Chương 2: Khẩu súng đầu tiên

Nhiệt Huyết Kháng Chiến

Chương 2: Khẩu súng đầu tiên

Chương 2: Khẩu súng đầu tiên

Đạn bắn triền miên, lửa bay đầy trời, đây là chiến trường, máu tanh và tàn nhẫn.

Ngay cả trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, Phạm Tiến Dũng cũng chưa từng tưởng tượng ra điều này.

Những người con trai, con gái da vàng tóc đen bé nhỏ thoăn thoắt chui qua các lỗ giao liên được đục sẵn, chạy từ nhà nọ sang nhà kia, trên tay là cuốc, thuổng, gậy tre, dao rựa.

Bên kia là những kẻ lê dương cao lớn, tóc xoăn mũi lõ, với những khẩu súng trường no nê xả đạn, những viên đạn chì găm xuyên qua những lớp tường mỏng manh.

Một người ngã xuống. Viên đạn vô tình xuyên qua cổ chàng trai gầy gò khi anh núp sau đống đổ nát. Máu chảy lênh láng.

Chàng trai há hốc miệng ra, cố hớp lấy chút không khí, trước khi ánh mắt nâu tan rã trong bóng đêm. Anh đi rồi. Không ai dừng lại. Không ai kịp cảm thương.

Chàng trai tên là Trung, là kéo xe cho nhà lý trưởng ở một làng quê nghèo vùng Nam Định. Anh có một người mẹ già vẫn ở quê ngóng chờ con trai, có một người vợ mang thai 9 tháng, có một đứa con sắp chào đời không biết mặt cha. Anh đi rồi.

Dũng muốn lấy tay vuốt mắt anh lại, nhưng đạn của lũ Tây dương không cho phép hắn dừng lại. Ba tay lính Pháp đứng ở ngoài sân, chỉ cách hắn tầm 10 mét. Vài tên lính khác ở xa hơn, lùng sục các căn nhà khác.

10 mét, đối với những kẻ xâm lược, chỉ là một cái bóp cò, một cái chớp mắt, nhưng với những người dân quân, nó như một cái lạch trời.

Khó mà vượt qua.

Mười một người dân quân len lỏi qua các góc nhà tanh mùi bùn đất, lỗ chỗ những vết đạn bắn. Xuân đi đầu, Dũng đi thứ hai. Một gã thanh niên tên Kỳ chạy cuối cùng, không phải vì hắn chạy chậm nhất, mà vì nhiệm vụ của hắn là tách nhóm, đánh địch từ phía sau.

Tại khu nhà đổ nát phố Đồng Hà, màn đêm là đồng minh của những thanh niên trẻ. Những đốm lửa lóe lên từ nòng súng giống như những ngọn đèn đánh dấu vị trí của địch.

Ở ngay phía kia, cách năm mét, ba tên địch, ba khẩu súng.

Tay Kỳ run lên, không phải vì sợ, mà vì phấn khích. Anh nhớ lại người cha bị lũ quan Tây thả chó cắn đến mất máu quá độ mà chết, nhớ về người anh trai đi phu đồn điền cao su biền biệt mười năm bặt vô âm tín, nhớ về người mẹ già tự nhốt mình trong buồng đến chết đói để nhường những bát gạo cuối cùng cho vợ chồng anh trong những ngày hè tối tăm năm Ất Dậu.

Phía sau Kỳ, thằng Long, thằng Tiến cúi sát người xuống đất, chầm chậm bò lên. Chỉ cần Kỳ đâm cây tầm vông vào lưng thằng Tây trước mặt, Long sẽ nhào lên cướp súng nó, bắn chết thằng bên trái, Tiến thì lấy tay giữ lấy súng thằng bên phải, để Long giết hai thằng kia xong thì xử nó.

Có thể mấy thằng giặc bên ngoài sẽ nghe thấy tiếng động, sẽ xông vào, nhưng anh Xuân sẽ dùng mã tấu chém một hai thằng, thằng Dũng sẽ ném lựu đạn, nếu chưa đủ thì dùng bom xăng. Thúy sẽ chạy ra, nhặt súng và lựu đạn của Tây trước khi lửa tắt, rồi cả bọn sẽ chạy qua nhà ông Mừng, chui lỗ chó sang nhà bà Tâm, rồi tụ họp với nhóm thằng Dũng Dương.

Kỳ đã nghĩ xong xuôi rồi, anh nghĩ nhanh lắm. Vợ anh, Tâm, nàng Kiều làng Xuân Hà, anh đón về được cũng vì anh nghĩ giỏi.

Kỳ tiến lên thêm một bước, anh đã nghe thấy tiếng thở phì phò của thằng Tây trước mặt. Anh nâng tay lên. Mũi tầm vông lạnh ngắt đâm vào lưng giặc. Tầm vông gãy làm đôi.

Kỳ trúng đạn rồi. Anh nghĩ nhanh lắm, anh nhận ra mình sai ở đâu. Giáp của thằng Pháp dày lắm, tre mình đâm không thủng được. Lẽ ra anh phải đâm vào gáy nó. Nhưng mà không còn kịp nữa rồi. Kỳ thông minh lắm, anh biết là anh sắp chết rồi. Tự nhiên Kỳ nhớ về Tâm. Không biết cái vòng tay nhôm anh giấu trong bọc quần áo, Tâm đã tìm được chưa? Mấy quả ớt khô anh giấu trong ấy, Tâm sẽ ăn nó, hay lại đem trêu trẻ con như mọi bữa? Không thấy anh về, Tâm có khóc không, có buồn không? Tâm có lấy người khác không?

Trong phút chốc, Kỳ nhìn thấy bố mẹ mình, thấy anh trai mình đang ở phía trước. Họ dang tay ra với anh. Họ như đang nói với anh điều gì đó.

"Thằng Kỳ mày giỏi lắm. Mày chưa chết được đâu."

Xuân vui mừng gào lên. Kỳ không đâm chết thằng Pháp, nhưng cái thân hình dong dỏng của anh che hết thằng Long, để nó đâm gậy vào cổ giặc. Hai thằng kia quay đầu lại bắn, nhưng chúng nó chết rồi.

Dũng dùng thẻ gia tốc rồi, gấp 5 lần, hắn chạy nhanh như một cái ô tô. Cái hệ thống này chó lắm, bảo là chạy được 30 giây, nhưng thể lực của Dũng chạy năm giây là thở hồng hộc rồi. May là hắn cướp được cái mã tấu của Xuân, may là hai thằng Tây quay đầu lại. Dũng chém chết cả ba đứa nó.

"Tích… Tiêu diệt ba đơn vị, +3 điểm.

Cửa hàng hệ thống mở ra.

Hoàn thành nhiệm vụ: Cướp được một khẩu súng.

Tích… Nhận được Kỹ năng bắn súng cấp thấp (Trong phạm vi 10 mét tuyệt đối không bắn trượt)

Mở ra nhiệm vụ mới: Tiêu diệt 10 đơn vị địch

Mở ra nhiệm vụ mới: Phá hủy 1 xe tăng."

Dũng ngồi bệt xuống, thở dốc. Tấm thẻ gia tốc vẫn còn 25 giây nữa. Tim hắn đập nhanh gấp năm lần. Dũng sắp thở không ra hơi rồi.

Lũ giặc bên ngoài không phát hiện gì cả. Có lẽ chúng chỉ coi rằng những kẻ bên trong đang nạp đạn, đang nghỉ ngơi, hoặc đơn giản là không muốn bắn nữa.

Xuân đứng núp sau cánh cửa. Gã không dám chủ quan. Chỉ cần một tên bước lên hai bước, nhìn vào trong sân, cả bọn sẽ lộ tẩy. Thế nhưng lũ Tây dương có vẻ không biết gì thật.

Thúy và Long rón rén lục tìm chiến lợi phẩm. Bên cạnh súng đạn, đồ hộp, thuốc và đèn pin là những thứ quan trọng cần phải lấy về. Dũng đang loay hoay băng bó cho Kỳ. Anh dính ba viên đạn, vết thương không vào nơi hiểm yếu, nhưng máu ra nhiều quá. Kỳ đang mê man nãy giờ, không rõ đang rên rỉ, hay đang lảm nhảm những điều vô nghĩa. Dũng muốn tát anh mấy cái cho tỉnh, nhưng sợ máu ra nhiều hơn.

Cả đám kéo nhau vào nhà.

"Tiến, mày là thằng nhanh nhất ở đây, đem súng ra Bắc Bộ phủ cho bộ đội đi."

Xuân xoa xoa tay, nhổ nước bọt một cái, rồi quay qua bảo Tiến.

"Để lại một khẩu, sau này mình còn dùng."

Dũng kiểm tra hệ thống một lúc, rồi quay qua bảo Tiến.

"Không, mang hết đi, mình là đội cướp vũ khí, không phải Vệ quốc quân."

Xuân đưa tay ra chặn tầm nhìn của Dũng khỏi mấy khẩu súng. Vệ quốc quân đang cần súng, nhiệm vụ của đội cướp vũ khí là đem càng nhiều hỏa lực đến cho bộ đội.

"Để lại một khẩu đi, có súng sau này cướp súng cũng dễ hơn."

Ở góc tường, Kỳ phều phào lên tiếng.

Những người khác cũng loe ngoe gật đầu.

Xuân suy nghĩ một lúc rồi cũng đồng ý.

Chờ đến hai giờ sáng, giữa cái lạnh mùa đông, khi những tên Pháp cuối cùng rút trở về tụ điểm, Tiến mới lén lút bò ra đường lớn, rồi chạy băng băng đến căn cứ bộ đội. Kỳ được hai người dân quân khác đưa về quân y. Trung thì được chôn vội ở một sân nhà bỏ hoang, không bia mộ, chỉ có một manh chiếu lót xác, chờ ngày được thân nhân đưa về.

"Liệu có ngày mình thắng được Tây không anh Dũng?"

Thúy đẩy một ít gạch lên mộ Trung, rồi sụt sùi hỏi. Xuân ngồi một góc, lặng lẽ nhìn trời. Thằng Cường vừa chạy sang. Đội du kích của Dũng Dương hy sinh cả rồi. 16 người, chỉ đổi lấy một khẩu súng gần hết đạn và hai cái bật lửa. Dũng Dương và Cường là hai người còn sống cuối cùng, gã đội trưởng ấy lấy hết sức mình ném vật tư qua lỗ giao liên cho Cường, rồi cầm lựu đạn lao vào giữa bọn Tây. Cường cũng trúng bốn phát đạn, hắn vừa mang súng đến giao cho Xuân thì cũng ngã xuống. Tiến mang súng cho bộ đội chưa về.

"Sẽ, Thúy ạ, mình sẽ thắng."

"Bao lâu hả anh? Mười năm? Hai mươi năm? Hay là năm mươi năm?"

Dũng im lặng. Hắn không nói cho cô rằng, chín năm sau chúng ta sẽ chiến thắng. Nếu không phải từ tương lai trở về, Phạm Tiến Dũng cũng không tin rằng, một đội quân ban đầu chỉ toàn gậy gộc giáo mác, vũ khí cướp lại từ giặc và lựu đạn chột, lại có thể phát triển đến mức trở thành thế hệ vĩ đại nhất chỉ trong vòng chín năm.

Nhìn lên bầu trời đầy sao, rồi nhìn vào hệ thống, ánh mắt Dũng nhấp nháy, dường như có gì đó thức tỉnh trong tim hắn.

„Sẽ, Thúy ạ, không đến chín năm, anh sẽ dắt em đi trong ngày giải phóng."

(P/s: Thực sự rất muốn cắt chương, nghĩa là dừng chương ở khúc cao trào, nhưng có vẻ tay nghề còn non, nên không làm được như vậy.

Phố Đồng Hà là một cái tên không có thật, nằm ở quận Hoàn Kiếm, giữa Bắc Bộ phủ và chợ Đồng Xuân, nếu độc giả nào tìm thấy bản đồ địa chính Hà Nội giai đoạn 1945-1954, xin để lại nhận xét, tác giả sẽ sửa tên địa danh cho phù hợp.)