Chương 279: Đô đốc Tuyết

Dòng Máu Lạc Hồng

Chương 279: Đô đốc Tuyết

Chương 279: Đô đốc Tuyết

Nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng cung cấp cho chúng tôi một số sử liệu chép rằng, danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là người chính quê An Nhơn thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Tuy nhiên, ông Hồng cũng chưa thể khẳng định năm sinh, năm mất của vị danh tướng này. "Ở quê hương của Đô đốc Tuyết có truyền miệng câu chuyện khẳng định ông là cháu họ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiểm tra, xác minh nhưng chúng tôi không thấy tài liệu hay thư tịch nào xác nhận về điều này", ông Hồng nói.

Được Tây Sơn trọng dụng

"Đô đốc Tuyết truyền cho vợ phò ngự giá chạy trước, còn mình thì ở lại cản ngăn. Sau một hồi kịch chiến, ông bị súng bắn trúng và tử trận. Quân Nguyễn liền đuổi theo ngự giá. Trần phu nhân hết sức chống cự, nhưng chỉ ít lâu thì cả đoàn đều bị bắt. Không thể để đối phương làm nhục, phu nhân liền tự sát cùng với Thái hậu Bùi Thị Nhạn", sách Đại Nam chính biên liệt truyện.
Theo một vài chuyện kể dân gian, thì trước năm 1771, danh tướng Nguyễn Văn Tuyết tên thật là Nguyễn Minh Mẫn - là một trong số những người du thủ du thực, sống phiêu bạt khắp đó đây. Sau nhờ một người thầy dạy võ hết lòng yêu thương chỉ bảo, lại đem con gái gả cho.

Ông Hồng kể một câu chuyện khác, nhưng ông cho rằng chỉ nên để tham khảo. Đó là Nguyễn Văn Tuyết có sức mạnh, từng tụ tập kẻ vô lại ở chợ Gò Chàm ở phía Bắc thành Quy Nhơn, và được tôn làm đầu đảng. Ông tự đặt ra lệ bất kỳ ai ra chợ mãi võ, đều phải đến xin phép.

Một hôm, ông nghe tin Trần lão tên là Trần Kim Hùng cùng hai cháu gái trẻ đến chợ mãi võ mà không xin phép. Ông liền kéo mươi thủ hạ đến hỏi tội. Sau tranh tài, biết Trần lão giỏi võ hơn mình, ông xin đi theo làm môn đồ. Kể từ đó, nghe lời thầy dạy, ông lo rèn võ luyện văn.

Mấy năm sau, Tuyết trở về lựa lời khuyên đồng đảng cũ nên bỏ nghề cướp bóc. Khi nghe Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn chiêu mộ hào kiệt, ông lên sơn trại đầu quân. Tại đây, Tuyết gặp lại một trong hai người cháu gái của Trần sư phụ là Trần Thị Lan, và đã cưới làm vợ.

Có được một hậu phương êm ấm, vững chắc lại được mở mang tâm trí sau nhiều năm bươn chải nên Nguyễn Văn Tuyết đã trở thành người đầy ý chí. Từ khi chưa thành danh, chưa ai biết đến thì ông đã nguyện đem tài sức của mình ra cứu khổ cho dân.

Thời kỳ ấy binh đao hỗn loạn, Nguyễn Văn Tuyết tham gia vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Bởi tài năng và sự dũng cảm hơn người nên ông nhanh chóng được anh em nhà Tây Sơn trọng dụng.

Cũng có thuyết nói rằng, trước khi đầu quân cho Tây Sơn, Nguyễn Văn Tuyết từng lên kế hoạch táo bạo là ám sát chúa Nguyễn. Trong chuyến tuần dương xuống phía Nam, chúa Nguyễn Phúc Khoát (chúa thứ tám của nhà Nguyễn ở Đàng Trong) cưỡi một con ngựa quý do người Cao Miên (Campuchia) bấy giờ tặng. Đó là giống ngựa Hãn huyết quý.

Đoàn xe của chúa Nguyễn Phúc Khoát đến địa phận thành Quy Nhơn, được quan chức địa phương đón tiếp và hầu hạ chu đáo. Lựa khi đêm khuya thanh vắng, Nguyễn Văn Tuyết bí mật lẻn vào hành cung chúa Nguyễn đang nghỉ, định ra tay ám sát, song do quân canh phòng cẩn mật, không thể ra tay.



Gươm kiếm của quân Tây Sơn (trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung).

Nguyễn Văn Tuyết phát hiện thấy chuồng ngựa đang nhốt con Hãn huyết quý, thừa lúc lính canh đi lấy thức ăn, ông đã dắt ngựa ra khỏi thành. Trên vách tường của quan Tuần phủ Quy Nhơn ghi rõ mấy chữ "kẻ trộm ngựa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn".

Sự kiện này làm trấn động thành Quy Nhơn, quan lại trong thành hoảng loạn. Quan quân nhanh chóng cho người về quê bắt ông nhưng đã muộn.

Các nguồn sử liệu đánh giá danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là bậc kỳ tài võ nghệ. Sau những trận đánh lớn nhỏ lại chứng minh được tài mưu lược tác chiến và tài cầm quân, cả trong những tình huống phức tạp.

"Nguyễn Văn Tuyết được phong dần lên đến Đô đốc. Năm 1788, trước khi rút về Phú Xuân, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã thành lập Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà và giao cho Đại Tư mã Ngô Văn Sở đứng đầu. Trong bộ chỉ huy ấy có Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết là mắt xích quan trọng", nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho hay.



Tranh minh họa Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: IT.

Tham chiến sườn Đông



Chaigneau - một sĩ quan người Pháp đã tham gia giúp đỡ Nguyễn Ánh.

Cuối năm 1788, với 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã tràn sang nước ta. Trước tình thế nguy cấp, Đại Tư mã Ngô Văn Sở triệu tập một hội nghị quân sự ngay tại kinh thành Thăng Long. Các tướng thống nhất hai vấn đề vô cùng quan trọng.

Một là phải cấp báo cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Hai là thực hiện kế sách của Ngô Thì Nhậm, rút quân về Tam Điệp và Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội đánh trận quyết định số mạng của quân xâm lược.

Nguyễn Văn Tuyết lãnh trọng trách gấp rút trở về Phú Xuân để trình rõ tình hình nguy cấp cho Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Đồng thời thuật lại phương lược phòng chống quân Thanh do Bộ chỉ huy Bắc Hà đề xuất.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở núi Bân (Huế), Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết được giao trách nhiệm gấp rút chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc ra Bắc Hà. Khi Nguyễn Huệ cầm quân ra Bắc, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng hành quân ra.

Tại Nghệ An và Thanh Hóa, Đô đốc Tuyết ra sức tuyển lựa, huấn luyện cấp tốc cho binh sĩ của Tây Sơn. Hiện nay, tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn còn di tích gọi là "thung đong quân". Thực ra, đó là một cái hang chứa được một lượng quân số nhất định; Đô đốc Tuyết đếm quân bằng cách cho quân sĩ vào trong đó để ước lượng quân số.

Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Nguyễn Huệ chia quân làm 5 đạo, nhất tề tiến thẳng ra Bắc. Hai trong số 5 đạo ấy là thủy quân và một trong 2 đạo thủy quân ấy do chính Đô đốc Tuyết chỉ huy.

Theo kế hoạch của Nguyễn Huệ, đạo thủy quân do Đô đốc Tuyết phải vượt biển tiến vào khu vực sông Lục Đầu; tiêu diệt quân cần vương của Lê Chiêu Thống đang đóng giữ tại Hải Dương. Sau đó tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía Đông của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng, làm tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo khác đánh vào Thăng Long.

Tuẫn nghĩa sau thất thủ



Quân Tây Sơn đại phá quân Thanh (Ảnh tại Bảo tàng Quang Trung).

Sau trận đại phá quân Thanh, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục có thêm nhiều cống hiến đối với nhà Tây Sơn. Ông là một trong những võ quan cao cấp nhất, một trong những chỗ dựa quan trọng của Quang Trung về hoạt động binh nghiệp.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, con là Quang Toản kế vị. Lợi dụng cơ hội, Nguyễn Ánh liên tục tổ chức phản công. Năm 1802 khi dẫn đại quân tiến ra Bắc Thành thì vợ chồng Nguyễn Văn Tuyết đang coi việc binh ở nơi đó.

Trước sức mạnh của quân đội Nguyễn, liệu không thể chống giữ nổi, Ðô đốc Tuyết và vợ đã đưa vua Cảnh Thịnh sang sông Nhị Hà chạy lên vùng núi phía Bắc. Tướng Lê Chất dẫn quân truy đuổi. Ðô Ðốc Tuyết truyền cho vợ phò ngự giá chạy trước, còn mình chặn hậu.

Đề cập đến ngày tàn của nhà Tây Sơn, sách "Nhà Tây Sơn" có câu chép về vợ chồng Đô đốc Tuyết như sau: Nguyễn Văn Tuyết đã cùng vợ con tuẫn nghĩa sau khi thất thủ Bắc Thành.

Triều đình nhà Nguyễn sau đó thực hiện trả thù một cách thậm tệ đối với những người theo Tây Sơn, trong đó có cả gia đình của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.

Hiện nay, tại đường Hoàng Diệu (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) có một ngôi đền thờ cũng là nhà thờ của dòng họ Nguyễn Văn Tuyết. Ở đấy, con cháu Nguyễn Văn Tuyết vừa thờ tổ tiên của mình là Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, lại vừa thờ Đô đốc Long.

Đô đốc Long được nhiều nhà nghiên cứu cho là là Đô đốc Đặng Văn Long, người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), tức là đồng hương với Nguyễn Văn Tuyết. Theo lời giải thích của hậu duệ Nguyễn Văn Tuyết, sở dĩ họ thờ Đô đốc Long ở đây vì sinh thời, ông là thầy dạy võ của Nguyễn Văn Tuyết.

Nguồn: Giáo dục thời đại