Chương 401: Đêm trước hội làng

Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 401: Đêm trước hội làng

Chương 401: Đêm trước hội làng


***
Tôi đạp xe một mạch đến cửa hàng nhà bác ở Đề Đổ, lấy cớ mua nước ngọt uống để dò la tin tức. Tôi không muốn vào thẳng nhà bà ngoại. Tôi hỏi chị Hạnh:

- Cậu Út về ăn hội làng hả chị?

- Ừ, cậu về từ lúc trưa. Bố mẹ mày không về đúng không?

- Úi trời, đến hội to đến mấy bố em cũng chẳng về. Bố mẹ em mất gốc tới nơi rồi. – Tôi nói nửa đùa nửa thật. – Mợ có về cùng với cậu không hả chị? Lâu lắm rồi em không gặp mợ.

- Mợ không về đâu. Cậu về cùng với bạn.

- Vợ thì chẳng cho về lại về cùng với bạn làm cái gì nhỉ?

- Mày đi mà hỏi cậu. Ban nãy cậu với bạn cậu lên nhà tao chơi đã về đâu, chắc ở lại ăn cơm tối luôn.

- Ơ, bạn cậu không phải người làng mình hả chị?

- Lạ hoắc! Tao nghe nói là người dưới Thứa.

Sau khi đã chắc chắn những gì R9 nói là chính xác tôi mới chịu ra về khi trời đã nhá nhem. Từ lúc đó cho đến khi đã ăn cơm tối xong và nằm trên võng, tôi không ngừng suy nghĩ về những gì chị Ma đã nói mấy hôm trước.

- "Chẳng lẽ ông này tia miếu của chị Ngọc Khuê thật à? Nếu không sao lại về cùng với cậu Út? Thật khó hiểu."

Tôi cứ tự đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời như vậy suốt cả giờ đồng hồ nhưng đâu là câu hỏi đúng cũng như câu trả lời nào là chính xác thì thời gian mới trả lời được.

- "Chị Ngọc Hoa bảo anh này là người tốt, nếu là người tốt thì anh ấy tia miếu của chị Ngọc Khuê để làm gì nhỉ? Đào trộm hay yểm bùa…"

Bên cửa sổ chợt vang lên ám hiệu quen thuộc, tôi bật dậy rất nhanh. Nếu Sơn Ca đã về làng tôi chơi nhất định chị Ma cũng biết. Tôi nhanh chân bước ra khu vườn tối, chị Ma đã đứng chờ sẵn, vẻ mặt bình thản, không có dấu hiệu nào cho thấy chị ấy lo lắng hay bồn chồn.

- Mai hội làng đấy chị!

Tôi biết mình thông báo như vậy là thừa nhưng vẫn có ý nghĩa hơn là một câu chào hỏi thông thường. Chị Ma búng hai ngón tay nhưng tôi chẳng nghe thấy tiếng kêu.
- Biết rồi, giờ Tý đêm nay là vui như hội.

- Chị chuẩn bị đi đâu hay sao mà dắt ngựa ra thế kia?

- Chả đi đâu! – Chị Ma lắc đầu – Hai cái bị đó là vàng thỏi, bạc nén.

- Chị… chị định đánh bạc đấy à?

- Hơ hơ hơ! Cả năm mới có một dịp, các con gà từ thiên hạ đến chẳng lẽ lại để chúng nó đủ lông đủ cánh ra về?

- Cờ bạc là bác thằng bần, chị trông kiêu sa như này chẳng lẽ lại ăn thua…

- Em đừng có nói linh tinh. Hội làng người nào cũng chơi chứ riêng gì chị, chị với cái Khuê lần này góp của chơi lớn. Làng mình ma nào cũng nhẵn mặt cả rồi nên không phải lo. Xác định đêm nay với đêm mai quây gà.

Tôi nghe như vậy cảm thấy ngao ngán. Nghe chị Ma nói như này cộng với thái độ đắc ý, đôi mắt sáng như đèn pha thế kia thì tôi có thể khẳng định rằng sau hội làng Bưởi Cuốc ma cỏ trong vùng nếu có tụt tạt vào chơi xóc đĩa hay bất cứ món đỏ đen nào hẳn đến tám phần cháy túi. Người xưa có câu: Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng. Tôi đồ rằng hai chị này bắt tay với một số cụ khác trong làng quăng lưới bắt cá.

- Ông mãnh nhà em cũng hùn vốn, dạo này làm ăn khấm khá nên muốn hùn với chị chơi dịp này.

- Cái gì ạ? Ông cụ nhà em đã bảo không chơi cờ bạc, chị cũng từng nói ông cụ không được chơi cơ mà?

- Ông ấy hùn chứ không chơi.

Tôi nghe chị Ma nói như vậy chỉ biết cười ngao ngán:

- Chị lại bày mưu tính kế vơ vét tiền của những vong thập phương kiểu này, tương lai ai người ta dám đến đây nữa chứ.

- Mấy con ma cờ bạc thì ngại gì. Mấy hôm vừa rồi chị với cái Khuê đã phải thả con săn sắt ở hội làng bên, thua cũng hơn trăm lượng. Mặt cái Khuê còn mới, nhìn non choẹt nên nó phải đóng vai con gà cho người ta vặt lông. Ma làng mình đi cùng đã phao tin cái Khuê lắm tiền nhiều của lại mới được tháo cũi sổ lồng nên còn dại, bởi vậy… hì hì hì.

- Em lạy các chị, em chẳng bao giờ nghĩ các chị lại mưu mô đến thế.

- Biết làm sao được! Mặt mũi chị trong làng ngoài xã người ta nhẵn cả nên có ai chơi cùng đâu, gặp thậm chí bọn nó còn xin bạc lẻ nhưng cái Khuê thì khác. Nó ngây thơ. Đêm nay chị sẽ cho nó vào đời, nó đi theo chị mãi nên biết cả. Gớm! Nó học đánh bạc còn nhanh hơn học chữ.

Tôi lắc đầu ngao ngán. Chị Ma sau một hồi cười đắc chí cũng đổi giọng nói với tôi chuyện khác:

- Tí nữa em lấy lá vối mang theo người.

- Có chuyện gì ạ?

- Thằng Ca nó đã về làng, kiểu gì tí nữa nó cũng đi tìm con Mẹ Chẽ.

- Sao chị lại chắc chắn điều này?

- Nó không tự nhiên về làng, nó còn tránh mặt em cơ mà.

- Ờ nhỉ! Thế… thế chị muốn em làm gì?

- Làm gì là làm gì? Đêm nay chị bận lắm. Em muốn đi xem nó làm gì nhớ ẩn thân cho cẩn thận đừng để bị lộ. Em không thở là nó không phát hiện ra được em đâu.

- Nhịn thở thì chị biết là em cũng chỉ nhịn được nửa phút là cùng, cũng… cũng chẳng lâu lắm đâu.

- Thì biết vậy đừng có gần nó quá là được, tránh xa ra, ít cũng hai, ba mươi trượng.

Nói dứt lời chị Ma bước nhanh về phía cây vối, tôi lật đật chạy theo sau hái vội lá vối mà chị ấy vừa sờ tay vào. Vừa lúc ấy ngoài cổng đã có tiếng ý ới của chị Đẹp, chị Ma đáp:

- Ra ngay đây! Chờ tí!

Rồi quay lại nói với tôi:

- Cứ như vậy nhé em. Chị cũng muốn xem con Mẹ Chẽ bị kết liễu như thế nào nhưng thôi, việc đấy không hấp dẫn bằng vàng sắp kiếm được. Chị đi nhé.

Không đợi tôi nói thêm, chị Ma nhảy phóc lên lưng ngựa, trong chớp mắt hình ảnh người và ngựa đã ra đến cổng. Chắc hai chị đã có hẹn nên chị Đẹp còn chẳng thèm để ý đến tôi. Mặc dù chị Ma đã đi khuất nhưng tôi vẫn đứng thêm một lúc trong vườn. Tôi khẽ thở dài nghĩ đến cảnh hai chị ma sát phạt thâu đêm suốt sáng, sau hội làng này hẳn là hai chị đã giàu lại giàu thêm gấp bội. Đúng là ma giàu làm cái gì cũng dễ, mạnh vì gạo bạo vì vàng quả thật không sai.

Tôi trở vào nhà, đồng hồ đã điểm 9 giờ. Sau một hồi cân nhắc, tôi quyết định chỉ mang theo lá bùa bên mình. Kiếm và túi gạo rang không cần thiết bởi lần này là đi rình xem Sơn Ca làm gì, liệu anh ta có đánh mụ Mẹ Chẽ như chị Ma nói hay không, thế nên càng gọn nhẹ càng tốt.

- Khuya rồi còn đi đâu nữa?
- Mai hội làng mà bà, cháu xuống nhà thằng Hưởng một tí xem có gì vui không.

- Liệu mà về sớm sớm.

- Cháu biết rồi!

Tôi khép cửa lại bước xuống sân, đầu tháng hai trời khuya vẫn se se lạnh nhưng còn giá buốt như một tháng trước. Tôi khoác bên ngoài một cái áo gió mỏng tối màu, bên trong mặc cái áo len cổ lọ, quần Jeans và giày thể thao. Tôi cho rằng bộ đồ này rất hợp để đi đêm. Thay vì đi theo lối qua cửa chùa, tối nay tôi chọn lối đi giữa làng bởi nhiều nhà đèn đuốc sáng trưng, tối nay làng tôi như vui hơn, gần giống như chiều 30 Tết. Đường làng còn có người đi lại, vài ánh đèn xe máy, lác đác những người lớn sánh vai đi bên cạnh nhau. Cổng của những ngôi nhà ven đường làng đều mở, đèn điện hắt ra sân, tiếng tivi, tiếng cười nói tạo nên một bầu không khí vui tươi.

Hầu như nhà nào cũng có người thân về, nhà tôi thuộc thiểu số những gia đình chẳng quan tâm đến việc làng, cũng không có nhu cầu hội hè. Tâm trạng của tôi nói chung trong những ngày lễ, Tết là vui một nửa, buồn man mác. Nếu bố hoặc mẹ tôi có về cũng chỉ chốc lát rồi lại đi nhưng thường là không về. Các em của tôi sẽ về nếu chúng nó được nghỉ nhưng chẳng phải năm nào ngày lễ chúng nó cũng về. Ai cũng có bạn. Tôi nghĩ mình ổn, khi bước qua những ngôi nhà sáng điện và nhiều tiếng người thì tôi thường cố bước nhanh. Cảm xúc rất khó nói thành lời.

Đề Đổ rất đông! Đếm sơ sơ tôi cũng thấy có đến gần hai chục thanh thiếu niên, lúc này tôi mới nhớ ra hôm nay là tối thứ Bảy. Bởi vì đông nên chẳng ai chú ý đến thằng tôi khuất dần vào trong bóng tối của con ngõ nhỏ dẫn vào nhà bà ngoại. Ngõ sâu hun hút nhưng nhà nào cũng sáng điện. Sớm mai dù không có hội nhưng nhà nào có người 49 tuổi sẽ khao lên chức cụ. Ngoài mâm xôi con gà mang ra ngoài đình làm lễ thì vài mâm cỗ cũng được bày biện tại nhà để mời họ hàng thân thích, bà con lối xóm. Đây chính là lý do nhiều người vẫn về mặc dù không có hội lớn, những ai ở Hà Nội còn cố làm thêm mẻ đậu bán buổi sáng kiểu gì cũng có mặt ở làng trước 9 giờ.

Phải nói thật lòng là tôi cũng muốn bố tôi về ăn cỗ ở nhà ai đó trong làng. Tiền có thể tôi đang nhiều hơn những đứa cùng tuổi nhưng gia đình thường xuyên được sum họp là thứ tôi thua thiệt. Chẳng biết có phải vì đã nhiều năm trải qua cảm giác này hay không mà sau này khi tôi đã trở thành một người đàn ông trụ cột trong gia đình, tôi thường có mặt mỗi dịp lễ, Tết hoặc chọn cách ăn tối ở nhà cùng người thân hơn là bù khú cùng bạn bè. Cuộc sống mà, được cái nọ thì mất cái kia, chẳng bao giờ có thể toàn vẹn được.

Tôi vào nhà bà ngoại mình bằng lối sau nhà. Ánh đèn điện lọt qua mấy khe cửa sổ giúp tôi định hướng tốt hơn, áp sát vào bức tường đầu hồi, nơi hai cánh cửa sổ vẫn đang mở toang. Tôi nghe rõ giọng của bà ngoại, giọng của cậu Út, dường như có cả giọng của dì tôi nữa. Mọi người đang nói chuyện về việc khao chức cụ của ai đó trong xóm mà tôi không nhớ.

Tôi đứng một lúc bên đầu hồi nhà nghe lỏm nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy giọng của Sơn Ca, vậy nên tôi chỉ còn cách tàng hình rồi bước vào trong sân nhà, vừa thò đầu lên khung cửa sổ ngay bàn uống nước thì tôi lãnh trọn một chén nước chè do cậu Út vô tình hắt từ bên trong ra. Theo phản xạ tự nhiên, tôi nhắm tịt mắt, buông hai tay nhảy xuống sân. Tôi làm như vậy là thừa bởi vì mặt tôi không dính một chút nước nào. Trèo lên quan sát thật kỹ, mãi tôi cũng nhìn thấy Sơn Ca đang nằm trên giường cạnh bàn uống nước, chẳng biết anh ta đã ngủ hay còn thức. Nhìn đồng hồ treo trên tường nhà bà ngoại đã 9 giờ rưỡi. Chẳng còn cách nào khác, tôi bước về phía dãy tường hoa rồi nhảy tót lên bước thêm vài bước sau đó ngồi thu lu ngay dưới tán cây trứng gà ngả xuống sân trước nhà và chờ đợi.

Tôi nghĩ mình đã phải đợi rất lâu bởi ngồi chờ đến mỏi cả lưng, tôi nằm thẳng cẳng trên dãy tường thấp cho đến khi những người ở trong nhà lần lượt kéo nhau ra về chỉ còn lại bà ngoại, cậu Út và Sơn Ca là không đi. Cậu Út nói gì đó với Sơn Ca sau đó bước ra ngoài sân quay xe Dream nổ máy rời đi. Tôi đoán cậu lại đi chơi ở nhà nào đó, thanh niên mà. Hồi này cậu Út chưa có xe máy nên cái xe cậu đang đi chính là của bố tôi.

Bà ngoại khép cửa, điện trong nhà đã tắt chỉ còn lại ánh đèn dầu. Ngoài cửa vẫn còn một bóng đèn tròn mà bà ngoại tôi bạt quanh năm suốt tháng mỗi khi trời tối.

- "Chị Ngọc Hoa đoán sai rồi, mất công mình rình từ nãy đến giờ".

Tuy có chút nản lòng nhưng tôi vẫn cố nán chờ đợi thêm một lúc nữa, chí ít là chờ cho Sơn Ca đi ngủ, khoảng mười lăm phút trôi qua, không gian bốn phía im ắng tôi chột dạ:

- "Liệu anh này có xuất hồn đi không nhỉ?"

Đang lưỡng lự chưa biết nên làm gì chợt tôi nhận ra cánh cửa nhà hé mở, một bóng người cao gầy nhanh chóng lách ra, đặt chân xuống bậc thềm. Sơn Ca chứ không phải là ai khác, ngay khi nhận ra anh ta tôi lập tức nín thở, mở to mắt theo dõi. Sơn Ca choàng cái túi vải lên một bên vai rồi bước xuống sân, con Vện vẫn nằm cuộn tròn ngay trên bậc thềm, nó chẳng thèm để tâm đến anh ấy. Sơn Ca vẫn mặc cái áo khoác lúc tôi gặp lần đầu tiên, tôi hi vọng anh ấy đã giặt nó. Sơn Ca bước nhanh ra phía cổng, tôi ngẫm nghĩ trong giây lát không vội bám theo mà trở ra theo lối đã vào, đứng chờ anh ta ở gần ngã ba nhỏ trong ngõ tối, ngay cạnh bụi tre gai. Tôi ngó đầu nhìn vào trong ngõ sâu không một ánh đèn, Sơn Ca rảo bước rất nhanh. Tôi vội lùi lại một đoạn để anh ấy đi qua nhưng một lần nữa Sơn Ca làm tim tôi muốn ngưng đập. Ngay khi đặt chân đến chỗ ngã ba nhỏ tối như hũ nút anh ấy dừng chân quay đầu nhìn về phía tôi đang đứng, cái đầu anh ấy nghiêng nghiêng như kiểu vừa phát hiện ra cái gì đó lạ. Tôi đứng thẳng người nhịn nhở, không cả dám nhìn thẳng Sơn Ca mặc dù từ chỗ tôi đang đứng đến chỗ anh ta đứng phải hơn hai chục mét.

Sơn Ca đứng im như vậy độ mười giây đồng hồ, dường như không phát hiện ra điều gì bất thường anh ta nhún vai rồi sải những bước dài và nhanh về hướng Đề Đổ. Tôi thở phào nhẹ nhõm lom khom bám theo, giữ một khoảng cách nhất định. Đề Đổ vẫn đông, vẫn dập dìu những đôi nam thanh nữ tú nhưng Sơn Ca băng qua như chỗ không người. Anh ấy đi theo lối cổng chùa.

- Thôi rồi chị Ma nói đúng, chắc anh này đi tìm mụ Mẹ Chẽ.

Sơn Ca đi qua cổng chùa, anh ta cứ giữa đường mà bước trong khi tôi vừa đi vừa nép vào bên tường rào như một thằng ăn trộm. Có lẽ trực giác của Sơn Ca rất tốt - tôi nghĩ như thế - lúc đến ngã rẽ gần mả của Mẹ Sư anh ta lại dừng chân ngoái đầu nhìn về phía sau, hẳn là anh ta cảm thấy có ai đó đang theo dõi anh ta. Tôi phập phồng lo âu:

- Chẳng lẽ ông này lại thính đến vậy? Mình đứng xa đến gần năm chục mét chứ ít gì.

Sơn Ca bước nhanh trên con đường đất nhỏ, một bên là những ruộng hoa màu, bên kia là mương nhỏ dẫn nước lên đồng. Vừa đi Sơn Ca vừa ngoái lại làm tôi chột dạ không dám bám gần. Thay vì đi theo lối Sơn Ca đi, tôi nhảy sang phía cánh đồng, cẩn thận trước trên những bờ ruộng, nhờ vậy mà Sơn Ca không ngoái lại nhìn phía sau nữa. Tuy nhiên điều làm tôi vừa ngạc nhiên xen lẫn lo lắng chính là khi Sơn Ca đi gần đến bụi tre cô đơn giữa đường – nơi tôi và hai chị ma hay tụ họp – thì anh ta rẽ phải đi vào lối nhà tôi.

- "Sao… sao lại thế nhỉ?"

Tim tôi đập loạn xạ vì không hiểu nổi ý định của Sơn Ca. Tôi đứng rìa cánh đồng nhìn về phía bụi tre nhà mình, qua những khoảng thưa của luỹ tre, tôi khẽ thở phào bởi đèn điện ngoài sân đã tắt chứng tỏ bà Già đã đi ngủ.

- "Chẳng lẽ anh ta vào tìm mình ư? Thật khó hiểu."

Tôi nhảy từ bờ ruộng sang bên đường đất rồi nhảy tiếp xuống mấy ruộng rau lang thẳng hướng bờ rào nhà cô Thu mà bước.

***