Chương 14: Sơ Khởi Phong Vân Môn (Hạ)

Nghịch Thiên Hành

Chương 14: Sơ Khởi Phong Vân Môn (Hạ)

"Ngô Kinh." Cậu bé đang dảo bước đi bỗng giật mình sững lại vì có người gọi, nhìn lại thì thấy đó là người bạn mới vào phòng của mình.
Diệp Vân dáng vẻ tươi cười, bước nhanh lại: "Không nghĩ cậu cũng học ở giảng đường này."

"À ừ. Buổi học của cậu hôm nay tốt chứ?" Ngô Kinh hỏi. Diệp Vân vẫn mỉm cười, nói: "Đạo sư khen tớ có tư chất. Nói rằng tớ có thể khai linh được rồi. Cũng phải cảm ơn cậu đã chỉ điểm đấy."

"Tư chất tốt sao?" Ngô Kinh cảm thấy ngờ ngợ. Hôm trước, chính cậu coi thường Diệp Vân nên bày cho cậu ta cách cảm ứng sai, nếu cậu ta cứ làm theo cách đó thì còn lâu mới có thể cảm ứng được linh lực.

Diệp Vân thu lại nụ cười, vẻ mặt nghiêm túc nói: "Trước kia tớ cứ ngỡ tu đạo là cái gì đó thật cao siêu, hóa ra nó chỉ đơn giản là nắm bắt các nguyên lí trong tự nhiên mà thôi. Quả đúng là nhờ cậu chỉ điểm, tớ mới nhận ra mình nông cạn về Đạo học như thế nào.
Ngô Kinh này, tớ dễ tin người lắm, lần sau nếu cậu có đùa thì cũng nhắc nhở tớ nhé."

"Ân. Ừ." Ngô Kinh sượng sùng, Diệp Vân biết mình bị chơi xỏ, nhưng lại không giận, lời nói chân thành lại khiến cho Ngô Kinh bối rối.

Hai người cùng dảo bước đi về kí túc xá. Trên đường đi nói chuyện qua lại, mới biết rằng hai cậu thực ra lại cùng một hệ Phù Đạo, Diệp Vân nếu hoàn thành bổ túc xong, thì có thể sẽ là thành viên mới của lớp Ngô Kinh đấy.

*
* *

Phong Vân Môn, mỗi ngày có ba bữa ăn vào lúc 6 giờ sáng, 11 giờ trưa và 6 giờ tối. Giờ ăn, Căn Tin rất đông đúc. Thật không dễ dàng mà lấy được phần ăn của mình vào chỗ.
Diệp Vân đặt đĩa bánh bao xuống bàn, thở phào một cái, cuối cùng thì cũng có thể ăn được. Để lấy được phần ăn này phải bon chen khổ sở thế nào, trong khi trước kia ở nhà những món mĩ vị nó đều được hạ nhân phục vụ.

"Ngô Kinh, cậu đi đâu thế?" Diệp Vân nghi hoặc nhìn Ngô Kinh đứng dậy, đem gói mấy cái bánh bao của mình lại cầm đi.
"Ở đây ồn ào quá tớ không thích." Ngô Kinh nói. Diệp Vân chưng hửng, cậu còn tình nguyện bon chen lấy đồ ăn cho Ngô Kinh, thế mà cậu ta lại không muốn ngồi ăn cùng mình nữa.

"Bộp" - phía sau có người đập vai Diệp Vân, ngoảnh đầu lại thì thấy đó là cậu bạn nhỏ thó Thái Hòa: "Đừng để ý cậu ta. Tính cậu ta là vậy đấy."
Văn Thạch, Thành Dư và chàng béo Vĩ Khuê cũng lần lượt ngồi xuống bàn. Diệp Vân cũng ngồi xuống theo.

"Diệp Vân học đạo có khó khăn gì không?" Hắc Thạch hỏi.
Diệp Vân vẫn còn đang suy nghĩ về Ngô Kinh, ậm ờ nói: "Cũng tốt." Mấy đứa lại cho rằng Diệp Vân vẫn còn bỡ ngỡ mới nhập môn, Vĩ Khuê nói: "Mới vào học chúng tớ cũng giống cậu. Vì không phải người gốc tu luyện, nên khởi đầu có hơi khó khăn. Tu luyện lâu rồi thì thấy quen."

"À, ừ. Các cậu biết Ngô Kinh lâu chưa. Cậu ấy có vẻ không hòa đồng lắm nhỉ?" Diệp Vân hỏi.
Thành Dư nói: "Tính cậu ấy khó gần lắm. Bọn tớ dù chung một phòng, nhưng cậu ấy gần như chẳng muốn giao tiếp với ai."
Thái Hòa ở bên mặt cau lại, nói: "Cậu ta ỷ mình tư chất tốt, nói chuyện rất ư là khinh người. Thái độ kiêu căng thấy ghét."

Thành Dư nuốt lấy miếng bánh trong miệng, vẻ mặt đổi qua ngưng trọng nói: "Cậu nên đề phòng Ngô Kinh một chút, tốt nhất thì đừng có tiếp xúc gần gũi quá."
Diệp Vân nghi hoặc không hiểu thì Thái Hòa làm ra vẻ mặt nghiêm trọng: "Nói cho cậu biết, cậu ta không phải là người bình thường đâu. Cậu ta bị quỷ ám đấy."

Vĩ Khuê nhăn mặt với Thái Hòa: "Đừng có nói bậy. Người ta giỏi thì tính có hơi khác biệt một chút thôi." Rồi Vĩ Khuê nhìn lại Diệp Vân nói: "Diệp Vân cậu mới nhập học. Có gì khó khăn cứ nói bọn tớ. Kinh nghiệm của bọn tớ mấy năm ở đây không uổng phí đâu."

Thái Hòa bị Vĩ Khuê nạt, nhưng cũng không có giận, nói: "Phải đấy, nếu có ai bắt nạt cậu. Thì nói với bọn tớ, bọn tớ là thành viên của …Ứ ư"
Hắc Thạch ngồi đối diện cậu ta, đem nhét cả cái bánh bao vào miệng, khiến lời nói ra chỉ còn là những tiếng ú ớ.

"Này ăn đi, cậu nói từ nãy giờ nhiều rồi."
Diệp Vân cảm nhận được thành ý của mọi người, bọn họ muốn tốt cho mình nên mới nói vậy. Còn về Ngô Kinh, Diệp Vân cảm giác cậu ấy không phải là người xấu, không hiểu sao Diệp Vân thấy Ngô Kinh có gì đó rất giống mình, tự nhiên lại có ý nghĩ muốn tìm hiểu về cậu bạn này.

*
* *

Thế giới có sự phát triển rực rỡ ngày nay là nhờ khám phá ra Linh Lực, một loại hạt vô hình, vô dạng, không có khối lượng, không có năng lượng, nhưng lại có khả năng biến đổi thành các dạng vật chất, năng lượng và các thuộc tính. Người tu đạo vận dụng linh lực vào trong tu luyện, đem hấp thu linh lực dự trữ trong cơ thể, rồi lại sử dụng chúng để tạo ra các nguồn năng lượng ở mọi nơi mọi lúc mà không hạn chế, chỉ cần linh lực trong cơ thể còn, thì có thể sinh ra năng lượng tương ứng liên tục. Không những thế, khi hấp thu linh lực đến một mức độ nhất định sẽ sinh ra những hiệu quả kì diệu, làm cho thân thể trở nên mạnh mẽ hơn, từ đó lại sinh ra nhiều thần thông khác. Quá trình hấp thu linh lực vào cơ thể, đồng thời nâng cao tố chất thân thể được gọi là tu luyện Đạo.

Cách thức để tu luyện Đạo được gọi là Đạo Pháp. Có trăm ngàn pháp quyết khác nhau, mỗi loại có hay dở, ưu nhược khác nhau, dẫn đến hiệu quả tu luyện cũng khác biệt, nhưng nhất thiết khi tu luyện phải có Đạo Pháp đúng đắn, nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tu đạo được. Bởi muốn điều khiển hay hấp thu linh lực thì phải có Linh căn. Linh Căn nghĩa là gốc rễ của Linh lực, mỗi loại linh căn điều khiển một loại linh lực khác nhau, người ta phân chia linh căn theo tên gọi của linh lực mà nó điều khiển lấy, ví dụ như Băng Linh căn, Lôi Linh căn, …

Một người có linh căn kết hợp với công pháp tu luyện đúng đắn thì có thể cảm ứng và điều động linh lực trong thiên địa. Linh căn càng mạnh mẽ thì khả năng cảm ứng và điều động linh lực càng mạnh. Sau khi đã cảm ứng thành công, thì việc tiếp theo là dẫn nhập linh lực vào trong cơ thể và tích lũy ở trong đan điền. Quá trình lần đầu dẫn nhập linh lực vào trong đan điền được gọi là Khai linh. Khác với Cảm Linh, Khai linh phụ thuộc vào thể chất của mỗi người, diễn ra nhanh hay chậm thì tùy vào các yếu tố kinh mạch, huyết nhục, đan điền của người tu luyện.


Một đứa trẻ sáu tuổi đã bắt đầu học tu luyện, nó cần phải mất một đến hai năm để đả thông kinh mạch, rèn luyện thân thể, học tập tâm pháp trước khi Khai linh. Diệp Vân nhờ có luyện qua võ học, mà kinh mạch được rèn luyện, lại thêm khả năng cảm ứng linh lực mạnh mẽ, nên rút ngắn được rất nhiều giai đoạn. Hiện nay nó đã có thể theo học Khai Linh, từng bước rút ngắn khoảng cách với những đứa trẻ cùng tuổi, điều mà Tiêu thúc của nó đã không nghĩ tới, ông vốn cho rằng Diệp Vân đã bỏ lỡ mất độ tuổi tốt nhất của tu luyện Đạo.

Học sinh năm thứ ba bắt đầu Khai Linh, trong lớp của Diệp Vân có năm mươi người, Diệp Vân là lớn tuổi nhất. Buổi học diễn ra ở giảng đường tu luyện, có hình dạng lục giác. Bên trong có một lò hương tỏa ra mùi hương dịu nhẹ, giúp cho người tu luyện trong đó thanh tỉnh. Diệp Vân tự động lấy một cái bồ đoàn bằng gai thô, ngồi xuống một vị trí phía trước lô hương, giống như những đứa trẻ khác.

Tình cờ người dạy môn học này lại chính là Tô đạo sư, đây cũng là môn học thứ hai mà Diệp Vân học nàng. Tô Đạo sư nhận ra Diệp Vân, ánh mắt hiện lên chút niềm yêu thích. Đứa nhỏ này đầu óc thông tuệ, học một biết mười, lại có linh căn mạnh mẽ, rất có tiềm năng phát triển sau này.

Trong lòng Tô đạo sư có chút tâm tư riêng, nàng muốn thu Diệp Vân vào hệ của mình. Tiềm năng của Diệp Vân rất tốt, tương lai có thể trở thành nhân tài trong tông môn. Tất nhiên Diệp Vân cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, cần phải trở thành nội môn đệ tử, khi ấy nàng mới có thể thu nhận được.

Tô Đạo sư bắt đầu thuyết trình:
"Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể. Kinh là đường thẳng, là cái khung của hệ kinh lạc và đi ở sâu. Lạc là đường ngang, là cái lưới, từ kinh mạch chia ra như mạng lưới đến khắp mọi nơi và đi ở nông. Kinh lạc phân bố ra toàn thân, là con đường vận hành của âm dương, khí huyết, tân dịch, khiến cho con người từ ngũ tạng, lục phủ, cân, mạch, cơ nhục, xương…kết thành một chỉnh thể thống nhất.

Trong đó, khí âm dương, huyết dịch, nội tiết được gọi là sinh mệnh lực, sinh mệnh lực có vận chuyển thì con người mới tồn tại. Sinh mệnh lực không chỉ tồn tại trong thân thể mà còn toả ra ngoài cơ thể (tạo ra 1 dạng không gian đặc biệt bao quanh cơ thể mà người ta thường gọi là "hào quang", "trường sinh học", hay "trường nhân thể"). Các điểm trên cơ thể mà tại đó sinh mệnh lực và khí ngoài cơ thể có thể lưu thông với nhau được gọi là huyệt. Sinh mệnh lực không ngừng tỏa ra bên ngoài là lí do mà con người dù không làm việc gì, nhưng lâu dần thì thấy đói.

Con người phải ăn uống, hít thở để bù đáp lượng khí sinh mệnh hao thoát, tuy nhiên tuổi càng cao thì quá trình bù đắp sinh mệnh lại kém hơn quá trình thất thoát, cho đến khi chết. Nếu có thể kiểm soát được khí tức sinh mệnh thì có thể kéo dài tuổi thọ. Cơ sở ban đầu của tu đạo thuật chính là kiểm soát sinh mệnh lực thất thoát.

Cơ thể con người có bảy trăm huyệt lớn nhỏ, chính là bảy trăm cái cổng, người ta thử tìm cách khống chế bảy trăm cái cổng này, nhưng việc đó hoàn toàn không khả thi, có rất nhiều huyệt mà con người không thể kiểm soát được, nó giống như người ta cố gắng làm cho một cọng tóc của mình chuyển động theo ý muốn vậy. Người ta nhận ra rằng, khí không chỉ từ thân thể thoát ra, mà còn có thể từ bên ngoài hấp thụ vào trong cơ thể. Tu luyện chính là lấy khí của đất trời nhập vào trong cơ thể."

Đám học trò chăm chú lắng nghe, muốn tu luyện, phải thấu hiểu được đạo lý bên trong. Ta có thể làm một việc máy móc dù chẳng hiểu nó vì sao như vậy, nếu có thể nắm bắt được chân lý, thì có thể tự điều chỉnh được tu luyện sao cho phù hợp với bản thân mình nhất.
Phương pháp Khai linh đã có trong sách, Tô đạo sư cũng không cần phải nhắc lại, nàng chỉ giảng giải những điểm mấu chốt, những cái sẵn có thì học sinh phải tự tìm lấy. Dạo quanh lớp một lượt, cuối cùng trở về vị trí của mình, nàng nói:

"Các đệ tử đã khai linh thành công ngồi một bên. Các đệ tử chưa thành công thì ngồi một bên. Đối với những ai đã khai linh thì tiếp tục cảm ứng các linh lực khác để xem mình có bao nhiêu linh căn. Còn những ai chưa thành công thì chiếu theo phương pháp cũ mà thực hành."

Diệp Vân ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, đả tọa song bàn, tức hai lòng bàn chân đều hướng lên. Hai bàn tay nó đặt trên đầu gối, lòng bàn tay mở ra, còn ngón tay hướng về trước mặt. Diệp Vân giữ cằm thấp, đỉnh đầu thẳng lên trên, tạo thành thế ngũ tâm triều thiên.

Tư thế của Diệp Vân hiện tại là tốt nhất cho việc khai linh. Bởi lẽ trong lòng bàn tay, bàn chân và đỉnh đầu tập trung nhiều huyệt quan trọng, là cửa ngõ của các chính kinh. Khi ngồi đả tọa song bàn, các đại huyệt này dễ dàng khai mở, hấp thu linh lực vào trong cơ thể.

Diệp Vân mắt nhắm khẽ, tinh thần thả lỏng, tâm không tạp niệm. Diệp Vân từng tập qua võ, đứng tấn so với ngồi đả tọa càng khó chịu hơn, hắn đã luyện được khả năng loại bỏ suy nghĩ hỗn tạp tiến vào cảnh giới không minh.

Tu luyện phải từ lúc nhỏ, bởi trẻ con tâm trí còn trong sáng, chưa nhiễm tục trần. Mỗi đứa trẻ sơ sinh có trong mình linh giác, so với giác quan bình thường nhạy cảm hơn bội phần, càng lớn lên thì linh giác mất dần, trở thành bình thường. Tu luyện từ sớm giúp linh giác không bị mai một, có thể duy trì trở thành một thần thông của người tu luyện. Diệp Vân từ nhỏ học võ, không chỉ giúp thân thể tráng kiện, kinh mạch mạnh mẽ, mà còn tạo thành tâm tính vững chắc, không bị trần tục nhiễu loạn, lại thêm linh giác nhạy bén, khiến cho nó có thể dễ dàng trong khởi đầu học đạo.

Là con nhà võ, Diệp Vân không lạ lẫm gì đối với các huyệt đạo và kinh lạc, cũng như phương pháp hít thở, vận khí, tụ khí, dẫn khí. Dù tu đạo, tu võ theo hai chiều hướng đối lập nhau, một đằng hấp thu linh lực từ bên ngoài vào bên trong cơ thể, một đằng sản sinh lội lực từ bên trong ra. Nhưng cả hai đều dựa trên nguyên tắc vận hành khí qua các đại huyệt và hệ thống kinh lạc như nhau, cho nên Diệp Vân không hề cảm thấy bỡ ngỡ.

Nó nhanh chóng khai mở các huyệt vị từ trong lòng bàn tay và bàn chân cho tới đỉnh đầu. Cảm giác thanh lãnh truyền vào lòng bàn tay, tựa như có dòng nước lạnh đi vào lòng bàn tay nó rồi chạy dọc theo kinh mạch tiến vào nội thể. Diệp Vân tâm thần không loạn, chuyên tâm dẫn dắt dòng linh khí này theo lộ tuyến kinh lạc mà sách đã hướng dẫn đi vào đan điền. Kinh lạc là ống dẫn, còn đan điền là bể chứa, linh khí đi theo kinh lạc được đổ dồn về đây. Linh khí mười phần vào tới đan điền chưa được một, Diệp Vân chưa kịp cảm ứng được gì thì chúng đã tan rã tiêu thất. Khai linh lần đầu tiên của hắn thất bại.

Diệp Vân kiên nhẫn thử lại, hai lần, ba lần, rồi năm lần linh khi vào đến đan điền không hề lưu lại chút gì. Luyện đến lần thứ mười chín, tinh thần của nó mệt mỏi, mồ hôi đã đổ ra nhễ nhại khắp áo lót, kinh mạch đã nhâm nhẩm đau nhức. Diệp Vân định thử lại lần nữa thì bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của Duy đạo sư. Không nghĩ lúc nó khai linh dẫn khí, đạo sư vẫn luôn để mắt đến nó.

Tô đạo sư nghiêm khắc nói: "Mỗi người dù khai linh thành công hay chưa, thì đều phải nhớ lấy tu đạo tuyệt đối không được dục tốc. Phải căn cứ vào tình trạng thân thể của mình mà biết điểm dừng. Mỗi lần chỉ tập cho đến khi thân thể chạm ngưỡng mệt mỏi thì thôi, không được cưỡng bức cơ thể vận hành nếu không hậu quả rất nghiêm trọng."

Diệp Vân biết đạo sư là đang cảnh tỉnh mình, thầm trong lòng cảm tạ. Nó vừa rồi quá nóng lòng mà muốn tu tập vượt quá chịu đựng của thân thể, đó là đại kị. Dù trong sách có ngăn cấm nhưng mà bản thân không tự chủ được sinh ra chấp niệm, may mà có đạo sư ngăn cản kịp thời. Đây chính là khác biệt nếu tự tu luyện và có đạo sư hướng dẫn, tự tu luyện rất dễ đi nhầm đường tổn hại chính mình. Nó không tiến hành khai linh nữa mà vẫn giữ nguyên tư thế xếp bằng, chiếu theo phương pháp trong sách tiến hành điều dưỡng hơi thở khiến cho tinh thần và kinh mạch được hồi phục.

Buổi học kết thúc, Diệp Vân lại đợi Ngô Kinh tan học về chung. Ở chung với nhau một thời gian, lại cùng đồng môn một hệ Phù Đạo, Diệp Vân cũng muốn kết thân với người bạn này. Ngô Kinh cũng không phải là người khó gần, ngược lại cậu ta khá dễ nói chuyện, chỉ là khó thân mà thôi.

"Hôm nay cậu học gì vậy?" Ngô Kinh hỏi. Diệp Vân đem kể lại về việc khai linh của mình. Ngô Kinh nghe xong nói: "Cậu đừng quá hấp tấp, việc khai linh có thể mất thời gian. Tớ năm đó cũng phải mười ngày mới khai linh được." Diệp Vân chính là rất quan tâm đến việc này, liền hỏi thêm Ngô Bình nhiều chi tiết nữa. Hai người vừa đi vừa nói chuyện, không lâu đã về đến kí túc xá.


---