Chương 1: Cháu Đích Tôn Nhà Họ Hoàng

Hồng Bàng Lập Quốc Ký

Chương 1: Cháu Đích Tôn Nhà Họ Hoàng

Người ta có câu: phúc đức tại mẫu. Là để chỉ việc tích phúc đức cho con là bởi hành động của người mẹ. Với nhiều nhà phong thuỷ, việc nghiên cứu của họ cho thấy họ Hoàng có thể phát được lên cái ngôi cửu ngũ, không thể không kể tới việc Hoàng Anh Kiệt có người mẹ xuất thân con vua cháu chúa, dù là ở phương tây xa xôi.



------


Bách Việt vốn là quốc gia độc lập ở phương nam, bắc bị Đại Hoa uy hiếp, tây có các nước Vạn Tượng, Cao Miên, Xiêm La, phía nam bị quân Chân Lạp quấy nhiễu. Tuy vậy, dưới sự trị vì sáng suốt của các vua nhà Triệu, bao cuộc xâm lược của quân thù bị đẩy lùi. Tuy nhiên, sau 300 năm trị vì, sự ăn chơi sa đoạ của bậc quân vương khiến nước nhà suy vi, họ Dương dần trở nên hùng cường, từng bước lấn quyền, sau đó lật đổ họ Triệu để trở thành chủ của Bách Việt.

Họ Triệu, không cam lòng mất ngai vàng, liền viện tới sự trợ giúp của nước Hoa, khiến nước Hoa có cớ tiến chiếm Bách Việt. Là một đám cáo già, tất nhiên chúng tiến hành mọi thứ thật tuần tự: đánh đổ họ Dương, đưa bù nhìn họ Triệu ra, từng bước chia rẽ các lực lượng của Bách Việt. Cuối cùng, sau những trận đàn áp tàn khốc, dã man vào những nhóm nổi dậy, quân Hoa đã chính thức biến Bách Việt thành một nước phụ thuộc về mọi mặt: niên hiệu phải dùng của vua Hoa; quân đóng trong nước chia thành 5 đạo lớn, lấy quân người Hoa làm chủ, đồ cống nạp hàng năm khiến quốc khố Bách Việt liêu xiêu- chúng chỉ để lại đủ số để cho vua người Việt có thể ăn chơi hưởng lạc, quên chống đối. Ngoài ra, thương nhân Đại Hoa được sự ủng hộ của Thiên Triều, nhũng loạn kinh tế, nắm hết sản vật, hàng hoá của người Việt vào tay, khiến kinh tế què quặt.

Quân đội Đại Hoa chia làm 5 đạo lớn, đóng trú tại những khu vực quan trọng. Đạo thứ nhất, kinh đô nhà Triệu, kinh đô mà họ Dương mới xây- vì hai chỗ này đều là đất chiến lược, ai chiếm được có thể làm nghiệp vương nghiệp bá, hoặc ít nhất cũng làm quân đánh dẹp mất nhiều thời gian. Đạo thứ ba đóng tại đồn trú Thành Tư gần biên giới Bách Việt, Đại Hoa có nhiệm vụ trấn áp thổ hào dân tộc. Đạo thứ tư ở thành Hà Quyên, kiểm soát tuyến giao thông chính ở đồng bằng lớn nhất cả nước- vựa lúa cho bất kì đạo phản quân nào. Đạo thứ năm, trấn giữ càng biển Dụ Vải, cảng biến lớn nhất, huyết mạch giao thương đi khắp các nước bằng đường biển.


Sau hơn 50 năm, người Bách Việt như một kẻ bệnh hoạn lâu ngày, khó mà đi trong năng gió, có những nơi bắt đầu coi Đại Hoa là Thiên Triều, bắt đầu có tư tưởng chấp nhận nội thuộc, coi mình là dân Đại Hoa; bọn người giàu sang, quý tộc trong nước vì muốn ích thân phì gia mà luồn cúi người Hoa ngày càng nhiều. Chỉ ở một số nơi là tinh thần phản kháng vẫn còn, nhưng lại không đủ lực để chống lại, nên phải ẩn náu chốn núi rừng, làm giặc làm cướp.

Đến thời vua Long Ngạo của Đại Hoa, vốn là một vị vua sinh ra trong cơ nghiệp lớn mạnh của cha ông, Long Ngạo muốn tăng cường uy quyền bằng các chiến công lớn: bắc phạt các tộc du mục, tây muốn đánh Lưỡng Hà, diệt trừ các tộc người Miêu vẫn hay chống phá ở đất Miêu Cương. Để sức mạnh áp đảo tuyệt đối, gây nên những chiến công oanh liệt,Long Ngạo quyết định ngày đêm luyện binh, tăng cường thêm các đội lính lấy từ dân các vùng đang được đồng hoá: Tam Hàn, Bách Việt, Tây Vực, Bắc Cao Miên, đồng thời tăng mạnh sưu thuế ở các nơi đó, nhanh chóng bình định những chỗ vẫn còn phản loạn.

Với Bách Việt, các cuộc trưng thu thuế má khắc nghiệt làm cho người dân nhanh chóng bần cùng hoá, kẻ làm ruộng thì không đủ cháo ăn cho tới ngày giáp hạt, kẻ đi buôn chẳng ra nổi chợ tỉnh vì thuế đường bộ, đường sông,... Nạn bắt lính, bắt phu cho các mỏ khoáng diễn ra ngày một nhiều, dân không sống nổi, phải bán xới mà đi. Nhiều nơi có tiếng trù mật, mà giờ còn trên năm chục hộ là nhiều.

Nạn đói xảy ra, giặc cướp nổi lên như ong, quân Đại Hoa đánh dẹp mãi cũng chán, nên cho phép địa phương tự mộ lính. Các nhà hào trưởng có cơ hội, liền mài dao xoèn xoẹt, chờ thời cơ là nổi lên.

Ngoài ra, người dân vì trốn thuế, trốn phu, trốn lĩnh cũng tự lập làng lập thôn, sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, tuy vất vả nhưng không bị chính sách khắc nghiệt làm khổ. Làng Hồng Bàng chính là một nơi như thế. Làng nằm ở một cửa biển sâu, giữa biên giới Chân Lạp và Bách Việt, không có thứ hàng đặc sản gì, đất đai cằn cỗi, thường bị bão tố làm cho khốn khổ. Ngoài việc canh tác trên những cánh đồng nhiễm phèn, người dân nơi đây còn phải ra khơi những ngày biển động mới có thể bắt về những con cá biển tanh tanh, hôi rình để có cái bỏ vào miệng, hoặc cố lên rừng bắt thú rừng, bò tót, lợn lòi làm thịt khô. Cũng vì thế, nơi đây dân đều là hạng xương cứng hơn sắt, đội trời đạp đất, lại căm thù Đại Hoa- vì nếu không phải chính luật nghiêm ngặt không sống nổi ở quê, họ sao phải sống ở đây.

Làng này có họ Hoàng là một trong những dòng có nhiều người nhất, tính cả dâu cả rể, cả cháu nội cháu ngoại thì số người lớn hơn hẳn các nhà khác. Họ Hoàng hiện có 6 đời, đứng đầu nhà họ Hoàng, là ông cụ cố, năm nay đã ngoài 93. Nghe bảo ông là người đã từng tham gia quân họ Dương đánh quân Đại Hoa ngày trước, nên phải dắt díu người nhà vào đây lập làng. Gọi là có 6 đời, nhưng ở đời thứ 4, ông trưởng Hoàng Văn Thân vẫn chưa có con trai nối dõi, dù đã có 3 người vợ, mà rặt một lũ vịt trời: 12 cô. Cũng vì không có con trai khi mà đã sang cái tuổi 49, ông rất bực mình, hay cáu bẩn và làm liều.

Hôm nay, gặp ngày trời bão, Hoàng Văn Thân lại đùng đùng đòi ra biển đánh cá như những gã bạch đinh- cho dù nhà ông không thiếu tiền.. Chuyến này không ngờ lại khiến ông được lợi lớn. Cơn bão không chỉ mang lại đàn cá, nó còn cuốn theo một con tàu lớn, đến từ phương tây xa xôi. Người trên tàu là một đám người phương Tây, tên nào cũng ốm o, có vẻ như phải trải qua một thời kì đói khát với bệnh tật khi vượt biển. Tuy nhiên, có độc ba người còn có vẻ được chăm sóc kĩ: một người phụ nữ trẻ và hai đứa trẻ con: một trai một gái. Tuy không hiểu đám người này lai lịch ra sao, cũng không biết cái tiếng xì xồ mà chúng nói, ông cũng chấp nhận giúp bọn họ về làng.

Người phụ nữ trông xinh đẹp, ít nhất tuy không phải nét đẹp của người Việt, nhưng cô ta cũng không quá khó coi. Cô ta tuy trông chật vật, nhưng nét cao quý vốn chỉ có ở những nhà quyền quý vẫn hiện lên rõ ràng lắm. Đưa được họ về làng, ông cho họ một phần đất để định cư. Những người này có vẻ lạ, họ không cố sửa tàu để đi tiếp, mà dường như có ý định ở lại đây luôn.

Nhà do ông cấp cho, họ cũng tin tưởng ông nhất, nên Hoàng Văn Thân gần như là người duy nhất có thể tiếp xúc với người đàn bà kia. Lại mấy năm sau, hai đứa trẻ kia do không hợp thuỷ thổ mà chết yểu, nên người phụ nữ đó coi ông như chỗ dựa. Cuối cùng, lửa gần rơm cũng bén, ông và bà ta có với nhau một cậu con trai. Dù rằng đứa trẻ có dị tướng: tóc trắng và mỗi mắt có một màu: một màu nâu đen, mắt kia lại xanh biếc song với Văn Thân thì như thế có là gì nếu so với một đứa con trai.Tin này khiến cả làng phải ngạc nhiên, nhất là cụ cố họ Hoàng lấy điều này làm vui lắm. Dù sao thì dòng trưởng cũng nên tiếp tục phát triển.

Hoàng Anh Kiệt, đó là cái tên của đứa nhóc mới được sinh ra. Đứa nhóc hoàn toàn khác lũ trẻ con người Việt, vì mái tóc bạch kim tự nhiên từ ngày mới chào đời, cộng thêm việc nó khoẻ hơn hẳn bọn trẻ cùng tuổi. Đã thế Hoàng Anh Kiệt lại thông minh vượt trội, học được cả tiếng cha- tiếng Việt và chữ Nôm, lẫn tiếng mẹ- tiếng Toman và chữ viết Toman, cùng với đủ các loại ngôn ngữ mà cậu ta có thể học.

Vì Hoàng Anh Kiệt là cháu đích tôn, lại thông minh lanh lợi ngay từ ngày mới sinh, nên cậu được cả nhà cưng chiều lắm, nhất là ông cụ cố và ông nội. Hoàng Anh Kiệt ngày nào cũng có quà bánh ăn luôn, lại được cho những đồ chơi đẹp nhất nhà. Có điều, Kiệt lại luôn chia đều đồ chơi cho bọn con cháu trong nhà- cậu là đời thứ tư, song lại sinh muộn. Các anh chị em họ đều có vợ con cả rồi, thậm chí có người lên chức ông bà luôn rồi ấy chứ. Bọn bằng tuổi cậu, nếu không phải đời 5 cũng đã là đời 6.

.......................................................................................................

- Chú ơi! Chú cho bọn con thật hả?

- Ừ!- Kiệt gật đầu. Cậu đưa cho cô nhóc trước mặt một chuỗi hạt cườm mà cậu cóp nhặt bấy lâu. Kiệt phải khó khăn lắm mới có được, bởi thứ hạt cườm đó không phải là đá mà là thuỷ tinh màu. Ở thời đại này, với tình trạng thế này, làm thuỷ tinh khó khăn lắm, nhất là phép luyện ra các viên thuỷ tinh màu sặc sỡ như thế kia. Nhưng nếu Kiệt đã thích thì cậu sẽ làm cho bằng được, nhất là khi đó là đồ để loè bọn con gái. Không phải là ý định đen tối gì đâu, chẳng qua thấy vui khi nhìn một lũ nhóc- toàn là cháu mính, tranh nhau ngắm nhìn món đồ chơi đẹp mà cậu làm ra.

Kiệt nhìn quanh một hồi, rồi cũng thấy mục tiêu, một con nhóc nhỏ thó, tóc tai bê bết cát đang đứng xa xa nhìn bọn con gái chơi với chuỗi hạt. Tên nó là Vũ Bích Vân, nó theo họ mẹ, một người phụ nữ phiêu bạt khắp nơi kiếm kế sinh nhai cho tới khi đến làng Hồng Bàng này thì dừng chân ở lại làm ăn. Bà ta khá khéo tay, làm hàng thêu rất xinh, giá phải chăng nên cũng đủ sống. Con bé Vân do mới chuyển tới nên hay bị lũ nhóc bắt nạt một tí, với lại tính nó hướng nội, nên thành ra không có bạn chơi.

- Làm gì ở đây thế hả nhóc!- Kiệt tiến tới, vỗ vai con nhóc

- Dạ!- Con bé bối rối, xấu hổ cúi gằm mặt. Kiệt cũng không hỏi nhiều, lôi nó ra chỗ bọn nhóc rồi dặn chúng nó cho con nhỏ chơi cùng.

- Nhưng nó chẳng chịu chơi với bọn con đâu ạ?- Một đứa nói- Rủ nó đi nó không nói không rằng gì cả, chơi thì cứ như con đụt ấy.

- Đúng thế!- Lũ còn lại đồng thanh nói.

- Thế thôi, mày chơi với tao vậy!- Kiệt thở dài.

Vân sửng sốt nhìn Kiệt hồi lâu. Thú thực là Kiệt chẳng tốt bụng tới mức phí thời gian làm thế nếu cậu lớn hơn tí nữa, nhưng giờ Kiệt chỉ đang có 3 tuổi rưỡi nên thôi vậy.

- Chơi cờ ca rô không?

- Cờ ca rô ấy ạ?- Vân thắc mắc.

Thế là Kiệt lại phải bắt đầu một bài giảng tràng giang đại hải cho một con bé về luật chơi cờ ca rô, thứ cờ phổ biến và cũng là thứ cờ duy nhất mà ông kĩ sư Hoàng Anh Kiệt của chúng ta biết. Quên chưa nói, Hoàng Anh Kiệt trọng sinh. Kiếp trước Kiệt là kĩ sư quân đội, chuyên nghiên cứu về súng đạn cùng với máy móc. Thứ cậu ta giỏi nhất là trí nhớ siêu phàm, cộng thêm lòng ham thích sử sách nên mới đăng kí học vào trường Quân Sự và trở thành một kĩ sư. Sau khi trọng sinh được 3 năm rưỡi, Kiệt thầm cảm ơn trí nhớ của mình hầu như còn nguyên vẹn. Có chúng, cậu sẽ có vốn liếng để chiến đấu trong hoàn cảnh mới.