Chương 702: Người Việt Ở Châu Âu.
22/1/2004.
Ngày này với rất nhiều người châu Á đều mang ý nghĩa đặc biệt, cho dù là người phương Tây đại khái cũng cảm nhận được việc này dù sao 22/1/2004 là ngày 29 tết.
Tại thế giới này bất kể người phương Đông hay người phương Tây đều sẽ được nghỉ tết Nguyên Đán, đối với các nước phương Đông thống nhất kỳ nghỉ từ 10-12 ngày còn với các nước phương Tây thì kỳ nghỉ thống nhất là 3 ngày.
Với hầu hết người châu Á, nói đúng hơn là hầu hết các quốc gia Đông Á thì đây là một kỳ nghỉ dài nhưng cũng có một số trường hợp đặc biệt.
Đinh Bảo Thắng là một trường hợp đặc biệt như rất nhiều trường hợp đặc biệt khác, hắn là một du học sinh Đại Nam tại đại học Stockholm Thuỵ Điển cho nên Bảo Long cũng chỉ được nghỉ tết 3 ngày.
Tuy Stockholm không phải trường đại học ở châu Âu có nhiều sinh viên người Việt theo học nhất nhưng sau một năm ở Stockholm bản thân Thắng cũng quen được rất nhiều bạn bè mới, cũng thành công gia nhập vòng người Việt tại Thuỵ Điển.
Không như Harvard, Harvard hiện tại cũng chỉ có khoảng 10 sinh viên người Việt thì ở Stockholm lượng du học sinh người Việt lên đến hơn 30 người, đã có thể coi là một hội nhóm nhỏ còn sinh viên người Việt khắp Thuỵ Điển thì cũng phải có gần 200 người.
Ngay từ chiều hôm 22, nhóm du học sinh người Việt ở Stockholm đã cố gắng sắp xếp công việc sau đó cùng nhau hội tụ lại tại nhà hội trưởng sau đó cùng nhau tất bật chuẩn bị đón tết Nguyên Đán.
Với những du học sinh xa quê như bọn họ, tết Nguyên Đán là cái gì đó thiêng liêng lắm, đây không chỉ là lúc chúng bạn hội họp, trò chuyện tiệc tùng mà còn là thời khắc nhớ về quê hương, nhớ về cha mẹ cùng họ hàng thân thích tại quê nhà.
Rốt cuộc không phải ai cũng như Minh, hắn coi như là trường hợp đặc biệt bởi hắn cùng họ hàng cũng không thân, với hắn mà nói dịp tết đi gặp mặt những người họ hàng kia hoàn toàn bị quy thành phí thời gian, là giày vò chính bản thân mình.
Bảo Thắng dĩ nhiên không giống Minh, đây là năm đầu tiên hắn ăn tết xa quê, trong lòng của Thắng có đủ suy nghĩ, từ mong ngóng háo hức tới bồn chồn nôn nao.
Càng là những ngày thế này Thắng càng nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng mà hắn cũng không thể về quê ăn tết.
Hắn chỉ được nghỉ vèn vẹn 3 ngày, đi máy bay về nước hết 1 ngày, lại bay về Thuỵ Điển coi như hết thêm 1 ngày, căn bản không sắp xếp nổi thời gian về quê.
Cũng may đây là Eu chứ không phải Mỹ.
Sinh viên người Việt tại Mỹ mỗi dịp như vậy cũng chỉ có thể cố hoà vào đoàn người phương Tây để sinh hoạt, may mắn hơn thì có thể nhận biết những gia đình người Việt tại Mỹ mà đón một cái tết tương đối ấm cúng.
Ở Eu thì khác, người Việt rất nhiều, ví như hội sinh viên người Việt tại Stockholm chẳng hạn, cũng đã có hơn 30 người chưa kể những gia đình người Việt tại Stockholm nữa, không khí đón tết vẫn tương đối náo nhiệt.
Hội trưởng hội học sinh người Việt tại Stockholme gọi là Nguyễn Hồng Yến, là một chị khoá trên của Thắng, sinh viên năm ba đại học Stockholm.
Khác với Thắng, đây đã là năm thứ tư Yến ăn tết xa nhà, cũng khác với một sinh viên năm nhất còn không hiểu việc, Yến đã có thể sắp xếp công việc đâu ra đấy cho mọi người.
Ví như phân công ai đi siêu thị mua thịt lợn, ai đi siêu thị mua đậu xanh, lá dong...
Ai đi mua đồ trang trí, ai đi dọn dẹp nhà cửa thậm chí Yến còn có thể dẫn các sinh viên năm nhất đi chúc tết các gia đình người Việt tại Stockholm.
Với một đứa sinh viên năm nhất như Thắng thì chị Yến rất lợi hại mà cũng bởi không khí hào hứng ở hội học sinh cho nên Thắng cũng tương đối chờ mong lần ăn tết đầu tiên xa quê này.
Cũng phải nói một chút nữa về các mặt hàng Đại Nam ở EU, tại Eu hay Cis, chỉ cần có tiền thì đều có thể mua được hầu hết các mặt hàng xuất xứ từ Đại Nam, không nói đâu xa nguyên liệu làm bánh chưng, khoanh dò hay bát canh măng, canh bóng của ngày tết vẫn rất dễ kiếm.
Eu cùng Cis dù sao không phải Mỹ, ở Mỹ rất nhiều người Trung Quốc nhưng lại không có bao nhiêu người Việt, muốn đón một cái tết đầy đủ giống với quê nhà tại Mỹ gần như là không thể nhưng nếu là ở EU hay CIS thì lại tương đối dễ dàng chẳng qua cần biết chỗ mua đồng thời tốn thêm chút tiền mà thôi.
Tết năm nay cả nhóm quyết định đón tết ở nhà Yến, bởi Thắng là con trai cho nên công việc đi chợ hay bếp núc không để cho hắn, nhóm con trai chủ yếu chịu trách nhiệm trang trí cùng làm chân ‘chạy vặt’ cho các bạn nữ cho nên cả chiều nay Thắng chạy đi chạy lại tất bật vô cùng.
Đương nhiên bởi hôm nay mới là 29 tết, 30 còn chưa phải là tết huống hồ 29 cho nên cả nhóm mới chỉ làm chuẩn bị, tới 30 tết mới chân chính bắt đầu vào bếp nổi lửa tuy nhiên lý do lớn nhất mọi người tập trung với nhau từ ngày 29 chính là vì nồi bánh chưng.
Tết mà, bánh chưng sao có thể thiếu?.
Bánh chưng đi mua ở siêu thị hiển nhiên là có nhưng đi mua bánh chưng làm sao có cái không khí ngày tết bằng việc mọi người cùng nhau gói bánh chưng, ở trong cái rét của thời tiết châu Âu mà quây quần bên nồi bánh chưng hát vang trời, nói đủ thứ việc trên trời dưới đất, chuyện xứ ta chuyện xứ người?.
Với những người Việt ở quê nhà có lẽ không có cảm giác rõ ràng như vậy nhưng với người Việt ở nước ngoài, với những sinh viên xa nhà thì đây cơ hồ là hành động không thể thiếu thậm chí đêm 29 nhiều khi còn được coi trọng hơn đêm 30.
Đêm 30 là đêm thắp hương hướng về tổ tiên, lễ bái gia quy, chờ mong thời khắc đất trời chuyển giao nhưng ở cái xứ phương Tây này, đêm 30 lại cực kỳ trầm lắng, đến cả pháo hoa cũng sẽ không có, ra đường hên lắm thì sẽ gặp được dòng chữ Happy Lunar New Year.
May mắn hơn nữa thì có thể đi vào những khu người Việt, người Trung Quốc nào đó, có thể nhìn thấy sắc đỏ ngày tết nhưng chung quy... cái không khí tết vào đêm 30 ở châu Âu vẫn rất nhạt nhoà, nếu so với lễ Noel hay năm mới dương lịch cách đây không lâu thì thua xa lắm.
Chung quy mỗi nơi mỗi khác, cũng không thể ép người phương Tây chào đón cái tết phương Đông chứ?.
Cũng bởi vậy cái đêm 29 với rất nhiều người mới trở nên đặc biệt quan trọng, cái nồi bánh chưng cùng ngọn lửa hồng giữa đêm tối kia mới đặc biệt thiêng liêng.
Người cùng người quây quần bên nhau, đây mới là ngày tết.
Đám con trai như Thắng, không nhiều đứa giỏi việc bếp núc nhưng gói bánh chưng thì không thể thiếu, đứa nào đứa đấy đều hứng thú bừng bừng.
Cho dù khi ở Đại Nam chưa từng gói bánh chưng y nguyên không quan hệ, chỉ cần hỏi là được không phải sao?.
Gói bánh chưng chung quy không khó mà kể cả có gói hỏng cũng không có vấn đề, quan trọng không phải có gói được bánh chưng hay không, quan trọng là tham dự vào sự kiện này, quan trọng là cái không khí ngày tết.
Còn bánh chưng?, cùng lắm vào trong siêu thị đi dạo một vòng là được rồi dù sao cũng không đắt.
_ _ _ _ _ __
Cả nhóm tất bật nguyên ngày 29 thậm chí Thắng còn biết rất nhiều anh chị ngày mai có khoá hoặc có công việc làm thêm trực tiếp xin nghỉ, mọi người đều quyết định thức trắng đêm nay ‘sống chết’ cùng nồi bánh chưng, trải qua một phen cố gắng của tất cả mọi người, nhóm sinh viên người Việt tại Stockholm cũng gói được 100 cái bánh chưng.
Ngày hôm nay có khoảng 20 người tham dự, có thể gói được 100 cái bánh chưng xác thực đã rất nỗ lực, tất nhiên như đã nói gói được bao nhiêu cái bánh không quan trọng.
Quan trọng là thời khắc này, cả đám quây quần bên nồi bánh chừng, quây quần quanh ánh lửa đỏ hồng kia.
Thắng cầm trong tay một lon Bia Hà Thành, không biết bởi bia hay bởi không khí lúc này mà sắc mặt hắn đỏ hồng, khuôn mặt Thắng cũng cực kỳ vui vẻ, cũng bắt đầu hát ngao ngao theo một ông anh khoá trên.
Ông anh khoá trên này gọi là Hùng, anh Hùng cầm một cây Guitar, vừa đánh đàn vừa hát lớn mà bài hát anh Hùng chọn cũng là Thắng cực kỳ yêu thích, bài hát mang tên Nối Vòng Tay Lớn.
Cả đám nắm lấy tay nhau, hát vang:
" Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Đại Nam"
Mỗi lần như vậy cả đám đều gào đến khản giọng, Thắng còn nhìn thấy có người mắt ướt ướt, nửa như cười nửa như lại khóc.
Bài hát này ở Đại Nam có nổi tiếng không thú thật Thắng không biết rõ dù sao hắn đã rất ít ‘update’ thông tin ở Đại Nam nhưng mà bài hát này trong giới du học sinh người Việt tại châu Âu thật sự quá nổi tiếng.
Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo
Từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền
Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh
Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Đại Nam
Có lẽ có những người vẫn không thuộc bài hát này nhưng mà không quan trọng, cứ hát là được, lạc nhịp cũng được, gào đến khản giọng cũng được.
Ngày tết mà huống hồ còn là ngày tết xa quê.
Anh Hùng là quản ca, một bài Nối Vòng Tay Lớn này anh hát cũng không chỉ một lần mà liên tục hát ba lần, kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ nhưng không ai sẽ nói anh Hùng, không mấy ai muốn chuyển bài.
Âm nhạc nhiều khi không phải hay cùng tệ, âm nhạc vốn phải hợp với lòng người, tuỳ người tuỳ thời điểm mà một bài hát mới có thể đi đến đỉnh cao.
Ví như tại Đại Nam không phải không có các bài hát đón xuân và tuyệt nhiên sẽ không kém những bài hát truyền thống trong ký ức của Minh ví như Thì Thầm Mùa Xuân, Xuân Đã Về, Ngày Tết Quê Em...
Nhưng mà cũng không có bài hát về tết nào có thể đọ được với Nối Vòng Tay Lớn cho dù Nối Vòng Tay Lớn còn chẳng hát về tết, ít nhất trong lòng những người con xa xứ nơi đây.
Dù sao thì... đón tết xa quê lại nghe những bài hát tràn ngập không khí tết tại quê nhà.. cũng sẽ không khiến lòng người thêm vui vẻ trái lại sẽ càng thêm nhớ nhà, càng thêm cảm thấy thất lạc, không bằng cùng nhau tay trong tay quây quần bên bếp lửa mà gào khản cổ, mà phát tiết tất cả nỗi lòng.
Mọi người đều đang phát tiết, Thắng cũng như vậy đồng thời Thắng vẫn không quên quan sát tất cả mọi người như muốn lưu giữ hình ảnh của tất cả mọi người đêm nay trong lòng hắn.
Năm đầu tiên đón tết xa quê, năm đầu tiên biết các anh chị người Việt khác ở nước ngoài đón tết thế nào có lẽ sẽ mãi mãi in vào trong tâm khảm của Thắng.