Chương 22: Hạng Vũ cử đỉnh
Lê Văn Hưu trầm ngâm nãy giờ cùng lên tiếng:
- Việc này quá kỳ lạ, vậy có thể nói cho chúng ta căn cứ vào đâu mà tính được chuyện này hay không?
- Thuật toán này cao siêu, thầy ta tinh thông thiên văn mới tính được, ta tuổi nhỏ lại ham chơi, có nhiều thuật không học được của thầy. Nhưng các ngươi có thể hiểu thế này: tinh tú trên trời đều có liên kết với nhau, tinh đồ chính là sơ đồ biểu diễn các liên kết này, người giỏi tính toán có thể tìm được những cách để dự báo trước đường di chuyển của các tinh tú. Hiện tượng Nhật thực chính là khi Mặt trăng đi qua che lấp Mặt trời ban ngày chứ không có gì lạ.
- Không phải Thiên cẩu cắn nuốt mặt trời sao?
Bách cưới lớn:
- Thiên cẩu gì chứ, các ngươi không nhìn được trực tiếp cảnh đấy vì hào quang mặt trời lúc ấy ghê gớm, nhìn trực tiếp sẽ có thể bị mù. Nếu lần sau nhật thực, ta có cái kính có thể nhìn được, sẽ cho các ngươi xem thoải mái.
Lão Đinh lúc này chen vào:
- Quả thật như vậy, cháu ta đã cùng hắn xem Nhật thực vào đầu tháng này.
- Vậy chuyện Mặt trời có hai quầng là làm sao?
- Do những đám mây trên trời kết tinh thể băng, làm cho ánh sáng đi qua bị khúc xạ. Giống như khi chúng ta nhìn ánh sáng phản chiếu trên mặt hồ vậy, sẽ có hiện tượng khúc xạ xảy ra, chính vì vậy sáng sớm hay chiều muộn có thế thấy ánh sáng trở nên óng ánh trên mặt hồ.
- Làm sao ngươi biết được điều này?
- Do quan sát thôi. Nếu con người không ngừng quan sát thiên nhiên sẽ ngộ ra nhiều điều. Đây chính là cơ sở của một môn học gọi là Bác vật học. Ta đang muốn trao đổi cùng Chiêu Minh Vương về vấn đề này, để đón đầu cơ hội hai mươi năm tới đây, không thể thiếu Bác vật học được.
- Có phải đây là cách ngươi tính được chu vi của hồ Giám hay không?
- Không chỉ hồ Giám, nếu phát triển đến tận cùng Bác vật học thì không gì là không tính toán được. Như vậy đi, các ngươi nhìn cây cau trước cửa, ai có thể nói cây cau kia chính xác bao nhiêu thước hay không?
Lão Đinh nói:
- Đoán chừng thì dễ nhưng chính xác thì phải hạ cây cau mới biết được.
- Ta tính toán chỉ sai số trong vòng 1 thước.
- Vậy thì quá khó, lão phu không làm được.
Trần Quang Khải cũng hiếu kỳ cách làm nên nói với gia thần đi lấy thước, Bách ngắm nghía rồi đo bóng cây, dùng công thức tính tỷ lệ rồi xác định chiều cao cây cau vào khoảng 21 m. Theo số đo thời nay thì cao 42 thước. Tính toán xong hắn quay sang Trần Quang Khải.
- Cây này cao 42 thước, theo sai số ta tính toán thì sẽ vào khoảng từ 41 – 43 thước.
- Được lắm! Người đâu, chặt cây kia cho ta. Đo xem nó cao bao nhiêu.
Gia thần dạ ran rồi chỉ phút chốc cây cau bị hạ xuống. Đo được đúng 43 thước. Bách cũng không có gì ngạc nhiên, nhưng ba người kia thì kinh ngạc. Tính toán chính xác được như thế, xưa nay rất hiếm. Trần Quang Khải quay sang nói với Bách:
- Dựa vào thuật toán này, có phải đỉnh Thái Sơn cũng có thể đo được?
- Về lý thuyết là như vậy, sau này ta sẽ làm ra một vật, cho dù Cửu đỉnh cũng có thể nâng được, để xem mãng phu như Hạng Vũ giỏi hay ta giỏi.
"Quá là kiêu ngạo đi! bất quá ta thích". Khi xưa đọc sử thấy Hạng Vũ nước Sở nâng Cửu đỉnh, ngạo thị quần hùng. Quang Khải đã tự hỏi nước nam ta Lý Ông Trọng mà còn đến đời Hán Sở, thì thất phu kia có sá gì.
Nói rồi ngửa mặt cười lớn:
- Được! Bản vương tin ngươi, ta sẽ tấu việc này lên Phụ vương. Nhưng ngươi và lão Đinh lần này theo ta về kinh. Nếu đây là sự thực thì ngươi sẽ được thưởng lớn. Đời nhà Lý có tục phong quan tước cho kẻ hiến điềm lành. Nay lời ngươi nói còn hơn cả mấy thứ phù du kia, ta đảm bảo sẽ được phong quan tiến tước.
- Những thứ này kể là gì. Cái ta muốn hiến cho Quan gia là thứ khác kia.
- Hả! Thứ khác? Ngươi còn gì muốn hiến cho hoàng huynh?
- Hiềm nỗi thứ này chưa mang đi được. Ta có giống lúa, trồng được hai vụ, sản lượng 10 thạch 01 mẫu. Đây mới là điềm lành đích thực.
- 10 thạch 01 mẫu! Sư phụ, đã có nơi nào ở nước ta đạt được sản lượng thế này chưa?
Lê Văn Hưu chắp tay nói:
- Bẩm Đại vương, ruộng tốt nhất bây giờ thu được khoảng 5 thạch 01 mẫu. Còn sử ghi chép lại thì ruộng cao sản nhất chính là quanh Thái Đường Lăng, đã từng đạt 7 thạch 01 mẫu. Nhưng do vùng này là Hoàng lăng nên điều kiện chăm sóc không đâu sánh bằng mới được như thế.
- Ngươi khẳng định là 10 thạch 01 mẫu!
- Lúa đấy đang trồng trên đất nhà lão Đinh, đến lúc gặt sẽ biết!
- Đưa ta đi xem qua ngay.
- Đại vương nóng vội rồi, chỗ đó gần đây thôi, Đại vương cứ nghỉ ngơi đã.
- Không được! Người đâu, mang ngựa đến đây.
Bách cười trộm, thanh niên mười chín đôi mươi, đúng là đang ở trong cái tuổi đẹp nhất, chỉ là không giữ được bình tĩnh.
Trần Quang Khải dẫn đầu đoàn người ra ruộng nhà lão Đinh. Điều này doạ lão Tuất sợ gần chết, bình thường đối mặt với gia chủ đã sợ rồi, gặp phải Đại vương làm hắn trở nên kinh hãi. Lúc đầu Trần Quang Khải hỏi hai ba lần không nói được câu nào. Chỉ đến khi lão Đinh ra hiệu, lại động viên là có gì nói nấy. Hăn mới bình tĩnh lại.
Lúc này, cây lúa đã bén rễ, đang đẻ nhánh mạnh, chỉ bằng mắt thường so sánh với ruộng trồng bên cạnh cũng thấy cây lúa tuy thấp hơn nhưng sinh trưởng mạnh hơn nhiều. Trần Quang Khải hỏi lão Tuất cách thức hắn trồng. Lão Tuất nhất nhất nói ra. Cả cách ngâm ủ hạt giống kiểu mới của Bách, rồi phương pháp cấy mạ non. Tuy nhiên lão chỉ nói cách làm, hỏi tại sao làm vậy thì mù tịt. Lại quay sang Bách nhìn.
Bách đứng ra giải thích từng điều tâm đắc khi trồng lúa. Các vị vua Việt Nam đều là người trọng nông nghiệp, đa phần dạy con rất kỹ. Các hoàng tử thường được cho tiếp xúc với canh nông để đến khi về đất phong của mình có vốn liếng giáo hoá con dân. Trần Quang Khải cũng vậy, từ bé đã được vua cha cho ra đồng, tận tình chỉ bảo, nay hắn nghe Bách nói, cùng với những giải thích lý luận mới mẻ của hắn. Nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của những kỹ thuật này. Đôi khi còn vặn lại vài câu. Bách cảm thán không thôi: "Đúng là làm tớ thắng khôn, còn hơn làm thày thằng dại". Được một hồi thì đoàn người quay lại lán nghỉ. Trần Quang Khải quay lại bảo gia thần:
- Gọi Trần Quốc Lặc đến đây cho ta!
Chỉ một loáng đã thấy Quốc Lặc xuất hiện, hắn những ngày này có lẽ lúc nào cũng sẵn sàng tư thế. Gọi là đến ngay!
Trần Quang Khải nói với Trần Quốc Lặc:
- An Phủ Sử điều giúp ta một đội thân binh, canh giữ mảnh ruộng này. Ta sẽ để lại đây 10 gia thần. Từ lúc này, quanh đây 5 dặm trở thành vùng quân sự. Không có lệnh của ta mà có người bén mảng vào đây thì giết chết ngay không tha. Quanh đây chỉ cho phép các tá điền nhà lão Đinh ở để chăm sóc lúa. Ngươi có làm được không?
- Hạ quan cam đoan làm được!
- Tốt! Ba tháng sau ta sẽ quay lại để kiểm tra! Ngài An Phủ Sử đôn đốc giúp cho việc này.
Lại quay sang lão Tuất:
- Ngươi chăm sóc ruộng lúa này thật tốt, ba tháng sau ta quay lại sẽ có trọng thưởng cho ngươi và các tá điền có công.
Bách cũng nói tiếp:
- Lão cứ yên tâm chăm sóc cho tốt, ta thấy năm nay khí hậu thuận lợi, tiết Kinh Trập (sâu nở) mà không có nhiều sâu bọ, khả năng cao là không có dịch bệnh gì nhiều. Nếu theo ta tính toán năm nay khi gặt sẽ có bất ngờ lớn đấy.
Trần Quang Khải nói:
- Ý ngươi là sao?
- Ta đoán sản lượng chắc không chỉ dừng lại ở 10 thạch 01 mẫu đâu.
- Thế thì cũng quá khoa trương rồi? Nếu hơn 10 thạch 01 mẫu. Ta đảm bảo ngươi phong hầu không có vấn đề gì?
- Không cần! Quan to tước hậu ta gánh không được.
- Vậy để sau hãy tính. Các ngươi về Đinh gia chuẩn bị, ngày kia sẽ tiến kinh. Ngày mai ta còn cùng An Phủ Sử bàn một số chuyện.
- Vậy mời Đại vương khởi giá về trang viên.