Chương 410: Dự cảm không lành

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 410: Dự cảm không lành

Chương 410: Dự cảm không lành


***
Gần mười năm sau sự kiện tôi tận mắt chứng kiến quả trứng gà do chính tay mình đặt lên đầu đũa không rơi thì vô tình tôi có đọc một vài bài báo viết về các nhà ngoại cảm đi tìm mộ cũng dùng cách đặt trứng gà lên đầu đũa tre để xác định mộ chí. Ban đầu người ta bán tín bán nghi, sau đó nhiều người tin và đó là cơ hội để các thầy trên khắp vùng Bắc Bộ thi nhau dùng cách này để giúp thân nhân tìm mộ, chủ yếu là mộ liệt sỹ. Bẵng đi vài năm khi tôi đã không còn ở Hà Nội nữa, khoảng thời gian đó tôi thường xuyên sử dụng máy tính, lang thang trên nhiều diễn đàn và vô tình đọc được nhiều bài báo, nhiều ý kiến cho rằng việc tìm mộ, xác định mộ phần bằng quả trứng gà là không có căn cứ, không có cơ sở khoa học cũng như nhiều thầy sử dụng phương pháp này để lừa đảo. Tôi không phán xét cũng không dám đưa ra bất cứ nhận định nào ngoài những cái thở dài. Sơn Ca đã nói đúng, cho dù vài năm trước tôi có kể cũng chẳng ai tin ngoài những người thân trong gia đình. Tại sao những người trong gia đình tôi lại tin tưởng những điều Sơn Ca nói hoặc làm đó là một câu chuyện dài. Trong cái xã hội mà thật giả khó phân thì thời gian luôn cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất về những gì đã diễn ra.

Cá nhân tôi tin vào những điều khoa học khó giải thích, nếu kết hợp giữa tâm linh và khoa học để đưa ra một kết quả giống nhau thì thật mỹ mãn. Những ai đã từng trải qua, đã từng chứng kiến hoặc gia đình đã từng được giúp đỡ tìm mộ hẳn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về người thầy mà gia đình nhờ vả. Ở cái năm 1999 khi mà internet còn chưa phát triển, gần tám mươi phần trăm dân số cả nước vẫn sống ở các vùng nông thôn, trong các luỹ tre làng thì những điều kỳ bí còn rất nhiều.

Tôi là một kẻ tò mò cũng là một đứa hay nói chuyện nhưng tôi đã không kể cho người mới gặp hoặc bạn bè cùng lớp nghe về những thứ tôi đã trải qua bởi tôi cho rằng sẽ chẳng ai tin còn người lớn, với những nỗi lo cơm áo gạo tiền hầu như không để tâm. Tôi – một thằng học sinh lớp 10 – là tỷ phú thời gian lại ít bạn bè, cuộc sống vốn là vậy, luôn công bằng với tất cả mọi người. Vì ít bạn nên tôi trải nghiệm nhiều thứ bạn bè không biết, thay vì những chiều đá bóng hoặc tụt tạt chỗ nọ chỗ kia thì tôi lại ngủ vùi và tỉnh như sáo vào ban đêm khi cả làng đã chìm trong giấc ngủ để khám phá những thứ lạ kỳ. Đối với một người vừa bước ra khỏi lứa tuổi thiếu niên thì những thứ mà bản thân tôi khám phá hoặc chứng kiến không khác gì những trò chơi của trẻ nhỏ. Đến khi tôi 20 tuổi nhiều người vẫn nói tôi có tính cách như thằng trẻ con vô lo vô nghĩ, thật ra mọi chuyện đều có lý do cả. Tại sao phải lo nghĩ quá nhiều khi biết rằng khó khăn mà mình đang phải đối mặt không thể giải quyết trong ngày một ngày hai? Thay vì ủ rũ, lo âu thì cứ vui lên, tươi cười mà tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi chỉ như một cái chớp mắt.

Tôi đã từng sung sướng, hạnh phúc, đau khổ, nghèo khó, giàu có… trước tuổi 20 để đến khi 21 tuổi xem như xoá toàn bộ ván cờ đi làm lại từ đầu. Tôi yêu thích và trân trọng nhiều gương mặt đã bước qua cuộc đời mình, có nguời đi, có người ở lại, tất cả họ đều ít nhiều dạy cho tôi những bài học đáng giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của tôi.

Sơn Ca là một trong những người tôi quen biết trước khi 21 tuổi và anh ta đã dạy cho tôi rất nhiều thứ đôi khi chính anh ta không hề biết bản thân anh ta đã vô tình trở thành một người thầy của tôi. Sơn Ca giống tôi ở một khía cạnh nào đó, có thể tôi và Sơn Ca đều ít bạn hoặc anh ta phát hiện thấy ở tôi có điều gì đó thu hút anh ta, anh ta muốn khám phá. Còn tôi, tôi chẳng biết gì về Sơn Ca và thế giới của anh ta, bản thân lại là một kẻ tò mò bởi vậy tôi chẳng từ chối bất cứ một cơ hội nào đồng hành cùng với Sơn Ca trong những đêm tối trời hay sáng trăng ở vùng quê bắt đầu trở mình.

Ngồi trên bậc thềm, bên cạnh là ấm nước vối hãy còn nóng bỏng tay, Sơn Ca liên tục thổi cốc nước trên tay cho mau nguội để uống còn tôi thì xoay tròn cái cốc nhựa liên tục, đôi mắt như vô hình nhìn cây ổi trước sân. Tôi đang cố suy nghĩ thử xem Sơn Ca có dùng thủ thuật nào đó để quả trứng gà có thể dựng đứng trên đầu đũa được hay không nhưng cho dù tôi có cố suy nghĩ bao nhiêu lâu đi nữa cũng vô dụng bởi không thể phát hiện ra điều gì bất thường. Đũa ăn cơm thì của nhà, trứng gà cũng của nhà và tôi lại tự tay thực hiện, thậm chí còn làm vỡ một quả trứng trước khi thành công.

- Đừng có ngồi đấy mà nghĩ ngợi, mày có nghĩ đến sang năm cũng không có lời giải thích nào thoả đáng đâu.

Tôi thở dài xem như chấp nhận từ bỏ việc đi tìm câu trả lời cho sự việc mà mình vừa mới trải qua nhưng trong lòng cũng có ít nhiều phấn khích. So với việc nhìn thấy vong hồn hay sự kỳ diệu của lá vối hoặc lá bùa đông cứng trưng dụng, những bảo bối có tác dụng với ma quỷ thì quả trứng gà dựng đứng trên đầu đũa lại là một bằng chứng mười mươi của cái gọi là trong cuộc sống mọi thứ đều có thể xảy ra, chỉ là bạn không có cơ hội chứng kiến tận mắt.

- Anh đã tìm nhiều lần như thế này chưa? – Tôi quay sang hỏi Sơn Ca.

- Cũng vài lần thôi, ở các vùng quê thì mày biết rồi, việc mất nấm không phải thường xuyên, nếu có bị mất nấm, bị lãng quên thì có nhiều lý do khác. Có khi vì lý do nào đó người đã khuất không còn muốn con cháu tìm thấy mộ.

- Làm… làm ma có thể… - Tôi ngập ngừng – Có thể chết thêm lần nữa không anh?

- Tao không thể trả lời câu hỏi này của mày một cách đầy đủ nhưng tao thấy mày có vẻ là một thằng thông minh. Mày thử nghĩ xem, nếu tao và các ông thầy làm nghề trừ ma đuổi quỷ, ngoài việc đánh đuổi còn phải tiêu diệt. Vậy mày đã có câu trả lời rồi chứ?

Tôi nheo mắt nhìn Sơn Ca, anh ta dường như chẳng để tâm đến cái nhìn của tôi. Sơn Ca nhấp một ngụm nước vối nóng rồi hít hà một hơi thật dài:

- Thật ra làm thầy việc diệt một vong cũng và việc vạn bất đắc dĩ. Diệt một vong chẳng khác gì bàn tay sẽ nhuốm máu, diệt một hay một trăm cũng không khác nhau là mấy. – Sơn Ca vừa nói vừa chìa lòng bàn tay ra trước mặt đăm chiêu – Nhưng đuổi ma quỷ đi hoặc thu phục vẫn là lựa chọn ưu tiên bởi làm thầy cũng có lúc thịnh, lúc suy. Lúc thịnh ma quỷ nể sợ, lúc suy có thể vì chính những điều mình đã từng làm mà lìa xa nhân thế.

- Như thế nghĩa là khi thành ma vẫn có thể… thành ma một lần nữa. – Tôi cố gắng đưa ra một định nghĩa phù hợp nhưng thật khó.

- Làm một vong hồn bình thường đến lúc được gọi đi đầu thai dù làm súc vật vẫn thích bởi có thể nghe, ngửi thậm chí là ăn. Một số kẻ khi làm người thì độc ác, gian trá đến khi thành vong hồn cũng không chịu tu tâm, đành chịu thôi. Tự làm khắc sướng! – Sơn Ca cười khẩy – Tao từng biết một số người đến khi số mệnh đã hết nhưng chẳng chịu quay đầu làm việc thiện, con người nói chung rất phức tạp.

- Mộ của cụ em bây giờ đã tìm được rồi, theo anh thì… thì bao giờ nên xây?

- Đấy không phải việc của tao. Mày cứ nói với bố mày, bố mày sẽ bàn bạc với gia đình chứ.

- À thì em hỏi ý kiến của anh, dù sao anh cũng là người có nhiều kinh nghiệm.

- Ban nãy mày cắm đũa còn sợ phá lúa nhà người ta, thế nên để sau mùa gặt sẽ tiện đôi đường.

Tôi gật đầu đồng tình, như thế sẽ đỡ sinh chuyện. Tôi nhất định sẽ nói lại với bố.

- Mà mả nằm giữa ruộng nhà người ta cũng không phải là tốt, người ta không thích đâu. Gia đình nhà mày sớm muộn cũng chẳng ở làng này nữa, thế nên nếu có dịp thì di dời mả sang một nơi mới để tiện cho sau này cũng là điều nên làm.

Tôi lại gật đầu đồng tình. Sơn Ca rút một điếu thuốc lá, gõ vài cái rồi châm lửa, anh ta vẫn nói với giọng đều đều, không hề nhìn tôi:

- Cái làng này chẳng biết nên nói là đất đẹp hay đất xấu… - Sơn Ca thả những hơi thuốc lá thành hình tròn – Nhưng có thể khẳng định một điều rằng hiện tại khí âm rất thịnh, tương lai còn thịnh hơn.

- Anh biết xem cả phong thuỷ hả?

- Biết tí tẹo thôi, cái gì cũng phải biết một tí, còn trẻ thì phải học hỏi chứ mày.

- Đúng rồi, nên học hỏi. Nhưng làng em sao anh lại bảo là không biết đẹp hay xấu? Em thấy giao thông rất thuận lợi đấy chứ? Nằm cạnh đường cái quan, đi nơi nào cũng tiện.

- Kể ra làng mày đất đẹp, bởi vì đất đẹp nên làng này từ đầu chí cuối làng có rất nhiều miếu hoang.

Thấy Sơn Ca đổi chủ đề có liên quan đến "người quen" của mình, tôi vội đặt cốc nước sang một bên ngồi xích lại gần Sơn Ca hỏi:

- Là sao hả anh?

- Thì bởi có nhiều thế đất đẹp nên người đời trước chọn làm nơi chôn cất người thân để mong con cháu đời sau vinh hiển. Nhưng những ngôi miếu hiện nay ở làng mày có đến tám phần là miếu thờ bà cô giữ canh giữ vàng bạc, châu báu.

- Là… là thần giữ của phải không? Thi thoảng bà em cũng hay kể.

Bất chợt Sơn Ca phá lên cười:

- Đúng rồi, chính là thần giữ của, mày cũng quan tâm những chuyện như này hả?

- Em cũng là người hay tò mò ạ. Em cũng biết làng em có vài ngôi miếu nằm chơ vơ chẳng thuộc đất nhà ai, dù cho ban ngày ban mặt đi qua cũng cảm thấy lạnh hết cả sống lưng chứ chẳng đùa.

- Chính vì đất đẹp nên ngoài việc chọn chỗ táng mồ mả người thân còn chọn nơi cất giấu của cải. Một người nhìn ra thì hàng chục người sẽ nhìn ra, đến tao cũng nhìn ra nhưng thời thế bây giờ đã khác trước. Tao… tao đã đến một số nơi nhưng làng này đúng là hơi nhiều miếu thờ bà cô trong đất nhà. Nếu miếu lập ở cạnh sông, suối, đầm, ao… thì chẳng nói, đằng này… đằng này toàn lập miếu trong đất thổ cư chứng tỏ đất nghịch.

- À! – Tôi gật gù tỏ vẻ đang lắng nghe.

- Đấy, vì đất đẹp nên nhiều người chọn thành ra mới nhiều khí âm, theo mày là điều tốt hay điều không tốt?

- Em á? Em thì biết gì.

- Thì tao hỏi mày cứ trả lời xem nào! Chứ nghe mà cứ gật gù như vịt nghe sấm lần sau đừng hỏi.

- À thì… thì em nghĩ tốt hay xấu là do mình. Kể cả trên đất nhà em có oan hồn hay miếu hoang em cũng không để tâm, miễn mình cứ sống tốt, không làm gì phương hại đến họ là được. Nói gì thì nói, em đi học thấy quê mình có đến hơn nghìn năm lịch sử nên chuyện trên đất nhà ai có người nằm ở dưới cũng không lấy gì làm lạ anh ơi.

- Cũng phải. Mà đất nhà mày đã từng có miếu, bao giờ bố mày sẽ xây lại cái miếu thờ?

- Em không biết.

- Bà… à… cô thần miếu khu đất này có vẻ thiêng, chẳng biết có phải thần giữ của hay không nhưng còn trẻ lắm, vừa trẻ lại vừa dữ tính. Trước sau gì bố mày cũng nên xây một cái miếu để thờ cúng cho yên ổn chứ ai lại mỗi khi có cỗ bàn gì lại mang đồ cúng ra đặt dưới đất như thế.

- Em cũng nói vài lần, bà em cũng bảo rồi nhưng bố em bận.

- Mày ở nhà tự thuê người đến xây, đáng bao nhiêu đâu.

- Em còn nhỏ, những việc hệ trọng như này làm sao quyết định được. Điều này anh biết mà.

- Hẳn là chưa có duyên rồi. – Sơn Ca chép miệng.

- Mà sao… mà sao anh đến làng em có hai lần mà có vẻ biết nhiều thế nhỉ?

- Tao đến hai lần, ngủ hai đêm nên ma chỉ cho tao đấy! – Sơn Ca vừa nói vừa cười, chẳng biết thật, giả mấy phần – Trên nhà bà ngoại mày có một cái miếu, mày có hay lên đấy không?

Tôi chối luôn:

- Em không! Thi thoảng có việc gì em mới lên nhà bà em, hoạ hoằn lắm em mới ra chỗ cái miếu, chỗ đấy lúc nào cũng lạnh hơn bình thường anh ơi.

- Cái miếu đó nằm trên gò đất cổ lại rìa làng, tao cho là… - Sơn Ca nháy mắt nói với tôi – Dưới ấy có vàng.

- Vàng á?

Sơn Ca gật đầu. Tôi thở dài:

- Kể cả có thì đã sao chứ? Bà em bảo lấy được mấy thứ đồ ấy thì sẽ gặp toàn chuyện không hay, thậm chí… mất mạng.

- Bà mày nói không sai nhưng chẳng đúng hoàn toàn. Có dịp tao xem thử cái miếu đó, nếu có của dưới đó thật tao sẽ mách cho thằng Út đào lên mà dùng.

Tôi nghe Sơn Ca nói giọng tỉnh bơ mà chợt thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

- Mày không thích vàng à? – Sơn Ca chợt hỏi rồi tự trả lời – À, mà mày còn trẻ con, chưa hiểu hết giá trị của những thứ ấy.

- Bố mẹ em có tiền nên…

- Có nhiều hơn cũng tốt, vàng bạc là thứ không bao giờ thừa.

- Anh… anh định xúi cậu Út em đào vàng á?

- Bây giờ thì chưa nhưng biết đâu duyên số có lộc trời cho.

- Anh không sợ… không sợ bị trả thù à?

- Đến khi nào tao không sợ việc đấy thì tao sẽ mách cho cậu mày.

Sơn Ca mỉm cười, nụ cười đầy ẩn ý, ánh mắt của anh ta chợt sáng rỡ còn tôi lại có những dự cảm không lành.

Cánh cổng phát ra tiếng kêu cót két, bà Già đã đi mua đồ ăn sáng về đến, tôi vội đứng dậy chạy ra xách túi bánh cuốn vào nhà. Sơn Ca bình thản ngồi trên thềm nhà nhai trầu bỏm bẻm, tôi chẳng biết anh ta đã nghĩ gì trong đầu.

Mặt trời cũng vừa mới nhô lên…

***