Chương 97: Hương Tức Mặc
Thuyền xuôi dòng đến ngày thứ hai thì cập bến. Đoàn người lên ngựa để đến hương Tức Mặc. Nơi này có tổ miếu nhà Trần. Bách theo Thái Đường đến nơi, thấy chỗ này có một cung điện nguy nga, xung quanh có nước thủy triều chảy quanh, 2 bên bờ mọc đầy cây hoa, khí thơm ngát người, giống như cảnh tiên vậy.
Hắn bồi hồi không hiểu kiến trúc này thời của hắn biến đi đâu mất, thật là đáng tiếc. Đoàn người dừng chân ngoài tổ miếu, thấy nơi này canh gác sâm nghiêm. Thái Đường đến đây cũng phải xuống ngựa. Từ trong đi ra một vị võ tướng, tướng tá uy vũ, chắp tay:
- Nô gia bái kiến trưởng công chúa.
- Trần hiệu uý không cần đa lễ. Ta có việc qua đây, vào tổ miếu để thắp hương cho tổ phụ tiện thăm hỏi sức khoẻ của thúc thúc.
- Đại vương đã chờ trưởng công chúa trong điện. Mời trưởng công chúa.
Thái Đường đi vào bên trong, Bách và Trần Cung cũng chắp tay chào vị võ tướng. Hắn thủ lễ rồi mời vào. Bên trong tổ miếu hương khói lượn lờ, vô cùng uy nghiêm. Có một sân rộng rồi đến một kiến trúc chín gian rất lớn. Thái Đường bước qua cửa thì từ phía xa có một trung niên đi đến. Người này nhỏ bé, tướng tá hiền lành, có nét giống Thái tông. Thái Đường nhún chân chào:
- Thái Đường kính chào thúc thúc!
- Ôi cháu gái xinh đẹp của ta. Đã lâu không về cố hương rồi. Hoàng huynh thân thể có được khang kiện?
- Cảm ơn hoàng thúc quan tâm. Phụ hoàng con vẫn khoẻ.
- Tốt! tốt! Vậy Phụng Dương thì sao?
- Muội muội cũng vậy. Tam ca đối xử với muội muội rất tốt.
Người kia nghe Thái Đường nói thế thì thở dài:
- Ta nghe nói Quang Khải không bằng lòng về nó, con đừng dấu ta.
Thái Đường ngại ngùng, lại an ủi:
- Hoàng thúc không cần lo lắng, trong phủ tam ca có một người thiếp. Người này có sắc đẹp, lại biết chiều lòng người. Tam ca tạm thời yêu thích ả ta. Nhưng rồi cũng sẽ nhận ra thôi. Ả tiện nhân kia không thể lộng hành mãi được.
- Ta được giao trông coi tổ miếu, cũng không ở Kinh Thành, Phụng Dương đành nhờ con chăm sóc, đừng làm cho nó tủi thân.
- Thúc đừng lo lắng. Phụng Dương là người hiền lương thục đức, tam ca rồi sẽ nhận ra tình cảm nàng dành cho huynh ấy.
- Cũng chỉ mong là như vậy. Ta nay đã vô dụng rồi. Hư chức thì cứ cao lên mãi nhưng không còn ảnh hưởng trong triều. Chỉ còn ở đây cùng bọn quân Tinh Cương ngày ngày đánh cá. Chỉ tội con bé … Thôi con vào làm lễ tế tổ đi, ta đã chuẩn bị rồi.
Thái Đường vào tổ miếu, cung kính làm lễ thắp hương rồi lại ra nói chuyện với người trung niên. Người này là Trần Nhật Hiệu, chính là em ruột Thái Tông. Nhật Hiệu đã từng là thái uý coi sóc mọi sự trong nước. Khi Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, Nhật Hiệu còn được giao lưu thủ.
Nhưng người này quá nhát gan. Khi quân Nguyên tràn sang, Thái Tông ngự thuyền nhỏ đến thuyền Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc. Nhật Hiệu chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ "nhập Tống" lên mạn thuyền. Vua lại hỏi quân Tinh Cương ở đâu. Nhật Hiệu trả lời: "Không gọi được chúng đến".
Sau này khi đuổi được Thát Đát, Nhật Hiệu xấu hổ về sự nhát gan của mình, về trông tổ miếu cùng bọn quân Tinh Cương, không dám lên triều nữa. Trò chuyện một lúc, Nhật Hiệu hỏi:
- Ta nghe nói con về lần này còn có việc khác?
- Đúng vậy thưa hoàng thúc. Con đi cùng Tây Sơn Hầu, người này mấy hôm trước có phá giải được cái khoá ngàn năm của Cao Lỗ để lại. Bên trong có một bản đồ vị trí Cao gia ẩn náu. Nay triều đình muốn mời Cao gia nhập thế để giúp nước, trùng hợp là bản đồ này chỉ đến một địa danh là Nhân Sơn, có lẽ chính là núi Hình nhân. Ta theo lệnh Tông Nhân Phủ đưa hắn về đây để tìm người.
- Cao gia ư? Họ ở gần đây sao? Sao có thể như vậy được?
Nhật Hiệu hốt hoảng, rồi chợt bình tĩnh lại nhìn Bách thâm thuý:
- Người thanh niên giỏi lắm, trẻ tuổi mà đã có trí tuệ phá giải được bí mật ngàn năm của Cao gia. Ta cũng mong là các ngươi tìm được họ. Nhưng có một việc phải nhắc ngươi trước.
- Xin rửa tai lắng nghe.
- Ngươi đến núi Hình nhân làm gì thì làm, chỉ là không được động đến Bảo tháp ở núi Chương Sơn nghe chưa?
- Đã rõ thưa Đại Vương.
- Các ngươi đã đến đây thì cứ ở lại nghỉ ngơi đã. Núi Hình nhân đã không còn xa nữa. Dù sao bọn quân Thánh Dực chưa về đây lần nào. Để cho chúng cùng quân Tinh Cương bắt cá.
- Đa tạ đại vương!
Bách ra bên ngoài, hỏi Trần Cung, Nhật Hiệu nói như vậy là sao? Trần Cung cười hắn kiến thức nông cạn:
- Khi trước Thái tông có lệnh chọn người khỏe mạnh sung quân. Đinh tráng lộ Thiên Trường và Long Hưng sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên Cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng, lộ Khoái, lộ Trường An, lộ Kiến Xương sung vào quân Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác sung vào Cấm nội Cấm vệ. Như vậy Quân Thánh Dực bọn ta đến từ lộ Hồng và lộ Khoái, tất nhiên nhiều người chưa được đến Tức Mặc. Đại vương nói vậy là để Quân Thánh Dực giao lưu cùng Quân Tinh Cương đóng tại đây cho thêm tình khăng khít.
Bách ồ lên vỡ lẽ! Thì ra cơ cấu quân đội triều Trần còn có chỗ phức tạp như vậy. Hai trăm quân Thánh Dực tối đó được quân Tinh Cương tiếp đón chu đáo, chỉ hiềm là đang hành quân không được uống rượu, đành bì bõm bắt cá nướng ăn với nhau. Phải nói nhóm quân Tinh Cương chính là quân phát tích của nhà Trần. Chính là từ ngư dân mà ra, bơi lặn rất giỏi. Chúng thấy bọn lính bộ Thánh Dực bắt cá thì cười nghiêng ngả, tên nào tên nấy chỉ trỏ liên hồi. Không khí rất vui vẻ.
Hôm sau bọn họ hướng về phía Tây đển đến Hình nhân sơn. Nơi này cách Tức mặc chỉ năm chục dặm, có đường cái thẳng đến, chỉ mất nửa ngày. Muốn đi qua Hình nhân sơn thì phải qua núi Chương Sơn, nhưng Bách vẫn băn khoăn lời Nhật Hiệu nói, không lên núi mà đi thẳng.
Núi Chương Sơn cách Hình Nhân Sơn chỉ năm dặm. Đến nơi Bách lấy bản đồ ra xem. Theo bản đồ mô tả thì Núi Nhân Sơn ở giữa làm chỉ dấu, bên cạnh có hai núi nữa tạo thành hình tam giác nhưng không nói rõ tên hai núi này. Ở giữa ba núi có viết chữ Cao lớn.
Thái Đường chỉ vào chữ Cao nói vùng nay có vẻ giống với mô tả từ bản đồ, nhưng ở chân núi thì không xác định được rõ ràng vị trí, cũng chỉ có cách lên núi nhìn xem địa thế thế nào. Hắn sai quân lính đi tìm thổ dân. Được một lúc thì Trần Cung dẫn hai người đến. Hai người này nhìn nhỏ bé nhanh nhẹn, hắn hỏi thăm:
- Núi này tên gọi là gì?
- Thưa đại nhân, núi này là núi Hình nhân, tục truyền là nơi Tiên nhân xuống dạo chơi nên còn có tên là núi Tiên Sa.
- Trên núi này có gì?
- Dạ thưa, đây là núi thấp, từ xa xưa đã có người sinh sống. Trên núi hiện nay cũng không còn có ai ở nữa. Ta nghe các bô lão trong làng nói, đã từng đào được trên núi nhiều cổ vật bằng đồng.
- Vậy được, các ngươi dẫn ta lên đỉnh cao nhất của núi.
Hai người thổ dân dẫn đường, Bách và Trần Cung muốn Thái Đường ở lại nhưng nàng không nghe. Tâm trạng từ hôm trên thuyền có vẻ không được tốt, từ hôm đó rất ít nói chuyện với Bách. Đoàn người từ từ lên núi.
Đúng với tên núi là hình nhân, núi như một nét phác hình chữ "Nhân" có 4 đỉnh, đỉnh cao nhất chỉ chừng trăm trượng. Đường lên núi cây cối um tùm. Sườn phía đông có một khoảng đất tương đối bằng phẳng, rộng độ mấy trăm mét.
Đoàn người dừng ở phía sườn Đông, Bách thấy nơi này có dấu vết một kiến trúc không biết từ đời nào vì đã bị phá hủy từ lâu. Hắn đứng từ đây nhìn thẳng ra thì mừng rỡ. Đúng là giống như bản đồ rồi. Thái Đường bị cảnh vật cuốn hút, lúc này tay chỉ theo hướng đông:
- Kia chẳng phải núi Chương Sơn hay sao?
Lại chỉ chếch xuống phía nam một chút, hỏi bọn thổ dân:
- Núi kia là núi gì?
- Thưa công chúa, kia là núi Bảo Đài.
Bách nhìn kỹ lại, có lẽ hai núi này liền nhau một dải nhưng đúng là tạo với núi Hình Nhân này thành một tam giác. Thái Đường lại chỉ vào bản đồ nói với Bách:
- Nếu đúng theo bản đồ thì chỗ kia chính là nơi Cao gia trú ẩn.
Bách quay sang hỏi:
- Các ngươi là thổ dân ở đây, đã bao giờ nghe nói về Cao gia chưa?
- Thưa đại nhân chưa bao giờ nghe nói về nhà nào như vậy?
- Vậy chúng ta đến đây xem xét.