Chương 14: Mạ già, ruộng ngấu
Đinh Sức chép miệng:
- Nhưng con bé giỏi giang như thế. Cũng làm cha nở mày nở mặt, nhà họ Đinh từ nay cũng coi như có chút danh tiếng trong kinh thành.
- Vẫn biết như thế. Nhưng phụ nhân quan trọng nhất là gì? Kiếm cho mình một phu quân tốt, bảo vệ nó cả đời là được. Ta chỉ sợ nó mải mê với canh danh hão ấy rồi lỡ dở cuộc đời thôi.
Bách nghe cha con nhà họ Đinh vừa nhai trầu vừa nói chuyện, thế mà lại gặp được danh nhân. Lê Văn Hưu là sử gia đáng tôn kính, chình là người chủ biên bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam, tuy bộ sử này đã không còn nhưng là tiền đề cho nhiều bộ sử sau này của Việt Nam. Hắn cũng mong muốn sau này được gặp, hiện nay cha con Đinh lão đang bàn việc nhà, cũng không tiện chen miệng vào.
Bách nhấp một hụm trà, hắn chưa được gặp Đinh nhị tiểu thư này. Nhưng nghe người trong nhà nói nàng tên là Đinh Tú, năm nay 17 tuổi. Nàng học được chân truyền của Đinh lão, tinh thông cầm kỳ thi hoạ nhưng giỏi nhất là toán thuật. Năm ngoái vì Đinh lão định hứa gả nàng cho con trai Đình trưởng nhà họ Phạm bên Ba Vì. Nàng tức giận trốn đi lên kinh, ở nhà Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Lão thái thái nhà họ Lê là Đỗ Thị Hoà, con gái của cụ Đỗ Tất Bình. Chính là thầy học của Đinh lão. Cụ Đỗ Tất Bình là bậc đại nho, tinh tường thuật phong thủy. Đinh Tú được lão thái thái yêu lắm, từ nhỏ mẹ mất sớm nên hay ở với bà. Được bà coi như bảo bối. Anh em Lê Văn Hưu cũng coi nàng như tiểu muội, yêu chiều hết mực. Đinh lão đã mấy bận viết thư cho Đỗ lão thái thái dò đón nàng về. Nhưng lão thái thái chỉ buông một câu "muốn đón Tú nhi thì lên kinh gặp ta" làm Đinh lão chỉ biết xin lỗi nhà họ Phạm, không dám nói đến việc cưới gả nữa. Bách thấy thời đại này, có một cô gái độc lập như thế đúng là hiếm gặp.
Nói chuyện một lúc thì Đinh lão quay sang dặn dò:
- Sắp tới ngày tế tổ vua Hùng, năm nay ta đã nhận được lệnh của Triều đình. Chiêu Minh Vương sẽ thay vua lên Đền tế tổ. Chiêu Minh Vương là bậc hiển quý nhất hiện nay, thân đệ đệ của Quan gia, nhưng lại là học trò của Quốc sử viện giám. Có lẽ lần này Lê Văn Hưu cũng đi cùng Chiêu Minh Vương lên đây. Xong việc tế tổ lần này, ta cũng sẽ tiến kinh cùng Quốc sử viện giám để vấn an lão thái thái. Đồng thời cũng xem con bé Tú nhi làm cái gì trên kinh, ta thật không yên tâm chút nào về nó. Ngươi là xã trưởng, cần họp phụ lão trong xã lại, bàn bạc việc tiếp đón cho tốt.
- Xin vâng lời cha.
Bách lại cùng Đinh lão lên Đền học tập, thời gian này hắn học rất chú tâm. Hắn lấy bản Đại Việt sử ký của mẹ mình trong điện thoại, đọc lại về giai đoạn này. Ghi chép một số mốc thời gian quan trọng. Ngoài việc này ra thì thỉnh thoảng xuống núi thăm mảnh ruộng, kiểm tra cây giống. Lúa đã lên xanh, đẻ nhành tốt. Ngô thì cũng được 5, 7 lá rồi, các cây lạc đậu thì được lão Tuất và lão Sửu chăm như con mọn, không để sâu bọ tới gần. Những lúc xuống núi, hắn đều tập trung tá điền, nói cho họ một vài kiến thức canh nông. Không biết có vào tai họ không nhưng hắn nghĩ bụng cứ làm thôi. Kết quả được đến đâu hay đến đấy.
Càng gần đến tháng 3 thì trên đền càng nhộn nhịp. Quan địa phương cũng lên đền mấy lượt để chuẩn bị cho ngày tế tổ. Theo lệ thì ngày 11 tháng 3 âm lịch hàng năm, các làng xung quanh đền Hùng sẽ tổ chức cúng tế vua Hùng Vương thứ 18. Các làng xung quanh như Tiên Cương, Hy Cương, Thậm Thình, Phượng Giao, Cổ Tích đều tổ chức các đoàn rước lên đền rất rôm rả. Năm nay, do vua mới lên ngôi cử Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải thay mặt Trần Thánh Tông lên tế quốc tổ Hùng Vương, đây cũng là nhà Trần tỏ cái ân đức của Vua Hùng mà làm vậy.
Nhằm ngày mùng một, khi hương thân mấy làng đang tập trung chuẩn bị làm lễ cúng. Giờ Tỵ mà trời bỗng tối đen như mực, mọi người ngây ra hoảng sợ. Lão Đinh là thủ từ, là người đứng ra quán xuyến mọi mặt cũng vô cùng kinh hãi. Lão biết đế vương chính là mặt trời, nhật thực xảy ra ứng với điềm phạm vào đế vương. Vua mới vừa đăng cơ đã có điềm này quả thật là đại kỵ.
Riêng Bách và Đinh Nhu thì biết trước điều này rồi, hắn đã bảo tên kia chuẩn bị. Hai tên chỉ chờ Nhật thực là trèo tận trên cây cao, đeo kính râm ngắm nghía. Đinh Nhu xem một hồi thì thấy rõ một hình cầu màu đen tiến gần đến mặt trời, một lúc thì che khuất rồi lại sáng trở lại. Hắn quay ra nói:
- Khi xưa nghe Thiên cẩu thực nhật thì ra chỉ là láo toét, ta thấy rõ ràng có một khối cầu chắn ánh sáng mặt trời.
- Khối cầu đấy là mặt trắng đấy.
Hai đứa trèo xuống, quay lại chính điện. Bách thầy các bô lão mặt đầy lo lắng, đứng ngồi không yên. Viên An Phủ Sử Tam Giang lộ là Trần Quốc Lặc cũng cấp tốc lên đền. Mặt mày ủ rũ, hắn là quan phụ mẫu phụ trách vùng này, theo lệ hàng năm chính là chủ tế. Thay mặt Quan gia làm tế lễ với vua Hùng, cầu cho quốc thái dân an. Năm nay vì có Chiêu Minh Vương đến nên hắn càng phải cẩn thận. Xảy ra nhật thực làm hắn hoảng hốt, tuy cũng không tội vạ gì đến mình nhưng ai biết được có xảy ra chuyện giận chó chửi mèo hay không? Vừa lên đến Đền đã gọi lão Đinh ra nói:
- Lão Đinh, xảy ra nhật thực như vậy mọi người càng cần gắng sức chuẩn bị. Ngày 10 Chiêu Minh Vương sẽ lên đến đây, lão bố trí chỗ nghỉ ngơi cho Vương gia và bộ hạ thật chu đáo. Ta dự định sẽ đón ngài nghỉ trong trang viên ở Kim Đức. Đừng để ngài có gì phật ý.
Đoạn quay sang mấy hương thân của các làng:
- Các ông cũng về bàn với lý trưởng các làng Tiên Cương, Hy Cương, Thậm Thình, Phượng Giao, Cổ Tích … nghĩ cách tổ chức thêm các trò vui, đu dây, cưỡi ngựa, kéo xe … cốt làm cho náo nhiệt lên. Nếu cần thì ra bãi Bạch Hạc tổ chức bơi chải và đua thuyền. Tuyền chọn cho ta tú nữ các làng, tập hát cho tốt mấy điệu hát xoan, hát ghẹo. Vương gia đến thì cho hát hầu trong Đình làng. Tối đó sẽ làm thật huyên náo, mong Vương gia vui lòng mà quên đi điềm xấu.
Các hương thân dạ ran rồi quay đi chuẩn bị. Trần Quốc Lặc cũng lên đền, kiểm tra trong ngoài một lượt, khi đi xuống thì sai dân binh canh phòng nghiêm ngặt rồi mới hồi phủ. Hắn hạ cấm lệnh tất cả quan khách chỉ vãn cảnh xung quanh đền. Không ai được vào bên trong.