Chương 82: Đến phủ Lê Thụ
Súng kíp đá lửa chính là xu hướng của tương lai với những ưu điểm của nó hơn hẳn súng hoả mai mồi thừng. Hiện tại trên thế giới Nguyễn Vô Niệm cũng không biết rằng hoả mai kíp đá lửa đã xuất hiện chưa, thế nhưng dù có cũng chỉ là súng hoả mai đá lửa với bộ gõ "bánh xe điểm hoả" (wheelock) đắt đỏ, do đó phổ biết có lẽ cũng chỉ là những khẩu hoả mai mồi thừng, không thể bắn được trong điều kiện thời tiết xấu.
Tuy rằng súng kíp đá lửa tốt hơn nhiều so với súng hoả mai mồi thừng, thế nhưng mãi cho đến thế kỷ 19, hầu hết các quốc gia Đông Á vẫn không thể sản xuất được loại súng này, dẫu rằng với trình độ của bọn hắn dư sức chế tạo được ra những khẩu súng kíp đá lửa tốt. Thế nhưng vấn đề nằm ở việc tại vùng Đông Á không có mỏ đá lửa, hơn nữa sản xuất ra ra một khẩu súng thì sau khi bắn chừng 50 – 100 lần thì đá lửa sẽ bị nứt ra, buộc phải được thay thế, vì vậy đá lửa cũng là tiêu hao phẩm. Tại Đại Việt hằng năm triều Nguyễn cũng phải nhập về rất nhiều "hoả thạch" từ Ấn Độ. Chính vì không thể tự chủ được nguồn cung, mà súng hoả mai mồi thừng vẫn chiếm phần lớn trong trang bị các quốc gia vùng Đông Á trong một thời gian lâu dài mãi cho đến khi các đế quốc thực dân xâm lược đến vùng đất này.
Đại Việt không có đá lửa, thế nhưng Nguyễn Vô Niệm biết được tại Đại Việt có một thứ quặng có thể thay thế. Tại vùng Giáp Lai (Phú Thọ) có một thứ khoáng vật sắt gọi là Pyrit hay còn gọi là "vàng của kẻ ngốc" bởi hình dáng bên ngoài của nó vô cùng giống quặng vàng. Thứ này cũng có tính năng phát ra tia lửa khi đập mạnh vào tấm kim loại, cơ chế wheelock dùng chính là thứ quặng này. Vì vậy trong lúc chưa thể đi đến Ấn Độ tìm đá lửa, hắn có thể khai thác thứ khoáng vật này để thay thế, huống chi Pyrit còn có thể sản xuất ra được axit sunfuric, ứng dụng trong việc làm giấy. Dù cho hiện tại Đại Việt còn chưa làm được thế nhưng không có nghĩa nó không có ứng dụng trong tương lai.
Nguyễn Vô Niệm âm thầm ghi chú lại trên bức vẽ, lại lấy ra một tấm bản đồ ghi chú lại vị trí của mỏ quặng tại Giáp Lai, một thời gian sau hắn sẽ để cho Hoàng Võ đi lên Phú Thọ tiến hành tìm kiếm. Nguyễn Vô Niệm định lợi dụng quan hệ của mình với Trình Phổ thử yêu cầu bọn hắn tiến hành chế tạo thử thứ này xem sao. Dù sao muốn đi biển thì cần phải có súng kíp đá lửa, nếu không thực sự rất khó khăn.
Nhưng đối với việc này Nguyễn Vô Niệm phải vô cùng cẩn thận, nếu như tin tức lộ ra ngoài chỉ e đám đài quan sẽ lần nữa hặc tội hắn lấy việc công để làm việc tư. Dù rằng bên trên không nói thế nhưng hắn biết rõ ràng tấu chưa hặc tội đập lên đầu hắn vẫn không ít.
Mấy ngày sau, Nguyễn Vô Niệm thay đổi thường phục, dắt Phi Ảnh đi ra bên ngoài phủ, Thái Sung cưỡi ngựa già phía sau mang theo một bình rượu và một gói bánh. Ngày hôm nay Nguyễn Vô Niệm đi đến phủ của Lê Thụ.
Nếu như phủ của những vị quan lại khác nằm ở gần cửa Đông để thuận tiện cho việc vào cung thì phủ của Lê Thụ lại nằm gần cửa Nam. Lê Bang Cơ sau khi thả Lê Thụ ra cũng quyết định trả lại phủ đệ cho Lê Thụ có nơi sinh sống coi như là hoàng ân.
Cũng nhờ vậy mà Nguyễn Vô Niệm đi đến gần hơn, nếu như phủ của hắn ở cửa Bảo Khánh Nguyễn Vô Niệm xem chừng phải đi từ sáng sớm.
Khí hậu tháng tư lúc này đã bắt đầu nóng hơn, nhưng nếu so với thời hậu thế mà nói chỉ là muỗi. Nguyễn Vô Niệm mặc một cái áo viên lĩnh màu xanh lam, đầu đội thêm mũ đinh tự, chân mang dày, cưỡi ngựa, người khác nhìn vào liền đoán hắn là con trai nhà quyền quý.
- Thái Sung, đi gõ cửa!
Nguyễn Vô Niệm nói, từng là Thái uý, tước hầu, dinh thự của Lê Thụ còn lớn hơn La Hiên bá phủ nhiều. Chỉ là bây giờ trên cổng không còn treo biển tước vị nữa mà chỉ để hai chữ "Lê phủ".
Thái Sung gõ cửa chờ đợi một lát, bên trong liền đi ra một gia đinh, hai bên nói chuyện một chút Thái Sung quay trở lại nói.
- Dạ ông chủ, đô chỉ huy sứ đại nhân có dặn dò chúng ta có thể đi thẳng vào bên trong.
- Đi thôi!
Nguyễn Vô Niệm đưa dây cương của Phi Ảnh cho gia đinh kia dắt đi, còn có một người khác dắt Nguyễn Vô Niệm và Thái Sung vào bên trong tiền viện. Nếu như La Hiên bá phủ được thiết kế thành hình chữ "Đinh" thì phủ của Lê Thụ là hình chữ "Công" với tiền viện và hậu viện được nối với nhau bằng một dãy nhà phụ ở giữa, trước và sau đều có một mảnh sân lớn.
Hai người được dẫn vào trong gian chính, Nguyễn Vô Niệm thấy đồ trang trí bên trong không hề tệ, từ những bình sứ, câu đối liễng đều là đồ tốt, nếu như so với La Hiên bá phủ thì cách biệt như là một trời một vực vậy. Cả toà nhà toả ra khí tức thoải mái, lại như kiểu thư hương môn đệ chứ không phải là nhà của một võ tướng bình thường.
Hai người vừa vào đến nơi lập tức có người mang trà lên để tiếp khác, không bao lâu sau Lê Thụ từ sau hậu viện đã bước ra, đằng sau hắn lại là một phụ nhân chính là Lê phu nhân, bên cạnh đó là một thanh niên chừng ba mươi tuổi là con trai của Lê Thụ - Lê Quát – phò mã đô uý, đi sau cuối lại là một thiếu nữ mới chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi chính là Vệ quốc Trưởng công chúa – Lê Thị Ngọc Đường, nàng được gả cho Lê Quát năm mới mười tuổi.
- Hôm nay La Hiên bá đến làm khách, thực sự là quá vinh hạnh cho ta.
Lê Thụ cười lớn nói. Nguyễn Vô Niệm đương nhiên cũng khách sáo nói.
- Được chỉ huy sứ đại nhân mời, Vô Niệm không dám không đến. Có một chút lễ mọn lần đầu đến nhà, mong đô chỉ huy sứ đại nhân nhận cho.
Nói rồi liền đánh mắt cho Thái Sung đưa lên bình rượu và giỏ bánh, tất cả đều gói ghém rất bình thường. Lê Thụ lấy làm ưa thích nói.
- La Hiên bá lại khách sao nữa rồi. Quát con, nhận lấy quà. Giới thiệu với La Hiên bá, đây là phu nhân của ta, đây là con trai Lê Quát.
Lê Quát thân hình cao lớn, gương mặt vô cùng giống Lê Thụ, nhìn rất già dặn, chững chạc, Lê Quát nói.
- Bái kiến La Hiên bá, đây là vợ ta Vệ quốc trưởng công chúa.
Nguyễn Vô Niệm liền hành lễ.
- Thần La Hiên bá, Ngự tiền vũ sĩ vệ uý Nguyễn Vô Niệm bái kiến Trưởng công chúa.
Trưởng công chúa chính là chị gái của Diên Ninh hoàng đế, dù cưới chồng nhưng tước vị còn đó, thần tử nhìn thấy đương nhiên phải hành lễ. Lê Thị Ngọc Đường ánh mắt linh lung, làn da trắng bóng, môi đỏ son vô cùng xinh đẹp, cả người nàng toát ra khí chất u tĩnh, nhẹ nhàng khiến người ta ưa thích, Nguyễn Vô Niệm không khỏi thầm than Lê Quát thực sự có số hưởng.
Lê Thị Ngọc Đường cánh tay búp ngọc nhẹ nhàng ra hiệu, Lê Quát cười nói.
- Công chúa nói mời La Hiên bá đứng lên.
Lê Thị Ngọc Đường bị câm từ nhỏ, nên giao tiếp với nàng có rất nhiều bất tiện, Lê Quát cũng phải mất một thời gian dài mới có thể hiểu được. May mắn chính là Lê Quát giống như Lê Thụ, làm người có tính kiên trì, biết trước biết sau, khiêm cung hữu lễ, hắn đối với Trưởng công chúa cũng một lòng yêu chiều, hai người xem như sắc cầm hảo hợp.
- Tạ ơn công chúa!
Nguyễn Vô Niệm nói. Sau hai khoảng thời gian khách sáo thị mọi người cũng coi như dần dần quen thuộc. Lê thị sau một hồi tiếp khách liền dẫn theo con dâu xuống nhà dưới, để lại phía trên cho những người đàn ông nói chuyện. Nguyễn Vô Niệm mới biết hiện tại Lê Quát ngoại trừ là phò mã đô uý thì còn đảm nhiệm chức vụ đồng tổng tri Kim Ngô vệ trong quân Thiết Đột, trong tay binh mã cũng không hề tầm thường.
- Nghe cha ta nói hiện tại La Hiên bá đang thử nghiệm một phương pháp huấn luyện mới cho binh sĩ ở sở Thiên Định, có thật vậy chăng?
Nguyễn Vô Niệm không ngờ việc mình huấn luyện lại lan cả đến tai quân Thiết Đột. Sau khi thể lực của các binh sĩ được cải thiện Nguyễn Vô Niệm đã bắt đầu chia sở quân ra làm hai, một bên là đặc huấn tiến hành tăng mạnh cường độ huấn luyện sức mạnh, sức bền, vũ lực, còn những người còn lại thì được huấn luyện quân trận, hiệu lệnh. Thế nhưng cường độ huấn luyện so với bình thường chỉ có hơn chứ không có kém.
Nguyễn Vô Niệm cũng không phải loại người thích khiêm tốn, giả heo ăn thịt hổ, hắn gật đầu nói.
- Lê đại nhân nghe cũng không sai. Hiện tại ta đang huấn luyện các binh sĩ ở sở Thiên Định cốt để tăng thêm sức bền, kỷ luật và ý chí của bọn hắn. Tiếp theo sẽ tiến hành huấn luyện về vũ lực và trận hình. Riêng có một đội đặc huấn thì phải huấn luyện riêng, để bọn hắn có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ đặc biệt.
==++
Theo dã sử thì Vệ quốc trưởng công chúa tên là Lê Thị Ngọc Đường, chính sử không có chép.