Chương 12: 10 thạch một mẫu
Bách nhỏ nhẹ nói:
- Cụ cả nghĩ rồi, sư phụ cháu không bao giờ cấm cháu truyền đạt kiến thức này. Lão nhân gia ghét nhất là kẻ bo bo giữ mình. Ngài nói ở phương Tây xa xôi có người còn mở trường, truyền bá kiến thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì ở ta bị lão hủ nho Khổng Khâu ảnh hưởng, cái gì mà "thuật nhi bất tác", thật là chó má. Kiến thức là phải được người người chiêm nghiệm, nơi trốn bàn bạc phản biện thì mới đơm hoa kết trái được. Nho giáo là lối tư duy trọng cổ, thích đem những điều tốt đẹp của người xưa ra làm chuẩn mực. Nhưng sư phụ thường nói với cháu một câu mà đến giờ cháu vẫn nhớ: "Công thức cho sự ngu dốt chung thân là: Thỏa mãn với quan điểm của mình và hài lòng với tri thức của mình".
Lão Đinh đỏ mặt tức giận, lão là người được hệ thống giáo dục phong kiến đào tạo. Sao chấp nhận được có người phê bình Khổng Tử. Nhưng nghĩ lại thì đúng là tư tưởng Nho giáo có nhiều khuyết điểm. Người xưa có những thành tựu rất vĩ đại, cả trong tư tưởng văn hoá và kỹ thuật. Nhưng việc giữ kiến thức riêng cho mình, bo bo trong phạm vi gia đình, môn phái đã nhiều lần làm thui chột những kiến thức đó. Lão không phản biện được Bách nhưng cũng nẹt hắn:
- Cháu và sư phụ ở trên núi lâu, nói năng không kiêng dè. Ta không luận đúng sai nhưng nếu cháu muốn ở lại đây thì điều đầu tiên là phải học cách kính nhi viễn chi. Lời nói không kiêng dè sớm muộn sẽ hại cháu thôi.
Bách chợt tỉnh ngộ, hắn chắp tay với Đinh lão:
- Lời cụ nói cháu xin ghi nhớ, xem ra tâm tính của cháu còn phải rèn luyện nhiều. Lần này cháu lại nói lời không phải rồi, mong cụ bỏ qua.
Lão Đinh dịu giọng:
- Gặp chuyện cần tuỳ cơ ứng biến. Đây không phải thế giới mà một đứa trẻ 15 tuổi như cháu trình bày quan điểm cá nhân. Cháu là đứa bé thông minh nhất mà ta từng gặp, lại được cao nhân chỉ dạy từ bé, trí tuệ có lẽ chỉ sau Quan Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Khi xưa ngài Thượng thư đỗ Trạng Nguyên năm 13 tuổi, khí khái còn lớn hơn cháu nhiều. Nhưng không phải chỉ vì câu nói "Thần không phải là người sinh ra đã biết, nhưng khi có một đôi chữ không biết thì hỏi thầy chùa" mà Thái thượng hoàng cũng cho về học lễ nghĩa 3 năm đấy sao? Cháu thấy mình và ngài Thượng thư thì ai thông minh hơn? Cho nên phàm là người thông minh. Phải dùng cái thông minh này từ từ tạo nên uy vọng cá nhân. Đợi khi cháu thành công, khai môn lập phái, được người đời công nhận cả về kiến thức và tâm tính mới có thể tuỳ ý phát ngôn.
- Xin nghe lời cụ!
- Cháu nói ta nghe, cháu sai bon lão Tuất, lão Sửu làm gì dưới núi?
- Không dấu gì cụ. Sư phụ cho cháu một số hạt cây trồng. Nói là những cây này có thể cứu dân ta khỏi đói khổ. Những hạt này khi ở cùng sư phụ cháu đã thấy được tác dụng, cứu được đói lại ngon miệng, sẽ là những hạt ngọc trời ban xuống cho Đại Việt.
- Những cây này là cây gì? Cháu đã thấy nó chưa?
- Đây là một giống lúa, một giống lương thực là Ngọc Mễ và một số loại lạc, đậu.
- Lúa, lạc, đậu thì là cây trồng bình thường. Còn Ngọc Mễ - ngọc trời thì có chút kỳ lạ. Những cây này có gì là mà cứu được đói cho dân ta.
Bách mỉm cười hỏi Đinh lão:
- Một mẫu ruộng tốt có thể đạt sản lượng bao nhiêu thưa cụ?
Đinh Nhu nhanh nhảu:
- Việc này ta biết, ruộng tốt nhất nhà ta vào vụ xuân trồng giống Chiêm di thì thu được 5 thạch một mẫu. Hắn nói có vẻ tự hào.
Bách thầm tính toán. 01 thạch lương thực tướng ứng cới 72 kg gạo, một mẫu đất là 10 sào tương ứng 3600 m2. Vậy 5 thạch một mẫu tương đương với năng suất 1 tấn lúa/ha. Nhưng như lão Đinh nói. Đây là ruộng tốt nhất của nhà lão, cũng là kỷ lục canh tác của người xưa trên một đơn vị diện tích rồi.
- Vậy nếu ta nói giống lúa mới này có thể đạt được 10 thạch trên một mẫu thì sao?
- Bốc phét! Cây lúa cũng chỉ có hạn, chăm bón kiểu gì mà có thể đạt đến từng ấy được. Đinh Nhu có vẻ không tin.
Bách chỉ cười quay sang Đinh lão:
- Vậy cháu đánh cược với lão. Nếu giống lúa kia có thể đạt được 10 thạch trên một mẫu lão phải đồng ý với cháu một điều kiện.
- Nhóc con lém lỉnh lắm. Nhưng quả thật giống lúa kia có thể đạt 10 thạch một mẫu ư?
- Chắc chắn! Không những giống lúa kia, mà cây Ngọc Mễ của cháu cũng có thể đạt được như thế. Nhưng ông thử nghĩ xem. Một loại cây mà không cần chủ động nước tưới, trên chân đất cao mà vẫn đạt được 10 thạch một mẫu thì có ý nghĩa gì?
Lão Đinh thừ người. Lão đã sống một đời người, trải bao biến loạn nên là người hiểu nhất tầm quan trọng của lương thực với đời sống người xưa. Nói không ngoa thì đúng với câu Dân dĩ thực vi tiên. Vua gọi là thiên tử, là con trời nhưng với người dân, thì cái ăn bỏ vào mồm vẫn là điều thực tế nhất. Ai làm cho họ ăn no, thì đấy mới là thiên tử. Nhà Trần cũng mới ở ngôi được 30, 40 năm. Ai biết được sau này còn thay đổi thế nào. Lương thực quan trọng nhất của người Việt là lúa nước. Để canh tác lúa nước tất nhiên quan trọng nhất là nước. Cần phải có sự phối hợp của một số lượng người lớn, cùng nhau quản lý hệ thống kênh mương trong một khu vực. Lý tưởng nhất là với đơn vị hành chính cấp làng xã. Không ai có thể một mình canh tác lúa nước được. Trong một cộng đồng nhỏ, người Việt cùng sinh sống, canh tác, đóng góp vào các dịch vụ công cộng trong làng như: đắp đê, nạo vét kênh mương và sinh hoạt văn hoá trong đó. Chính điều này làm nên bản sắc văn hoá làng xã của người Việt, có khi phép vua còn thua cả lệ làng.
Năng suất lúa của các giống lúa địa phương đã đến ngưỡng, dù có cố gắng chăm bón cũng không thể tăng thêm được nữa. Nay Bách lại cam đoan sẽ có một giống lúa năng suất cao gấp đôi, lại còn có một loại lương thực không cần canh tác trên chân ruộng chủ động nước. Thú thật là lão Đinh không tin lắm. Nhưng nghĩ đến viễn cảnh những lời người thanh niên nói là sự thật. Lão Đinh hạ quyết tâm:
- Khoan nói chuyện đánh cược. Nếu như lời cháu, thì đây là đại sự, không thể hời hợt. Ta sẽ đi cùng cháu xem thế nào?
Bách đã tính toán, với cách canh tác của hắn. 01 mẫu ruộng tốt có thể đạt 20 thạch, đời sau tính ra cũng chỉ 4 tấn/ha, trong điều kiện lý tưởng có phân đa lượng hoá học hắn có thể làm cho năng suất lúa lên 15 – 20 tấn, nhưng hắn cũng đề phòng không dám ngoa ngôn. Nên chỉ nói là 10 thạch. Lão Đinh sốt ruột đã muốn xuống núi rồi.
- Cụ không cần vội, cháu đã chuẩn bị tốt mọi thứ. Mạ đã gieo rồi nhưng phải nửa tháng nữa mới nên cấy. Ta cứ ở trên Đền. Đến lúc nào cấy cháu sẽ đưa cụ đi.
- Vậy cứ làm theo ý cháu, nhưng mai ta sẽ bảo Đinh Đang bắt lão Tuất và lão Sửu trông coi và canh phòng cẩn mật hơn.