Chương 85: Cha con Lê Thụ giúp đỡ

Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 85: Cha con Lê Thụ giúp đỡ

Chương 85: Cha con Lê Thụ giúp đỡ


- Như vậy cháu phải báo cáo lên trên sao?

Nguyễn Vô Niệm nhíu mày, hắn chưa từng sống ở thời này vì vậy không hề biết đến luật lệ này. Hắn nói.

- Có cách nào để cháu đi ra Vân Đồn không? Lần này thực sự rất cần thiết.

- Cháu muốn đi ra đó làm gì? Phải biết nơi đó rất nhạy cảm, nếu như không thật sự cấp thiết thì không nên đi đến đó.

Lê Thụ lúc này lại khuyên ngăn, hắn thực sự không muốn Nguyễn Vô Niệm bị rơi vào rắc rối. Phải biết chưa bao giờ triều đình rối loạn như lúc này, những người thông minh đều tìm cách tránh tiếng gió, ngược lại Nguyễn Vô Niệm lại lao vào, rất dễ chết non.

Thế nhưng đi Vân Đồn với Nguyễn Vô Niệm thực sự quá sức quan trọng, hắn kiên trì nói.

- Bác cũng biết cháu là người ủng hộ khuyến thương. Hiện tại bên phía Minh triều đang dần dần xiết chặt lệnh hải cấm, vì vậy có rất nhiều người tàu bắt đầu di cư sang các quốc gia lân cận, mở rộng làm ăn. Nếu như bây giờ cháu không tìm cách ra biển chỉ sợ thời cơ sẽ chậm trễ, khi đó khắp nơi đều là của người tàu thì Đại Việt ta có khuyến thương thì lợi ích đầu to đã bị người tàu chiếm cả rồi.

Lê Thụ không ngờ đến Nguyễn Vô Niệm lại có ý chí như vậy. Hắn chợt nghĩ đến việc gần đây trong triều phát ra tiếng gió về việc khuyến thương. Lê Thụ dù không phong quang như trước kia, thế nhưng nhân mạch trong triều vẫn còn rất rộng. Hắn đoán rằng phong thanh này chính là do bệ hạ tạo ra nhằm xem thử phản ứng của quần thần như thế nào đối với việc khuyến thương, sau đó bệ hạ mới tính tiếp đến đường tiếp theo. Hắn cũng coi như rõ ràng, bệ hạ quyết tâm mở đường sông ở Hải Tây đạo chính là để khuyến thương, đồng thời chuyện này dính líu không nhỏ đến thiếu niên ngồi trước mặt mình, khả năng cao đây chính là chủ ý của hắn.

- Cháu dự định đến Vân Đồn làm như thế nào để ra biển đây?

Lê Thụ dò hỏi, trong lòng hắn bây giờ cũng đã có bắt đầu tính toán. Nếu như đã kéo gần quan hệ hai bên hắn cũng không ngại giúp đỡ cho Nguyễn Vô Niệm một chút.

Nguyễn Vô Niệm cũng không giấu diếm ý định mà nói thẳng.

- Thưa bác, hiện tại Đại Việt chưa hề phát hiện ra "con đường gốm sứ" trên biển nối liền vùng Ba Tư, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Dương (Đông Nam Á), Chiêm Thành, Đại Minh, Triều Tiên và Đông Doanh. Tại Vân Đồn các thương nhân người Thiên Trúc, người tàu mua gốm sứ từ Đại Việt ta sau đó chở đi các vùng khác bán với giá cao, trong khi lợi lộc mà Đại Việt ta thu về được chỉ là vài đồng thuế. Vì vậy cháu muốn thử mở đường đi ra biển cho Đại Việt ta, để sau này Đại Việt ta cũng có thể ra biển làm ăn mà không phải là mỏ vàng để cho người ta khai thác.

Dừng một chút thấy Lê Thụ cũng vì lời nói của hắn mà tỉnh rượu, Nguyễn Vô Niệm mới nói tiếp.

- Vì vậy cháu muốn đi đến Vân Đồn trước tiên là tìm hiểu tình hình tại đây, thứ hai là muốn tìm thợ thuyền và thuỷ thủ để bắt đầu đóng thuyền. Muốn đi ra biển có lẽ phải mất đến ba năm.

Lê Thụ không khỏi suy nghĩ một chút về những lời mà Nguyễn Vô Niệm nói, trong lòng suy tính thiệt hơn, hắn từng là Thái uý, phụ chính đại thần, vì vậy phải cân nhắc xem liệu rằng chính trị sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu như điều này xảy ra.

Trong khi đó Lê Quát lại nói.

- Nếu em muốn đóng tàu chi phí cũng sẽ không hề nhỏ, tại sao không mua lại tàu cũ đây?

Nguyễn Vô Niệm cười khổ nói.

- Đương nhiên em cũng rõ hiện tại vốn ít, mua tàu cũ mới là thượng sách, cũng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, nhưng chất lượng của tàu cũ ở Đại Việt thực sự… ây!

Nguyễn Vô Niệm thở dài một hơi, bởi vì thương nghiệp phát triển chậm chạp, tàu buôn của Đại Việt chủ yếu là tàu nhỏ, sử dụng thời gian rất lâu dài, tàu mới đóng ra lại rất ít, giá cả lại khá cao, do đó những tàu buôn cơ hồ đều khá cũ, rách nát, đi ra biển chỉ có nước tìm đường chết.

Lê Quát cười nói.

- Em lại sai, hằng năm các vệ sở thuỷ quân đều có thải loại ra một số tàu cũ bị thoải loại ra. Tuy nói tuổi thân tàu cũng đã dùng đến gần hai mươi năm, thế nhưng nếu mua lại tân trang một chút thì có thể dùng trong vòng năm đến bảy năm nữa, khả năng đi biển cũng tốt hơn tàu buôn bình thường rất nhiều. Đám người diêm thương đều là mua lại những tàu này, chỉ là bọn hắn có người chống đỡ sau lưng, vì vậy mà chúng mua được các tàu tuổi thọ mới chỉ mười năm, thậm chí là mới năm năm.

Nguyễn Vô Niệm vỡ lẽ, cũng giống như thời hiện đại xe công biến thành tư hắn cũng không lạ gì trường hợp này, người có quyền thì có thể lách qua những kẽ hở của luật để thu lợi cho chính bản thân mình. Nguyễn Vô Niệm hỏi.

- Anh có thể giúp em mua một nhóm tàu chứ? Em có thể cần hai chiếc. Không biết giá cả thế nào?

Nguyễn Vô Niệm rõ ràng mua thuyền của thuỷ quân đâu có dễ, không có quan hệ tuyệt đối không mua được, dù hắn có là bá tước đi chăng nữa. Lê Quát lắc đầu nói.

- Điều này anh cũng không biết được, tàu thải loại đợt này đã bán hết, nhưng anh có nghe phong thanh rằng quân Hải Mã sắp loại ra ngoài một nhóm tàu tải lương, tuổi đời gần hai mươi năm, chừng tháng sau sẽ bán ra, anh có thể hỏi cho em một chút.

Gọi là tàu tải lương nhưng thực ra tàu của thuỷ quân vẫn có thể là tàu chiến, thường chia làm hai khoang, bên dưới là tầng cho người chèo thuyền, phía trên là nơi chất lương cũng như có các điểm cho binh lính chiến đấu. Nguyễn Vô Niệm trong lòng âm thầm vui vẻ liền gật đầu nói.

- Được, vậy nhờ anh hỏi thăm giúp, việc tiền bạc không thành vấn đề.

Nguyễn Vô Niệm đã nghĩ kỹ, sắp đến nếu như hợp tác với những nhà khác buôn bán đường, hắn tuyệt đối có thể thu lại được một số vốn lớn, khi đó có thể đầu tư ở lĩnh vực khác.

Lê Thụ lúc này lại nói.

- Nếu như cháu muốn đi Vân Đồn cũng không phải là không có cách. Ta nghe nói gần đây bến phía Lỗ Bộ ty cần nhập vào một nhóm diêm tiêu, trên đường đương nhiên là cần người hộ tống. Ta có thể tranh thủ để cho Thiên Định sở nhận nhiệm vụ này để đi đến Vân Đồn. Đến khi đó ứng biến như thế nào là tuỳ thuộc vào cháu.

Nguyễn Vô Niệm nghe vậy liền vui mừng quá đỗi. Hắn đi Vân Đồn cốt cũng chỉ cần một cái cớ mà thôi. Nguyễn Vô Niệm gật đầu nói.

- Vậy xin nhờ bác, khi nào có tin tức cháu sẽ lập tức lên đường.

Lê Thụ gật đầu như nhớ đến điều gì đó lại nói.

- Còn nếu cháu muốn đóng thuyền đến Vân Đồn có thể đi tìm một người thợ thuyền tên là Trương Tám, năm nay có lẽ chừng hơn bảy mươi tuổi đi. Hắn là một thợ thuyền có tay nghề rất cao, trước làm ở Bách tác cục, sau vì già cả chậm chạp, không làm nổi nữa liền trở về quê. Nhưng ta biết hắn chính là bất mãn với chế độ công tượng. Tìm được hắn cứ báo tên ta, hắn tự nhiên sẽ giúp cháu.

Trong Bách tác cục cũng có rất nhiều người già, Nguyễn Vô Niệm cũng đã từng thấy, nhưng thực sự chưa từng thấy ai qua bảy mươi tuổi cả. Nhưng Lê Thụ nói như vậy cũng gợi lên cho Nguyễn Vô Niệm không ít hi vọng. Bởi chỉ dựa vào mấy thuyền tải lương hắn chỉ có thể đi biển gần, còn đi xa thì phải đóng tàu mới, bây giờ nếu có thợ thuyền ở bên ngoài thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Mấy ngày sau ở bên trong Cần Chánh điện Lê Bang Cơ cũng nhận được một bức tấu chương gửi lên từ Trung Thư sảnh, một số tướng lĩnh của quân trong kinh đề nghị tổ chức một cuộc thi đấu giữa các vệ sở Cấm quân với nhau. Điều này khiến Lê Bang Cơ không khỏi hứng thú. Đây như một gen di truyền từ đời Thái tổ cho đến hiện tại là Diên Ninh, hoàng đế nào đối với quân sự cũng vô cùng chú trọng. Lê Bang Cơ hiểu rõ biện pháp tốt nhất để bảo vệ quốc gia chính là biểu dương thực lực để kẻ khác không dám nhòm ngó. Hắn phê xong ném tấu chương cho Đào Biểu nói.

- Lập tức chuyển tấu chương này đến cho Thượng thư sảnh, theo lời Trẫm phê để cho Nguyễn Xí, Lê Liệt, Lê Ngang nghiên cứu phương thức tổ chức thi đấu giữa các vệ quân. Trẫm yêu cầu bọn hắn nhanh chóng chuẩn bị, tổ chức ngay trước kỳ thay phiên. Lần này vệ sở nào chiến thắng sẽ có thưởng lớn.

Bây giờ đã là tháng tư, đến cuối tháng thì binh sĩ sẽ đến lượt đổi phiên, khi đó thực lực của các sở vệ bị giảm xuống bởi các binh sĩ phiên mới thay vào, như vậy Lê Bang Cơ cũng không thể đánh giá được chất lượng của quân đội. Mặt khác hắn cũng có một tư tâm, hắn đương nhiên cũng đã nghe nói hiền đệ của hắn đang luyện quân, nếu như bây giờ thay phiên mới lại phải huấn luyện lại từ đầu, đó đối với huynh đệ của hắn thật không công bằng. Vì vậy phải tổ chức thi trước khi đổi phiên diễn ra.