Chương 15: Thiên cẩu thực nhật

Đông A Nông Sự

Chương 15: Thiên cẩu thực nhật

Chương 15: Thiên cẩu thực nhật

Quan trên đi rồi, Bách nói với Đinh lão đang thất thần:

- Nhật thực này có gì ghê gớm mà quan viên và hương thân hốt hoảng thế cụ?

- Với chúng ta thì nhật thực cũng không nhiều ảnh hưởng, nhưng theo thuyết nhân thần cảm ứng của người xưa. Bậc đế vương làm vua thiên hạ. Mọi hành đông suy nghĩ đều được cảm ứng bởi người và trời. Thế cho nên dị tượng xảy ra là có liên quan đến bậc đế vương. Những hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực, sao sa, động đất, đều là do cái đức của Đế Vương cả.

Đinh Nhu cười to:

- Không phải đâu ông ơi, chỉ là Mặt trăng chạy cắt ngang Mặt trời nên che lấp nó một lúc thôi. Làm gì có nhiều chuyện như thế.

- Im miệng, ai cho ngươi xen miệng vào đây.

- Cháu vừa … hắn nói được nửa câu thì sợ ông cụ cũng không nói nữa.

Bách cười giải vây cho hắn:

- Sao có chuyện ấy được, những hiện tượng tự nhiên này đều có quy luật, có thể tính toán được. Hoàng triều nhà Trần sẽ còn tồn tại, suy vi làm sao được chỉ vì cái mấy cái hiện tượng này.

- Cháu còn nhỏ, sao nói kiêu ngạo thế. Nhật thực là do thiên cẩu thực nhật, làm sao tính toán được.

- Cháu biết ngày hôm nay có nhật thực từ lâu rồi. Cháu còn biết ngày 25 tháng này, mặt trời xuất hiện hai quầng, quầng bên trong mầu vàng.

Lão Đinh nhìn Bách kinh hãi. Khi xưa lão học với sư phụ Đỗ Tất Bình ở thôn Phúc Chữ (nay là làng Phủ Lý Trung). Đỗ lão là đại nho đương thời, tinh tường toán học và thuật phong thủy. Đỗ lão có nói với về việc bên nhà Tống có người tính toán được nhật thực, nhưng thuật ấy đã thất truyền từ lâu. Bây giờ có người nói làm được việc này, lão hồ nghi lắm. Nhưng biết Bách được cao nhân dạy bảo, nếu lời hắn là đúng thì quả thật là việc tốt cho đất nước.

- Tứ thúc nói đúng đây, thúc nói với cháu mấy hôm trước rồi. Cháu và Tứ thúc vừa đi xem xong.

Mặt lão Đinh trở nên ngưng trọng:

- Việc nhật thực này đã vô cùng hệ trọng, lại xảy ra không đúng lúc. Triều đình chắc cũng đang xôn xao, lúc này Quan gia hẳn là đang tìm cách đối phó với việc này. Nhưng nếu đúng như cháu nói, ngày 25 tháng này, mặt trời có dị tượng thì là điềm đại cát. Nếu báo việc này lên Chiêu Minh Vương thì sẽ là công to.

- Cháu chắc chắn, việc này là do sư phụ cháu tính toán rồi nói cho cháu mấy năm trước. Không thể sai được! Cụ đã từng gặp Chiêu Minh Vương chưa? Ngài là người thế nào?

- Ta chưa được gặp ngài. Nhưng trong ngoài triều đánh giá người này cao lắm. Chiêu Minh Vương sinh năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10, năm nay mới 20 tuổi. Là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị. Ông là em cùng mẹ với Quan gia. Khi Vương gia mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo ông: "Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này". Đến khi sống lại, Thái Tông nói: "Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi". Có thể thấy địa vị Vương gia cực cao. Trong triều chỉ có Hưng đạo vương mới có thể so sánh.

- Như vậy mà Quan gia không có tỵ hiềm gì với Chiêu Minh Vương sao?

- Quan gia là người rộng lượng, nhà Trần lại vốn có lệ thân cận với anh em. Đối với người trong hoàng tộc, quan gia luôn coi là thân thiết. Ông xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình, cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương không ai là không hòa thuận.
- Quả đúng là chuyện lạ. Các triều vua thường có lòng nghi kỵ, truyện tranh quyền đoạt lợi là không thể tránh khỏi. Nồi da xáo thịt, đun đậu làm canh, đến nhà Trần chẳng phải là không có sao?

- Tất nhiên là vẫn có. Như truyện năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6. Thái Thượng hoàng lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của An Sinh Vương, làm hoàng hậu đã gây ra sóng gió rất lớn. Nhưng rồi do anh em họ cuối cùng vẫn có lòng yêu thương nhau nên cũng yên ổn. Chỉ có điều đã tạo thành ngăn cách hai dòng chính của Thái tông.

Bách trầm ngâm nghĩ lại chuyện này, đây là một câu truyện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Trần Thái Tông lúc ấy chưa có con trai. Trần Thủ Độ xúi với vua lập vợ của An Sinh Vương Trần Liễu làm hoàng hậu vì bà này đang có mang. Trần Liễu tức tối vì bị cướp vợ, họp quân ra sông Cái làm loạn. Trần Thái Tông trong lòng áy náy, ban đêm trốn lên núi Yên Tử rồi ở lại đó. Trần Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh thành. Vua nói:

- Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc.

TrầnThủ Độ mới bảo mọi người rằng:

- Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó.

Thế rồi cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh, sai người xây dựng. Vua sợ phải trở về kinh đô. Ít lâu sau, Liễu tự lượng thế cô, khó lòng đối lâp được, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Đô:

- Phụng Càn Vương (Phụng Càn là tên hiệu cũ của Liễu hồi còn nhà Lý) đến hàng đấy! Rồi lấy thân mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gương xuống sông nói:

- Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?

Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về. Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (Đông Triều, Quảng Ninh) cho Liễu làm ấp thang mộc.

Xét truyện này thì thấy anh em nhà vua vẫn yêu thương nhau. Nhưng tam cương ngũ thường là luân lý lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn hay sao? Từ đó mở ra lệ xấu cho nhà Trần là quan hệ hôn nhân cận huyết hay hôn nhân nội tộc. Tuy là triều đại được được lưu danh bởi những võ công hiển hách nhất trong lịch sử Việt Nam nhưng ở triều Trần, cảnh em chồng lấy chị dâu, con cô con cậu, cô cháu lấy nhau rất nhiều …Bách chỉ biết cảm thán vì cái triều đại loạn luân này. Từ nhỏ hắn đã quan tâm đến môn sinh học nên rất rõ về nguy hại của hôn nhân cận huyết. Các bệnh di truyền trên gene lặn thì nếu bố mẹ cùng mang gen này mới có khả năng biểu hiện gen. Nhưng nếu là anh em cận huyết thì chắc chắn cả bố mẹ đều đã mang gen này. Nếu sinh con thì sẽ có 25% khả năng mắc bệnh di truyền này. Đây là tỷ lệ cực cao, cứ tưởng tượng đời sau của hoàng tộc nhà Trần có ¼ số người mang bệnh di truyền là Bách thấy sự suy vọng là không thể tránh khỏi.