Chương 10: Phật - Đạo - Mẫu - Nho

Khí Vận Quốc Gia

Chương 10: Phật - Đạo - Mẫu - Nho

Chương 10: Phật - Đạo - Mẫu - Nho


Đinh Điền nghe vậy thì trầm ngâm, châm chước. Trong lòng ông đoán quả không sai, bệ hạ gặp ông sẽ hỏi về vấn đề này. Bệ hạ không hỏi thẳng hung thủ là ai mà lại hỏi cách nhìn của ông thế nào, rõ ràng ý tại ngôn ngoại, yêu cầu ở ông nhiều hơn. Quan sát sắc mặt và đoán ý qua lời nói của cấp trên cũng là một môn học vấn. Ông nhìn quanh một chút rồi nhỏ giọng:

- Sự kiện này nhắm vào Tiên Đế và bệ hạ là hai người trụ cột triều đình. Một người đang tại vị, một người có cơ hội thừa kế ngôi vị lớn nhất rõ ràng là âm mưu dọn đường cho sự soán ngôi. Kẻ nào được lợi nhất đương nhiên đáng nghi nhất.

Nói xong, Đinh Điền liếc nhìn về phía Hậu cung. Đinh Liễn nghe vậy, chậm rãi nói:

- Một người đàn bà dù có làm chủ hậu cung cũng khó thành đại sự. Nhưng nếu không có sự giúp sức, cấu kết bên ngoài thì không thể hoàn thành sự kiện ám sát ngày hôm nay. Chỉ nói đến việc phá vỡ Long khí bảo hộ của Tiên Đế cũng là một vấn đề không nhỏ. Hơn nữa, ta hoài nghi kế hoạch này đã được lên kế hoạch từ lâu, tỉ mỉ từng khâu và lại là liên hoàn kế.

Nghe đến đây, Đinh Điền hít một hơi lạnh, thấp giọng thì thào:

- Ý bệ hạ là sự kiện hồi tháng 3, cái chết của Thái tử Đinh Hạng Lang?

- Không phải...

- Vậy là sự kiện Tiên Đế gia phong Đinh Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương năm ngoái?

Đinh Điền hít sâu một hơi nói.

Đinh Liễn nhìn Đinh Điền thật sâu rồi gằn giọng:

- Ta chỉ e rằng kế hoạch đã có từ trước khi Vệ vương sinh ra. Thời điểm Vệ Vương sinh ra, kế hoạch mới chính thức khởi động. Thậm chí, ta cho rằng Vệ Vương cũng chưa chắc là cốt nhục của Tiên Đế. Đây là một âm mưu kinh thiên, một liên hoàn kế, một kế hoạch thiên y vô phùng. Tiên Đế, Trẫm, Vệ Vương, Thái tử Đinh Hạng Lang, Trinh Minh, Ca ông hoàng hậu...đều chỉ là con cờ mà thôi...thậm chí ngay cả kẻ chủ mưu cũng là con cờ của kẻ khác cũng không hề hay biết...

Nghe đến đây, trái tim Đinh Điền giật thót, hai tay run rẩy không vững, cốc nước sóng sánh bắn hết ra bàn. Ông biết rằng, mình đã suy nghĩ sự việc quá đơn giản, nhưng không ngờ lại phức tạp và dính líu nhiều đến thế. Kẻ đứng sau quá âm hiểm, mưu cao kế độc, tính toán mọi thứ không bỏ sót. Có thể lập kế hoạch sớm đến tận 10 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa, kẻ này đúng thật là cao thủ. Hơn nữa, điều kinh khủng là hắn lại có thể nắm bắt tâm lí, tính cách, phản ứng, trạng thái của tất cả mọi người chuẩn không cần chỉnh, người như thế có thể tồn tại hay sao? Hắn là ma quỷ hay là thần tiên? Dù là loại nào thì ông cũng không nguyện ý đối mặt. Nghĩ đến đây, cả người ông không được tự nhiên, lưng ông đã ướt đẫm vì mồ hôi.

Đinh Liễn liếc Đinh Điền một cái rồi im lặng, cho thời gian để Đinh Điền suy nghĩ thấu đáo. Đối với người thông minh mà nói, chỉ cần cho họ vài dữ kiện quan trọng, họ đều có thể vô sự tự thông, suy đoán ra cả một bức tranh.

Thấy Đinh Điền đã bình tĩnh trở lại, Đinh Liễn ném ra thêm một quả bom nặng ký:

- Theo ta suy đoán, thế lực đứng sau sự kiện này không chỉ là thế lực hậu cung, quân đội mà còn liên quan đến cả tôn giáo. Phật môn tuy thế mạnh, căn cơ sâu dầy nhưng Đạo giáo cũng không kém. Nếu không phải vậy, Tiên Đế cũng không chơi trò cân bằng quyền lực khi phong cho sư phụ của ta Khuông Việt làm chức Tăng thống (tương đương vị trí đứng đầu Giáo hội phật giáo VN) và Trương Ma Ni Trương Đạo sỹ làm Tăng Lục (tương đương lãnh tụ của Đạo giáo), đồng thời lại gả công chúa cho con trai Trương giáo chủ để kết thân. Con trai làm đệ tử thế tục của Phật Môn, Con gái thì kết hôn với con trai của thủ lĩnh Đạo môn. Không phải là để duy trì cân bằng thì là gì? Khi triều đình thành lập thì tất nhiên sẽ phải sử dụng thế lực của Nho môn, một mặt lợi dụng Nho môn đào tạo nhân tài, gia tăng lực lượng quan lại, một mặt sử dụng tư tưởng Trung quân ái quốc của Nho môn để củng cố vương quyền, cai trị dân chúng.

Nói đến đây, Đinh Liễn tạm ngưng, liếc nhẹ qua Đinh Điền một chút rồi nói tiếp.

- Thế cho nên, thế lực của Nho môn xâm nhập và lớn mạnh tại nước ta là điều tất yếu của lịch sử. Quốc miếu sẽ được xây, trường học sẽ được mở, thi cử sẽ được tổ chức, cái này gọi là Đại thế.

- Lực lượng tôn giáo thứ tư là đạo Mẫu, tín ngưỡng cổ xưa của người Việt ta. Tuy hoạt động tản mát, không có kinh sách, không có tổ chức thống nhất nhưng được cái ăn sâu bén rễ, sức sống mãnh liệt, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc ta. Tiên Đế cũng có ý nâng đỡ nên cho phép xây dựng nhiều đình, miếu, đền thờ sau đó phong thánh, phong vương, phong hoàng cho các vong linh là người có công với dân tộc, đất nước. Mục đích lớn nhất là để tạo điều kiện cho đạo Mẫu tiến hóa lên một bước thành tôn giáo, hoặc nếu không được thì chí ít cũng là nơi lưu giữ hồn Việt, tinh thần dân tộc Bách Việt. Dù sao, đây cũng là tín ngưỡng bản địa. Còn Phật Môn, Đạo Môn, Nho Môn xét cho cùng vẫn là tôn giáo ngoại lai. Khí vận quốc gia mà bị các tôn giáo ngoại lai xâu xé, có phải quá đáng tiếc, quá đau lòng hay sao? Đây cũng là cái tầm nhìn xa trông rộng của Tiên Đế.

Nói đến đây, Đinh Liễn cười cười:

- Sau này, Trẫm và Đinh Quốc Công trăm tuổi cũng có khi được thờ trong Đình, Đền nào đó cũng nên. Thay vì ăn cơm gạo nhân gian thì chết đi ăn khói nhang của Địa Phủ, âu cũng là một cách để bất tử. Dù sao, còn thờ, còn nhang, còn khói, còn tưởng niệm thì chân linh vĩnh tồn. Đây cũng là cách chống đồng hóa hiệu quả nếu như mất nước một lần nữa. Triều đại có thể thay đổi, đất nước có thể bị đô hộ nhưng chỉ cần còn người Việt, còn Đình, miếu, đền thờ người có công thì vĩnh viễn người Việt không bị biến mất.

Đinh Điền nghe vậy, trong lòng vừa khâm phục tầm nhìn xa trông rộng của Tiên Đế, vừa khâm phục con mắt tinh đời của Đinh Liễn. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử, dòng giống Tiên Hoàng quả là ưu tú. Hoàng tộc có phúc, dân tộc có phúc, đất nước có phúc. Ông nhỏ giọng:

- Theo ý của bệ hạ, sự kiện lần này có sự tham gia của tứ đại tôn giáo hay nói cách khác họ đang cách không giao đấu?

- Đúng vậy. Trận này rõ ràng Phật Đạo Mẫu ba nhà đã rơi vào hạ phong. Cứ thử nghĩ xem, Tiên Đế khai quốc, lập triều, định đô, phong bách quan cai trị, lập tăng thống, tăng lục nhưng lại không hề đả động gì đến Nho môn như xây Văn Miếu, mở Trường học, tổ chức thi cử. Đã 12 năm kể từ khi khai quốc, Nho môn cũng đã hết kiên nhẫn nên sự kiện lần này thâm ý là muốn thay triều đổi đại, lật đổ một vị Hoàng Đế cứng đầu, thay một vị Hoàng Đế dễ bảo. Nếu ta không khởi tử hồi sinh thì có lẽ ngày mai đăng cơ xưng Đế là Vệ Vương, năm sau là một ai đó đằng sau đứng lên soán ngôi. Tiếp đến triều đình sẽ cử đoàn ngoại giao sang Thiên triều xin rước kinh điển Nho môn về nước..

Tới đây, Đinh Điền bật thốt lên:

- Như vậy kẻ chủ mưu đằng sau, hay nói cách khác cao nhân sau màn là người của Nho môn?

- Tám, chín phần mười là như thế. Xưa nay, mưu sĩ xuất thân từ Nho môn đâu có thiếu. Không nói triều Tần đổ về trước, khi Lưu Bang lập nên nhà Hán đã lấy Nho môn làm quốc giáo, áp đảo trên tất cả mọi tư tưởng, triết học, tôn giáo bách gia. Các nho sĩ nắm giữ triều chính Trung Hoa suốt gần ngàn năm nay.

Xưa có Đổng Trọng Thư nhà Hán, nay có Triệu Phổ nhà Tống đều là những thủ lãnh thiên tài. Thời bình Nho môn an tĩnh làm cẩu, thời loạn lại nhảy ra tung hoành ngang dọc, thi triển bản lĩnh. Đây cũng là lúc giao thời, lúc chuyển giao quyền lực không những giữa các triều đại với nhau mà còn giữa các phe phái nội bộ Nho môn.

Đinh Điền gật gù, Đinh Liễn lại nói tiếp:

- Cứ xem thời Tam quốc, Nam Bắc triều, Ngũ Đại Thập Quốc mà xem, tầng lớp mưu sĩ xuất hiện dày đặc như sao trời. Các loại âm mưu quỷ kế, thiên hoa loạn trụy, ai vì chủ nấy, tàn sát biết bao nhiêu vạn người. Người nào thờ phụng Chân chủ thành công thống nhất đất nước thì phe ấy chiến thắng, làm chủ triều cương, chia sẻ khí vận quốc gia.

Tuy Nho môn không chủ trương tự lập làm Vua nhưng thực tế họ đã là ông vua không ngai. Họ nắm trọn triều đình, quan lại đều là môn sinh của họ, cả quốc gia lai lưng ra làm nuôi họ, họ không phải Vua nhưng lại hơn cả Vua.

Đinh Điền nghe đến đây cũng có cảm giác rợn tóc gáy. Nhưng ông cũng có nghi vấn:

- Nếu Nho môn độc hại như vậy, tại sao Hoàng Đế Trung Hoa lại vẫn tin dùng họ như thế?

- Bởi vì Hoàng Đế Trung Hoa cũng cần mượn tư tưởng của Nho môn để củng cố quyền lực, địa vị. Tư tưởng tam cương, ngũ thường chính là công cụ tốt để các đời vua chúa cai trị thiên hạ, ổn định xã hội. Hoàng Đế được danh thiên hạ cộng chủ, Nho môn thực tế cai quản quốc gia.

Đinh Điền nói nhỏ:

- Đây là quan hệ cộng sinh?

Đinh Liễn gật đầu đáp:

- Đúng. Nói dễ nghe đây là hợp tác, cộng sinh, song thắng. Nói khó nghe thì Hoàng Đế cũng chỉ là khôi lỗi. Ai nghe lời thì an lành chết già, ai cứng đầu thì chết bất đắc kỳ tử. Hoàng Đế chết, vậy đổi một hoàng đế mới, cũng không hiếm lạ. Đến khi Nho môn cần thay đổi người lãnh đạo thì sẽ làm cho đất nước chia năm xẻ bẩy, họa loạn nhân gian.

- Tất nhiên, kẻ lưng đeo tiếng xấu luôn là hoàng đế và hoàng tộc. Còn các mưu sĩ, nho sinh lại chọn một ký chủ mới, mượn thế lực ký chủ để thi triển bản lãnh, tài hoa cho đến khi một phen chiến thắng mới dừng.

- Thiên hạ cũng vì thế mà phân, thiên hạ cũng vì thế mà loạn. Hoàng Đế cũng chỉ là con cờ, dân chúng cũng chỉ là con cờ. Sự thật lịch sử có đôi khi tràn đầy máu me ghê tởm như vậy.