Chương 413: Lưng cơm quả trứng

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 413: Lưng cơm quả trứng

Chương 413: Lưng cơm quả trứng


***
Tối hôm ấy bố tôi không ngủ ở nhà cùng hai bà cháu mà đi Hà Nội luôn, không để lại bất cứ lời nhắn nào khiến tôi chưng hửng. Kế hoạch xây cất mộ cụ tổ cứ thế mà bỏ ngang xương khiến tôi cảm thấy có chút lấn cấn.

Buổi tối như thường lệ, tôi ngồi hí hoáy viết truyện bên ánh đèn bàn, cái đài cát sét mở những bài hát tiếng Anh được mở nho nhỏ bên cạnh, tôi tự cảm thấy mình cũng có chút lãng mạn. Từ khi hai chị đi chơi xa tôi bỗng dưng trở nên chăm chỉ, dĩ nhiên không phải chăm chỉ học mà dành thời gian viết truyện, viết chán tôi chuyển sang vẽ linh tinh. Tôi vẫn nhớ phần lớn các truyện tôi vẽ bị ảnh hưởng bởi Đường Dẫn Đến Khung Thành rồi Hesman và cả Tsubasa nữa. Nhân vật chính luôn đi giải cứu thế giới hoặc giải cứu ai đó thoát khỏi những khó khăn mà chỉ nhân vật chính mới có khả năng giải quyết được. Thú thật là tôi "làm việc" rất say mê và đầy tính nghiêm túc, chỉ có điều những tác phẩm ra lò chẳng có ai đọc thậm chí cả… ma. Đôi lần tôi đã lấy hết dũng khí mang tác phẩm của mình cho hai chị xem và chỉ nhận được những nụ cười nhếch mép đầy ẩn ý và câu nhận xét khiến tôi đau lòng:

- "Nhảm nhí! Bao giờ thì em mới trở thành người lớn?"

Tôi không buồn khi nghe những lời nhận xét đầy chân thực ấy mà tự hứa sẽ cố gắng hơn trong những… tác phẩm kế tiếp. Tôi chỉ dừng làm những việc vẽ vời hay viết lách khi chính tôi nhận ra rằng vốn sống cũng như vốn hiểu biết của mình quá ít thì có viết bất cứ cái gì cũng sẽ xa rời thực tế. Tôi đã từng tự hỏi bản thân mình rất nhiều lần:

- "Những thứ này mình vẽ và viết cho ai đọc nhỉ?"

Hỏi và tự trả lời, sau cùng tôi nhận ra sẽ chẳng ai đọc những tác phẩm nhảm nhí của mình nên tôi mới quyết định dừng công việc đó lại và chuyển sang vẽ những thứ khác có ích lợi hơn đôi chút. Tôi… vẽ bản đồ hoặc các bức tranh trong sách tiếng Anh. Một bức tranh mà tôi đã tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức để hoàn thành đó là vẽ lại cái cầu trên sông Themes có tháp đồng hồ. Sau này mỗi khi tôi xem phim có cảnh cây cầu ở thủ đô London này thì trong lòng lại trào dâng cảm xúc thời thơ ấu của mình.

Vẽ truyện thì chỉ cần giấy A4, tôi luôn mua loại giấy A4 tốt bởi tôi nhớ khi đó giấy A4 có hai loại, một loại trắng và dày, loại còn lại mỏng hơn và có màu xám khiến tôi cảm thấy không hài lòng. Khi tôi chuyển sang vẽ tranh hoặc vẽ bản đồ, tôi đã mua rất nhiều giấy A0, tôi đã tự tìm kiếm và tự tạo ra đam mê cho chính mình trong những tháng ngày buồn tẻ nơi quê nhà khi mà hai chị ma vui vẻ tung tăng đi dạo khắp nơi. Tôi cũng vẽ cả bản đồ Việt Nam. Bây giờ sau nhiều năm tôi tin là mình vẫn đủ khả năng vẽ nhưng khả năng kiên nhẫn thì… tôi không dám chắc. Bởi chẳng có ai dạy nên tôi tự học, dù vẽ bất cứ bức tranh nào thì việc đầu tiên tôi dùng thước kẻ và bút chì kẻ những ô vuông trên bức hình gốc sau đó kẻ những ô vuông lớn hơn trên giấy A0 rồi vẽ theo. Bản thân tôi tự đánh giá, nhận xét khả năng vẽ của mình là… tệ! Bởi tôi cảm thấy bức tranh sau khi hoàn thành vẫn thiếu một chút hồn. Những tác phẩm tôi vẽ ra cũng chỉ có R9 là người duy nhất chiêm ngưỡng, cảm xúc của nó cũng chỉ là những cái nhếch mép nhưng tôi không cảm thấy mình đáng thương.

Đam mê viết và vẽ này chỉ thực sự dừng lại khi trái tim của tôi bận rộn.

- Cạch! Cạch! Cạch!

Tiếng động bên cửa sổ khiến tôi phải dừng bút nhổm người đứng lên dí sát hai mắt vào chấn song cửa nhìn ra khoảng không tối đen ngoài khu vườn, tôi đã không nghe nhầm, chị Ma đưng ngay phía dưới cửa sổ giơ tay vẫy tôi liên hồi, nét mặt lộ vẻ rạng rỡ. Tôi vội vàng bước nhanh ra sân, lâu ngày không gặp nên tôi cảm thấy rất vui mừng.

- Lần này hai chị đi chơi tít mít quá, dễ cũng đến một tháng rưỡi chứ chẳng ít.

- Thì vưỡn! Đi cho bõ công chứ. Chị vừa mới về, em ở nhà khoẻ chứ?

- Ở nhà mà chị, chẳng có gì đặc biệt. Cứ ăn rồi ngủ.

- Nhìn em không béo ra được tí nào.

Tôi gãi đầu cười, quả thật là vậy, dù tôi có ăn nhiều đi chăng nữa cũng chẳng béo lên được thêm cân nào, tôi vẫn là đứa còi gần nhất lớp.

- Nhìn chị vui vẻ như thế này hẳn là chuyến đi gặp nhiều thứ vui phải không ạ?

- Cứ đi kiểu này chị sợ chị với cái Khuê lại mê mẩn chẳng muốn về làng nữa, ngoài kia có bao nhiêu là thứ hay ho, tân tiến. Vong hồn bây giờ cũng đa dạng, chúng nó cảm thấy lạ lẫm với những gì chị biết, thật may chị cũng có hiểu biết chút ít chứ không lạc hậu quá thể.

- Để em xem nào, chị cũng tậu được bộ váy áo mới nhỉ? Sao chị không đổi màu khác mà chứ nhất quyết phải màu đỏ thế này?

- Không đẹp sao? – Chị Ma quay một vòng tròn cho tôi xem.

- Đẹp thì đẹp, chị thì có bao giờ xấu đâu nhưng… thi thoảng cũng cần thay đổi chút diện mạo cho lạ lẫm đấy chị. – Tôi vừa nói vừa cười.

- Được, chị sẽ lưu tâm điều này. Nào chàng trai, chị đi xa lâu như vậy ở nhà có gì mới không? Thằng cu thầy bói thi thoảng vẫn lên chơi chứ hả?

- Anh ấy lên đều có việc cả. Dạo nọ lên tìm mộ cụ nội em, vừa hôm nay cũng lên giúp bố em làm lễ xây mộ cụ tổ nhưng anh ấy về từ lúc trưa rồi.

- Có vẻ nhiều chuyện đấy nhỉ, vào lấy ghế ra ngồi cho đỡ mỏi chân em ơi. Chị chờ ở gốc cây vối.

Ánh đèn điện từ trong nhà hắt qua khung cửa sổ giúp cho khu vườn buổi tối bớt u tịch, trăng đã lên nhưng cây cối um tùm cùng với bụi tre gai cao chót vót đã che đi thứ ánh sáng vàng nhạt của trăng giữa tháng. Cái ao sau nhà tôi dày đặc những đám bèo tây, chỉ có một khoảng nhỏ to hơn cái nia là không có bèo. Gió thổi hiu hiu, tiếng lá trong vườn xào xạc kèm theo những tiếng chẫu chuộc, tiếng ếch kêu râm ran bên ao bèo, tiếng côn trùng rỉ rả, nỉ non báo hiệu mùa hè đã đến rất gần, chỉ còn khoảng một tháng nữa là tôi sẽ kết thúc năm học lớp 10.

Tôi để một cái ghế nhựa màu đỏ cho chị Ma ngồi còn tôi ngồi cái ghế màu xanh. Nói về ghế nhựa tôi lại nhớ lớp 10 bọn tôi mỗi thứ Hai đầu tuần phải mang ghế đi học để ngồi chào cờ, tôi lười phải làm việc này nên… gửi luôn ở quán nước gần cổng trường, kẻ lười luôn có cách để đỡ nhọc. Thằng bạn thân R9 của tôi vì xe có giỏ nên tuần nào nó cũng phải mang theo, tôi vẫn hay gọi vui ngày đầu tuần là "Ngày hội mang ghế", khi lên lớp 11 và 12 có đến phân nửa đám con trai ngồi phệt dưới đất vì lười.

- Trước khi gặp em chị cũng đã hỏi thăm cả rồi. – Chị Ma bắt đầu câu chuyện – Mộ của cụ em đã tìm được một cách suôn sẻ, em cũng không phải lộ mặt, như vậy là tốt. Còn mộ ông tổ gặp trục trặc phải không?

Tôi gật nhẹ bởi tôi đoán theo thói quen chị Ma sẽ dò hỏi mọi chuyện diễn ra trong thời gian chị ấy vắng nhà, hơn nữa tôi cũng không có gì phải giấu diếm.

- Sáng nay chỉ mới động cuốc mà có tới hai người ngã vật ra như lên cơn động kinh, bây giờ các bác em có vẻ hãi lắm. Có khi… chẳng ai dám động tay làm nữa.

- Chị cũng có nghe. – Chị Ma cười – Cái ông được thuê xây mộ bị bóp cổ đến trợn mắt phải không nào?

Tôi lắc đầu bởi tôi không rõ chú Chung bị làm sao, chỉ biết mắt trợn ngược và miệng thì sùi bọt mép đến là sợ.

- Chỉ là doạ con cháu chơi chút thôi chứ có gì đâu mà lo.

- Chẳng biết ý của ông tổ như thế nào chị ạ. Ban đầu đồng ý cho xây nhưng đến lúc bắt đầu xây lại thành ra như vậy, chắc chị có thấy gạch, cát xếp đầy ngoài gò chứ?

- Có, chị có thấy. Vậy tiếp theo bên họ hàng tính như nào?

- Anh Ca có hứa giúp, lúc trưa bố em chở anh ấy về làm lễ ở điện, có vậy anh ấy mới xem giúp được

- Em có nhớ lần gặp cụ tổ của em, ông cụ đã dặn dò điều gì không?

- Em có nhớ!

- Chỉ cần em ngồi ngẫm nghĩ lại lời căn dặn kết hợp với thực tế ngày hôm nay sẽ tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện không hay đã xảy ra vào buổi sáng. Ý của người nằm dưới mồ đã nắm rõ thì sẽ dễ dàng trong mọi chuyện, em không phải lo lắng.

- Nói thật với chị là em định nói với bố em…

- Không cần phải nói, có những thứ số mệnh đã sắp đặt sẵn phải làm như vậy thì em có cố nhúng tay vào cũng chẳng thay đổi được kết quả, thậm chí hỏng việc lớn như chơi. Nào, giờ có thời gian thì kể lại cho chị mọi chuyện em đã nghe thấy liên quan đến mộ phần xem chị có thể giúp em được điều gì.

Tôi thì thầm kể cho chị Ma mọi điều tôi đã nghe, đã thấy trong thời gian qua liên quan đến hai ngôi mộ. Chị Ma lắng nghe rất chăm chú, thi thoảng còn tủm tỉm cười, đúng hơn là cố gắng nín cười, tôi nghĩ như thế. Nghe xong hết câu chuyện của tôi, trong khi tôi chờ đợi lời tư vấn thì chị Ma cứ ngồi trên ghế gật đầu tỏ vẻ rất tâm đắc với những gì vừa nghe. Tự nhiên tôi cảm thấy khó hiểu.

- Còn gì nữa không?

- Hết rồi, em nghĩ như thế là quá nhiều thứ bất bình thường! Mà quả trứng gà ấy, chị… chị nghĩ sao? Chị có từng nghe hoặc biết gì về thứ bùa chú này không chị?

- Chị là ma chứ đâu phải thánh thần, càng không phải thầy bói. Em hỏi thế sao mà chị trả lời em được.

- Làm sao mà quả trứng có thể đứng trên đầu đũa như vậy được chứ, điều này thật kỳ khôi. Em mà kể ra có khi người ta bảo em bị điên không chừng.

- Thật ra việc tìm mộ của cha ông tổ tiên bằng quả trứng gà chị nghĩ xuất phát từ tục lệ xa xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Mấy ông thầy bói được ăn lộc thánh có người chỉ dạy nên biết còn người trần mắt thịt không biết âu cũng là lẽ thường tình. Em có biết một người vừa mới thác thì người thân sẽ đơm ngay một bát cơm đem đặt ở đầu giường không?

- À, cơm đơm vào hai bát úp ngược, lèn chặt với nhau đúng không chị? À còn có một đôi đũa vót ngược cho tua ra để đặt quả trứng gà luộc lên, em có nhớ.

- Nhưng em có biết ý nghĩ của việc đó hay không?

Tôi lắc đầu, đời nào tôi biết được những việc này cơ chứ, đến người lớn còn chẳng biết. Có nhiều tục lệ được các thế hệ con cháu tiếp nối nhưng đã quên dần đi ý nghĩa ban đầu.
- Cơm được nấu từ gạo, gạo từ thóc mà ra. Tổ tiên ta bao đời trồng lúa, đặt bát cơm lên đầu giường người mới mất chính là để nhắc nhớ đến nguồn cội cũng là thứ thức ăn cả nghìn đời qua, phân biệt giữa con người và con vật khác. Hơn nữa, rất có thể bát cơm dùng để hút bớt khi âm toả ra đó em.

- Thật hả chị?

- Đây là những điều chị nghe được trong vài trăm năm qua, chị tin là đúng bởi nó rất phù hợp.

- Chị loanh quanh ở nhà mà cũng biết nhiều thứ quá.

- Thế em nghĩ chị đây là kẻ ngu độn hay sao hả?

- Không, không! Em nào có ý đó. Nhưng mà… bát cơm thì liên quan gì đến chuyện em đang thắc mắc hả chị?

- Ngoài bát cơm còn có đôi đũa và quả trứng đúng không nào? Đôi đũa dĩ nhiên là từ cây tre, tre thì làng nào cũng có, nhà nào cũng có tự ngàn đời nay cây tre gắn liền với hình ảnh quê hương xứ sở. Trước đây chị nghe nói nhưng dạo gần đây chị đi đó đây thì càng thấy đúng, ở đâu có bụi tre gai ở đó có người Việt.

- Ở Hà Nội em không thấy có bụi tre.

- Trước đó thì có, ngoài ấy giờ đông đúc, toàn người là người nên người ta chặt hết đó chứ, thời trước tre còn được dùng làm thành luỹ chứ em tưởng à.

- Thế còn quả trứng gà ạ?

- Ờ! Trứng gà do con gà đẻ ra.

Tôi nhăn mặt:

- Chẳng lẽ do con vịt?

- Thế con vịt của em có biết gáy không?

- Vịt thì sao mà biết gáy, nó chỉ biết kêu thôi chị ơi.

- Nhưng con gà thì khác, con gà biết gáy, gà gáy thì trời sáng, con gà biết gọi mặt trời đấy nhé.

Chị Ma nói đến đây thì tôi bắt đầu mường tượng được chị ấy muốn nói tiếp những điều gì, quả nhiên không sai. Chị Ma giải thích cặn kẽ cho tôi với chất giọng nhẹ nhàng đúng kiểu của một người chị mới đi chơi xa về:

- Vạn vật sinh sôi do có mặt trời, qủa trứng cũng xem là biểu tượng của sự sống sinh sôi, nó sẽ nở ra một con gà con nhỉ? Gà là loài vật biết sự sáng tối của trời đất, thế nên gà gáy sáng mặt trời chuẩn bị mọc và khi gà lên chuồng mặt trời lặn. Trùng hợp thay… giờ Dậu mỗi ngày, giờ của con gà lại đúng lúc mặt trời lặn. Em nghĩ sao?

- Em… em không biết ạ.

- À, vậy… vậy em đã từng thấy mẹ em mang chân gà đi xem bói bao giờ chưa?

- Em có thấy nhưng không quan tâm lắm ạ. Hình như gà cúng giao thừa, cặp chân gà ấy treo trên gác bếp thì phải, em… em không nhớ lắm.

- Tục bói chân gà này hồi chị còn sống mẹ chị cũng có đi xem đôi ba lần. Tại sao không xem chân của con khác mà cứ nhất định là chân con gà chứ?

- Ừ nhỉ, chị nói đúng!

- Chị nghe người ta nói lúc còn sống nghe tiếng gà gáy mà thức dậy làm việc, khi qua đời trong vòng ba ngày kể từ lúc hạ huyệt, hồn cũng nhờ tiếng gà gáy gọi thức giấc mà trở về nhà theo người thân. Nhưng tục này lâu lắm rồi chị không còn thấy nữa hoặc ít nhất trong vùng này không còn thấy. Lúc mất cũng có quả trứng để hút khí âm đến khi tìm mộ, thầy bói dùng thuật nào đó chị không biết nhưng có lẽ dựa theo cách này để tìm, có khác chăng là quả trứng gà chưa luộc, khí âm cũng sẽ hút vào trong đó. Trứng chưa nở, chưa thấy mặt trời vẫn tính là âm bởi thế vong hồn người mất hiển linh chỉ cho con cháu.

- Chị… chị đã thử cách này bao giờ chưa?

- Em hỏi thừa, chị thì làm gì có ai tìm mà biết, cái này cũng là nghe truyền khẩu lại chứ biết đâu. Muốn biết rõ thì tí nữa chị đi hỏi những vong hồn xung quanh mộ cụ nội em là biết ngay thôi.

Tôi chợt nhớ lời của Sơn Ca lặp đi lặp lại rằng phải hoàn thành trước khi có tiếng gà gáy, có lẽ chị Ma nói đúng thật.

- Vậy thì em đã hiểu sơ sơ ạ. Hôm ấy anh Ca cứ nói là phải làm xong trước khi gà gáy, em nghĩ… em nghĩ việc này có liên quan thật chị ơi.

- Sao? Thấy chị của em thông minh không?

- Vừa xinh đẹp lại thông minh vô địch ạ!

***
#C68




Chương 69: Nhận định của chị Ngọc Khuê

***
Bên ngoài luỹ tre gai bống có tiếng cười phá lên, nghe qua là nhận ngay ra chị Đẹp, chẳng hiểu chị ấy đã âm thầm đứng ngoài đó từ khi nào. Chị Đẹp nhại lại lời tôi:

- Vừa xinh đẹp lại thông minh vô địch ạ!

Rồi lại cất tiếng cười lớn. Chị Ma chau mày nhìn ra bụi tre nơi đang phát ra tiếng cười đầy chế giễu toan đứng dậy nhưng lại thôi. Chị Ma thản nhiên nói:

- Đứa nào nghe lỏm ở ngoài ấy mau khai tên không bà đánh cho sứt đầu.

- Ô! Cô thẹn quá hoá giận đấy hả? Ta đứng đây từ nãy giờ, nghe hết mọi chuyện cô nói với thằng bé rồi, ta… ta không nhịn được cười, ta xin lỗi nhé! Hí hí hí!

- Quân mất nết! Những gì ta nói liệu đáng cười đến thế hay sao?

- Không! Không! Cô nói đều đúng cả.

- Thế tại sao cô lại cười châm biếm ta? Có phải cô chưa ăn đòn thì chưa biết sợ?

- Hí hí hí! Châm biếm đâu, nào có châm biếm gì. Tại thằng bé nó khen cô vừa xinh đẹp lại thông minh vô địch nên ta buồn cười.

- Cô muốn gây sự?

Chị Ma đứng bật dậy, tôi còn chưa nhìn thấy chị Đẹp đâu. Tôi cũng chưa biết nói như nào để can ngăn hai ma nữ này.

- Không, ta nào muốn gây sự. – Chị Đẹp vội phân trần – Cô đẹp thì đúng rồi, chẳng ai phản đối nhưng thông minh thì cần phải xem lại.

- Ý cô muốn nói ta ngu độn?

- Cũng không, cô làm sao mà ngu độn được. Ta với cô thông minh như nhau, cô tám lạng thì ta nửa cân, có đúng không?

Chị Ma không nói thêm lời nào ngồi xuống ghế tỏ vẻ chờ đợi xem chị Đẹp sẽ nói gì tiếp theo. Tôi đứng tần ngần chưa biết nên bước về chỗ bụi tre gai hay đứng dưới gốc vối, lựa chọn nào cũng khó khăn cả. Nhưng tôi cũng đủ thông minh để lên tiếng gọi hỏi thăm:

- Chị Khuê mới đến ạ? Chị… chị đến lâu chưa?

- Ngươi lại hỏi thừa, ta vừa nói là ta đến từ khi nãy rồi.

- À vâng ạ! Chị vẫn khoẻ chứ chị?

- Cảm ơn ngươi đã quan tâm, ta lúc nào cũng khoẻ cả. Có điều ta đi lâu quá nên cũng nhớ nhà ngươi, thấy ngươi thui thủi một mình ở nhà hơn cả tháng trời qua tội nghiệp nên ta ghé thăm xem người ăn ở ra sao. Ngươi vẫn còi như tháng trước, chẳng thay đổi gì.

- À dạ! Thì… thì cũng chưa đủ lâu mà chị.

Chị Ma gắt gỏng:

- Hai chị em họ Lý nhà ngươi có gì thì nói luôn đi, đừng có diễn tuồng ở đây nữa, ta mệt!

- À đúng! Vừa rồi ngươi giải thích cho thằng bé cũng không sai nhưng chỉ là khía cạnh truyền khẩu, nói đúng thì đúng mà nói sai thì là sai rất khó chứng minh nhưng ta nghĩ cô… nói đúng.

- Thì sao? Lòng vòng cuối cùng chẳng biết cô muốn nói cái gì!

- Ta… ta muốn bổ sung thêm một cái nhìn khác nữa cho đầy đủ.

- Hừ! Có gì thì nói luôn đi đừng có vòng vo tam quốc, để xem cô thông minh đến đâu mà cười ta.

Chị Đẹp đứng bên ngoài bụi tre nói vọng vào:

- 2 bát cơm úp vào nhau là hai vạch đứt, hai cái đũa cắm vào cũng là hai vạch đứt đều là Âm, quả trứng gà kẹp giữa biểu tượng vạch liền là Dương. Trên dưới đều có hai vạch đứt Âm, vạch liền ở giữa là Dương chính là quẻ Khảm. Điều này chứa ẩn ý rằng sự sống ẩn vào cái chết nên quả trứng phải luộc chín, nghĩa là về nơi chín suối để bắt đầu một chu kỳ mới.

Chị Ma nghe xong quay lại hỏi tôi:

- Em có hiểu những gì cái Khuê vừa nói không?

Tôi lắc đầu, tôi làm sao mà hiểu được những điều cao siêu chị Đẹp vừa nói cho được. Chị Ma dường như chỉ chờ có thế liền ôm bụng cười ngặt nghẽo khiến tôi cảm thấy bối rối, chị Đẹp đứng bên ngoài bờ tre hẳn cũng đang chưng hửng.

- Văn hay chữ tốt toàn nói những điều khó hiểu, ta nghe một hồi mà bùng nhùng hết cả lỗ tai thì thằng bé không hiểu là điều tất nhiên. Rốt cuộc cô muốn nói đến cái gì?

- Ta… ta đang giải thích cho hai ngươi hiểu về ý nghĩa của bát cơm quả trứng theo cách nhìn của những nhà Nho.

Chị Ma cười lớn, bất chợt ngã ngửa ra phía sau nhưng cũng không ngừng việc cười. Tôi đứng chết trân không động đậy, cũng chẳng dám có bất kỳ biểu lộ nào trên khuôn mặt.

- Thế cô giải thích cho thằng bé vì sao quả trứng gà sống lại đứng được trên đầu đũa, thằng thầy bói đã dùng cách đó để chỉ chỗ mồ mả ông bà tổ tiên cho thằng bé.

- Cái đấy thì ta không biết!

- Không biết? Không biết mà đòi dạy khôn người ta. Cô chắc không nghe lỏm được đoạn đầu của câu chuyện rồi.

Chị Ma vừa nói vừa cố nhịn cười.

- Thế cô và thằng bé đang nói chuyện tìm mộ à?

- Em ra kể lại cho cô chị cùng họ của em nghe đầu đuôi câu chuyện đi, nó thật là ngây thơ, nghe được mỗi khúc giữa mà đòi dạy đời người ta, nói toàn những thứ khó hiểu. Học ít thôi tiểu thư ơi.

Chị Đẹp đứng bên ngoài bờ tre im lặng, tôi vội vàng bước đến sát bờ tre bên này, đến khi nhìn thấy chị Đẹp đang đứng mân mê tà áo, đầu hơi cúi xuống bỗng nhiên tôi muốn động viên hoặc chuyển sang chuyện khác.

- Mới có hơn một tháng không gặp chị mà nhìn chị đẹp hơn mấy phần đấy, chị mới mua thêm váy áo mới ạ?

- Hả? Ngươi… ngươi thấy ta mặc bộ này đẹp sao?

Phụ nữ thật dễ dụ, chị Đẹp trở nên hớn hở ngay lập tức, giống như chưa từng buồn vậy.

- Ta bây giờ mỗi ngày sẽ mặc một bộ váy, trừ những ngày quan trọng ta mới mặc bộ màu xanh. Ngươi đúng là có con mắt chiêm ngưỡng cái đẹp.

- Oẹ oẹ!!! Ta cảm thấy buồn nôn quá!

- Hai chị rong ruổi cùng với nhau hơn một tháng trời ngày nào cũng cà khịa nhau như vầy hay sao? – Tôi thắc mắc.

- Không, bọn chị đi chơi vui mà. Tại ban nãy nó trêu chị nên giờ chị trêu lại, như thế là công bằng, có phải không Khuê nhỉ?

- Cô im đi!

- Em… em xin hai chị, lâu lắm mới gặp chưa hỏi thăm được gì đã to tiếng với nhau thế này rồi thì làm sao mà em hỏi chuyện cho được.

- E hèm! Rồi, thế hỏi gì thì hỏi đi.

- Ừ đúng! Ngươi nói đi, ta ngồi luôn ở đây cũng được. Ta cũng muốn mua quà về cho ngươi lắm nhưng nhớ ra ngươi vẫn còn sống nên thôi, sau này ngươi chết ta sẽ cho bù nhé.

- Em… em còn lâu mới chết, chị đừng doạ em thế chứ, lòng tốt này em không dám nhận đâu chị ơi.

Tôi lại kể tóm tắt cho chị Đẹp câu chuyện tìm mộ bằng trứng gà cũng như mấy việc khác, chị Đẹp nghe chăm chú, cuối cùng chị ấy kết luận một câu xanh rờn:

- Vụ quả trứng thì ta không rành nên ta theo ý cái Hoa, mấy thứ lưu truyền trong dân gian đúng là ta đây không có kinh nghiệm gì cả. Còn như ngươi thắc mắc về việc mả tổ vừa mới động cuốc đã sinh chuyện thì ta mạnh dạn đoán rằng tiểu sành đựng xương cốt đã không còn ở vị trí cũ.

- Cái gì ạ? Mộ tổ nhà em có bị mất nấm đâu. Cái gò đất đằng kia thì chị cũng có lạ gì đúng không, sao tiểu sành đựng xương cốt lại bị mất. Chẳng lẽ… có ai đào trộm ạ?

- Ta đâu nói có kẻ đào trộm. Như lời ngươi và cả cái Hoa, à, ta tin cái Hoa bởi nó là thổ địa ở đây. Cái gò đất ấy xưa kia hẳn lớn hơn rất nhiều so với hiện nay có phải không?

Chị Ma lại kể rành mạch nguồn gốc của cái gò không tên, chị Đẹp nghe rất chăm chú, thi thoảng lại chau mày như để ghi nhớ.

- Nếu như cái Hoa nói đúng thì mộ tổ của nhà ngươi cũng được ít nhất hai trăm năm. Hai trăm năm là khoảng thời gian đủ dài làm xô lệch tiểu sành so với vị trí ban đầu. Chẳng nói đâu xa ngay như hầm mộ của ta bây giờ cũng cho những chỗ bị sụp do đất dịch chuyển. Hầm mộ của cái Hoa ta nghĩ cũng không khác gì cả.

- Đúng là có chuyện đó. – Chị Ma xác nhận.

- Ta đoán hài cốt của ông tổ nhà ngươi bây giờ nằm đâu đó dưới một thửa ruộng rồi Tý ạ.

- Thú thật là cụ tổ của em cũng có đề cập đến việc này nhưng em không tin lắm.

- Không tin rồi người sẽ tin, dù đây chỉ là phỏng đoán của ta nhưng đào lên tự khắc sẽ biết đúng sai ngay thôi. Chính bởi lý do đó nên cụ tổ ngươi không đồng ý cho con cháu xây mộ mà phải… thay luôn cả tiểu sành bởi nếu xây sai chỗ thì chẳng còn ý nghĩa gì hết. Ngươi hiểu ý ta nói chứ?

Tôi chưa hình dung ra nên đành phải lắc đầu, dù sao tôi cũng chỉ mới mười sáu tuổi mà thôi. Chị Đẹp chỉ biết thở dài ngao ngán và kiên nhẫn giải thích lại cho tôi hiểu. Tôi nghe xong cũng đã hình dung ra được vấn đề, có lẽ tiểu sành đựng xương cốt của cụ tổ nằm dưới một ruộng lúa nào đó xung quanh gò đất. Nếu cứ thế mà xây lên một ngôi mộ to đẹp sẽ to chuyện. Tôi bày tỏ sự lo lắng của mình, chị Ma liền gạt đi:

- Em đừng có lo, điều cái Khuê vừa nói có thể là đúng nhưng thằng Ca nhất định cũng sẽ đoán ra được.

- Bằng cách nào chứ? Hôm nay anh ấy còn tỏ ra luống cuống như mọi người.

- Nó bảo bố em về làm lễ ở điện thờ của nó ắt là có cách.

- Có khi nào anh ấy lại… lại xuất hồn để lên đây không chị?

- Chị không cho rằng nó sẽ làm như thế. Thầy bói có cách riêng, nó có thể xuống Quỷ Môn Quan nghĩa là nó sẽ có cách để hỏi người dưới ấy.

- Gặp cụ tổ em để hỏi ạ?

- Điều này chị không chắc, muốn gặp cụ tổ em thì phải thông qua con cháu chứ sao tự ý đi hỏi được. Ngó qua ngó lại trong đám con cháu ở làng này chị thấy chẳng có ai để áp vong.

Tôi nghe đến việc áp vong bất chợt rùng mình, hai chị ma nhận ra điều này ngay và bật cười khiến tôi cảm thấy đỏ mặt vì ngượng.

- Áp vong có gì mà sợ, em dĩ nhiên chẳng bị áp đâu mà lo.

- Em không lo, không lo.

Thật ra có một vài lần tôi đã trải qua cảm giác toàn thân bay bổng khi ngồi xếp bằng tròn trên chiếu cói chờ thầy cúng áp vong. Tôi tò mò muốn xem cảm giác các vong hồn lượn lờ tìm người phù hợp để nhập vào sẽ như thế nào. Tôi vẫn nhớ rõ những khi ấy phía dưới chỗ mình ngồi như có một luồng khí đẩy mình lên khỏi mặt đất, đầu óc trống rỗng, cảm giác mọi thứ xung quanh xoay tròn, mất phương hướng. Đã có đôi lần tôi mong chờ việc bị nhập xem sao nhưng tôi đều thất vọng, sau mấy lần như thế thì tôi từ bỏ ý định và chẳng quan tâm đến việc ngồi xem vong nhập nói gì nữa bởi nếu tôi ngồi đó chờ đợi thì người bị vong nhập đều chẳng nói được gì, y chang như bị bóp cổ, lưỡi cứ thè ra, mặt nhăn nhó và đôi mắt nhắm nghiền, co giật. Có người bảo tôi cao số, thôi cũng đành vậy.

- Hai chị có thể hỏi giúp em xem cụ tổ em muốn như thế nào được không?

Hai chị cùng lắc đầu một lượt, chị Đẹp nói:

- Đây là tâm nguyện của từng vong, hơn nữa lại là chuyện của gia đình. Bọn ta có muốn cũng chẳng giúp ngươi được, nhưng ngươi yên tâm, bọn ta lúc nào cũng dõi theo mà tìm cách mách nước cho ngươi.

- Em chỉ lo động đến mồ mả kiểu này sẽ sinh chuyện không hay sau này.

- Sống ở trên đời, được phúc đừng quá mừng, được hoạ đừng quá buồn. Lão Tử từng nói "Hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối hoạ", cũng chính Lão Tử từng dạy rằng trong cuộc sống hãy để mọi chuyện tuỳ ý tự nhiên…

- Thôi, thôi ngay! Nó mới mười sáu tuổi đầu, cô đừng nhồi vào đầu nó thứ chữ nghĩa của bọn hủ nho nhé. – Chị Ma chen ngang.

- Cái gì mà hủ nho? Ta biết cô ghét bọn Tàu, ta cũng không ưa nhưng cái gì hay của nó thì phải học và vận dụng chứ.

- Thôi quay lại vấn đề chính mà thằng bé đang quan tâm, liệu có đúng cụ tổ của nó muốn con cháu cải táng lần nữa hay là không.

- Ờ đúng, vậy bố ngươi có muốn cải táng lần nữa không?

Tôi lắc đầu ngay:

- Ui chị ơi, cải táng mộ tổ đâu phải chuyện đùa. Em không thấy bố em hay các bác em đề cập.

- Sau chuyện sáng nay chị nghĩ rằng sẽ có người thối lui. Xưa nay động vào mả tổ ít nhiều cũng gặp chuyện không may. Nhưng nếu em tin chị thì cứ lẳng lặng mà quan sát, cái gì đến sẽ đến. Chị có thể khẳng định một điều rằng tất cả người thân ruột thịt của em sẽ không có ai gặp chuyện chẳng lành.

Chị Đẹp bổ sung luôn:

- Sức khoẻ có thể tránh nhưng tiền tài sẽ hao hụt, đó là quy luật muôn đời nay, khó mà vẹn toàn.

Tôi thở dài:

- Tự nhiên ông bác em lại nằm mơ thấy làm gì không biết. Bây giờ em nhớ lại nửa năm trước không phải tự nhiên em lại nằm mơ thấy cụ tổ em, đến ông nội em em còn chẳng biết mặt nữa là cụ tổ.

- Thôi thì trọng trách người được chọn đành phải chịu thôi, tránh làm sao được.

- Em được chọn cho cái gì ạ?

- À, chị chỉ thuận miệng nói thế thôi, không có gì.

- Chị lại có gì giấu em phải không?

- Không hề! Nếu biết chị sẽ nói, chị làm sao để em gặp nạn được.

- Đúng! Dù sao số ngươi cũng rất thọ.

- Nhưng… nhưng có bị què không ạ? Hoặc… hoặc ngớ ngẩn…

Chị Đẹp nhún vai tỏ vẻ không biết, tôi quay sang nhìn chị Ma đứng gần bên, chị Ma nói chắc nịch:

- Minh mẫn và đủ tay chân lành lặn đến phút lìa đời!

Nói dứt câu chị Ma lấy tay che miệng cười khúc khích khiến tôi nhăn mặt không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Ai cũng mong mình sống lâu, khoẻ mạnh và minh mẫn, tôi cũng không ngoại lệ nhưng thái độ của chị Ma khiến tôi cứ thấy rợn rợn kiểu gì đó rất khó tả.

- À chị Khuê, cái anh Ca đang để ý đến kho của chị đấy nhé!

- Hử? Thật à? Ừm… kệ nó!

- Chị… chị không lo hả?

- Gì mà lo, nó để ý thì sẽ tìm cách đào, những người đào cùng nó kiểu gì chẳng liên quan đến ngươi. Ngươi nói thật lòng đi, ngươi có muốn lấy vàng của ta không?

- Em không!

- Ngươi lạ thật, ta có nhiều lắm, vàng bạc châu báu đủ để ngươi sống phè phưỡn đến cuối đời.

- Hoạ ai gánh? Nếu hoạ chị gánh thì em đồng ý.

- Ngươi khôn nó vừa vừa thôi, quên đi. Nếu ngươi có vàng bạc châu báu của ta, ngươi sống khác gì bậc đế vương, ngươi sung sướng thì ngươi hưởng chứ ta có hưởng đâu.

- Thế sao chị cứ xúi dại em?

- Tại ta thích ngươi, nếu đằng nào cũng mất thì ta muốn ngươi có phần.

- Hình như… hình như hai chị đã dự đoán được việc kho của sớm muộn sẽ bị đụng chạm?

- Ngươi nên biết một chân lý xưa nay không bao giờ sai, đó là khi người giàu có hoặc xinh đẹp sẽ luôn bị để ý dù ngươi không muốn. Có trách thì trách ông trời bởi vì ta thành ma rồi mà vẫn đẹp.

Nhìn thái độ lạc quan của hai chị tôi cũng chỉ biết thở dài buông một câu:

- Thây kệ hai chị, nếu bị che mắt lấy trộm hết đừng có trách em.

- Hí hí hí… nếu của trong kho bị mất hết thì ta sẽ theo cái Hoa đi đánh bạc, tiền thắng bạc cũng dư giả cho ta tiêu, ngươi cứ yên tâm nhé.

- Hai chị không phải người làng này nhưng xem ra… xem ra hai chị còn máu mê cờ bạc hơn người làng nữa.

- Ai bảo bọn ta không phải người làng? Ta không sinh ra ở làng này nhưng thác nơi đây, đây chính là đất của ta.

Có nói gì đi nữa cũng khó mà cãi được hai chị ma, nghe hai chị nói thì việc kiếm vàng bạc thật sự dễ dàng như lấy đồ trong túi.

***