Gã Do Thái phương Đông

Chương 3

Chương 3

-Này! Geschäftsmann đánh vần qua tiếng Việt là gì vậy?
- Dạ thưa đó là "Thương nhân" thưa ngài. T-h-ư-ơ-n-g n-h-â-n, viết theo trình tự như thế.
- Tốt, cuối cùng thì ta cũng có thể hoàn thành xong từ thứ hai ngàn bảy rồi. Nếu theo tính toán thì bay giờ là tháng 6 năm 1944, đến cuối năm thì số từ vựng ta học sẽ là hơn ba ngàn rưỡi hoặc hơn. Đủ để có thể tới lui Việt Nam.

Ludwig gấp cuốn sách tập viết của hắn lại, tự nhẩm tính trong đầu và tỏ ra đắc thắng với suy nghĩ của chính mình. Trong những thời gian gần đây thì gần như Phương luôn luôn đúng giờ của mình một cách nghiêm ngặt nhất có thể, Và theo thời gian thì sự mất dạy của đại tá cũng trở nên nhẹ nhàng lại với anh, anh được sắp xếp một chỗ nằm trong nhà kho chứa rơm cho ngựa, vốn ấm áp và biệt lập hơn so với khu ở bẩn thỉu của người Do Thái nhưng anh không ở. Thức ăn cũng đã trở nên khá hơn đối chút, giống với thức ăn mà những tay sai người Do Thái- đám làm việc cho Đức. Một điều khiến anh mừng rỡ và thở phào nhẹ nhõm nhất là dường như đại tá đang-có-vẻ không nhớ đến cái điều luật đi trễ là bắn chết một người mà tự hắn đặt ra cho Phương, đúng hơn thì hắn có lẽ đã nhận ra được cái sự "được việc" của anh cho nên hắn cũng, đúng hơn là không cần phải ngó ngàng đến cái luật mọi rợ ấy nữa. Tuy vậy Phương vẫn gần như phải làm công việc đóng giày của mình và nhờ đó anh có thể giữ liên lạc được với khá nhiều anh em Do Thái trong trại, để chờ một ngày nổi dậy đánh lại bọn Đức. Tuy vậy, tất cả cũng chỉ là những toan tính chứ chưa ai dám hành động vì lính Đức vẫn luôn luôn có những tay trong nằm vùng tại ấy, và cho dù không có nằm vùng thì tay không chắc chắn không thể nào đánh lại được quân lính vũ trang tận răng của người Đức.

- Phương! Anh nghĩ như thế nào về trình độ giao tiếp của ta hiện tại?

Ludwig hỏi Phương, bằng tiếng Việt, một giọng nói nhanh và dứt khoát bằng giọng miền Nam, cuối cùng thì hắn cũng đã có thể phát âm rõ giọng của một xứ ở Việt Nam thay vì cái giọng gió lơ lớ lúc đầu. Câu hỏi của Ludwig làm Phương khá ngạc nhiên vì sự tiến bộ của gã đại tá trong những ngày gần đây, hầu như ngoài những lúc làm việc tại xưởng giày thì Phương và Ludwig trò chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt Nam, mặc dù anh chẳng cảm thấy thoải mái khi kẻ thù mình nói được ngôn ngữ của mình.

Nghe Ludwig hỏi mình thì anh hơi bất ngờ, vì không biết đây là câu hỏi bình thường hay mang hàm ý gì đó nên Phương hơi run run khi trả lời câu nói của mình:

- Tôi nghĩ là, ngài đã rất tiến bộ rồi ạ. Chỉ có hơi vấp ở những chỗ đánh vần dấu câu thôi. Nhưng tôi thấy chỗ này chúng ta có thể sớm khắc phục được thôi.
- Thế thì quá tốt rồi, nhờ anh đấy. Ít ra thì trong thời gian sau cứ tiếp tục nói chuyện như thế này đi. Ta cũng phải cần cố học cho xong.
- Dạ vâng thưa ngài.
- Ta chưa bao giờ thấy anh hát một bài nào bằng tiếng Việt. Nơi đó không có âm nhạc sao?
- Rất xin lỗi thưa ngài. Vì tôi vẫn nghĩ ngài chỉ muốn biết tiếng Việt thôi và cũng không muốn nghe vài bài hát Việt ngữ nên tôi cũng không có cơ hội.
- Thế thì hôm nay ta cho phép anh hát tiếng Việt đấy, và thời gian sau thì anh khỏi cần phải nói tiếng Đức với ta. Cứ nói tiếng Việt thỏa thích. Nào giờ hát một bài tiếng Việt cho ta nghe đi.
- Dạ thưa ngài, tôi muốn được đánh bằng đàn dương cầm ạ. Vì tôi muốn âm nhạc của nước tôi phải luôn được biểu diễn bằng một thứ nhạc cụ.
- Tại sao?
- Vì đó là sự tôn trọng văn hóa của người nước tôi. Chúng tôi không được phép thể hiện văn hóa mình một cách tùy tiện, nên tôi muốn sử dụng dương cầm để biểu diễn.
- Được. Thế thì chúng ta đến phòng hội nghị đi.

Ludwig dẫn Phương đi đến phòng hội nghị, đi qua một rừng những sĩ quan đang đứng chật ních trên đường luồng khiến cho anh hơi lạnh ở sống lưng. Biết thừa bản thân mình đã có kim bài miễn tử nhưng sự sợ hãi vẫn luôn thường trực trong tâm trí của Phương, nó khiến cho anh phải đút một bàn tay vào túi áo vì run. Từng tên sĩ quan đứng chào theo kiểu Phát xít một cách nghiêm chỉnh khi Ludwig đi ngang qua cũng có phần nào khiến Phương cảm thấy có một chút sự hả hê vì chúng cứ như đứng chào anh khi đại tá và anh lướt qua những đám đông SS như vậy. Nhưng chỉ duy sắc mặt và thái độ của bọn sĩ quan là không thay đổi, ánh mắt quỷ dữ của đám sĩ quan lạnh lùng nhìn về phía thằng hạ đẳng như xoáy vào tâm can khiến cho sự ám ảnh cứ tăng lên, vì tất cả đám SS Đức trong đây đều là những con quỷ khát máu thực sự và việc đi qua lũ quỷ thế này khiến cho trống ngực của Phương muốn rớt ra ngoài. Đi qua hết nhà bếp do tù nhân nấu nướng thì mới đến được phòng hội trường, các tù nhân Do Thái khi thấy Ludwig đi ngang qua thì cúi đầu sát rạt và né ra hết cỡ nếu như không muốn rước họa vào thân. Nhưng không phải tất cả đều cúi đầu, Alyna, cô em của Veronika đáng thương, và hiện tại đang là "cô người yêu bé bỏng" của anh, nhanh trí nhét vào tay Phương cái nĩa, như mọi lần Phương hay ghé qua để có thể đem về xưởng giày cho những người Do Thái chế vũ khí cho cuộc nổi dậy. Phương cầm lấy cái nĩa mà run cầm cập vì lần này trước mặt anh là Ludwig, nhưng anh vẫn đủ bình tĩnh để nhét cái đồ múc thức ăn ấy sâu trong lớp quần áo như cách anh đã làm để qua mặt bọn lính hàng chục lần.

Hội trường của trại tập trung, nơi hội họp và ăn chơi của bọn sĩ quan rất rộng, rộng và đầy đủ tiện nghi. Thậm chí nó còn có một quầy bar nhỏ nằm ở hướng Bắc của căn phòng. Sự hiện đại khác xa với vẻ bẩn thỉu, u tối của khu trại Do Thái khiến cho Phương ngỡ ngàng vì đã quá lâu anh không được bước vào những nơi như thế này nên anh đứng ngớ người mà nhìn ngắm xung quanh. Riêng đại tá thì cũng không lạ gì nên hắn vẫn bình thản đi đến gần cái quầy bar nhỏ và gọi một ly Gin cho mình và chỉ cho Phương nơi có một cây đàn piano đen tuyền nằm cách quầy bar không xa lắm. Đây là cây đàn piano mà bọn Đức đã cướp được trong cuộc oanh tạc thành phố Warszawa năm 1939, cây đàn khi ấy thuộc về đài phát thanh Ba Lan, nơi huyền thoại Frédéric Chopin từng ghé thăm và dạo một vài bản nhạc ballade để chúc mừng sinh nhật lần thứ 30 của ông. Sờ trên từng phím đàn, tay Phương run run chạm nhẹ lên từng nốt để cảm nhận được sự thay đổi của thời đại. Từng vệt ố vàng trên phím đàn là từng năm tháng mà Ba Lan đã chịu khổ đau vì chiến tranh, đặc biệt còn có một vệt màu nâu thẫm như màu máu còn vương lại trên phím dậm của đàn, có lẽ là của một gã nghệ sĩ dương cầm dũng cảm nào đó còn bám trụ để đệm đàn cổ vũ cho tinh thần chiến đấu của binh sĩ đến phút cuối cùng. Phương lướt qua tất cả các phím đàn để tìm lại cái chất cổ điển của âm nhạc và mong chờ cho người nhạc sĩ Chopin đại tài của xứ Ba Lan có thể dõi theo một linh hồn còn đang thoi thóp dành giật từng hơi thở của sự sống tại cái nơi địa ngục tối tăm này.

Một điệu Boléro của Tây Ban Nha nhẹ nhàng lướt qua trên từng đầu ngón tay Phương, bài hát Dạ cổ hoài lang của huyền thoại Cao Văn Lầu cất lên từ giọng hát trong trẻo của Phương.

"Từ là từ phu tướng
Báu kiếm sắc phán lên đàng
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi! Gan vàng thêm đau í à…." 

Ludwig ngồi ở dưới, chân hắn xếp chéo và hai tay đan vào nhau, hắn ngồi một cách thoải mái nhất để có thể thưởng thức hết được giai điệu của bài hát lạ lẫm. Đôi mắt hắn không thay đổi nhưng các cơ trên mặt hắn thì lại khác, nó dãn ra và dần dần làm mềm đi sắc mặt đanh thép thường ngày của Ludwig. Khuôn mặt của đại tá dịu đi trông thấy và đôi tay hắn đánh theo từng nhịp boléro của bài ca,tuy không hiểu nhưng những giai điệu boléro đậm chất Latin ấy là những điệu nhạc từng đi theo hắn suốt thời thơ ấu, cùng với dòng nhạc opera của Wagner thì loại nhạc của người La tinh là một thứ gia vị gây nên nhiều sự xao xuyến trong tâm hồn vốn quanh khô và sắt đá của hắn. Tuy nhiên, âm nhạc là thứ kết nối tâm hồn, và mặc cho sự tàn ác là thứ cá tính chủ đạo luôn hằn sâu trên khuôn mặt của lũ SS điển hình như hắn, thì sự ấm áp của nhạc dân ca vẫn đánh gục được vẻ mặt cứng như đá của Ludwig. Từ đôi bàn tay nhấn theo nhịp xuống mặt bàn, đôi chân của hắn cũng cộng hưởng theo đôi bàn tay vốn đang hân thưởng từng điệu nhạc tuy buồn nhưng trầm ấm ấy.

- Hát tiếp đi, hát thêm một bài nữa đi. Ta muốn nghe thêm một bài nữa.

Lần này thì là một bài hát bằng tiếng Ba Lan, thứ tiếng quê hương ruột thịt của cha anh, và bản tình ca Umówiłem się z nią na dziewiątą[Anh đã hẹn em lúc chín giờ] cất lên từ tiếng hát mềm mại nam tính của Phương cứ thế làm cả gian phòng chìm đắm trong sự dễ chịu bởi một chút điệu jazz và slow kết hợp với nhau. Bản tân nhạc khá phổ biến tại Ba Lan trong những thập niên 30 nhanh chóng chiếm lấy tâm trí của Ludwig bằng sự quen thuộc vì vốn dĩ hắn đã từng nghe qua bài hát này khi những lần chinh chiến tại thủ đô Warszawa vài năm về trước, tất nhiên thì giai điệu lãng mạn của bài hát này vẫn luôn khiến hắn rùng mình y như thuở ban đầu. Khi ấy, bài hát Umówiłem się z nią na dziewiątą, nhiều bản tân nhạc khác cùng với quốc ca của Ba Lan cất lên khắp mọi nơi trong ngõ ngách thành phố Warszawa để cổ vũ tinh thần quyết tử của người dân và binh sĩ với thủ đô thân yêu. Đó là sự ám ảnh đối với lính Đức trong những ngày đầu tiến đánh Ba Lan vì hầu như nơi nào có bất kỳ một giai điệu Ba Lan cất lên thì liền sau đó là những tiếng hét xung trận của các chiến binh Ba Lan. Họ hát lớn quốc ca và xông thẳng và kẻ thù, họ đánh nhau hàng trăm trận với lính Đức và chết như những người hùng khi bảo vệ thủ đô hoa lệ và đài phát thanh Ba Lan thì chưa bao giờ ngớt những bài hát để cổ vũ tinh thần quyết tử của người Ba Lan.

Bài hát ấy dường như là chỉ dấu của sự hoài niệm, sự hoài niệm không mấy tốt đẹp, một miền hồi tưởng gây ám ảnh trong tâm trí của Ludwig khi nó gợi lại những hình ảnh vô cùng rõ nét khoảng thời gian hắn dẫn quân đi đánh thủ đô kẻ địch. Đó chính là khoảng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp của hắn khi đó là lần đầu tiên hắn cảm nhận được đã có kẻ dám ngăn cản lại sức mạnh của người Đức, và đó cũng là lần đầu tiên mà hắn gặm nhấm được cảm giác mệt nhoài khi chiến đấu với cảm tử quân Ba Lan trong thành phố. Từng binh sĩ và sĩ quan tâm phúc dưới quyền hắn nằm xuống và lính địch thì cứ thế cố đấm ăn xôi, bám chết một khu vực và nếu không có pháo binh thì số phận sĩ quan tiên phong như hắn đã định đoạt dưới họng súng của những đấu sĩ dũng cảm phía bên kia. Vì vậy mà Phương mới hát được nửa bài, hắn đã phất tay ra dấu để anh có thể kết thúc nhanh gọn sự ám ảnh đang dần chiếm lấy tâm trí của hắn.

- Thôi thôi dẹp đi. Đừng hát nữa, anh ra đây.
- Dạ, ngài có gì không vừa lòng sao?
- Không có gì. Ra đây.

Phương chậm rãi xếp cạnh của cây đàn vào và từ từ bước đến kế bên chỗ Ludwig đứng. Hắn từ tốn nói với Phương:

- Anh ngồi đi.

Nghe Ludwig mời ngồi thì anh hơi bất ngờ, chẳng biết có vấn đề gì nhưng anh cũng nhanh chóng làm theo sau khi thấy được đôi mắt đanh lại của gã đại tá. Đợi đến lúc Phương ngồi gọn gàng trước mặt Ludwig thì hắn cũng chưa quá vội vã, gã ngoắt tay và gọi người barman:

- Lấy cho anh ta ly Vang Bordeaux nhé!
- Thưa ngài, tôi không uống rượu.
- Ơ! Thế người Pháp cũng không biết uống rượu như bọn Do Thái sao?
- Dạ không phải thưa ngài, chỉ là….
- Cứ lấy cho ta một ly đi. Vậy nhé!

Phương đón lấy ly rượu từ tay barman người Ba Lan và anh bắt đầu nhấm nháp một cách rụt rè, vị cay cay của Vang làm sống mũi anh đỏ bừng. Thật là ấm áp vì lâu lắm rồi anh chưa được thư giãn với một chút vị nồng đượm của thức uống có cồn này, một giọt cũng không, từ khi bị nhốt vào cái chuồng người ở Ba Lan. Chất cồn dường như là liều thuốc hữu hiệu khi nó làm cho từng dòng máu nóng chạy râm ran khắp người khiến cho Phương cảm thấy như được tái sinh, các giác quan của anh được thúc đẩy và trái tim bỗng mềm mại trở lại, tâm hồn đã được một chút vui sướng ghé đến. Nhìn anh uống từng ngụm rượu một cách thảm thương, Ludwig cười nhạt, đoạn hắn nói với Phương cũng vẫn bằng tiếng Việt:

- Ta có vài câu hỏi muốn hỏi anh. Nghe cho rõ nhé!
- Vâng thưa ngài, tôi sẵn sàng rồi.
- Anh biết gì về chính phủ Đông Dương?
- Dạ? Thưa ngài tôi chưa hiểu lắm.
- Anh không cần phải hiểu. Chỉ cần trả lời câu hỏi của ta. Anh biết gì về chính phủ Đông Dương? Gia Định có đúng là một phần tự trị của liên hiệp Pháp hay không?

Phương đón nhận hàng loạt câu hỏi dồn dập của Ludwig y như ngày đầu tiên khi hắn tra hỏi xuất thân của anh. Và anh cũng phải cố nặn trí nhớ mình ra đến kiệt sức để trả lời một loạt câu hỏi của gã đại tá vì anh đã xa quê quá lâu, dường như những gì đẹp đẽ nhất của miệt Gia Định nhiều mưa sa và nắng nhẹ chỉ còn gói gọn vào những dòng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh và những lời ca hơn là ghi nhớ về tên đường xá, nhà thờ cổ hay tòa thị chánh. Những kỷ niệm về quê mẹ, về Sài Gòn- Gia Định luôn là những ký ức vô cùng đẹp và mỹ miều nhưng nó vẫn luôn đóng vai như làn khói sương cứ mỗi lúc một mờ dần cho mỗi lần ám ảnh của Phương về cuộc sống hiện tại. Sự sống và nỗi sợ nó cứ bám riết lấy anh trong suốt nhiều năm liền, khiến cho những xúc cảm của anh trở nên yếu ớt và tâm trí anh không còn đủ giỏi giang để níu lấy những ký ức đang từ từ phai mờ đi đối với những khoảnh khắc mà con người đáng lý ra phải luôn nhung nhớ, sự hoài niệm. Và câu hỏi bất ngờ của đại tá nó lại vô tình gợi lên những hoài niệm trong lòng chàng trai trẻ và làm oxytocin hoạt động tối đa để mường tượng lại từng ngọn cỏ, cơn gió và sau hết là cả một bức tranh hoàn chỉnh về thị thành Sài Gòn. Nhưng dường như đó là nhiệm vụ khó khăn, đầu óc Phương không còn hơi sức mà hoạt động trơn tru cho được dù chỉ là tìm kiếm những mảnh vụn ký ức nhỏ nhoi. Điều lãng mạn nhất mà Phương còn có thể mơ tưởng đến hiện tại là nàng Alyna và đôi má ửng hồng của cô, lần nắm tay đầu tiên và cả cặp mắt ngại ngùng của nàng khi anh vô tình đặt một nụ hôn lên má cô, nếu như điều ấy không làm anh bị đập một trận thừa sống thiếu chết bởi hai thằng lính xung kích vừa nhậu say mèm. Nhưng hiện tại trước mặt anh là Ludwig, một con quỷ chúa SS đang hỏi anh những câu hỏi liên hồi cho toan tính riêng của gã.

Và cứ thế suốt hai tiếng là hai tiếng khó khăn, căng thẳng nhất cuộc đời khi Phương cố gắng trả lời một cách rõ ràng nhất cho Ludwig nghe, còn hắn cứ thế viết thoăn thoắt trong cuốn sổ tay của riêng mình và vẫn phải dùng tiếng Đức khi mà trình độ tiếng Việt của hắn hiện tại là chưa đủ để có thể biên hết được thành một bài viết chỉnh tề. Và cũng nhờ khoảng thời gian ấy mà Phương cũng có thể ăn gian được hai tiếng làm việc tại xưởng đóng giày. Vì hôm nay là ngày mà thằng Julian đến xem đôi giày ở xưởng, và Phương thì khỏi cần phải nghĩa ngợi đến việc đóng giày cho thằng Julian. Bởi chỉ cần nghĩ đến thằng Leipzig ấy thôi thì anh cũng thừa máu điên mà sấn tới giết chết nó, nhưng ít ra thì mấy giây phút này đã kìm hãm được ý định nung nấu trả thù của anh lại. Và ít ra nó cũng giúp cho cái nĩa trong túi anh được bình an vô sự. Và ít ra, nó cũng cho anh được chút thời gian để mà nhớ đến Alyna.

- Phương, anh có giữ cái nĩa mà Alyna đưa không?
- Đây, nói nhỏ thôi! 

Phương nhẹ nhàng quăng cái nĩa về phía Avram và chỉnh nó liền cái thái độ tía lia. Anh nói xong rồi mệt mỏi trở về chỗ của mình để làm cho xong công việc, còn đến bốn đôi cần dập đế cho ngày hôm nay. Hiện tại thì anh vẫn phải làm như mọi người khác, vẫn phải làm thợ giày trong xưởng nhưng khác là anh đã có một đội mới gồm toàn những người máu lửa, mạnh mẽ hơn đội Warszawa của anh hồi đó. Anh tự gọi đội mình là szaleni ludzie, tiếng Ba Lan có nghĩa là những thằng điên vì họ là những thằng điên đúng nghĩa đen. Ý nghĩ kháng cự đang nhen nhóm trong đầu Phương không ai khác ngoài chính những người trong đội thợ giày này thắp lên và dường như anh hoàn toàn đồng ý cho một cuộc nổi dậy có ý đồ vì anh đã quá lâu nếm trải sự tủi nhục khi sống luồn cúi bọn Đức. Avram, cái thằng mà anh vừa khớp miệng nó lại là thằng được việc nhất nhóm, nó mới hăm mốt, nhỏ hơn anh tới tận mười hai tuổi nên cái vẻ ngoài lóc chóc tuổi thanh niên vẫn còn nguyên vẹn trong nó. Nhờ cái vẻ ngoài khờ khờ, loi nhoi như con nít nên nó chính là thằng luôn được giao nhiều việc quan trọng vì hầu như lính Đức cũng không muốn đoái hoài đến thằng oắt con suy dinh dưỡng với cái mặt ngơ ngơ như thế. Ngược lại thì thằng thư ký Lukas làm trong phòng thông tin còn dắt nó theo làm chân sai vặt, quá tiện cho việc ra vô đặng chỉ mặt điểm tên bọn sĩ quan.

- Sao rồi Phương? Nay thằng đại tá có làm gì cậu không?
- Không Fivel, nó chẳng làm gì tôi hết. Mà nói chung nay thằng cha nó cao hứng nên kêu tôi biểu diễn vài bài tân nhạc cho nó nghe thôi.
- Tôi cứ tưởng cậu bị cái gì thì sẽ khổ, rồi dự định của chúng ta sẽ lại tan tành như mấy cuộc cách mạng của đám Ba Lan bên ngoài.
- Cách mạng Ba Lan? Thôi dẹp đi, dù gì tôi cũng chẳng còn chút niềm tin nào vào cái gọi là Cách mạng Ba Lan. Bọn họ chưa bao giờ quan tâm tới việc sống chết của chúng ta.

Người vừa hỏi thăm Phương là Fivel, là chỉ huy của cuộc nổi dậy ngầm trong đây, ít nói nhưng đáng tin cậy. Tuy tuổi tác sêm sêm với lão già khó tính Bogusz nhưng Fivel lại là một người có cá tính khác hẳn lão già hà tiện kia, ông ta là một cựu chiến binh Ba Lan từng tham gia quân đội để đòi độc lập cho quốc gia từ tay bọn Áo và Hungary cho nên những phẩm chất của một người lính lúc nào cũng căng tràn trong huyết quản của ông mặc cho ông đã giải ngũ hơn hai lăm năm nay. Nhìn bề ngoài người ta cũng vẫn chỉ tưởng Fivel là một thằng già sắp chết vì đôi gò má hóp háp với bàn tay bị đứt mất một ngón, thêm hai cái răng mặt tiền đã bay đi từ phương trời nào nên dòm lão ta càng giống một tay ốm đói tới nơi chứ chẳng nghĩ lão đang ấp ủ ý định nổi loạn trong đầu.

Số người trong đội của Phương lúc này chỉ còn một nửa so với đội thợ giày hồi đó, chỉ có khoảng năm người và cái trại tập trung này dường như càng ngày càng nhận ít đi số tù nhân người Do Thái. Có lẽ bọn chúng muốn dồn đa số người đến Auschwitz, nơi nghe nói là một địa ngục trần gian thực sự tại châu Âu. Đó là do Phương nghe lỏm được từ bọn sĩ quan chứ thực ra anh cũng không quá quan tâm mấy, vì ở cái trại Kulmhof đã là một địa ngục trần gian đối với anh rồi. Và dường như bằng một sự nhạy bén được học hỏi do tiếp xúc lâu ngày với người Đức, anh cũng dần cảm nhận ra được cái ngày mà địa ngục trần gian thực sự rồi cũng sẽ đến với cả cái trại tập trung ở đây. Phương không hiểu vì sao mình có cảm giác ấy, chỉ là anh cảm nhận được, từ thức ăn, giờ giấc ngày càng bị bọn Đức kìm kẹp đến mức ngột ngạt. Tuy hiện tại chúng đã thôi cái trò chém giết theo thời vụ nhưng các trận đòn vẫn diễn ra hầu như liên miên và có phần dữ dội hơn lúc trước, bản thân Phương cũng đã gãy một cái răng vì thằng ôn con Thomas đã táng cái báng súng vào đầu anh liên tiếp vì đã thuộc một miếng da giày không đúng ý nó. Rồi dần dần sự sợ hãi cũng có phần dịu xuống khi đã mấy tháng trôi qua không có một chuyến xe chở người Do Thái nào tới, đồng nghĩa với việc bọn Đức sẽ không muốn giết thêm người nào để làm trống trải khu trại.

Ý thức được có những vấn đề không may chắc chắn sẽ xảy ra, nên Phương luôn đẩy nhanh việc dạy tiếng Việt cho Ludwig và đồng thời anh dạy sai rất nhiều ngữ pháp, từ vựng cho gã người Đức hòng cho gã lộ thân phận thật của mình nếu hắn muốn bỏ trốn tới Việt Nam. Nhưng không phải buổi nào cũng trót lọt đối với Phương khi nói dối là thứ anh không bao giờ giỏi ghi nhớ.

Một buổi chiều thứ tư khi đang ngồi trong quầy bar sau khi đã chơi một vài bản nhạc dân ca Đức cho Ludwig, Phương vẫn tiếp tục ngồi và nói chuyện với hắn ta. Trình độ nói tiếng Việt của đại tá đã khá lên rất nhiều, nhưng hầu như cũng không tiến triển thêm được vì vốn dĩ hắn vẫn đang nói tiếng bồi và Phương thì không phải là giáo sư đại học. Vì vậy mà mỗi khi muốn hỏi anh về những câu giao tiếp thật dài, hắn luôn soạn trong cuốn sổ tay của mình và mỗi ngày đều đặn hỏi Phương một câu.

- "Ich bin ein niederländischer Geschäftsmann. Ich komme nach Vietnam, um Geschäfte zu machen" nếu dịch ra hoàn chỉnh thành một câu giao tiếp sẽ đọc ra sao vậy Smuel?

"Tôi là một doanh nhân người Hà Lan. Tôi đến Việt Nam để kinh doanh", đó sẽ là một câu giao tiếp khá bình thường giữa con người với nhau và nó cũng chẳng quá khó để Phương có thể giải nghĩa cho đại tá một cách hoàn chỉnh, với tư cách là một người truyền đạt. Nhưng thói bất cẩn lại một lần nữa khiến cho anh phải trả giá đắt, vì hai tuần nay những câu chữ anh soạn phần lớn đều sai lệch ngữ nghĩa nên hầu như anh không thể ghi nhớ hết những từ sai sót mà anh đã chỉ cho Ludwig vì không hề có thời gian để biên chép tất cả lại. Và cũng vì thế mà anh đã thêm một lần nữa chơi đùa với chính mạng sống của mình.

- Dịch hoàn chỉnh sẽ là "Tôi là một thằng diệt chủng người Đức. Tôi đến Việt Nam để diệt chủng" thưa ngài. 
Anh trả lời một cách chắc nịch và tự nhiên cứ như thể anh không nghĩ gã Đại tá chưa từng gặp câu ngữ pháp này. Nhưng không, hoàn toàn không.
- Đồ khốn! "Diệt chủng" là cái gì? Chẳng phải anh nói với ta "Geschäftsmann" là "thương nhân" à?

Ludwig đỏ gay mặt, hắn gầm lên bằng hết sức lực của mình và xô ghế sấn sổ tiếng về phía Phương. Thoáng chốc tai hại khiến anh quên mất "Geschäftsmann" anh đã từng nói với đại tá là "doanh nhân". Nhưng đã quá trễ, tiếng gầm của con quỷ Phát xít khiến cho anh choàng tỉnh và rồi nhận ra hình như mọi việc không thể cứu vãn được. Gã đại tá cảm thấy bị xúc phạm vì anh vừa lừa hắn một vố đau khiến cho danh dự của một sĩ quan Đức cao quý như hắn bị tổn hại, và vì điều đó khiến cho Ludwig gầm lên như một con thú điên. Anh chỉ còn biết luống cuống nói trong họng:

- Thưa ngài, câu ấy trong tiếng Đức có nhiều nghĩa thưa ngài.
- Đồ chết tiệt. Anh dám lừa ta à. Đồ chết tiệt.

Cơn giận dữ của Ludwig bùng nổ, hắn sấn đến nhanh như một con báo và bóp cổ Phương. Trong giờ phút sinh tử ấy anh chỉ còn biết lặp đi lặp lại câu "từ nhiều nghĩa" một cách tuyệt vọng. Nhưng hình như giọng nói yếu ớt của anh không đủ để cho gã người Đức nghe thấy, hắn táng Phương một bạt tai khiến cho anh té chỏng gọng, đầu óc anh mù mịt cả lên. Ludwig vẫn chưa hết cơn giận, hắn cởi sợi dây nịt và quật liên tiếp và phía Phương và anh chỉ có thể nằm co người lại mà chịu trận trước đòn roi quật liên hồi vào người từ gã đại tá to như con gấu. Cũng giống y như trận đòn roi của bọn lính khi trước, anh chỉ biết co người lại hết cỡ và ôm đầu của mình tránh bị thương chứ vẫn tuyệt nhiên không hề hé một lời nào van xin. Đánh Phương chán chê, hắn ra lệnh trói anh và treo ngay giữa sân lớn của trại tập trung.

Xứ Đông Âu vốn dĩ luôn là một nơi vô cùng khắc nghiệt nên việc bị treo lơ lửng giữa màn đêm đây tuyết trắng xóa không phải là một ý hay, càng không phải là một ý tưởng táo bạo để sống sót khi anh bị treo ngược đầu khiến cho tấm áo khoác vốn đã mỏng manh, không bọc nổi được cái bộ xương khô khỏi cái lạnh, nay đã lộn ngược xuống đầu anh, phần bụng của Phương trơ ra trước những cơn gió rét đậm mùa đông. Hai chân anh bị trói chặt đến mức không còn một cảm giác gì, anh chỉ còn biết cố nhướn người lên để trùm phần áo khoác vào thân hình còm nhom của mình. Không chỉ có tuyết, những cơn gió rét cứ thế thổi dồn dập và bọn lính Đức trên cái chòi canh thì cứ thế vừa nhấm nháp trà nóng vừa chiếu thẳng đèn pha vào phía Phương. Toàn thân run rẩy, anh đã không còn đủ sức để lộn ngược lại mà giữ cho tấm thân của mình ấm được đôi chút nữa, đèn pha chiếu vô người tuy có nóng thiệt nhưng cũng chỉ làm chói mắt anh chứ chẳng thể làm ấm nổi thân thể suy dinh dưỡng nặng kia. Được một hồi cố gắng trùm cái áo vô người và ráng lấy được chút ít sức nóng từ đèn pha thì anh cuối cùng cũng buông xuôi, Phương bất lực buông thõng mình và bắt đầu nhớ tới mẹ, hy vọng hình ảnh của bà sẽ còn níu kéo được một chút hơi ấm trong trái tim anh để anh có thể chết mà không cảm thấy cô đơn.

Mẹ Phương là một người phụ nữ rất đẹp, và là con gái của một nhà buôn vải có tiếng tăm ở Sài Gòn. Đến tận năm hăm bảy bà mới kết hôn với cha Phương vốn là một thợ đóng giày lành nghề, có một tiệm giày tên Splendeur de Chéri ở thành phố Chợ Lớn. Cả hai người có con một năm trước khi quyết định làm đám cưới, bấy nhiêu đó thôi cũng là đủ để họ hàng và chút xíu chòm xóm lắm điều tỏ ra bàn tán không hay về bà. Lấy chồng trễ mà còn đẻ trước cưới, một lô lốc dị nghị, vợ chồng Pilecki cũng chẳng quan tâm mấy, cho nên mà đám cưới ngoài cặp vợ chồng và thằng bé Phương còn ngủ gật trên tay ông bà ngoại, thì chỉ có vài người bạn Pháp của cha anh; quân nhân, mối làm ăn và vài người bạn cộng sự mà thôi, chẳng của tới bà con thân thuộc cho mấy. Không phải vợ chồng Pilecki mời mà họ không đi, vì vợ chồng Pilecki không màng đến việc mời đám người phàm tục ấy, chỉ để ăn cho đủ bàn và cũng sẽ chẳng đếm xỉa họ về sau này.

Bấy nhiêu đó là những ký ức còn lưu lạc lòng vòng trong tâm trí của anh vì khổ nỗi, ngoài khuôn mặt hiền từ của mẹ mình thì hiện tại Phương đã không còn nhớ gì nữa rồi. Cái thời cùng với cha mẹ sống hạnh phúc tại ngôi nhà nhỏ cuối con phố Hoàng Hôn đã dần đi vào dĩ vãng, những ngày cực khổ tại Ba Lan với cha và ngày tiễn đưa cha đi, anh cũng không còn nhớ gì nữa. Cuộc sống đầy ám ảnh trong trại tập trung đã giết chết hết những hình ảnh kỷ niệm vốn có thể là tia hy vọng để anh thoi thóp sống, cũng đã chết từ rất lâu rồi. Anh cũng chẳng còn nhớ được cảm giác cả gia đình vượt đại dương để trở về đất Pháp quê nội anh, cũng chẳng còn một ký ức gì về nước Pháp nữa, họa chăng thành phố Lille mà mẹ của anh đang sống hiện tại là anh còn cố sống chết để cất giữ nó nhằm hi vọng một ngày trở về.

Nhưng đối với tình cảnh hiện tại thì Phương đã có thể quên đi thành phố ôn đới Lille mà bà mẹ già của anh đang chờ, vì hơi thở của anh không còn đều đặn theo từng nhịp nữa rồi. Anh cố hết sức để mở mắt ra nhìn cuộc đời lần cuối, từng chấm mắt đỏ rực lửa từ phía rất xa phía bìa rừng đang nhìn chằm chằm vào ánh đèn pha nơi anh bị treo. Từng tiếng tru tréo điếc tai từ đốm mắt đỏ ấy, bầy sói xám Đông Âu đã bắt đầu lởn vởn rất gần phía trại tập trung và chỉ có bãi mìn là có thể giữ một chút khoảng cách với bọn này. Mặc cho gió thổi rít cả tai thì Phương vẫn nghe rất rõ tiếng tru của bọn sói, và rồi thì chắc có lẽ kết cục của Phương là bị xé xác bởi đám sói háu đói ngoài kia thôi, vì vốn dĩ đất đai của thị trấn đã hết chỗ để mà chôn người rồi. Phương nhắm mắt lại, chấp nhận số phận của hiện tại, nhịp tim anh cũng từ từ chậm dần, đối nghịch với cơn mưa tuyết dày đặc ngoài sân.
Mặc cho trời tuyết bên ngoài và khu ở người Do Thái là lạnh cóng, chỉ có lò thiêu là luôn luôn ấm vì hầu như đều chạy hết công suất, cả đêm lẫn ngày. Lò hỏa thiêu nằm ngay kế phòng hơi ngạt của trại, tại đó, Phương nằm trơ trọi như một khúc củi khô, không động đậy với cặp mắt nhắm, đôi môi thì mấp máy vô hồn.

- Ê, Wladek, dội cho thằng này một gáo nước đi.
- Ông coi bộ dư nước ghê. Nó chết rồi!
- Mày chẳng biết cái đách khô gì cả. Rờ cổ nó đi, mạch còn chạy rành rành ra kia. Đưa cái ca nước đây.

Một gáo nước nóng do một tay Do Thái làm ở lò thiêu dội thẳng từ mặt đến chân khiến cho Phương bừng tỉnh. Đôi mắt anh từ từ mở, đã có hồn trở lại nhờ một chút hơi ấm tình người từ hai gã Do Thái, nhưng đó chỉ là những phút giây tỉnh táo thoáng chốc trước khi Phương rơi vào hôn mê rất sâu. Giọng nói vẫn mê sảng cứ lẩm bẩm lẩm bẩm khiến cho hai người Do Thái kia khó hiểu, và cả tay lính Đức đang gác tại đó cũng vậy. Một đứa cầm sẵn MP-40 tiến đến chỗ Phương và hai người Do Thái, hất hàm:

- Hai thằng mày dư thời giờ lắm phải không?
- Dạ, không có thưa sếp. Chỉ là…. - Gã tên Wladek lắp bắp vừa nói vừa chỉ chỗ mà Phương vừa nằm vừa mê sảng.
Tay lính nhìn nghiêng qua thì thấy chỗ Phương đang nằm xụi lơ thì khó hiểu vì chẳng biết hai thằng Do Thái này muốn nói đến cái gì, nhưng vẫn nói:
- Nó chết rồi, quăng nó vô lò luôn đi.
- Nhưng thưa sếp, hình như anh ta còn sống. Nãy tôi có nghe anh ta đang nói thứ ngôn ngữ gì đó thưa sếp.
- Tao mệt mày lắm rồi đấy. Biến sang một bên.

Tên Đức bực bội và đẩy Wladek sang một bên, hắn bước qua chỗ Phương nằm rồi ghé tay vào sát miệng anh để lắng nghe thứ ngôn ngữ kì dị. Đứng gần năm phút đồng hồ, tay lính vẫn chưa hiểu mô tê gì những lời mà Phương nói.

Hắn lại hất hàm về phía hai người Do Thái:

- Thằng này là người của đại tá đúng không?
- Dạ, chúng tôi không rõ. Có lẽ đúng là thế thưa sếp.
- Mẹ kiếp, tạt cho nó thêm gáo nước đi. Để tao đi nói với đại tá.