Chương 406: Thiên cơ bất khả lộ

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 406: Thiên cơ bất khả lộ

Chương 406: Thiên cơ bất khả lộ

***
Cuối tuần bố tôi không về mà giữa tuần kế tiếp ông về vào buổi sáng, mới hơn 8 giờ sáng tôi đã nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc nổ ngoài cổng kèm tiếng gọi, tôi có đôi chút ngạc nhiên và nghĩ rằng bố tiện công việc nên tạt qua nhà nhưng không phải. Hôm nay trên nhà bác Tuấn – ông bác họ hơn tôi năm tuổi – có đám giỗ. Mọi năm chẳng thấy ai đề cập nên tôi không nhớ, những năm sau này cũng không lần nào bố tôi về ăn cỗ nữa nên tôi cũng đã quên luôn ngày chính xác, nhưng điều này không quan trọng.

Bố tôi ghé vào nhà đưa cho hai bà cháu mấy thứ mang từ Hà Nội về, có cả thịt bò hãy còn tươi mà bố nói rằng mẹ mua lúc sáng sớm gửi về bởi tôi thích ăn thịt bò xào dứa. Bởi gần mười năm ở quê chả mấy khi mẹ tôi gửi đồ ăn về kiểu này nên tôi… rất cảm động, và vì cảm động nên tôi nhớ lâu.

Bố thắp hương một lượt, khấn vái xong đâu đấy thì ra ngoài cửa hút thuốc lá. Tôi mang theo ấm nước vối hãy còn ấm, rót đưa cho bố lưng cốc nước rồi tiện miệng hỏi luôn:

- Vậy chắc ngày hôm nay các bác bàn tính việc xây mộ cho cụ tổ luôn chứ bố?

- Ừ!

Bố lim dim mắt phả những hơi thuốc lá tròn vo vào khoảng không trước mặt. Tôi hỏi tiếp:

- Bao nhiêu năm con không thấy ai đề cập đến mấy việc này, sao năm nay lại bàn đến và gấp gáp thế hả bố?

- Chắc đợt hội làng vừa rồi trong họ mình có chú Khiêm khao lên cụ, gặp nhau đông đủ nên các bác ấy mới đề cập đến chuyện này. Nghe đâu mộ tổ ngành nhà mình chôn không được đất hay con cháu không để tâm nên không phù hộ.

- Toàn chuyện linh tinh, bố đừng có tin.

- Bố tin hay không thì quan trọng gì, nếu các bác đã quyết thì phải làm chứ bàn lùi làm sao được. Chuyện người lớn phức tạp lắm, mày không hiểu đâu. Mà cũng phải, trong họ bây giờ còn mỗi mả tổ ngành nhà mình là chưa xây cất, dù việc cụ tổ có hiển linh mà trách móc hay không thì vẫn nên xây, bằng không anh em trong họ người ta cười cho.

- Sao lại cười hả bố?

- Thì có cỗ bàn lại có người nọ người kia bảo là ăn bao nhiêu cũng hết, làm ăn phát đạt là do tổ tiên phù hộ lại để mả tổ là nắm đất chơ vơ giữa cánh đồng là bất hiếu là…

- Con biết là bố chẳng để tâm đến những lời ấy, dù sao chạp họ bố cũng chẳng mấy khi có mặt. Để con xem nào, từ hồi con về quê học đến nay đã ăn đến đã được bảy cái Tết nhưng bố chỉ chạp họ có một lần.

- Thôi chuyện người lớn, mày đừng có tham gia, biết cái gì!

- Hai năm nữa là con thành người lớn, con nghĩ cũng nên học dần là vừa mà bố.

- Thôi, để bố lên gặp các bác bàn chuyện cho sớm, xong xuôi bố còn phải xuống Thứa nữa.

Cuộc họp bàn tính việc xây mộ cho cụ tổ ngành cũng không có gì căng thẳng theo những gì mà tôi biết và cảm nhận, tôi thậm chí… còn chẳng để tâm mấy đến cuộc họp này bởi tôi biết bố tôi thuộc nhánh út nên lời nói chả ăn thua, người quyết định việc này sẽ là bác Tuấn tưng tửng, anh họ của bố tôi. Chẳng cần phải dự họp hay nghe lỏm tôi cũng thừa biết ông bác dấm dớ của mình sẽ quyết định ra sao. Tôi đã vài lần nói nửa đùa nửa thật rằng mả tổ họ nhà tôi chẳng biết táng vào thế đất gì mà… lắm người dấm dớ, tưng tửng. Có điều lạ ấy là toàn phát vào những ông trưởng ngành, may quá, tôi thuộc nhánh út nên không bị ảnh hưởng, à, tôi hi vọng mình sẽ không bị bởi biết đâu về già bản thân tôi lại trở chứng cơ chứ thành một ông lão lẩm cẩm.

Tôi cố nấn ná ở nhà cho đến gần giữa trưa chờ bố nhưng không thấy bố về lại nhà nên tôi đành phải đi học, đến tối trong bữa cơm chỉ có hai bà cháu, tôi hỏi bà thì bà bảo rằng bố chỉ tạt qua chào bà rồi xuống dưới Thứa luôn.

Tôi vừa nhai cơm nhồm nhoàm vừa hỏi bà thêm:

- Thế bố cháu không nói gì về việc xây mộ cụ tổ hả bà ơi?

- Không, thằng bố mày dừng xe ở cổng, đưa cho tao tiền rồi đi luôn chứ có vào nhà đâu mà nói với chả không. Mà sao mày có vẻ quan tâm đến việc mồ mả của họ thế nhỉ?

- Thế bà không biết à? Mồ mả cha ông mà được xây cất đàng hoàng tử tế, cháu nghe nói là con cháu sẽ phất lên như diều gặp gió, học hành đỗ đạt.

- Cha bố mày, chỉ được cái tếu táo là không ai bằng. Mả tổ ngành đông con nhiều cháu, có phù hộ độ trì cũng chẳng đến lượt mày đâu. Tuần sau là xây.

- Sao bà biết? Bố cháu nói à?

- Không, Mày không thấy có bát xôi vò này à?

Lúc này tôi mới nhớ ra bát xôi bà đã hấp lại trong nồi cơm hãy còn nóng hổi trên mâm.

- Bà Đám mang phần cho lúc chiều nên kể cho tao. Tuần sau bố mày lại về ở nhà mấy ngày để lo việc xây cất.

- Bố cháu út ít lo gì việc đấy, thế mấy bác đâu?

- Ông nào cũng bảo bận công việc, còn mỗi bác Tuấn với bác Thường mày ở quê, bố mày chủ trì và lo kinh phí.

Tôi nghe bà nói như vậy thì buông đũa, ngừng nhai và đặt bát cơm đang ăn dở xuống mâm quay ra đằng sau rót cốc nước vối uống một hơi, lẩm bẩm một mình:

- Là phúc thì không phải hoạ, là hoạ thì khó mà tránh.

- Mày lẩm bẩm cái gì mà hoạ với phúc?

- Không có gì ạ.

Tôi thở dài. Bà giục mấy lần tôi mới bưng bát cơm và lấy và để cho xong bữa nhưng chẳng có vị gì trong miệng, tâm trí tôi đang nghĩ mông lung về những việc khác.

Đêm ấy trăng rất sáng, tôi ngồi một mình bên thềm nhà hóng gió. Chị Ma đã đi xa hơn một tháng vẫn chưa về, những lúc như thế này tôi muốn gặp chị ấy hỏi vài việc dù biết đây là chuyện gia đình có khi chị ấy không muốn tham gia nhưng có người nghe những điều trong lòng đang băn khoăn cũng tốt. Tôi nhớ những gì cụ tổ đã nói với mình trong giấc mơ nửa thật nửa hư mấy tháng trước, rõ ràng điều này như có ai đó sắp đặt.

Hai ngày sau bố tôi lại gọi về cho tôi nói rằng cuối tuần này anh Sơn Ca sẽ ghé nhà chơi. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe được điều này bởi tôi thừa biết nhà tôi có cái gì để chơi chứ? Nhưng tôi cũng chẳng buồn hỏi lại bố tại sao bởi như chị Ma từng nói, kiểu gì Sơn Ca cũng tìm cách quay lại làng, còn vì sao anh ấy muốn quay lại thì tôi cũng lười phỏng đoán. Hiện tại chị Ma cũng đang vắng nhà, chẳng có gì để Sơn Ca dò la hết.

Chiều ngày thứ Bảy khi đi học về tôi đã nhìn thấy Sơn Ca đang ngồi trên bậc thềm nhà mình hút thuốc lá với điệu bộ thư thái, tôi ngay lập tức thay đổi nét mặt để phù hợp với sự hiếu khách của mình. Tôi đi học về cùng R9, nó muốn mượn tôi một cái băng cát sét về nghe thử bởi tôi khuyên nó nên nghe nhạc nước ngoài cho… quý tộc, thấy tôi nói mãi nó cũng miễn cưỡng lên mượn về nghe thử. R9 đã nghe tôi nói qua về Sơn Ca, nó biết anh ấy là một thầy bói, tuổi tác tính ra chỉ hơn nó một tuổi. Trong khi tôi vào nhà cất ba lô để lấy băng cho R9 mượn, khi quay trở ra đã thấy Sơn Ca cầm tay R9 ngó nghiêng. Tôi giữ im lặng và tò mò muốn biết Sơn Ca phán những gì. Một hồi Sơn Ca bắt đầu nhìn thẳng mặt R9 nói:

- Hai thằng mày khắc khẩu nhưng chơi được với nhau đấy, có khi kiếp trước có duyên nợ.

Tôi ngẩn người chưa kịp hiểu. Sơn Ca nói tiếp:

- Mày cũng là thằng chung tình, hai thằng có điểm này giống nhau phết nhỉ. Nhưng tao khuyên thật là chuyện tình cảm của mày chẳng đâu đến đâu, chỉ tốn thời gian và công sức.

- Thế là tốn cả tiền nữa.

Tôi nói bâng quơ. Sơn Ca bĩu môi:

- Thằng này làm đéo gì có tiền mà lo tốn với gái. Mày lo cho bản thân mày ấy, mày tán gái sẽ tốn tiền tấn nhưng thằng này chẳng tốn một cắc nào.

- Tán gái mà không có tiền dù ít thì tán kiểu gì? Thời buổi kinh tế thị trường như bây giờ chẳng lẽ vác cái dái khô đi hả anh? – Tôi châm chọc.

- Đời hãy còn dài con ạ, rồi mày xem.

Tôi vỗ vai R9 mấy cái, giọng phấn khởi:

- Thế nhất mày, tán gái không tốn tiền. Sau này có gì nhớ bày tao cách, tao sẽ gọi mày là sư phụ nhé con trai!

- Thôi mày im mẹ đi. – R9 gạt tay tôi ra rồi hỏi thêm Sơn Ca – Anh… anh xem thử cho em xem sau này em có phát tài không ạ?

Sơn Ca không vội vàng trả lời R9, anh ta rút thêm một điếu thuốc lá 555 khác ra gõ gõ vài cái xuống bậc thềm sau đó cho lên miệng châm lửa rít vài hơi, có lẽ đó là một thói quen của Sơn Ca trước khi nói những điều quan trọng. Sơn Ca đưa bàn tay trái đang đeo găng tay đặt lên cằm của R9 rồi quay đầu nó sang hai bên như để xem tướng, sau rồi anh ta phán:

- Mệnh Đại Hải Thuỷ của mày dung nạp trăm sông. Nhâm thuộc Thuỷ mà Tuất thuộc Thổ bởi thế Nhâm Tuất là nước mang phù sa, nước đục, chảy ngược dòng. Mày là thằng có tính đa cảm, hay cho đi, hay nhận trách nhiệm về mình. Thời loạn dễ thành anh hùng nhưng thời bình nay e có chút không phù hợp, tính mày thật thà khó thành người gian được, nhất định phải nỗ lực không ngừng, kiên trì, nhẫn nại để thay đổi số mệnh. Sau này nếu lấy vợ, mày nên duyên với đứa nào tuổi Giáp Tý hoặc Ất Sửu là lên như nhiều gặp gió.

R9 nghe vậy quay sang nhìn tôi, tôi vội giải thích:

- Ý anh ấy bảo mày lấy vợ nên chọn bọn con gái đang học lớp 8, lớp 9 đấy. Chẹp… May cho mày làng mình lứa này khá đông lại nhiều đứa xinh, tha hồ chọn.

Tôi cười nham nhở. R9 hỏi Sơn Ca:

- Nhưng bao giờ em giàu, anh xem thử cho em.

- Tương lai cũng thành công nhưng xem nào… ừm… - Sơn Ca bấm mấy lần đốt ngón tay miệng lẩm nhẩm không thành tiếng – Sau ba mươi sáu tuổi mới yên bề gia thất, làm ăn sẽ khấm khá.

- Úi, còn tận mười tám năm nữa cơ ạ? – R9 vừa hỏi vừa cười.

- Chỉ là một cái chớp mắt. – Sơn Ca nói đầy ẩn ý, tôi cũng không hiểu.

Đúng sai phải tương lai mới biết nhưng R9 có vẻ chẳng để tâm, lúc nó dắt xe về tôi ra khép cổng, R9 phán một câu:

- Ông này dị nhỉ? Mùa hè nóng chết mẹ lại còn đeo găng tay!

Tôi nhoẻn miệng cười:

- Người ta là thầy bói chứ có phải người thường đâu.

- Thế hôm nay ông ấy ngủ lại nhà mày à?

- Tao biết đâu? Từ nãy tao còn chưa hỏi.

Tôi trở vào nhà, Sơn Ca đã không còn ngồi trên bậc thềm, có lẽ anh ấy đã đi vệ sinh. Tôi ngồi một mình huýt sáo theo giai điệu của bài Lemon Tree đến khi Sơn Ca quay lại, tôi chưa kịp nói gì Sơn Ca đã lên tiếng trước:

- Thằng bạn mày có vẻ không tin những gì tao nói.

- Tính nó ít thể hiện đó anh ơi.

Sơn Ca cười nhẹ, lắc đầu:

- Số thằng bạn mày là số khổ, sinh vào thời loạn thì gánh được giang sơn nhưng nó bây giờ thay vì gánh giang sơn thì nó gánh gia đình.

Tôi nhăn trán ghi nhớ lời của Sơn Ca. Sơn Ca nói tiếp:

- Thằng này hợp mệnh với mày, sau này mày đi đâu thì nó đi đấy, chắc kiếp trước chúng mày có duyên nợ với nhau. Bạn bè giúp nhau lúc nguy nan, mong là sau này mày sẽ giúp được nó.

- Nó là bạn thân của em, là thằng bạn thân duy nhất. – Tôi khẳng định.

- Vật đổi sao rời nhưng mày nói đúng, chắc hẳn có duyên nợ nên hai thằng mày sinh ra trong cùng một làng không chừng. Nó sẽ cứu mày, mày sẽ cứu nó, khi nào những việc này hoà nhau, kiểu như ân đền oán trả sòng phẳng thì số nó mới khấm khá được.

- Anh nói gì mà ghê thế, nó là thằng tốt bụng, thật thà chứ không như em đâu.

- Trước sau nó vẫn là một thằng tốt tính nhưng còn mày? Mày có phải là một thằng tốt tính không?

- Hử? Em hả… ừm… em là một người tốt, bạn thân đâu có nhiều, giúp được bạn thì giúp chứ sao lại trốn tránh. – Tôi chép miệng – Có thể em không hẳn là người tốt tính nhưng đối với bạn bè, người thân quen em chẳng bao giờ tính kế.

- Tao chẳng tin lắm, mày là thằng rất khó đoán. Tri nhân tri diện bất tri tâm, nhìn mặt mày tươi cười như này ai mà biết trong lòng mày nghĩ gì. Tao nói có phải không?

Tôi chỉ mỉm cười không đáp. Sơn Ca ngồi xuống bậc thềm thấp hơn, anh ta lại rút thêm một điếu thuốc khác châm lửa:

- Bố mày nhờ tao lên tìm mộ cho cụ nội của mày.

- Hả? – Tôi giật mình.

- Mày không nghe nhầm đâu. Sớm mai mày dậy sớm đi với tao để tìm mộ.

- Bố em đâu?

- Bố mày không về cũng được, việc này dễ.

- Sao lại dễ? Em biết cái gì đâu mà đưa anh đi, mộ của cụ nội em, em còn chẳng biết nơi nào sao em đưa anh đi tìm được ạ?

- Mày không biết sẽ có người chỉ cho mày biết chứ bố mày về cũng chẳng giúp được cái gì.

- Sao lại thế được chứ? Việc này là hệ trọng…

- Tao đã ít nhất ba lần thắp hương trên ban thờ nhà mày, tính cả hôm nay nữa là bốn lần. Xem chừng các cụ gia tiên nhà mày tín nhiệm thằng cháu đích tôn. – Sơn Ca quay lại nheo mắt nhìn tôi.

Tôi nhăn mặt:

- Em thì biết cái gì chứ? Có khi chẳng tìm được đâu anh ơi!

- Mày nghĩ thế cũng là đúng nhưng tao lại nghĩ khác, có nhiều thứ mày không hiểu, không biết được đâu. Mày là con trưởng, sớm muộn gì cũng cáng đáng việc thờ cúng gia tiên, quen những việc này dần đi là vừa.

Tôi thở dài thườn thượt, tỏ vẻ ngao ngán. Sơn Ca đứng lên vỗ vai tôi động viên:

- Có vài điều chính tao cũng không giải thích được nhưng mày là người được chỉ định thì cứ thế mà làm thôi.

- Nhưng làng em bốn bề là cánh đồng, bãi tha ma cũng rộng vậy tìm ở đâu?

Sơn Ca búng điếu thuốc lá đã hút hết hai phần ba ra xa, vặn mình vài cái nháy mắt nói với tôi:

- Thiên cơ bất khả lộ! Mày làm thầy đi rồi tao chỉ.

- Thế em chịu. Em chỉ sợ anh tốn công mà chẳng tìm được gì.

- Tao chỉ nhận lời làm những việc tao biết tao làm được, việc gì tao không làm được nhất định tao không nhận lời đâu.

- Anh có vẻ chắc chắn quá.

- Rồi mày xem. Thôi, mày đi tắm đi còn ăn cơm. Tối nay nhớ ngủ sớm, mai 4 giờ dậy.

Tôi chép miệng đứng dậy quay vào trong nhà lấy quần áo đi tắm, vẻ mặt đầy đăm chiêu.
***