Chương 86: Châu Vân Đồn
Mấy ngày sau Nguyễn Vô Niệm quả nhiên nhận được lệnh dẫn theo binh sĩ của Thiên Định sở đi đến Vân Đồn để vận chuyển gần một tấn diêm tiêu trở về. Diêm tiêu là một thứ vật tư chiến lược đặc biệt quan trọng dùng để chế thuốc nổ, nhưng ở Đại Việt không có mỏ diêm tiêu, vì vậy nguồn diêm tiêu chủ yếu đến từ việc nhập khẩu.
Diêm tiêu quan trọng trong chế thuốc nổ, thế nhưng thực chất Đại Việt cũng không phải chỉ có riêng thuốc nổ đen, ngược lại ngoài thuốc phóng Đại Việt còn dùng diêm tiêu để chế ra nhiều loại thuốc nổ khác như "hoả dược thần" dùng để cướp dinh, phá trại, "hoả dược độc" (cháy ra khí độc) dùng để phá trận, "hoả dược bay" dùng để phá trại, đốt lương ngoài ra còn có cả "hoả dược pháp", "hoả dược khói", "hoả dược ngược gió" mỗi thứ đều có một công dụng khác nhau để dùng trong chiến trận, nếu so về hoả dược thì Đại Việt có nhiều và đa dạng hơn quân Minh nhiều lắm.
Đám người Nguyễn Vô Niệm đi suốt mấy ngày liên tục, lần này so với đi đến Hạ Lang còn chậm hơn nhiều bởi cả gần một trăm binh sĩ đều là bộ binh, triều đình cũng không cấp ngựa cho bọn hắn, tất cả chỉ có thể chạy bộ theo quan đạo mà đi. Lê Bang Cơ còn cấp cho Nguyễn Vô Niệm một đạo thánh chỉ, thành trấn nơi binh lính đi qua phải cấp lương ăn cho đám binh lính của Thiên Định sở.
Kết quả chính là mấy ngày sau đã có mấy đạo tấu chương từ các lộ phủ của Đông đạo gửi lên Cần Cánh điện tâu khổ, bởi vì đám lính của Thiên Định sở này ăn… quá nhiều, phần cơm mà bọn hắn ăn tương đương với gần hai trăm người, đối với một thành trấn mà nói đó cũng là một bút gánh vác không nhỏ.
Lê Bang Cơ nhận được tấu chương cũng không khỏi cười khổ, hắn có nghe Đào Biểu nói về việc luyện quân của Nguyễn Vô Niệm cấp cho binh sĩ một ngày ăn ba bữa, chỉ là hắn không ngờ lượng ăn trong một bữa của binh lính Thiên Định doanh lại lớn đến vậy. May mắn hiền đệ của hắn cũng là phú ông, nên cũng không cần quá lo lắng về vấn đề đó. Lê Bang Cơ chỉ có thể lệnh cho Dân bộ chuyển một nhóm lương thực dự trữ từ các kho đến trả lại cho các phủ thành, như vậy mới tạm dẹp yên được dư luận.
Trong khi đó Nguyễn Vô Niệm không hề biết rằng huynh trưởng của hắn đang vì hắn mà gánh không biết bao nhiêu áp lực, mặc sức để cho các binh sĩ ăn thả cửa, dù sao không có mấy khi lại được ăn uống miễn phí như vậy đây.
Lần này các binh sĩ cũng đã bắt đầu thấy được tác dụng của những bài tập thường ngày. Nếu như lúc trước bọn hắn liên tục đi chừng bảy tám cây số đã thấm mệt thì lúc này đối với bọn hắn đi mười lăm cây số là chuyện bình thường, hơn nữa còn đầy đủ vũ trang trên người. Nguyễn Vô Niệm cũng coi như đây là một đợt huấn luyện cho bọn hắn, ban ngày liên tục di chuyển, cơ động liên tục khiến thể lực của bọn hắn không ngừng nâng cao.
Ngoại trừ đám người của Nguyễn Vô Niệm, đi cùng có có cả Mạc Khoa cùng với hai xe ngựa vận tải đường. Lần này Mạc Khoa đi đến Vân Đồn để tìm thị trường mới, dù sao thị trường ở Đông kinh có hạn, hiện tại đô thị sầm uất nhiều người giàu ở Đại Việt cũng chỉ còn có ở Vân Đồn, huống chi còn có khả năng đưa đường xuất ngoại.
Hiện tại ở Đại Minh cũng chưa thể làm đường như Nguyễn Vô Niệm mà phải nhập từ thương nhân của Thiên Trúc, chỉ có người Thiên Trúc mới tạm đáp ứng phần nào nguồn cung về đường cho Đại Minh, thị trường còn rất nhiều, nếu đi về phía Chiêm Thành, Nam Dương thì thị trường sẽ còn rộng lớn hơn nữa.
Nguyễn Vô Niệm dự tính sau khi bắt được nguồn thị trường mới bắt đầu chia sẻ cùng đám người kia, khi đó hắn có thể nâng lên giá cả một vố lớn. Dù sao chỉ với thị trường Đông kinh như vậy Nguyễn Vô Niệm sẽ bị đám người kia bắt chẹt.
Vị trí tự nhiên của Vân Đồn nằm trong vịnh Bái Tử Long với khoảng sáu trăm hòn đảo lớn nhỏ phân thành ba quần đảo: Cô Tô, Vân Hải và Kế Bào. Nếu nói Đại Việt rừng vàng biển bạc thì chính Vân Đồn là ví dụ điển hình nhất. Cô Tô, Vân Hải có trai ngọc; Minh Châu, Quan Lạn có sá sùng (sa trùng, một loại giun biển), hải sâm; Cô Tô, Ngọc Vừng có bào ngư, cá mực; Quan Lạn yến Hải có tôm rồng gà ghim. Rừng vùng đảo lại cung cấp nhiều gỗ quý, hương liệu, cây thuốc quý và những động vật có giá trị cao.
Chính vì vị trí đặc biệt và giá trị kinh tế cao, từ thời Đông Hán cai trị Đại Việt, tại vùng Vịnh Bái Tử Long này đã được xây dựng một trị sở thống trị trên các điểm đảo lớn nơi đây.
Bởi vì ở biên thuỳ phía Bắc, rừng núi trập trùng, đường bộ hiểm trở cheo leo. Thế nhưng từ khắp nơi trên vùng Bắc bộ có thể theo đường sông, đường bộ ra phía biển để theo đường ven biển mà lên phía Bắc, đi đường biển lại thuận tiện và an toàn. Do đó có thể nói nơi đây chính là điểm nút giao thông của mọi nẻo đường đi Nam – Bắc.
Vì vậy từ thời Tiền Lê vua Lê Ngoạ Triều đã cho lập cảng Vân Đồn xin nhà Tống cho thông thương với Ung Châu, Lý Công Uẩn cũng như vậy, nhưng vua Tống chỉ cho buôn bán ở Quảng Châu và trại Như Hồng mà thôi. Đến khi trang Vân Đồn từ khi thành lập dưới triều Lý năm Đại Định thứ 10 (1149) triều vua Lý Anh Tông đến nay nghiễm nhiên đã trở thành một khu vực sầm uất, giàu có, tấp nập người qua lại. Đến thời Trần Vân Đồn được đổi thành trấn, đến hiện tại được gọi là châu.
Cái tên Vân Đồn bắt nguồn từ ngọn núi Vân – là ngọn núi cao nhất vùng đảo, sừng sững giữa đảo Vân Hải, đỉnh núi cao chạm mây như một biểu tượng cho cả vùng. ở dưới chân núi có một làng dân cư đông đúc cũng vì vậy mà mang tên là làng Vân (nay là làng Sơn Hào) là trung tâm của trang Vân Đồn thời Lý, còn "đồn" ở đây nghĩa là "thôn", "trang". Vì vậy thực tế nơi đây vốn tên là trang Vân, thế nhưng chữ Hán viết thành Vân Đồn đã biến chữ "đồn" trở thành một tên riêng, và "trang Vân" được ghép thành "trang Vân Đồn".
Nguyễn Vô Niệm đi đến châu thành Vân Đồn nằm ngay trên đảo Vân Hải, Quan sát sứ châu Vân Đồn là Đào Tấn cùng Phòng ngự sứ Trương Khiêm lập tức đón tiếp long trọng. Dù rằng Nguyễn Vô Niệm chỉ là một vệ uý bát phẩm, thế nhưng người ta chưởng quản quân trong kinh đến hơn trăm người, Trương Khiêm dù thống lĩnh mấy trăm sương quân nhưng cũng không thể so bì được.
- Không giấu gì Đào đại nhân, Trương đại nhân, ta phụng hoàng mệnh đi đến Vân Đồn để hộ tống diêm tiêu đem về cho Lỗ bộ ty. Không biết thuyền vận tải đã đến hay chưa?
Nguyễn Vô Niệm cũng không muốn mất thời gian, đi vào bên trong châu nha hắn liền hỏi thẳng. Việc nhập khẩu diêm tiêu là do Quan sát sứ tri quân dân bạ tịch quản lý và chịu trách nhiệm, vì vậy Nguyễn Vô Niệm phải thông qua Đào Tấn để biết rõ tung tích của đám diêm tiêu này. Đào Tấn cười nói.
- Việc này… ta cũng xin nói thẳng, Nguyễn vệ uý cũng biết mấy ngày trước có thời tiết xấu, vì vậy mà tàu vận tải còn chưa thể chuyển đến được phủ nha để kiểm đếm, ước chừng phải mất ba bốn ngày, vì vậy mong đại nhân có thể châm chước cho.
Đào Tấn vậy mà móc từ trong tay áo ra một cái túi gấm vô cùng nhẹ nhàng chuyển qua cho Nguyễn Vô Niệm. Nguyễn Vô Niệm hơi liếc mắt sang Trương Khiêm, chỉ thấy kẻ này lúc này vậy mà nhắm mắt ngồi im như một pho tượng.
Hai người này phối hợp thật tốt. Nguyễn Vô Niệm thầm than vậy, hắn cũng không chối từ mà nhẹ nhàng làm cho túi gấm biến mất vào bên trong túi áo mình, tiện tay còn hơi sờ sờ thử, hắn liền biết bên trong là ngọc trai, số lượng cũng không ít. Nguyễn Vô Niệm biết rõ làm quan ở khu vực cảng biển này mấy ai mà không tham, hơn nữa còn là một nơi kiếm ăn béo bở. Bọn hắn liên kết với các quan trên thành một đường dây buôn lậu. Ví dụ như hai mươi ba năm trước chỉ một phi vụ Tổng quản lộ An Bang là Nguyễn Tông và Đồng Tổng quản Lê Dao đã bán trộm đi 900 quan nhét vào túi được 100 quan, bên dưới ăn chia cũng không ít.
Vì vậy mà Nguyễn Vô Niệm không lấy tiền của đám đỉa hút máu này hắn sẽ rất có lỗi với lương tâm, huống chi hắn cũng muốn ở lại đây vài ngày. Đào Tấn nhìn thấy vị vệ uý – bá tước trẻ tuổi nhận lấy túi ngọc trai nụ cười liền trở nên xán lạn, hắn sợ nhất chính là vị vệ uý này là một quan thanh liêm, không phải là hắn không đối phó được mà là đối phó sẽ rất phiền phức, một quan tham ô thì tốt nhất là không nên nổi bật, rắc rối nào có thể dùng tiền thì cứ dùng tiền. Nguyễn Vô Niệm nhận xong lễ cũng nói.
- Ta trước tiên viết lại tấu chương cho bệ hạ, giải thích cặn kẽ việc này. Quan sát sứ cứ yên tâm, bệ hạ hẳn sẽ không trách tội.