Chương 162: Huynh Đệ Tình Thâm

Phong Vân Quyển 4

Chương 162: Huynh Đệ Tình Thâm

Chương 162: Huynh Đệ Tình Thâm


Nhất Uyển Hồng cất tiếng đầy thâm trầm và nghiêm túc, khác hẳn thái độ say xỉn thường ngày. Ông ta lấy tay nắm lấy lợi chảo của Nguyệt Long từ từ rút các móng vuốt sắc bén ra khỏi lồng ngực của mình.

Máu tươi nóng hổi phun ra nhất định là đau đớn lắm, nhưng Nhất Uyển Hồng không kêu lên một tiếng. Ông ta xoay người lại lững thững tiến về phía Hiểu Vũ, trong khi Nguyệt Long vẫn giữ nguyên lợi chảo dính đầy máu đứng sững người tại chỗ.

Nhất Uyển Hồng tiến gần đến chỗ con gái ruột Hiểu Vũ khẽ ngồi xuống, đưa tay cầm lấy thứ nhạc khí bị rơi kế bên, ông ta nhặt lên và cẩn thận cho vào lồng ngực.

Nhạc cụ này thật ra là thứ năm xưa phu quân của Nguyệt Long là Nhất Đại Đồng đã dùng nó để thổi lên nhạc khúc khiến bà ta say đắm một đời. Khi ông ấy yểu mệnh mất đi, bà ta đã giữ lại nhạc cụ này và chao lại cho cô con gái Hiểu Vũ cùng với kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc đời mình.

Hiểu Vũ luôn nâng niu quý trọng nhạc cụ này, bởi vì đó là tín vật đại diện cho tình yêu của cha mẹ nàng. Nàng vẫn luôn nghĩ cha của nàng là tộc chủ của Nhất thị gia tộc Nhất Đại Đồng.

Nàng vô cùng yêu quý nhạc cụ ấy, cẩn thận dấu kín trong người. Nhưng một ngày nọ khi đang tung tăng đi lại trong Nguyệt Các, nàng vô tình chạm phải Uyển thúc. Tuy nàng không bị ngã do Uyển thúc đã kịp thời đỡ lấy, nhưng nhạc cụ kia đã bị rơi ra ngoài. Trông thấy nhạc cụ này, Uyển thúc vội nhặt lên nhìn thật kỹ, trên mặt hiện lên những cảm xúc khó tả.

Thấy vậy Hiểu Vũ cũng ngây thơ hỏi Uyển thúc có biết sử dụng nhạc cụ này không. Thật bất ngờ Uyển thúc lại có thể dùng nhạc cụ ấy thổi lên một khúc nhạc, có điều đó là một khúc nhạc yêu thương da diết nhưng tiềm ẩn một nỗi niềm tiếc thương vô hạn.

Hiểu Vũ không ngờ một người lạnh lùng như Uyển thúc lại có thể thổi được một nhạc khúc sầu bi thương cảm đến như vậy. Nàng vô cùng thích thú nên đã đòi bằng được Uyển Thúc dạy lại cho mình khúc nhạc đó.

Sau một hồi nhùng nhằng mãi của nàng, Uyển Thúc cũng đồng ý chỉ dạy lại cho nàng nhạc khúc kia, nhưng nàng phải hứa không được cho mẫu thân của nàng biết là Uyển thúc đã dạy cho nàng.

Hiểu Vũ nhanh chóng học thuộc nhạc khúc, chính nàng đã dùng khúc nhạc này để dẫn đường cho Bộ Kinh Vân thoát khỏi mê cung của Lam Nguyệt Thánh Chủ.

Bây giờ Hiểu Vũ do bị trọng thương đã ngất đi, nhạc cụ kia rơi ra bên cạnh đã được Nhất Uyển Hồng cất kỹ trong áo ngực.

Tại sao ông ta lại nâng niu tín vật này đến như vậy, là bởi vì đằng sau đó có một ký ức không thể nào quên với ông ta.

Bởi vì chính ông ta đã tự tay chế tạo nên nhạc cụ này, và người tấu khúc nhạc sau núi mấy mươi năm trước cho Nguyệt Long nghe thật ra chính là vị Uyển thúc ấy.

Đó là một câu truyện buồn trong cuộc đời của ông ta, có lẽ đến hết kiếp này cũng không thể nào quên đi được.

Đã nhiều năm về trước, Nhất thị lão tộc chủ có hai người con trai, tuổi tác cũng không chênh nhau là mấy. Con trai cả của lão tộc chủ là Nhất Đại Đồng vừa sinh ra đã mắc phải bệnh hiểm nghèo.

Bệnh băng huyết khiến cho thân nhiệt của Đại Đồng luôn thấp hơn so với người thường. Chỉ cần huyết dịch trong người nóng lên bất thường, thì đứa trẻ này có thể sẽ chết bất cứ lúc nào.

Chính vì mang bệnh lạ trong người, nên Nhất Đại Đồng phải luôn ở trong nhà mà không được đi ra ngoài, cái nắng oi bức của Đại Mạc có thể làm huyết dịch trong người cậu ta nóng lên, nguy hiểm đến tính mạng.

Nhưng một ngày nọ khi lão tộc chủ bận công chuyện ở xa không có mặt ở nhà. Trước khi ra đi ông đã căn dặn Nhất Đại Đồng, lúc cha không có ở nhà phải trông nom Uyển Hồng em trai mình cho thật tốt.

Nhưng Nhất Uyển Hồng tính tình ương ngạnh, Nhất lão gia vừa ra khỏi nhà không lâu, thì nó tính vốn ham chơi, bị nhốt ở nhà như vậy nó thực không muốn. Nay cha không có nhà, đại ca nó thì yếu ớt, đã không ai có thể ngăn cản được nó.

Nhất Uyển Hồng nổi hứng muốn đến hồ La Bố dạo chơi, tương truyền trong hồ này từng là nơi sinh sống của thủy thần La Bố. Nghe kể rằng nơi đó mặt nước trong xanh rất đẹp, nên Nhất Uyển Hồng muốn đi xem cho biết.

Có điều từ Nhất thị gia tộc đến hồ La Bố cũng khá xa, đường đi phức tạp. Nhưng trong tâm trí một đứa trẻ như Nhất Uyển Hồng nào biết được điều đó. Nó cứ khăng khăng đòi đi mặc cho đại ca Nhất Đại Đồng hết lời khuyên bảo.

Biết em mình bản chất khó thuần, dùng nhiều lời ngăn cản cũng vô ích, Nhất Đại Đồng vì lo cho em nên đành sắm một vài trang bị bên mình, rồi theo em đi chơi hồ.

Trên đường đi do thể lực yếu hơn nên Nhất Đại Đồng chỉ lẽo đẽo theo sau em, còn Nhất Uyển Hồng thì khỏe hơn, nó cứ phăng phăng đi về phía trước.

Nhưng chẳng may việc đi nhanh ấy của nó đã vô tình mang họa đến cho bản thân, Nhất Uyển Hồng do vô ý đã thụt chân vào chỗ cát lún.

Trên Đại Mạc có rất nhiều khu vực cát lún vô cùng nguy hiểm, người bị rơi xuống đó chỉ có con đường chết. Nhất Uyển Hồng bị cát hút xuống dưới, nó vô cùng sợ hãi khóc thét lên kêu gọi ca ca mau đến cứu nó.

Nhất Đại Đồng lúc ấy tuy hoảng loạn, nhưng vì cứu tính mạng đệ đệ của mình, trong lúc nguy hiểm ấy nó đã nghĩ ra một cách. Nhất Đại Đồng dùng dây lưng của mình ném cho đệ đệ. Sau khi Nhất Uyển Hồng đã nắm vào đầu sợi dây, thì Nhất Đại Đồng liền nắm lấy sợi dây và ôm thật chặt phiến đá gần bên.

Nhờ vậy mà Nhất Uyển Hồng mới không bị cát hút xuống, nó chỉ còn thò mỗi cái đầu lên để thở mà thôi. Còn đại ca nó Nhất Đại Đông thì sức cũng đã kiệt, không đủ khả năng kéo đệ đệ lên. Trong khi cái nắng sa mạc lại đang lên cao, nắng nóng chiếu lên thân thể của Nhất Đại Đồng khiến bệnh băng huyết của nó tái phát.

Đau đớn khắp cơ thể làm nó như muốn lịm đi, nhưng nếu nó bỏ cuộc thì em trai nó chỉ có con đường chết. Bằng nghị lực phi thường nào đó, mà Nhất Đại Đồng cứ nằm như thế, tay không dời khỏi sợi dây lưng. Cuối cùng nó đã giữ như thế đến hết ngày, cho đến khi các chiến sĩ Nhất thị gia tộc kịp thời tìm đến và giải cứu cho hai đứa trẻ.

Sau lần ấy bệnh Băng Huyết phát nặng hơn, Nhất Đại Đồng hầu như đã không thể bước chân ra khỏi nhà. Những cơn đau đớn khủng khiếp hàng đêm vẫn lan đầy kỳ kinh bát mạch của nó.

Cảm thấy vô cùng hối hận về sự bồng bột thiếu suy nghĩ của mình, mà dẫn tới hậu quả làm cho đại ca Vĩnh viễn không thấy ánh mặt trời.

Nhất Uyển Hồng khi lớn lên một chút, quyết tâm dùng đủ mọi cách để cứu ca ca của mình. Một vị thần y thăm bệnh cho Đại Đồng chuẩn đoán rằng, bệnh Băng Huyết này cấm kỵ với nhiệt độ bên ngoài.

Hiện giờ muốn cho người bệnh đi lại được, thì đòi hỏi phải cân bằng nhiệt huyết trong người. Tại trung thổ Thần Châu có một vị trang chủ sở hữu môn thần công tên gọi là Tửu Tuyệt Khí Công. Chỉ cần học được môn khí công này, sẽ giúp cho bệnh tình của Nhất Đại Đồng thuyên giảm.