Chương 87: Bến Cái Làng
Nguyễn Vô Niệm đầu tiên nói ra phương pháp giải quyết, sau lại là khẳng định bệ hạ sẽ không trị tội như xác nhận rằng tin đồn hắn chính là sủng thần của bệ hạ là sự thật. Tin tức về La Hiên bá cũng không phải là hiếm lạ gì, nhất là khi tiệm Điềm gây nên được danh khí rất lớn. Vân Đồn là nơi giao nhau của các con đường Nam – Bắc, muốn biết tin tức gì đến nơi đây có khi còn nhanh nhạy hơn cả Đông kinh, vì vậy Đào Tấn cùng Trương Khiêm có nghe thấy thì Nguyễn Vô Niệm cũng không có gì ngạc nhiên.
- Như vậy trăm sự nhờ Nguyễn vệ uý giúp đỡ cho. Ngài yên tâm, chỉ cần ba ngày, ba ngày sau số diêm tiêu chắc chắn sẽ giao đầy đủ cho ngài.
Đào Tấn cam đoan nói. Nguyễn Vô Niệm biết thừa thực tế số diêm tiêu này đã đến Vân Đồn từ sớm, nhưng có thể Đào Tấn đã đem một số ít bán đi cho người khác với giá cao, hiện tại khi Nguyễn Vô Niệm đến áp tải hắn sẽ tìm cách bù lại số đã mất hoặc thay vào đó là một số thứ gì đó. Để ngăn chặn ý định sai lầm của Đào Tấn, Nguyễn Vô Niệm nói.
- Quan sát sứ đại nhân, ta sẵn lòng chờ ngài ba ngày, năm ngày cũng được, thế nhưng ta không hi vọng trong đó lẫn vào thứ không sạch sẽ. Diêm tiêu là diêm tiêu, nó không thể là cát hay đất đá được. Nguyễn Vô Niệm ta dù không phải là người của Lỗ bộ ty, thế nhưng ta vẫn biết phân biệt được.
Nghe giọng điều của Nguyễn Vô Niệm nghiêm nghị trở lại, toàn thân toả ra khí tức không tầm thường, Đào Tấn liền cười xoà nói.
- Vệ uý yên tâm, ta làm việc nhất định sẽ hết sức. Mời vệ uý trước tiên nghỉ tại châu nha vài hôm để ta thịnh tình tiếp đãi.
Đào Tấn làm người giỏi nhất chính là đưa đẩy, biết mềm, biết cứng, nghe giọng điệu của Nguyễn Vô Niệm thực sự không phải đùa, Đào Tấn cũng không dám lơ là. Nguyễn Vô Niệm lắc đầu nói.
- Xin hai vị đại nhân thứ lỗi, ta đến Vân Đồn ngoại trừ việc công cán thì còn có việc tư. Các ngài hẳn biết ta kinh doanh một tiệm bán đường. Hiện nay muốn đến Vân Đồn mở cửa tiệm, quản sự đã ở phía bên ngoài chờ đợi, còn mong hai vị đại nhân giúp đỡ cho.
Ở đất khách thì phải dựa vào địa đầu xà, không chỉ vậy hai con địa đầu xà này còn rất có thế lực, một tên quản sổ bạ, một tên quản binh lính, nếu không có hai kẻ này chăm sóc, Mạc Khoa một bước cũng rất khó đi.
Nguyễn Vô Niệm cũng tương tự như Đào Tấn vừa rồi, rất chuyên nghiệp kín đáo chuyển sang cho Đào Tấn một cái hộp gỗ nhỏ. Khung cảnh thật giống vừa rồi, chỉ khác là lúc này Trương Khiêm lại mở mắt trừng trừng như ông Thiện – Ác ở trước cổng chùa thôi.
Đào Tấn cũng không ngượng ngùng gì mà thu lấy hộp gỗ, hắn cười nói.
- Vệ uý yên tâm, tiềm Điềm nổi danh khắp Đông kinh, nếu có thể mở cửa tiệm tại Vân Đồn đó chính là vinh hạnh của ta. Chút nữa ta sẽ gọi thư lại dẫn người của ngài đi sắp xếp cửa hàng.
- Vậy ta ơn đại nhân rồi.
Hai bên đưa đẩy mất chừng nửa canh giờ, Nguyễn Vô Niệm để Mạc Khoa ở lại chờ thư lại, còn hắn dẫn theo Thái Sung và Đỗ Quân Đao rời đi, binh sĩ Thiên Định sở cắm trại ở bên ngoài châu thành.
Đợi Nguyễn Vô Niệm đi rồi Trương Khiêm mới thở dài nói.
- Nếu không phải vương gia đòi quá gấp chúng ta cũng không gần tốn máu nhiều như vậy.
Bọn hắn quả thực đã chuyển đi một nhóm diêm tiêu, dự định là sẽ lấy đất cát thay vào đó để đối phó với triều đình. Thế nhưng bọn hắn lại không ngờ lần này đội hộ tống của triều đình lại đến nhanh như vậy khiến bọn hắn không kịp trở tay, hơn nữa người đến lại còn là La Hiên bá, hồng nhân bên cạnh bệ hạ. Nguyễn Vô Niệm vừa rồi tỏ thái độ khiến cho bọn chúng cũng không dám làm càng.
Đào Tấn thở dài nói.
- Bây giờ không có thời gian để than thở đâu, vương gia nắm trong tay yếu huyệt của chúng ta, ngươi nói chúng ta có thể làm được gì. Cứ như vậy đi, ngươi để người đi theo coi chặt La Hiên bá, ta sẽ để người đi thu mua diêm tiêu, giá có cao cũng phải bù đủ số đó.
Nói rồi hắn mở hộp gỗ ra, từng chuỗi tiền xu lấp lánh hiện lên bên trong có chừng hai mươi quan tiền. Đào Tấn khẽ cười nói.
- Xem ra lần này cũng không lỗ lắm.
Nguyễn Vô Niệm rời đi cũng lấy túi ngọc trai ra, bên trong có chừng bốn mươi hạt lớn nhỏ sáng lóng lánh, Nguyễn Vô Niệm không khỏi hơi nhếch môi, Đào Tấn lần này lấy ra lễ cũng thật lớn, xuất huyết cũng không ít. Nguyễn Vô Niệm cũng không quan tâm cuối cùng số diêm tiêu kia đã đi đâu rồi, hắn quản không đến, hắn chỉ cần số diêm tiêu của mình được trao đầy đủ là được. Còn nhiệm vụ quan trọng của hắn hiện tại chính là phải tìm hiểu được thị trường và sự vận hành ở Vân Đồn như thế nào.
Không như bất cứ một thương cảng nào khác, chỉ là một hay vài bến thuyền phân bố ven một cửa sông hoặc một bờ biển, Vân Đồn là một hệ thống bến thuyền phân bố trên nhiều hòn đảo cách biệt nhau trong cùng một vịnh Bái Tử Long, trong đó có hai bến Cái làng và Cống Cái trên đảo Vân Hải là trung tâm. Điều này vẫn đến từ sự lo lắng của triều đình về việc người ngoài lợi dụng thương nghiệp để thăm dò nội địa Đại Việt nên dù có thương nghiệp nhưng vẫn "ức thương", xây dựng cảng ở ngoài vùng đảo bất tiện cho việc gỡ hàng, vận chuyển hàng vào bên trong nội địa, chính vì vậy mà Vân Đồn mãi mãi không phát triển lên được thành đô thị mà chỉ là một "bán thôn trang", không phải là nơi giao thương buôn bán lớn trên tuyến đường thương mại quốc tế mà chỉ là một bến trung chuyển, một trạm nghỉ.
Do đó Vân Đồn vẫn không thể thoát khỏi được hai chữ "nông thôn", bên trong đảo Vân Hải vẫn được trồng trọt để tự cung tự cấp, kết hợp với ngư nghiệp. Nhà của người buôn và người làm nghề dịch vụ xây dựng liền hành thành một dãy dọc theo bến, đặc biệt chính là có rất nhiều nhà trọ, quán cơm, đây chính là để phục vụ cho các thương khách, thuỷ thủ vào nghỉ ngơi. Cũng có một số ít là cửa hiệu buôn của người nước ngoài nhưng cũng chủ yếu là người Minh, còn những nước khác lại khá ít, hiếm thấy.
- Ông trời ơi, ở đây tại sao lại có nhiều mảnh sứ đến như vậy?
Thái Sung nhìn khung cảnh trước mắt không khỏi hô lên một tiếng khi trên bãi biển lúc này có đến hàng triệu mảnh vụn sành sứ nằm chồng chất lên nhau chật kín cả bờ biển dài hai trăm mét. Nguyễn Vô Niệm lúc này đang ở Bến Cái Làng, một trong hai cảng buôn bán chính trên đảo Vân Hải, theo tiếng địa phương "cái" là vùng biên nông, khi nước thuỷ triều rút lộ ra bãi cát, dân cư tụ đến ở đông đúc tổ chức thành làng, xóm, vì vậy mà mới gọi là bến Cái Làng.
Bến Cái Làng mặt hàng buôn bán chủ yếu là đồ gốm, hoạt động liên tục đến nay đã hơn ba trăm năm, vì vậy mà ở đây tích tụ số lượng mảnh sành sứ không hề nhỏ chút nào, thậm chí có đến hàng ngàn mảnh sứ là đến từ đầu thời Lý, không ai thèm nhặt. Ở ngoài bến luôn có trạm gác trên đài cao cũng như một đội thu thuế của triều đình tiến hành đo đạc kích thước của tàu để thu tiền đỗ bến.
- Ông chủ, nơi đây tàu thật nhiều!
Thái Sung liên tục ca thán. Vân Đồn là nơi đến của thương thuyền từ nhiều quốc gia, ngoại trừ Đại Minh thì còn có Trảo Oa (Java), Xiêm La, Tam Phật Tề (Srivijaya nằm trên bán đảo Malay), Nhật Bản… Lúc này đang là tháng tư, thời tiết thuận lợi, thuyền buôn từ phía Nam đi đến rất nhiều, neo đậu đầy cả bến.
Ngay cả Đỗ Quân Đao nhìn cũng không chớp mắt cảnh tượng phía trước. Người Việt lúc này thực tế rất ngại đi xa, có rất nhiều người cả đời còn chưa bước ra khỏi luỹ tre làng. Đỗ Quân Đao cũng như vậy, ngoại trừ đi phiên, hành quân đánh trận, hắn cũng chưa hề đi đến Vân Đồn, người sống trong đất liền đi ra thấy biển không khỏi cảm thấy có chút lạ lẫm.
Thế nhưng lúc này mục đích của Nguyễn Vô Niệm cũng không phải là thương nhân của các nước này. Hắn đi vào làng Cái, sở dĩ có làng ở nơi này vì tại vùng này có giếng Hiệu, có thể cung cấp nước ngọt cho cả vùng. Dân cư trong làng cũng xem như đông đúc, Nguyễn Vô Niệm vừa nhìn có thể đếm sơ qua đến bốn năm trăm cái nóc nhà, dù một phần trong đó cũng là cửa hiệu ở phía ngoài biển. Còn nhà ở phía trong dân cư lại chủ yếu trồng khoai, làm nghề chài lưới, bên cạnh đó còn làm phu phen thuê cho các hiệu buôn và thương nhân nước ngoài.
Bên trong làng có rất nhiều người đi lại, người Việt cũng có, người nước ngoài cũng có, Nguyễn Vô Niệm trong lòng không khỏi định xuống, bán đường ở đây chưa chắc lời được bao nhiêu, thế nhưng nếu bán thức ăn lại có thể chạy hàng, bởi đây là trạm dừng chân, đám người phú thương thường ghé đến đây để ăn hàng. Vì vậy ở đây nếu bán thức ăn sẽ chạy hơn bán đường rất nhiều. Đường chỉ có thể bán sỉ mà thôi.