Gã Do Thái phương Đông

Chương 4

Chương 4

Tiếng đại úy ngạc nhiên:

- Anh nói cái gì? Tên con lai kia còn sống?
- Chính xác là vẫn còn thưa ngài, tôi còn nghe hắn lẩm bẩm bằng ngôn ngữ khó hiểu lắm. Có lẽ ngài cũng muốn nghe hắn nói.
- Được rồi, dẫn ta ra.

Ludwig tức tốc choàng áo khoác rồi dẫn thêm một quân y ra tận lò thiêu gặp Phương xem anh ra làm sao. Lúc ấy thì Phương đã thuyên đi triệu chứng hôn mê nhưng miệng vẫn nói sảng. Đại tá bước đến và ghé tai gần sát miệng Phương mà lắng nghe, gã bác sĩ do y dẫn đi cũng đứng đó và cầm sẵn liều morphine chực chờ để châm cho anh. Hai bên của đại tá là những tên lính cũng đang đứng nghe ngóng, cái tình cảnh lúc ấy chẳng khác gì một vở kịch sân khấu mà Phương là kép chánh của một vở diễn, những lời anh lẩm bẩm đều được đám diễn viên quần chúng lắng nghe chăm chú không sót một chữ cho dù ngay cả bản thân chúng cũng không hiểu tay kép chánh đang nói cái gì.

Đại tá sau nghe ngóng một hồi xong thì quay lại về phía mấy tay lính và nói với giọng điệu trấn an, mặc dù không cần thiết lắm vì ngoài hắn ra chẳng ai để ý đến tên coi lai:

- Hắn ta đang gọi mẹ của hắn, bằng tiếng Việt. Các anh không cần phải băn khoăn nữa đâu.

Hắn đứng lên, và lại cúi xuống nhìn Phương, lúc này thì mắt anh đã mở nhưng toàn thân vẫn nằm bất đồng dưới nền. Đôi mắt yếu ớt nhìn tên sĩ quan, chẳng biết nó có phải là ánh mắt van lơn hay không, vì trong đôi mắt anh hiện tại gã Ludwig không thể đọc được gì bởi nó đã khô cứng đi vì gió rét. Nhưng hắn vẫn đứng nhìn anh, đôi mắt hắn vẫn đối diện đôi mắt anh mà trong phút giây tính người của hắn trỗi dậy, Ludwig đã vứt hết sự tự tôn của chủng tộc thượng đẳng cùng mệnh lệnh quét sạch đám dân ngoại lai của quốc trưởng Adolf Hitler qua một bên. Hắn quay sang người quân y đang chực chờ để cứu tay Ba Lan đang hấp hối kia và nói:

- Tên con lai vẫn còn sống. Anh phải đem hắn về viện quân y. Phải cứu sống anh ta đấy, bằng mọi giá.

Năm ngày, chính xác hơn là bốn ngày và một bữa sáng là đủ để tay bác sĩ người Đức kéo Phương từ cõi chết về nơi hữu hình của loài người, sau một khoảng thời gian anh vừa tỉnh rồi lại nằm liền ngay sau đó, với cái đầu không bao giờ được ổn định. Bàn tay lành nghề và cái tình người của gã bác sĩ Đức đã giữ một chút hơi tàn của Phương và cũng chính tay bác sĩ là người xin với đại tá cho Phương được nằm trong phòng quân y tại chính doanh trại Đức, nơi chỉ vốn dĩ dành cho các sĩ quan. Hôm nay là một ngày khá thong thả cho Gustav, tay bác sĩ Đức tại đây, ông ta đang ngồi thong dong đọc tờ báo Berlin täglich vốn được đưa tới cho các sĩ quan Đức đọc hàng tuần. Và dường như ông cũng không thèm để ý liệu tên con lai trong phòng có bỏ trốn hay không khi cả một khu quân y chỉ có mình Phương là bệnh nhân và anh khó lòng mà trốn đi được khi khu quân y này nằm y thinh giữa doanh trại sĩ quan. Cái giây phút thư giãn với tờ báo chỉ bị cắt ngang khi ông nghe thấy tiếng động đậy ở phía giường bệnh, ông khệ nệ với cặp kính rồi uể oải đứng lên.

- Cậu tỉnh nữa rồi đó à? Thấy trong người sao rồi?

Vừa nói Gustav vừa thoắn thoắt để ống nghe lên tim rồi lấy tay sờ trán và bấm ngay thái dương cho Phương, phòng khi anh lại nổi hứng nằm ngủ nữa thì bác sĩ tới sáng bữa sau mới khám lại được. Khắp cơ thể anh nóng bừng sự sống, mồ hôi trên trán, trên cổ cứ thế chảy ra khắp người, không phải vì sốt mà có lẽ vì đó là tín hiệu cho nhịp sống đã bắt đầu quay trở lại trên cơ thể ốm yếu của anh. Phương vừa mới tỉnh dậy vẫn còn mù mờ vì không hiểu chuyện gì xảy ra, tay bác sĩ Đức cũng đoán vậy nên ông ta nhanh nhảu nói luôn:

- Bữa tôi có nói là đại tá kêu tôi chăm sóc cho anh. Giờ thì đừng lo, hiện tại anh đã khỏe rồi, chỉ cần ăn uống thêm vô là trở lại như lúc đầu được thôi.
- Tôi cảm ơn ông, bác sĩ. Cảm ơn ông đã cứu tôi.
- Đừng cảm ơn tôi, đó là việc mà những người như tôi phải làm. Công nhận cái mạng cậu nó lớn thiệt, năm tiếng ngoài trời rét vậy mà cậu chưa ngủm là kỳ tích rồi đấy.
- Chừng nào tôi mới có thể …
- Thêm một hai ngày nữa là cậu sẽ khỏe hẳn. À này!, cậu cầm cái này mà phòng.

Gustav vừa nói vừa nhét vào tay Phương túi cứu thương dã chiến, vật dụng cá nhân vô cùng phổ biến dành cho lính bộ binh Đức để tự cấp cứu tại trận địa cho chính mình. Càng gần cuối cuộc chiến thì cái gói cứu thương này nó như là một cục vàng mười ngay giữa chiến trường để sống sót, vì quân y cũng không phải lúc nào cũng theo kịp được cái nhịp độ của cuộc chiến khi một ngày họ không còn làm việc với vài trăm thương binh, mà là đến vài ngàn lận. Cái đồ quý giá như thế này không phải lúc nào cũng dễ để được cấp cho trong thời điểm này, vậy mà không hiểu sao tay bác sĩ Đức này lại dúi vào tay anh. Phương cầm bộ băng gạc của Gustav mà trong lòng vẫn hơi bối rối, rõ ràng việc gã này làm đang vượt quá nhiệm vụ của một bác sĩ quân địch nhưng cũng đủ khiến cho anh cảm thấy xúc động vì nghĩa cử của ông ta.

- Trong đây có garô, băng gạc, morphine và mấy chai nước biển đủ xài cho hai lần, còn có thêm cái bản đồ châu Âu để phòng cho cậu có sống sót thì có thể lấy nó mà định hướng đường đi cho mình.
- Nhưng sao ông lại đưa tôi những thứ này? Đây là thứ dành cho lính Đức mà. Không phải ông cũng là người Đức sao?
Gustav đỏ mặt trước câu hỏi của Phương, vì đối với ông nó không khác gì là một câu mang tính miệt thị nguồn gốc của ông ta cả. Tay bác sĩ Đức xoa xoa cái trán hói của mình và đứng chống nạnh về phía Phương. Ông trả lời Phương với giọng điệu có phần gay gắt.
- Ta là người Đức đây, chính gốc. Cậu nhìn ta có gì giống bọn người Nga lắm sao?
- Dạ không dám thưa bác sĩ. Tôi chỉ thấy ông quá tốt với tôi và tôi cũng chưa hiểu vì sao ông lại đưa bộ cứu thương này cho tôi. Thật lòng tôi vô cùng biết ơn ông vì trước giờ tôi chưa từng gặp một người Đức nào đối xử với tôi tốt như ông.

Bác sĩ Gustav nghe Phương nói xong thì cũng hiểu ra được vấn đề, ông ta thở dài với câu trả lời của anh. Đoạn ông tiến ra bàn làm việc của mình, lấy ra một chai Jagermeister và hai cái ly. Ông rót ra hai ly và mời Phương một ly, người đàn ông Đức này với một cái ghế ngồi sát giường bệnh của Phương rồi bắt đầu kể lể với Phương. Cũng chẳng có gì đặc sắc cho cam vì người Đức vốn không quá lãng mạn trong cách ăn nói, nhưng vì anh vẫn còn quá yếu nên cứ thế mà nằm một chỗ trong khi bác sĩ vẫn luyên thuyên cạnh bên.

- Cậu thấy cách đối xử của ta làm vậy lạ lắm sao?
- Vâng thưa ông, nhưng… nhưng cũng không phải lạ lắm. Ý tôi là..

Phương trả lời một cách miễn cưỡng khi tay bác sĩ hỏi một câu nhạt nhách khi mà thứ anh đang trông chờ là câu trả lời của Gustav hoặc là sự im lặng cho anh nhờ hơn là một câu hỏi vặn lại anh.

- Chàng trai trẻ, sau này gặp những người Đức như ta cậu cũng không cần phải ngạc nhiên lắm đâu vì vốn dĩ đó là tính cách của người Đức bọn ta đấy.
- Tôi không hiểu lắm thưa ông?
- Sự thực thì không phải tất cả người Đức đều thích Adolf Hitler, và cũng không phải ai cũng thờ phụng Quốc xã đến cuồng tín như bọn SS ngoài kia. Cậu hiểu chứ? Người Đức bọn ta cũng như người Ba Lan, hay Do Thái như các cậu. Chúng ta đều cần một công việc để có cơm mà đớp để còn lo cho gia đình chứ chúng ta cũng không rảnh để đi đánh nhau suốt ngày. Không phải người Đức nào cũng sẽ căm ghét người Do Thái hay dân tộc khác như những gì bọn Phát xít lải nhải trên radio hàng ngày đâu. Ta không muốn cậu chết một cách vô ích, ta cứu cậu cũng vì có lý do của nó, nhưng nó cũng khá nguy hiểm.
- Vâng thưa ông, tôi vô cùng biết ơn ông đã cứu tôi. Không biết tôi có thể trả ơn ông như thế nào?

Gustav bỗng ngập ngừng khi lời hồi đáp tỏ ra biết ơn lại đến nhanh như vậy, ông ta không sẵn sàng cho trường hợp mình được báo ơn ngay tức khắc nên nãy giờ bác sĩ vẫn còn bị á khẩu. Tự bản thân ông biết chỉ còn cách này mới có thể cứu gia đình ông khỏi sự hỗn loạn, nhưng trong thân tâm của tay bác sĩ người Đức dường như vẫn còn một điều gì đó khó nói. Có thể là một câu hỏi bình thường hay một sự lo xa nào đó khó xác định khiến cho Gustav cứ ngập ngừng mãi trong miệng mình. Còn Phương thì cứ thế ngước đầu để đợi câu nói của bác sĩ trong khi ông vẫn còn đang ngại ngùng, nhiều đến nỗi khiến anh cảm thấy khó chịu vì cái tính ngập ngừng của bác sĩ. Sau một hồi đi qua đi lại thì Gustav vẫn phải nói ra những gì mình đang giấu trong lòng:

- Cậu là người của đại tá đúng không?
- Dạ cũng có thể nói là như vậy thưa ông.
- Cậu có quốc tịch Pháp hay Ba Lan?
- Thưa tôi có cả hai thưa ông, cha tôi là người Do Thái Pháp gốc Ba Lan. Nhưng hiện thì tôi mất hết quốc tịch rồi.
- Thế này nhé. Tôi đã giúp cậu, nếu cậu muốn trả ơn tôi thì tôi có một yêu cầu cho cậu, đúng hơn là tôi nhờ đến cậu ra tay. Được không?
- Dù gì vẫn bị nhốt trong trại tập trung này nên tôi cũng chẳng có lựa chọn, nên cỡ nào cũng được thưa bác sĩ.

Lão bác sĩ Đức lấy ra một tờ giấy mà hình như là giấy đăng ký kết hôn mà ông ta đã kiếm được vào mấy ngày trước, ông ghi loằng ngoằng một vài dòng rồi ký tên của Phương vào trong đó. Sau đó đưa cho Phương và nói:

- Trong đây có địa chỉ nơi ở của vợ và con gái ta, họ đang ở Halle. Nếu cậu có thoát được khỏi đây, hãy chạy một mạch thẳng về bất cứ trại lính Đồng minh, nơi nào cũng được. Nếu chiến tranh kết thúc, xin cậu hãy đến Halle để bảo trợ hai mẹ con họ bằng quốc tịch của cậu. Coi như đây là ơn huệ của cậu dành cho ta khi ta cứu sống cậu đi. Phiền cậu ký tên và in dấu vân tay dùm ta, ta sẽ làm quốc tịch giả cho cậu.
- Nhưng mà làm sao tôi có thể cứu họ được, tôi đã bị tước quốc tịch Ba Lan từ rất lâu rồi, với lại quân Đồng Minh sẽ không thể nào để tôi bảo trợ một người không quen biết như vậy, cho dù có là quốc tịch Đức.
- Từ từ, để ta nói tiếp. Cậu bao nhiêu tuổi rồi Smuel?
- Tôi cũng được ba mươi ba rồi thưa ông?
- Vậy là được rồi, vợ tôi chỉ mới hăm bảy thôi. Cậu làm chồng cô ấy thì sẽ dễ dàng hơn.
- Nhưng cô ta là vợ ông mà, với lại tôi và Alyna cũng sắp…….

Chưa đợi Phương nói hết câu thì bác sĩ đã nhanh nhảu cướp lời:

- Tôi biết tôi biết, nhưng cậu chỉ kết hôn giả thôi. Không có gì bậy bạ cả đâu. Cậu nói được tiếng Đức mà, cứ nói với quân Đồng minh cậu là người Do Thái Đức bị bắt đi khổ sai và cậu chứng minh cậu là chồng cô ấy thì có thể cứu vợ con tôi ra là được mà. Tôi có soạn thêm cả giấy kết hôn giả cho cậu nữa đây, cậu không phải lo việc ấy đâu.

Hăm bảy, hóa ra cô vợ của Gustav mới chỉ có hăm bảy thôi, độ tuổi cũng đủ làm Phương cảm thấy hết hồn so với cái tuổi năm mốt của bác sĩ, đúng là người càng tri thức thì càng bỏ lỡ nhiều mộng tưởng của tuổi trẻ. Nhưng anh cũng thầm thán phục trình độ của tay bác sĩ này, ở cái tuổi mà người ta chuẩn bị kiếm chỗ ăn lương hưu thì ông này lại dợt được cô vợ trẻ măng như vậy. Nhưng suy đi nghĩ lại sau một hồi dài bị tra tấn màng nhĩ bởi bác sĩ, Phương cuối cùng cũng mệt mỏi nói:

- Thôi được, tôi sẽ giúp ông. Nhưng tôi không dám hứa đâu, vì tôi vẫn còn bị giam giữ trong đây. Nếu mà tôi có sống sót được sau chiến tranh thì vợ con ông là người đầu tiên tôi giúp đỡ.
- Cậu nhận lời nhé?
- Vâng, tôi sẽ làm nếu tôi có thể sống sót sau cùng. 
- Vậy ta sẽ gửi cậu tờ đăng ký hôn nhân giả, nó là thứ bảo đảm cho cả hai. Đừng lo, chắc chắn vợ ta cũng sẽ biết được. Còn cái căn cước giả, sẽ có cho cậu sớm nhất.

Phương nhận lấy tờ giấy, bản đăng ký đã kết hôn có ghi tên của ông Klaus Heppner và bà Lena Schwarz-Heppner được xác nhận bởi dấu mộc của chính phủ cộng hòa Weimar. Klaus, cái tên không được Do Thái cho lắm, nhưng dù sao cũng kệ, miễn có miếng giấy lận lưng là ổn thỏa cả rồi, nếu trong trường hợp xấu nhất anh bị bắt trở lại Đức thì miếng giấy này có thể cứu sống và cho anh một cuộc đời mới như là một người Đức bị lưu đày, và Alyna, nếu trường hợp xấu với cô Schwarz, nàng thơ của anh có thể sống dưới cái tên Lena một cách tự do. Việc mà anh cần suy nghĩ bây giờ là làm sao tính chuyện này cho trót lọt vì anh không thể vừa đem theo Alyna vừa bảo trợ mẹ con cô Lena cho được. 

- Vâng thưa ông, nhưng tôi không hiểu tại sao phải làm vậy. Không lẽ ông không thể trở về Đức với gia đình sao?
- Ta không chắc nữa Smuel à, hiện tại thì quân Nga đang tràn ngập khắp Đông Âu rồi. Sớm muộn gì thì nơi này cũng bị chiếm và ta cũng sẽ phải bị bắt đi bởi quân Đồng minh mà thôi. Cậu thừa biết rồi, gia đình ta và cả bản thân ta sẽ khó mà nhận được sự tha thứ từ người Nga, sau những gì bọn ta đã làm trên đất của họ. Cho nên ta không chắc ta có thể sống sót đến giây phút ấy hay không, xin cậu hãy giúp cho người vợ tội nghiệp của ta, cô ấy không đáng để bị rơi vào tay quân Nga, nếu điều đó xảy ra thì thật là tồi tệ. Cậu hãy hứa sẽ giúp tôi đi, bằng cả danh dự của một người chồng, hãy thay ta cứu mẹ con cô ấy. 
- Tôi hứa với ông, tôi sẽ làm hết sức để giúp đỡ ông. Bằng tất cả danh dự của mình, và danh dự của một người Pháp chân chính.
Gustav cảm ơn Phương bằng một cái vỗ vai, bàn tay sần sùi của người đàn ông hơn năm mươi khiến cho Phương cảm thấy bồi hồi. Anh nhìn trong khóe mắt ông sự xúc động đang dâng trào, nhất định anh sẽ cứu hai mẹ con của bác sĩ Gustav nếu như họ có rơi vào tay quân Nga. Nhưng việc khó hơn là làm sao anh có thể thoát được ra khỏi đây, nó lại là một câu trả lời khó hơn mà anh chưa tìm ra được. Và liệu đội thợ làm giày của anh có nổi dậy hay không? Hay số phận của họ đã được định đoạt ngay lúc anh bị trói ở ngoài sân? Bấy nhiêu suy nghĩ bủa vây ấy cũng đủ bủa vây lấy Phương nhưng chúng cũng sớm tan biến bởi sự có mặt của đại tá Ludwig, hắn ta đến thăm Phương với một chai Vang Bordeaux, loại rượu mà anh vẫn lâu lâu uống với hắn trong một vài giờ trò chuyện.
- Gustav, ông lấy thêm cho ta một cái ly nữa nhé.

Bác sĩ tính nói gì đó vì anh thấy ông ta còn ngập ngừng, nhưng vì sự xuất hiện của đại tá nên ông ta cũng thôi. Ludwig trịnh trọng rót thứ rượu Vang Pháp ra hai ly rồi chạm ly với Phương, hành động khiến cho anh hơi dè chừng vì đây là lần đầu mà gã đại tá trở nên dễ gần đến vậy. Nhưng anh vẫn đón lấy sự nồng nhiệt từ hắn, loại rượu quen thuộc khiến cho anh cảm thấy thoải mái đi phần nào trong người. Đợi anh uống gần hết ly rượu đầu tiên, Ludwig bắt đầu mở lời với anh, một cách chân thành, theo ý nghĩ của hắn.

- Sức khỏe của anh ra sao rồi?
- Vẫn khỏe thưa ngài, ngày mai tôi có thể trở lại làm việc được rồi thưa ngài.
- Mai anh không cần phải nhất thiết trở lại xưởng giày đâu, anh có thể làm việc cho ta như một viên thư ký dự phòng. Nhân tiện, cho ta xin lỗi vì chuyện hôm trước đã hiểu lầm anh, và ta biết rằng ta không nên làm như vậy với anh. Mong anh không để bụng những chuyện ta đã làm.
- Dạ vâng thưa ngài, tôi không dám. Nhưng cũng xin ngài cho tôi vẫn tiếp tục công việc ở xưởng giày vì vẫn còn những người anh em cần tôi giúp đỡ.
- Yên tâm đi, đó là ngỏ ý của ta. Còn anh muốn ra sao thì tùy anh thôi.

Ludwig nhún vai ưng thuận theo ý của Phương, vì hiện thì nếu anh có muốn làm hay không thì hắn cũng không cản vì vốn dĩ hắn không còn quan tâm anh đang làm cái quái gì trong trại tập trung nữa, miễn là ban sáng và ban chiều anh phải có mặt tại văn phòng của hắn. Thế thôi. Nếu anh vẫn nhất quyết làm thì Ludwig đỡ tốn một công và cái dúm thức ăn được vứt ra nó sẽ có ích đối với những người biết làm việc, còn những người không làm việc thì nằm đã trong phòng hơi ngạt hết rồi. Ngồi kế bên chỗ Phương đang nằm, hắn uống thêm một ngụm rượu và hút một hơi thuốc thật dài. Mới sáng tinh mơ nhưng tuyết trời đã dày đặc một màu trắng xóa, hơi thở của hắn cũng trắng như hơi sương bên ngoài, chẳng biết vì hơi lạnh hay vì khói thuốc. Đại tá lim dim tận hưởng cái lạnh của xứ Ba Lan và bắt đầu nhớ về Đức quốc. Nước Đức của hắn những năm 30 đẹp lắm, cái thời mà thằng đầu đảng Adolf Hitler vẫn còn là đứa nhóc con trên chính trường Đức, thì hắn cũng vẫn còn là một anh hạ sĩ quan quèn chưa hết buồn bực vì nỗi nhục thất trận hồi Đại chiến, luôn dòm những bữa tiệc xa hoa của giới sĩ quan thượng lưu. Rượu mạnh, bia và đàn bà, mọi thứ trụy lạc ấy được hơi khói thuốc phiện tạo thành một cảnh sống thiên đường đáng mơ ước đối với kẻ võ biền như hắn. Những thứ ấy không hề dành cho hắn, nó là món quà cho những sĩ quan cao cấp, giới văn nghệ sĩ, học giả và giới kỹ nghệ Đức. Họ là những nhóm người đã chung tay vực nên phần nào một Đức quốc thất trận, bị chia năm xẻ bảy bởi phân biệt xứ sở đến nặng nề cũng như sự có mặt của các cánh quân ngoại quốc. Và người ta trao cho họ vẻ ngoài thượng lưu, một thứ hương hoa lấp lánh khoác lên người nhóm người ấy, có thể là vì họ xứng đáng hoặc có thể đó là bản chất của cuộc đời khi con người muốn dấn thân vào những vùng đất ấy. Bấy nhiêu đấy là thứ động lực độc hại thôi thúc Ludwig gia nhập vào đảng quốc xã.

Và đến khi tên họa sĩ Áo đã nắm thóp được chính phủ, thì giới thượng lưu cũ chính thức bị xóa sổ để dành chỗ cho một nhóm người khác, hoàn toàn mới, vẫn giữ được vẻ thượng lưu vốn có nhưng thêm vào là những sự tàn nhẫn, hiếu chiến và độc tài. Cái ngày mà hắn thay đi bộ quần áo SA để khoác lên bộ cánh SS, từ chỗ là một hạ sĩ quan không thể ngóc đầu lên vì thời thế, hắn leo lên một mạch thành một sĩ quan chuyên nghiệp trong hàng ngũ các sĩ quan SS không chỉ nhờ các mối quan hệ, đấu đá mà còn nhờ cả chính sự thông minh, vốn hiểu biết của hắn nữa vì trước đây hắn có thời gian chỉ học và học tại đại học Berlin trước khi đi theo tiếng gọi của tổ quốc vào năm 1916. Nhờ chỉ huy đội SS mà hắn có thể chạm tay đến được những mong ước ấy từ cái thuở thanh niên của mình. Ludwig vẫn chưa có vợ, đúng hơn là hắn chưa muốn lấy vợ bất chấp cái tuổi năm mươi của gã đang đến rất gần, hắn vẫn còn nhung nhớ những đêm ăn chơi tại chốn Berlin, xem opera tại Viên và ngập ngụy trong cơn mê tình ái ở Linz cho thỏa thích một đời trai. Bấy nhiêu ấy cũng là những kỷ niệm mà hắn ém kỹ ở nơi sâu nhất trong tâm hồn gã đại tá, từng cơn mưa tuyết Ba Lan bỗng kéo hắn về lại thời điểm của gần mười hai năm trước, và rồi lại gợi lên thứ khao khát trong con người hắn, một thứ khao khát đầy dục vọng, lạc thú.

Vệt tàn thuốc rớt xuống tay khiến cho hắn bị kéo lại về thực tại, hắn trấn tĩnh bản thân và tiếp tục lấy ra cuốn sổ ghi chép từ vựng như mọi khi. Hắn vẫn nghiêm mặt hỏi Phương tiếp tục, như mọi khi:

- Hôm trước anh có nói ta nghe câu "Ich bin ein niederländischer Geschäftsmann. Ich komme nach Vietnam, um Geschäfte zu machen" nghĩa là "Tôi là một thằng diệt chủng người Đức. Tôi đến Việt Nam để diệt chủng". Anh giải thích cho ta hiểu rõ hơn được không?

Thấy Ludwig có thái độ tuy đã mềm mỏng và cầu tiến nhưng khí chất quỷ quái của một đao phủ thì hầu như vẫn còn vẹn nguyên, dòng máu quỷ dữ vẫn chảy đều đều trong huyết mạch khiến cho khuôn mặt của hắn vẫn giữ y nguyên nét dữ tợn mặc cho hắn đang làm ra vẻ ham học hỏi. Mặc dù vẫn còn rất sợ sau khi trải qua cơn thập tử nhất sinh, nhưng vì muốn thực sự đưa tội ác của bọn Phát xít ra ánh sáng, anh quyết liều mạng đến cùng với lời nói dối của mình. Phương bình thản đáp:

- Thưa ngài! "Geschäftsmann" có nghĩa là "thương nhân" là người làm kinh doanh, "diệt chủng" là một từ nói trại của người miền Nam quê tôi. Từ Đức này dịch qua tiếng Việt là từ nhiều âm và nhiều nghĩa. Đọc theo phiên âm Trung Hoa đọc là " Thòong dành" nghĩa là "thương nhân" thưa ngài.
- Vậy còn chữ "niederländischer"? Nghĩa tiếng Đức là "người Đức" à? Vậy "deutsche" nghĩa là gì
- Ta có thể dịch thành là "người Giéc man" thưa đại tá.
- Tốt, hôm nay thế là đủ rồi.

Anh vừa nói vừa cắt nghĩa chữ "niederländischer" một cách tự tin cứ như thể chưa có điều gì xảy ra, ngay cả bản thân anh còn không biết cái từ "thoòng dành" nó mang ý nghĩa gì. Nhưng điều đó cũng không quan trọng vì đại tá cũng đã tin những điều mà anh nói, và rốt cuộc thì anh cũng chỉ cần bấy nhiêu đó, có được niềm tin từ một con người nguy hiểm nhất trại tập trung. Ludwig gập cuốn tập lại, hắn lại thả đôi chân tươm tất của mình xuống sàn thay vì gác qua một bên. Vẻ mặt của hắn đã phần nào nở rộng ra sau khi nghe được những lời giải thích tường tận những gì mình đang thắc mắc trong lòng, giờ thì hắn cảm thấy khá hân hoan vì ít ra nhìn thấy Phương còn sống, hắn đã không còn cảm thấy đôi chút hối hận vì một phút giây nóng nảy bất chợt. Còn Phương thì đã thôi quắp chặt các ngón chân lại như một cách để chống lại nỗi sợ hãi sau khi gã người Đức dường như đã tin tưởng mình hoàn toàn, và điều này là một tín hiệu không thể nào tốt hơn để chiếm lấy cảm tình từ tụi sĩ quan. 

Vẫn như mọi khi, đại tá và Phương có một vài cuộc trò chuyện nhỏ, vẫn xoay quanh câu chuyện cuộc sống tại Sài Gòn ngày xưa, cuộc sống của Phương tại Ba Lan và gia đình và tuyệt nhiên gã đại tá không hề hé môi về bản thân gã. Dường như đó là một cuộc thẩm vấn thì đúng hơn là trò chuyện vì các tin tức chỉ đi một chiều, từ câu hỏi của Ludwig và từ câu trả lời của Phương. Nhưng ít ra trong mấy giây phút như thế này anh hoàn toàn tự tin vì mình đã có thể lường hết được đám chữ nghĩa bậy bạ mà anh đang luyện nói hàng ngày với Ludwig thông qua một cuốn sổ của bác sĩ Gustav. Nói chuyện chán chê thì gần tới chiều tối, tay đại tá khệ nệ đứng lên ra về và không quên để lại một chút ít quà cho Phương, một chai Vodka, cá hộp và cây thuốc lá. Bấy nhiêu đó chắc có lẽ là món quà tạ tội từ gã đại tá, Phương cũng nhận nhưng đây chẳng phải là thứ anh muốn nhận, vì món quà mà anh đã nhận từ hắn là sự tin tưởng từ Ludwig, và cả sự hận thù, vừa mang tính chủng tộc vừa cá nhân, mà anh dành cho hắn.

Từ lúc ấy, Ludwig càng ngày càng đối xử tốt hơn với Phương, hắn cũng rất chăm chỉ học tiếng Việt và Phương cũng vẫn rất chăm chỉ truyền lại những từ vựng sai lệch cho hắn, tuy đã ít đi nhưng vẫn có chút sai sót. Ludwig thì đã dần dần thu hẹp một chút khoảng cách với tù nhân như Phương bằng việc đôi lúc tặng thêm cho anh một vài hộp cá, pa tê và đôi khi là một chai rượu uống vào buổi tối, nhưng Phương thì không giữ hết bên mình, anh chia cho các anh em đội làm giày và còn gom đủ số hộp cá để có thể đổi lén được một chiếc nhẫn bạc cho Alyna, thứ vốn là đồ cấm và sẽ bị bắn ngay nếu bị phát hiện. Và dường như, khao khát sống mãnh liệt đang bám lấy gã người Đức từng ngày vì sau khi hết giờ ban chiều, hắn vẫn dành thêm hai tiếng miệt mài viết và đọc tiếng Việt cho đến tận đêm khuya.

- Này Phương, anh có muốn nghe một bài thơ bằng tiếng Việt Nam do ta viết không?

Câu nói ấy của tên đại tá cắt ngang bầu không khí tĩnh lặng của buổi học, khiến cho Phương khá ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên hắn ngỏ lời trước đối với anh. Cho nên anh cũng nhanh chóng đồng ý vì sự xúc động nhất thời, còn tên sĩ quan Đức thì cứ thế vui vẻ mà ngâm một vài câu thơ:

- Ta đọc một bài thơ về Sài Gòn quê mẹ anh nhé?
- Chắc chắn rồi thưa đại tá.
"Sài Gòn có còn nắng
Để ôm nhẹ môi em 
Sài Gòn có còn mưa
Nụ hôn mềm đôi má
 
Sài Gòn có còn gió
Hay tinh nghịch tóc ai
Để từng chiều nhạt phai
Ta đợi người phố vắng

Sài Gòn đâu làn khói
Hoa mờ bóng người xưa
Ngồi nhìn từng hạt mưa
Tìm người trong biển nhớ
 
Sài Gòn còn gì nữa?
Còn chút mộng tương tư
Và câu hỏi: " Hình như?
Lại một mình nẻo vắng ".Anh thấy nó như thế nào?

Chăm chú nghe từng câu chữ của Ludwig làm cho cảm xúc của anh bị lay động, trong thoáng chốc sự sửng sốt đã chiếm lấy toàn bộ cơ thể của Phương. Vì anh không thể ngờ được một người như Ludwig lại có cách ví von lãng mạn đến thế, trên khuôn mặt của một kẻ hành nghề đao phủ là một cá tính ấm áp, nhạy cảm trong tâm hồn. Đây cũng là lần đầu tiên anh cảm thấy thực sự ngạc nhiên vì con người sâu thẳm của đại tá, nó phức tạp hơn anh nghĩ vì quả thật những gì hắn vừa nói lại ngược lại hoàn toàn với những gì hắn đã từng làm. Những lời thơ của hắn là bảo chứng cho hình ảnh của một nghệ sĩ chứ không đơn thuần là một sĩ quan quân đội, bởi câu từ trong bài thơ của hắn thật mềm mại, rất đẹp, anh không thể không cảm thấy nể cái sự nhạy bén của tên người Đức này.

- Thật tuyệt thưa ngài! Có vẻ sự tiến triển đã vượt qua sự mong đợi của tôi rồi. Chúc mừng ngài, những lời thơ của ngài vừa đẹp vừa ý nghĩa. Nó làm tôi nhớ quê mẹ của mình rất nhiều. 
- Thôi nào, ta phải cảm ơn anh mới đúng. Chính anh là người đã dạy cho ta tiếng Việt, một bài thơ ta viết ra cũng chỉ để tri ân người như anh mà thôi. Anh xứng đáng để được như vậy.

Trong phút chốc, dường như tình người có dịp được ghé qua tâm hồn của Ludwig, khiến cho hắn trở nên hòa đồng với gã tù nhân trước mặt mình. Cả hai cùng cười, bật cười thành tiếng vì những lời nói khách sáo dành cho nhau. Lần đầu tiên Phương cảm thấy được một chút ấm áp từ phía đại tá và cũng là lần đầu tiên sau quá nhiều năm hắn khen ngợi một người, đặc biệt lần này lại là một tù nhân của hắn. Cuộc trò chuyện của họ trong những ngày sau đó trở nên gần gũi hơn nhiều, nhưng khoảng thời gian ấy chắc chắn sẽ không kéo dài lâu, chẳng sao cả, Phương không quan tâm, vì thứ anh quan tâm hơn cả là những chuyện đằng sau này.