Chương 132: Cái Giá Tàn Khốc Của Sự Trường Sinh

Phong Vân Quyển 4

Chương 132: Cái Giá Tàn Khốc Của Sự Trường Sinh

Chương 132: Cái Giá Tàn Khốc Của Sự Trường Sinh


Nhiếp Phong đang say sưa mơ màng nhớ lại một chút quá khứ, tìm lại những khuôn mặt thân quen đã đi qua trong cuộc đời của gã. Bỗng có tiếng "cách cách" vang lên xoá tan đi những hồi ức mộng mị trong lòng gã.

Chỉ nghe qua âm thanh thôi mà Nhiếp Phong đã biết tiếng "cách cách" đó ở đâu mà ra.

Cũng đã xế chiều rồi, có lẽ lúc này Tình Di đang bận sửa soạn bữa tối cho Nhiếp Phong và Thiên Nhai.

Tiếng dao đệm xuống mặt thớt vừa nhanh vừa đều, chứng tỏ tay dao của người đó rất chuẩn và bén. Điều ấy vốn cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Tình Di vốn là một sát thủ đặc biệt trong tổ chức Tuyên Hoá Hiệu.

Nhưng nói ra thì một tay kiếm giỏi chưa chắc đã có thể trở thành một tay dao thớt tài ba. Nghe tiếng dao chạm vào mặt thớt không nhanh không chậm là đủ biết người đó có phải là một chuyên gia về ẩm thực hay không.

Tay nghề nấu ăn của Tình Di vốn là điều không phải bàn tới làm gì, nhưng hôm nay Nhiếp Phong phát hiện tiếng "cách cách" ấy lại không đều đặn, có lúc chậm rãi nhưng càng về sau lại càng nhanh và mạnh hơn.

Người bình thường nghe qua thì không có gì khác lạ, nhưng với tu vị Băng Tâm Quyết thâm hậu của Nhiếp Phong làm sao mà không phát hiện được ra được chứ.

Tiếng dao thái xuống mặt thớt nói lên tâm sự của người đầu bếp. Ngày hôm nay nghe tiếng dao lách cách dưới nhà bếp, Nhiếp Phong biết Tình Di đang lo lắng một điều gì đó.

Dời khỏi chiếc chõng tre đang nằm, Nhiếp Phong chậm rãi đi xuống lối nhà bếp, khi ông ta vừa bước vào cửa thấy Tình Di trong bộ tạp dề đang lúi húi sửa soạn bữa cơm chiều cho mình và Thiên Nhai.

Nhìn Tình Di đang mải miết với công việc nội chợ của nàng, trong lòng Nhiếp Phong bất chợt lại hiện lên những ký ức xưa cũ.

Cũng như thế này mấy mươi năm trước khi gã vẫn còn là một đứa trẻ, cũng đứng từ ngoài cửa như vậy nhìn mẹ nó là Nhan Doanh đang băm thịt chuẩn bị bữa tối, trước khi Nhiếp Nhân Vương đi làm đồng trở về.

Có điều tiếng băm của Nhan Doanh cứ nặng nề như ngấu nghiến thời gian vậy, bởi vì bà ta đã từng tin rằng làm nương tử của thiên hạ đệ nhất đao sẽ được hưởng vinh hoa Phú quý. Nhưng Nhiếp Nhân Vương từ khi cưới Nhan Doanh về lại phong đao xó bếp thoái ẩn quy điền.

Ước mơ về một cuộc sống giàu có xung túc, danh vọng của cải của bà giờ như làn khói bếp bay lên cao rồi tan biến vào không trung.

Chính vì ước mơ và hiện tại quá xa vời nhau như thế nên Nhan Doanh đã từ bỏ cha con Nhiếp Phong để đi tìm thứ ảo mộng xa vời kia.

Có phải phụ nữ trên đời đều ham muốn vinh hoa phú quý hay không. Số phận nữ nhân có lẽ như cây tầm gửi vậy, chỉ muốn ký thân lên trên những cây chủ cao to lớn tán.

Tự cổ chí kim hầu như tai họa trong thiên hạ hầu hết cũng đều bắt nguồn từ đàn bà mà ra. Chỉ một Điêu Thuyền nhỏ bé cũng khiến cho phụ tử Lữ Bố Đổng Trác trở mặt thành thù sát hại lẫn nhau.

Cũng chỉ vì một Đát Kỷ mà khiến triều đại cuối cùng của nhà Thương đã bị Trụ Vương làm cho sụp đổ. Thế mới nói nữ nhân vốn là một thứ chất độc ngọt ngào, khiến người ta chết dần trong sự mê đắm đó.

Con chim quý dĩ nhiên phải ở trong một cái lồng son, áo vải thô sơ không thể dấu nổi làn da ngọc ngà, sợi sợi khói bếp không che nổi nhan sắc khuynh thành. Làm sao Nhan Doanh chịu ở bên một căn nhà tranh dột nát, để củi lửa làm nhơ bẩn dung nhan như thế được cơ chứ.

Có phải nữ nhân trên đời đều tham vinh hoa phú quý, ít nhất thì trong đời Nhiếp Phong vẫn tin là có một người không như thế.

Cuộc sống luôn bất ngờ, ngay lúc khó khăn nhất thì lại gặp người muốn chăm sóc cả đời. Lúc Phong như con thuyền không bờ không bến, thì gã đã gặp Mộng.

Nhân duyên trong đời người là do trời định, gặp được nhau và yêu thương nhau là duyên số, nhưng có thể ở bên nhau bao lâu thì lại ở một chữ phận.

Nhiếp Phong vẫn luôn hỏi ông trời vì sao lại bất công với mình như vậy. Khi lần lượt cướp đi tất cả những người thân yêu của gã.

Có điều gã không hiểu rằng giờ đây gã đã được xem như một người trường sinh bất lão còn nương tử của là gã Đệ Nhị Mộng thì không.

Quy luật tạo hoá là sinh lão bệnh tử rất nghiệt ngã, Đệ Nhị Mộng sẽ không như gã, không thể trẻ mãi không già. Tu vị của nàng có cao tới đâu cũng chẳng thể chống lại được năm tháng vô tình.

Gã có bao giờ tưởng tượng rằng chỉ mấy mươi năm nữa thôi gã và nàng sẽ giống như là một cặp đũa lệch trên mâm, cái thì dài còn cái còn lại kia thì lại quá ngắn. Một bà lão già nua da mồi bên một nam nhân mặt láng như ngọc da đẹp như tiên, e rằng lúc đó hoàn cảnh sẽ còn nghiệt ngã hơn cả cái chết.

Nhiếp Phong thân có long nguyên được xem là thọ ngang trời đất trường tồn cũng trăng sao, nếu nói gã là tiên giữa chốn phàm trần cũng chẳng sai.

Từ xưa tới nay dù là trong truyền thuyết đi chăng nữa, người ta cũng có bao giờ thấy người và tiên dù là yêu nhau say đắm đến đâu cũng có khi nào được ở bên nhau mãi mãi.

Như truyện tình giữa bạch xà yêu nữ Bạch Tố Trinh có tu vị ngàn năm, với chàng trai trẻ người phàm tên là Hứa Tiên. Một truyện tình kinh thiên động địa, ai cũng nghĩ rằng nước có thể cạn núi có thể mòn nhưng sẽ không có điều gì chia cắt được tình yêu của hai người họ. Nhưng kết quả ra sao thì ai cũng đã biết rồi đấy.

Đối với Nhiếp Phong mà nói, gã chưa từng nghĩ qua đến một ngày Đệ Nhị Mộng sẽ trở thành một bà lão già nua, còn gã vẫn là một nam nhân trẻ trung phong độ. Mộng lúc đó không biết cảm giác lúc ấy sẽ ra sao.

Trời sinh ra ta ắt hữu dụng, trời khiến hắn trường sinh nhất định cũng phải có một mục đích nào đó. Nhưng sống lâu hơn để rồi phải tận mắt chứng kiến những người mình yêu thương nhất dần dần bị năm tháng ăn mòn tuổi tác, rồi trở nên héo mòn mà từ từ chết đi. Ôi! Đó đúng là tác dụng phụ đau đớn của liều thuốc trường sinh này.

Giờ đây Nhiếp Phong đang đứng lặng ngoài ngạch cửa nhìn Tình Di nấu nướng, một chút ký ức xưa hiện về trong tâm khảm. Những mẩu ký ức về hai người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất với cuộc đời gã, đã theo những sợi khói bếp trắng xoá bay tít lên trời cao, rồi để gió cuốn đi về một phương trời xa mãi.

Tình Di trước mắt cũng có thể xem là số người thân ít ỏi còn lại trong cuộc đời gã, chính gã cũng sẽ một ngày nào đó sẽ tận mắt nhìn nàng ra đi trong sự già nua của tuổi tác. Lúc này Nhiếp Phong mới dần dần ý thức được sự đáng sợ nghiệt ngã của cuộc sống trường sinh.

Gã đang thất thần đứng lặng hồi lâu với những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu thì một tiếng nói cất lên xoá tan mộng mị.

- Gia gia người đang nghĩ gì vậy?

Tiếng nói từ trong nhà bếp cất lên nhất định là của Tình Di, nàng đã phát hiện ra ông ta đang đứng bên ngoài.

Nhiếp Phong vội thu liễm tinh thần lại cất bước tiến vào trong đứng đối mặt với Tình Di.

- Ta nghe thấy tiếng dao của con rất nặng nề, con có tâm sự gì à?