Phương rồi suy nghĩ, chẳng biết thằng oắt con này có nói thật không hay đang kiếm chuyện mà chối tội hòng kiếm đường sống. Liên bang Đông Dương thì hắn biết, đó là cái nơi trù phú và đầy tiềm năng cho những kẻ có máu làm ăn như hắn. Cửa biển ở Phi Luật Tân, có đường giao thương với Thái Lan, Miến Điện và còn có cả khối cơ hội kiếm lời khi gần thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Một nơi hoàn hảo để đến sau khi chiến tranh kết thúc. Nó là một địa điểm lý tưởng cho những kẻ như hắn đến, vung những đồng tiền mà hắn kiếm được từ việc giết chóc cho Phát xít. Tiêu pha số tiền ấy, thay họ đổi tên, sống ẩn dật tại cái đất châu Á ấy xem ra đáng giá hơn là việc trốn chui trốn nhủi tại mấy khu ổ chuột Nam Mỹ hay chết khô ở sa mạc Ả Rập. Trong vô thức, hắn vừa nghĩ ra một sáng kiến, hắn sẽ đến Việt Nam. Bằng vài cách suy tính nào đó hắn có thể đoán rằng cái chế độ Quốc xã, cái chế độ mà hắn đang phục vụ sẽ sớm sụp đổ, mà còn giãy đành đạch dưới chân quân Đồng Minh và Xô viết. Nên hắn muốn đi trước một bước thật khôn ngoan, hắn hất hàm hỏi Phương.

- Mày chắc mày là người Việt Nam không?
- Đúng như vậy thưa ngài. Tôi xin cam đoan bằng cả tính mạng.
- Vậy tao có một điều kiện cho mày. Mày sẽ phải chỉ tao tiếng Việt Nam, tao sẽ tha chết cho mày. Bằng không, bắn vỡ sọ mày nó cũng không khó lắm khi mỗi ngày tao bắn chết hằng trăm thằng Do Thái tại đây. Mày thấy sao?
- Dạ tôi xin chấp nhận thưa ngài.