Chương 90: Nhập cổ phần

Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 90: Nhập cổ phần

Chương 90: Nhập cổ phần


Nguyễn Vô Niệm rõ ràng tiền tài đối với Trương Tám thực tế khá vô nghĩa, nếu không hắn ở lại Bách tác cục thậm chí có thể nhận được đãi ngộ tốt hơn bây giờ mở xưởng thế này rất nhiều. Vì vậy muốn thu phục được Trướng Tám chỉ có thể dùng chiêu bài tình cảm để thuyết phục hắn.

Nguyễn Vô Niệm lúc này cần hai tay chuẩn bị, bởi vì thời gian đóng tàu rất lâu, có thể kéo dài từ hai đến ba năm mới có thể hoàn thành, do đó đây là đầu tư dài hạn, trong khi mua tàu, mua cửa hàng, phát triển các ngành nghề chính là kế hoạch trong ngắn hạn. Muốn đi buôn xa thì cần đội tàu lớn, do đó có một xưởng tàu với đội ngũ thợ đóng tàu nhiều kinh nghiệm chính là điều kiền cần thiết để Nguyễn Vô Niệm có thể có những chuyến viễn dương.

Trương Tám nhìn thật sâu vào trong đôi mắt của thiếu niên này, hắn nhìn thấy rõ ràng được thiếu niên này đối với đại dương thực sự có một khát vọng to lớn. Trương Tám không hiểu được nguồn lợi to lớn từ biển mang lại, nhưng điều đó không có nghĩa là hắn không yêu thích biển. Làm thợ đóng tàu ai lại không muốn đóng ra những con tàu lưu danh hậu thế cơ chứ.

Hắn đã già, mấy năm nay hắn đã thử nghiên cứu đóng tàu biển, nhưng không thể có đủ vốn để thực hiện mong muốn. Những tưởng đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không thể nào thực hiện được giấc mơ kia thì lúc này thiếu niên này xuất hiện cho hắn một tia hi vọng. Nếu như ban đầu hắn gặp mặt Nguyễn Vô Niệm lễ độ chỉ vì Lê Thụ đối với hắn có ân, thì sau khi nói chuyện xong hắn đối với thiếu niên này càng ngày càng khâm phục vì sự hiểu biết của Nguyễn Vô Niệm đối với nghề đóng tàu, càng như vậy hắn càng tin tưởng lời nói của Nguyễn Vô Niệm sẽ trở thành sự thật.

Nguyễn Vô Niệm lại rèn sắt khi còn nóng nói.

- Còn có một tin mật ngày hôm nay ta nói cho thầy Tám biết, thầy Tám cũng đừng có nói với ai.

Nghe Nguyễn Vô Niệm giọng điệu nghiêm trọng, Trương Tám liền gật đầu nói.

- Cậu lớn cứ nói, Trương Tám này dân thôn quê, thiếu hiểu biết nhưng tuyệt đối kín miệng.

Nguyễn Vô Niệm trong lòng xì một tiếng, dân thôn quê tuyệt đối không kín miệng, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường đã trở thành một tập quán của họ rồi. Thế nhưng Nguyễn Vô Niệm cũng không để ý đến điều đó mà nói.

- Bệ hạ bây giờ đang muốn mở chính sách khuyến thương, bắt đầu đào sông từ Thanh Hoá đến Nghệ An, mở rộng đường sông nội thuỷ, vì vậy sau này sẽ càng có nhiều thuyền bè qua lại. Chỉ cần khuyến thương được thực hiện thì giao thương trên biển phát triển là điều tất yếu, khi đó những con tàu đi viễn dương sẽ giúp đỡ cho lãnh thổ Đại Việt được kéo dài hơn. Nếu như bây giờ chúng ta không chuẩn bị kỹ thuật đóng tàu biển thì tiên cơ sẽ biến mất, kinh tế biển Đại Việt một bước cũng khó đi.

Thực tế là Nguyễn Vô Niệm lại tiếp tục vẽ ra một cái bánh cho Trương Tám. Thế nhưng ngạc nhiên chính là Trương Tám lại tin tưởng không chút nghi ngờ. Bởi vì tin tức Trình Thuấn Du ở Hải Tây đạo đang quyên lương đã lan đến Vân Đồn, vì vậy cũng nhiều người dự đoán rằng sắp đến triều đình sẽ khuyến thương, nhưng không biết là ở mức độ nào. Dù sao cũng có nhiều vua cho đào sông, nhưng chỉ để phục vụ mục đích quân sự là chính.

- Được, lão đồng ý với cậu lớn. Lão sẽ đóng tàu cho cậu lớn.

Mục đích đã đạt được, Nguyễn Vô Niệm nói.

- Hiện tại ta còn chưa đem được tiền đến, chúng ta cứ giao hẹn vậy, lần sau gặp lại sẽ ký kết giao kèo

Nào ngờ Trương Tám xua tay nói.

- Không cần, cậu lớn đã là cháu nuôi của Lê đại nhân, cái mạng này của lão là của Lê đại nhân ban cho, dù cậu có muốn cả cái xưởng này cũng có xá chi. Chúng ta bây giờ liền ký giao kèo để châu nha chứng nhận đi.

Nguyễn Vô Niệm không ngờ Trương Tám lại thẳng thắng như vậy. Thực ra nếu như không phải Nguyễn Vô Niệm nhân phẩm, tài năng thuyết phục được Trương Tám hắn cũng không dễ dàng nói như thế, nhưng ban đầu ấn tượng của Trương Tám đối với Nguyễn Vô Niệm đã rất tốt, về sau lại càng tốt hơn, do đó việc giao kèo này Trương Tám tin tưởng thiếu niên trẻ tuổi này.

Trương Tám sai học trò lấy bút mực ra, làm trong Bách tác cục, Trương Tám đương nhiên biết chữ, hai bên ký kết giao kèo xuống thoả thuận nhập cổ phần, chủ xưởng xác định vẫn là Trương Tám, Nguyễn Vô Niệm sẽ có quyền phủ quyết. Ngoài ra còn có điều lệ về sau có thể pha loãng cổ phần nhập thêm càng nhiều cổ đông vào, đây là việc chưa từng có tiền lệ.

Đóng tàu có thể xem là một nguồn công nghiệp nặng, cần đầu tư lớn, nhân công lớn, một người rất khó kham nổi, vì vậy Nguyễn Vô Niệm định hướng là phải cổ phần hoá, từ đó phát triển xưởng tại Vân Đồn ngày càng lớn hơn để phục vụ cho Đại Việt sau này.

Hai người ký kết giao kèo xong, Nguyễn Vô Niệm đưa cho Đỗ Quân Đao đem đến châu nha, ở đó có Đào Tấn rất nhanh giao kèo sẽ được công nhận. Trương Tám đưa Nguyễn Vô Niệm đi dạo một vòng quanh xưởng tàu, lúc này các thợ đóng thuyền trong xưởng đang miệt mài chăm chỉ sửa những chiếc tàu buôn của người tàu đưa đến. Nguyễn Vô Niệm hỏi dò.

- Hiện tại thầy Tám trả công cho thợ như thế nào?

Trương Tám hơi nheo mắt cười nói.

- Còn sao nữa, đương nhiên là bằng tiền rồi. Thợ bạn được trả 2 quan một tháng, thợ học việc thì 1 tiền một tháng.

Nguyễn Vô Niệm không khỏi kinh ngạc, từ lúc đến thế giới này hắn còn chưa từng nhìn thấy ai trả lương nhân công bằng tiền cả, chủ yếu là bằng thóc hoặc bằng hiện vật, chứ thực tế trả bằng tiền khá ít ỏi. Nhưng thực ra cũng không ngạc nhiên, bởi vì tại Đại Việt chủ yếu là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gia đình tự sản xuất, tự bán, còn xưởng của Trương Tám lại là một xưởng tư nhân, thuê nhân công bên ngoài đã có quy mô tương đối, việc trả lương bằng hiện vật dĩ nhiên không phù hợp.

Trương Tám dĩ nhiên nhìn ra sự bất ngờ trên mặt Nguyễn Vô Niệm, hắn cười nói.

- Cậu lớn cũng đừng ngạc nhiên, lão từng làm việc ở Bách tác cục, về sau lại làm ăn nhiều với người Minh, lão cũng học được ở bọn họ nhiều thứ. Lão đương nhiên hiểu được trả công bằng tiền thì lợi nhuận sẽ cao hơn mà đám thợ làm việc cũng nhiệt tình hơn.

Lúc này tại nhà Minh với sự phát triển của thương nghiệp đặc biệt là trong việc buôn trà, lụa, đồ sứ với những thương nhân nước ngoài, đã xuất hiện những xưởng thuê hàng trăm người làm việc và trả công bằng tiền, Trương Tám học tập người Minh từ mô hình này. Nguyễn Vô Niệm lúc này không khỏi khâm phục, dẫu biết rõ Trương Tám cũng như các thương nhân người tàu không hiểu được bản chất của bóc lột giá trị thặng dư là gì, thế nhưng việc thanh toán tiền lương bằng tiền đã là một bước phát triển lớn trong tư tưởng, chứng tỏ Trương Tám cũng không phải là người bảo thủ.

Trương Tám lúc này nói.

- Cậu lớn, về thuyền đóng lần này ta thiết nghĩ không nên dùng gỗ táu để đóng. Tuy nói gỗ táu cứng, bền bỉ với thời gian, phù hợp với đóng tàu, thế nhưng gỗ táu giá cả đắt đỏ, nếu hư hại thực sự rất khó sửa chữa. Hơn nữa đóng tàu đáy cong như thế này tốt nhất là kết hợp nhiều loại gỗ như kiền kiền, gỗ sao lại với nhau sẽ cho kết quả tốt hơn.

Gỗ táu là một trong "tứ thiết mộc" (đinh, lim, sến, táu) với đặc tính cứng, bền, ngâm trong nước biển lại càng cứng, do đó táu rất được ưa chuộng để làm gỗ đóng tàu. Thế nhưng gỗ càng cứng thì càng mất công chế tạo cũng như sửa chữa vô cùng khó khăn, giá cả cũng đắt đỏ, vì vậy Trương Tám thiết nghĩ chưa cần phải dùng

- Việc này thầy là chuyên giá, cứ theo ý của thầy là được. Ta chỉ hỗ trợ thầy kỹ thuật, cũng như tiền bạc, còn lại thầy có lẽ rõ ràng hơn ta.

Nguyễn Vô Niệm nói. Đúng là Nguyễn Vô Niệm đã từng là kỹ sư đóng tàu, nhưng lại là đóng ở phương Tây, đối với các loại gỗ phù hợp cho tàu tại đất Việt hắn hiển nhiên không thể qua được Trương Tám.

- Được, nếu cậu lớn đã tin tưởng như vậy lão cũng sẽ quyết tâm đóng tàu lớn tốt nhất cho cậu lớn.

Trương Tám hứa hẹn nói. Chợt hắn lại hỏi.

- Cậu lớn là cháu nuôi của Lê đại nhân, nếu có thể cậu có thể xin Lê đại nhân chuyển một nhóm thợ thuyền người Chăm đến đây làm việc. Đối với đóng tàu biển, bọn hắn vô cùng lành nghề.

Người Chiêm Thành có sự phát triển hàng hải còn sớm hơn cả người Việt, đặc biệt là giao thương đường biển với các quốc gia vùng Nam Dương. Tại Chiêm Thành thậm chí còn xuất hiện một cảng thị còn lớn hơn Vân Đồn nhiều chính là đô thị Nước Mặn, là nơi xuất khẩu đồ gốm của Chiêm Thành đi các quốc gia Nam Dương cũng như tiến cống cho Đại Việt và Đại Minh, tất cả giao thương, cống nạp đều vận chuyển bằng thuyền, do đó người Chiêm Thành có thợ thuyền rất nhiều, kỹ thuật cũng vô cùng tốt.