Chương 281: Lý Văn Bưu

Dòng Máu Lạc Hồng

Chương 281: Lý Văn Bưu

Chương 281: Lý Văn Bưu

Theo các nguồn sử liệu, Lý Văn Bưu còn có tên gọi khác là Mưu (Miêu). Ông là dân gốc người làng Đại Khoang, huyện Phù Cát (Bình Định). Nhờ nghề nuôi và buôn bán ngựa mà gia đình trở nên giàu có.

Từ người nuôi ngựa

Cho đến nay, năm sinh, năm mất của Đô đốc Lý Văn Bưu đều không rõ ràng. Trong thất hổ, ông là người có cuộc đời chinh chiến khác hẳn với các vị tướng còn lại, phần vì do bản tính, phần vì do cuộc sống riêng của ông.

Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu lịch sử Hữu Vinh, làng Đại Khoang là vùng đất rộng lớn, người thưa giáp ranh với vùng Thuận Truyền, Thuận Hạnh, huyện Tây Sơn, cũng đất rộng người thưa. Vùng này gò đống kéo dài, cây dại gai gốc mọc đầy, chen lẫn với chà là, sim, ổi, nên rất thích hợp với việc săn bắn và nuôi bò, ngựa.

Gia đình ông Lý Văn Bưu chuyên chăn nuôi ngựa. Thuở bé, bản thân Lý Văn Bưu cũng là một mục đồng, chăn ngựa giúp gia đình. Ngựa của họ Lý bán đi khắp nơi, kể cả ở các tỉnh khác như Phú Yên, Quảng Nghĩa.

Ông Vinh cho rằng, vì nhà giàu có, buôn bán rộng rãi, nhất là ở trong một vùng xa xôi hẻo lánh, nên để đề phòng trộm cướp, nhà họ Lý nuôi nhiều thanh niên và thầy dạy võ. Từ đó, Lý Văn Bưu được rèn luyện võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung.

Ngoài võ nghệ, ông còn là một chuyên gia huấn luyện ngựa chiến. Số nhiều, ngựa của ông nuôi đều chọn lựa giống rất kỹ lưỡng. Thượng khách ở các tỉnh xa thường đến mua ngựa phải đặt hàng trước hàng năm. Tài nuôi ngựa chiến của gia đình họ Lý được truyền từ đời này sang đời khác.

Từ kinh nghiệm chọn giống, nuôi dưỡng, huấn luyện lại thêm nữa là điều kiện thuận lợi của địa thế tựa thảo nguyên Mông Cổ nên ngựa họ Lý đều là những chiến mã. Tương truyền, ngựa chiến do người họ Lý huấn luyện có khả năng chạy liên tục cả ngày liền mà không cần ăn uống, nghỉ ngơi.

Lý Văn Bưu tuy có gia thế giàu có nhưng là người hào sảng, tính tình chân chất và thích giao kết với hào kiệt bốn phương.



Cảnh ngựa chiến, voi chiến của quân Tây Sơn khi ra trận. Ảnh: IT.

Đến danh tướng nhà Tây Sơn

Các tay hào kiệt đến với ông rất nhiều, một phần vì mến đức mộ tài; phần nữa là vì ngựa tốt. Những người già ở Đại Khoang kể rằng, chỉ cần nhìn tướng mạo, xem tính nết của khách hàng, là Lý Văn Bưu sẽ chọn cho khách con ngựa ưng ý nhất.

Theo lý giải của ông Hữu Vinh, thì người nho nhã phong lưu sẽ hợp với ngựa có nước kiệu êm. Kẻ tính tình năng động thì ưa ngựa có nước phi thần tốc. Có người thích ngựa thiên lý để ngày đi trăm dặm mà ngựa không đổ mồ hôi.

Có những người mua được ngựa tốt, nhưng chưa thuần phục đều đem đến nhờ Lý Văn Bưu thuần hóa, huấn luyện thành ngựa hay. Điều đặc biệt, dù ngựa hung dữ đến mấy thì chỉ sau một tuần là biết nghe lời chủ.

Nhiều lúc, Lý Văn Bưu cũng mua lại ngựa của bọn trộm ở nơi khác đem đến bán. Có điều, ông chỉ mua ngựa tốt. Khi chủ ngựa bị mất trộm đến xin chuộc, ông đều vui vẻ nhượng lại khi biết rõ đó là chủ cũ của con tuấn mã, nhưng phải là người tốt có tính khí anh hùng.

Với bọn cường hào trọc phú hay là bọn bất lương thì Lý Văn Bưu cho chuộc lại với giá gấp đôi. Có khi xảy ra kiện tụng, song nhờ vào uy tín và sự giao thiệp rộng rãi của dòng họ Lý nên ông chưa khi nào thua cuộc.



Một số vũ khí, đạn dược của quân đội nhà Tây Sơn.

Tương truyền, Võ Văn Dũng năm 20 tuổi cũng đã từng đến trường ngựa của Lý Văn Bưu cùng với một người bạn làm nghề lái buôn. Chỉ gặp gỡ trò chuyện đôi câu, nhưng cả hai đều nhận ra tấm chân tình hào kiệt và chí hướng của đấng anh hùng.

Cũng vì nổi tiếng với việc huấn luyện ngựa mà Lý Văn Bưu thân thiết với Châu Văn Tiếp – người sau này trở thành danh tướng tâm phúc của Nguyễn Ánh. Châu Văn Tiếp cũng theo nghề buôn bán ngựa nên hai ông thân thiết với nhau. Chỉ không ngờ rằng, vì thời thế mà từ bạn thành thù ở hai đầu chiến tuyến.

Tiếng tăm của họ Lý vang xa, bà Bùi Thị Xuân thường hay đi săn vùng Thuận Ninh đã tìm đến kết bạn. Chẳng bao lâu, họ đã trở nên đôi bạn tâm đắc. Bà Xuân đã học được họ Lý cách nuôi và huấn luyện ngựa chiến.

Từ phương pháp huấn luyện ngựa của Lý Văn Bưu, bà Bùi Thị Xuân đã áp dụng vào việc huấn luyện voi. Sau này, bà đã tiến cử Lý Văn Bưu và được anh em nhà Tây Sơn trọng dụng. Họ Lý giúp nhà Tây Sơn huấn luyện đoàn chiến mã. Trường ngựa của ông thành doanh trại huấn luyện kỵ binh cho nhà Tây Sơn.

Có tư liệu cho rằng, Võ Văn Dũng đã tiến cử ông với vua Thái Đức, được sung vào đội thiết kỵ làm huấn luyện ngựa chiến cho nghĩa quân. Nhờ giỏi võ nghệ, lại lập nhiều công trạng trong các trận chiến cả trong Nam ngoài Bắc, nên Lý Văn Bưu được phong các chức Đô đốc rồi đến Đại Đô đốc.

"Cung thần" họ Lý



Minh họa cung thần Lý Văn Bưu. Ảnh: IT.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Minh Hồng lại kể một câu chuyện ly kỳ về Lý Văn Bưu. Tương truyền trong lúc còn đang xây dựng cơ sở cho nhà Tây Sơn tại dãy núi Ninh Thuận thuộc huyện Tây Sơn bây giờ; có một con hổ to lớn như con trâu mộng, rất hung dữ và còn tinh khôn, thường hay xuống bắt trâu bò, lợn và cả người.

Lúc đầu, hổ dữ đi săn bắt vào ban đêm, sau lại phá phách luôn cả ban ngày. Chẳng những có sức mạnh mà da hổ lại quá dày, cứng đến độ giáo mác của nhóm thợ săn đâm không thủng.

Dân làng thuê thợ săn cọp và các võ sĩ từ khắp nơi về để trừ hổ; song kẻ chết, người thương tật, chỉ có con hổ dữ là ngày một béo tốt. Lý Văn Bưu được tin, mang cung thần Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ hổ dữ.

Sau một hồi lâu săn tìm, gặp thấy hổ, Lý Văn Bưu liền giương cung Kỳ Nam bắn trúng đầu cọp. Mũi tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót, cọp còn hăng sức xông đến, Lý Văn Bưu bồi liền hai mũi tên.

Tên xuyên ngang cuống họng và yết hầu khiến hổ dữ giãy giụa một hồi lâu rồi chết. Trong các trận Nam chiến đánh nhau với quân Xiêm và Bắc chiến với quân Mãn Thanh, cây cung Kỳ Nam đã giúp Lý Văn Bưu lập nhiều công trạng.

Trong trận Quang Trung ra Bắc tảo Thanh năm 1789, Đô đốc Lý Văn Bưu cùng tướng Đặng Văn Long đem kỵ binh xuyên qua Chương Đức (Hà Đông) để tiến đến làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì (Hà Nội), chiếm cứ hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục.

"Hai đồn Yên Quyết và Nhân Mục là tiền đồn của doanh Khương Thượng. Hai đồn này bị chiếm rất nhanh chóng và yên lặng. Bởi vậy, khi quân Tây Sơn đánh đồn Khương Thượng, quân Thanh không hay biết và trở nên hoảng loạn, tan rã", nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho hay.

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, nội bộ nhà Tây Sơn bắt đầu lục đục, chia rẽ. Trước tình cảnh Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, lấy danh vua Cảnh Thịnh cướp thành của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc; các đại tướng Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu bị nghi ngờ cùng nạn phe đảng trong triều, khiến Lý Văn Bưu chán nản, không sao kể xiết.

Sau cùng, ông lấy cớ tuổi già sức yếu xin được trở về cố hương. Từ khi về ở ẩn, Lý Văn Bưu lại tiếp tục với nghề nuôi và buôn ngựa nổi tiếng của gia đình. Có người nói rằng, ông và gia đình sau này bị Nguyễn Ánh truy sát trả thù rất khốc liệt.

Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho biết, không tìm thấy tư liệu nào nói việc Đô đốc Lý Văn Bưu bị trả thù và giết hại. Tuy vậy, cũng khó có thể nói việc Lý Văn Bưu thoát được nạn truy thù của nhà Nguyễn đối với các tướng lĩnh nhà Tây Sơn.